Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Tết Thanh minh và tục tảo mộ của người Việt

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước.

Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Con cháu dù làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tưởng nhớ tổ tiên và sum họp với gia đình.
Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất tổ. Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.
Phong tục làm cỏ các phần mộ (lễ tảo mộ), sửa sang, thắp hương, đặt hoa quả thành kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên là những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này.
Nguồn gốc tết Thanh minh
Tết Thanh minh được bắt nguồn từ Trung Quốc. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3.3 đến mồng 5.3 âm lịch hàng năm). Từ đó ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Từ thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi - bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi - bánh chay.
Tục Tảo mộ
Đối với người Việt, tết Thanh minh còn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3.3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Theo thông lệ từ trước đến nay, cứ sau tháng Giêng là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy... và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà. Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Ngoài tục lệ trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.Tết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân chúng ta. Nếu không có điều kiện trở về quê hương trong dịp Thanh minh này, xin hãy hướng về nơi thiêng liêng ấy, bởi quê hương đi theo chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách.
Theo Tạp chí Quê hương

Tết Thanh minh, nhớ những người đã khuất!

 - Theo quan niệm truyền thống của người Việt, “sống cái nhà, thác nấm mồ”, vì vậy nếu lúc sống có an cư mới lạc nghiệp thì khi chết, ai ai cũng được chôn cất đàng hoàng, mồ mả tử tế.


Ngày xưa, do tuyệt đại đa số người dân đều nghèo khó, thành thử hầu hết đều là mả đất, theo kiểu “cao nấm, ấm mồ”. Tuy mả đất nhưng nhờ được thường xuyên chăm sóc, tô bồi ít lắm cũng từ một đến hai lần trong năm vào dịp “Thanh minh trong tiết tháng Ba”, bắt đầu từ sau tiết Đông chí 106 ngày, và gần Tết, gọi “tỉnh tảo”.

Lễ Thanh minh ở Nam Bộ, tuy lác đác đó đây vẫn có đốt “xá phướn, lầu kho”, và rải “tiền âm phủ”, nhưng không quá “dữ dội” như một số nơi.


Miếu Âm Nhơn, núi Sam.

Còn về việc tu sửa mồ mả, dù bận rộn thế mấy hay vì cuộc sống phải đi làm ăn xa, vào những ngày cuối năm, muộn lắm cũng từ 20 – 22 tháng Chạp, ai cũng tranh thủ viếng cúng, giẫy cỏ mồ mả Ông bà. Nếu vì lý do nào đó con cháu không về được, lương tâm họ không thể không ray rứt!

Cảm thông tình cảnh ấy nên đến ngày 23 đưa ông Táo về trời, bà con cư ngụ xung quanh không thể để những nấm mồ kia cỏ rác mọc um tùm, nên tự làm thay con cháu, gọi “giẫy mả thí”. Điều đáng lưu ý là việc làm này chỉ diễn ra từ ngày 23 chứ không sớm hơn, bởi sau đó nếu con cháu về tới mà thấy có ai đó đã “giẫy mả thí” thì vô hình dung sẽ làm cho họ thêm buồn tủi mà thôi!

Mồ mả, trong tâm tưởng sâu kín mọi người, đó là một thứ vật thể đặc biệt có công năng kết nối quá khứ với hiện tại, rất thiêng liêng, nên con cháu không ai nỡ để cho mồ mả ông bà mình bị hư bể, lở sụp. Cho nên, khi mà con cháu không thất tán, không bị thiên tai hoặc chiến tranh tàn phá thì, mộ nào cũng vậy, cho dù đã lâu ngày, đến mấy chục năm thậm chí hàng trăm năm, vẫn nguyên vẹn, tròn trặn đẹp đẻ.

Nếu miêu duệ có điều kiện, họ không thể không cải tạo “mả đất” thành “mả đá” (nay tuy làm bằng xi măng, dân gian vẫn quen gọi là mả đá) để di tích vừa mỹ thuật vừa bền vững hơn cùng tuế nguyệt. Song song, mọi người đều thể hiện cao nhất sự chu toàn trong việc phượng thờ người quá cố (tại nhà), quanh năm khói hương không dứt…

Với mồ mả, người Nam Bộ không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn có ý thức bảo vệ rất cao, cho nên bất kỳ mồ mả của ai, cho dù vô chủ, họ đều xem như có cái gì đó rất thiêng liêng, thậm chí linh thiêng, bất khả xâm phạm.

Trong chôn cất hoặc cải táng (là chuyện bất đắc dĩ, thường do yếu tố khách quan như bị lở sụp, giải tỏa…) người theo đạo nào thì thường chôn trong nghĩa địa đạo ấy. Thí dụ, người theo đạo Thiên chúa thì chôn nơi “đất thánh”; người theo đạo Phật thì chôn gần chùa, vì đó là nơi thanh tịnh, sạch sẽ.

Cũng cần nói thêm, ở Nam Bộ hầu như không mấy ai quan tâm đến vấn đề phong thủy, cũng không thấy ai nhờ thầy địa lý tìm long mạch đặng dời mộ. Họ cho rằng làm như thế là “động mồ động mả”, con cháu làm ăn “cất đầu không lên”.


Làm miếu bán.

Để tỏ sự thương cảm những “oan hồn uổng tử”, người ta lập miếu thờ gọi miễu cô hồn, nói đủ là “cô hồn các đảng” (những người chết bất luận thuộc đoàn thể, phe phái nào), nói chung là những kẻ “bạc phước vô phần, xiêu mồ lạc mả”.

Đó là nơi thờ những người chết vì chiến tranh, hoặc do bão lụt, rừng thiêng nước độc, hùm tha sấu bắt mà thân chẳng toàn thây… Họ không mồ mả, không ai giỗ chạp, phượng thờ! Cám thương hồn ma vất vưỡng đầu đường xó chợ… người ta lập ra những ngôi miếu nhỏ để thờ chung, tỏ tình đồng loại.

Ta biết, miếu cô hồn là “miễu thí” nên quy mô thường là rất khiêm tốn, lại quạnh quẻ, nhưng đặc biệt, ở núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) miếu này khá to, hương khói thường nhật nên người dân gọi “nâng cấp” là “miếu” – “Miếu âm nhơn”.

Ngày trước, người đi ngang miễu/ miếu không thể không ngậm ngùi, xúc cảm, thường dừng lại thành khẩn thắp một nén hương để gọi là an ủi các âm hồn phần nào vơi bớt tủi phận. Có nơi người ta còn tổ chức lễ tế, đọc điếu văn, tuy đơn sơ nhưng nội dung thể hiện cao tấm chân tình với người đồng loại. Thí dụ như bài văn tế sau đây:

"Hỡi ôi! Quê hương đâu tá, tên họ là chi, oan khốc thay, mấy kẻ số hèn, phách quế mơ màng cơn nước lửa, ác nghiệp ở những người mạng bạc, hồn mai ngầy ngật lúc binh đao, kìa mấy kiếp ngậm van, sa xuống đất nọ ngàn đời nuốt thảm. Canh thìn trước e dè cơn gió dữ, dưới suối vàng biết mấy muôn mạng thiệt thòi. Giáp tuất trước chan chứa buổi mưa sầu, trong cung nước, biết bao hồn oan khúc.

Đã thương kẻ thịt xương chôn bụng sấu, lại đau người, hồn phách gởi răng hùm, dật dờ nội cỏ ngàn dâu, trải ngày tháng nào ai điếu tế. Ngơ ngẩn chân trời mặt bể, dầu sớm trưa ít kẻ quảy đơm. Cửa nhà nhờ hoa cỏ ngụ nương, cơm nước cậy gió mưa lần lựa.

Ôi! tay lưới luân hồi, giăng triêu cuốn tịch. Trái cân tạo hoá lọc tử lừa sanh, cầm ve thét tiếng thê bi, ca dế dạo cung ly biệt. Tai mắt cũng loài người, nên tưởng đến, dễ xuôi tín chủ động lòng thương. Chẩn tế này hương đốt thấu cùng chăng, khuyên với cô hồn soi lễ bạc. Hỡi ôi! Thương thay! Thượng hưởng!”.


Ảnh hưởng tập tục cúng tế của đạo Phật, xưa người ta thường cúng cô hồn bằng những thức cúng đơn mọn như gạo, muối, cháo hoặc bộ tam sên (thịt, trứng, tôm/ tép – mang tính tượng trưng), đặt ở khúc vắng, ngả ba đường, dưới bến sông... Có khi gởi theo những chiếc “tàu tống” làm bằng thân cây chuối, có cắm nhang, đem thả xuống sông, rạch mặc cho “tàu” trôi đi đâu thì trôi…

Lập miễu cô hồn, làm tàu tống… chính là một hình thức thể hiện tinh thần nhân bản buổi sơ thời của người nông dân quê mùa chân chất vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét