Trải qua hơn 300 năm lịch sử, làng Giếng Tanh thuộc xã Kim Phú, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vẫn lưu giữ được nét đẹp thuần khiết, bởi người dân ở đây cho rằng Giếng Tanh là linh khí của người Cao Lan. Để tìm hiểu tên gọi cùng những điều huyền bí xung quanh chiếc giếng cổ này, chúng tôi đã gặp các cụ chủ tế để hỏi chuyện.
Lịch sử tên gọi Giếng Tanh
Nằm giữa cánh đồng là đình làng Giếng Tanh của xã Kim Phú. Tên đình cũng trùng hợp với tên gọi của làng. Sở dĩ nó được gọi như vậy vì làng còn giữ một cái giếng cổ. Khi được hỏi về sự linh thiêng của đình và Giếng Tanh, một bà cụ đang thả trâu ở gần đó bảo: "Đình này thiêng nhất xã vì nó còn liên quan đến Giếng Tanh. Nếu các cháu muốn tìm hiểu thì cứ gặp cụ Hoàng Trường Vinh là rõ nhất. Cụ Vinh là thầy cúng, cũng từng làm chủ tế ở đình làng Giếng Tanh hơn 10 năm rồi".
Vì sự tò mò nên chúng tôi tìm đến nhà cụ Vinh để hỏi chuyện. Năm nay cụ Vinh đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Khi hỏi về lịch sử của giếng, cụ Vinh bảo: "Giếng Tanh được biết đến vào năm Bính Tuất (1706). Khi đó một số dòng họ của dân tộc Cao Lan xuôi về phương Bắc để tìm vùng đất mới sinh sống. Một hôm các cụ tổ nhìn thấy khu vực này bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây cối tươi tốt, đặc biệt có nguồn nước trong vắt nên họ lập bản rồi đặt tên làng".
Theo cụ Vinh, nhiều người không hiểu lại nghĩ rằng giếng làng là nơi bẩn thỉu hôi tanh. Tuy nhiên nước giếng không hề có mùi tanh như nhiều người vẫn nghĩ, bởi chữ "Tanh" (tiếng của người Cao Lan) là trong sạch, thuần khiết. Đó là nơi tích tụ nguồn nước tinh túy nhất cho cả một tộc người, vì giếng còn là chỗ để "gột rửa bụi trần". Bên cạnh đó, giếng cũng là nơi để chia sẻ những giá trị nhân văn cao đẹp.
Không riêng gì dân tộc Cao Lan, mà cộng đồng người Việt xưa cũng đều sử dụng giếng làng là nơi sinh hoạt chung. Qua các buổi gánh nước, họ còn bày tỏ nỗi lòng mình với những người xung quanh để cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đối với các chàng trai cô gái, giếng không đơn thuần chỉ là nơi tắm giặt, mà họ còn xem đây là chỗ để hò hẹn, tình tứ, thậm chí đã có nhiều người thành vợ chồng.
Giải thích thêm về tên gọi của giếng, cụ Vinh còn lấy những tư liệu lịch sử viết bằng chữ nho đưa ra cho chúng tôi xem. Cụ Vinh nói: "Đây là những tư liệu sưu tầm về lịch sử cũng như những giá trị văn hóa của làng, bởi người dân ở đây chiếm gần 100% là đồng bào Cao Lan. Theo sử sách ghi lại, trước đây giếng còn có tên khác là "Giếng Gianh", (nghĩa là giếng tranh giành nhau). Bởi xưa kia các thủ lĩnh của đồng bào Cao Lan đã phải đổ máu với quân cờ đen mới giành lại được giếng".
Những câu chuyện huyền bí
Để tìm hiểu những câu chuyện tâm linh xung quanh Giếng Tanh, chúng tôi còn tìm gặp ông Trần Văn Thành (62 tuổi) là chủ nhang của đình làng Giếng Tanh. Khi được hỏi chuyện, ông Thành bảo: "Thời kỳ Pháp thuộc, vùng này còn gọi tên là "Phủ Tham Sần" do ông quan tư của Pháp cai quản. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (1945), vùng này vẫn còn là nơi huyền bí, linh thiêng vì có rừng cây rậm rạp. Thậm chí có nhiều "ông chúa sơn lâm" nặng đến vài tạ thường xuyên xuất hiện. Do sợ hổ nên người dân phải chặt tre, rào cao 3 mét mới dám tắm, gánh nước ở giếng".
Theo ông Thành, vào những năm 1967 - 1969, cả làng đều dùng nguồn nước này sinh hoạt. Lúc đó giếng chỉ ghép 4 mảnh ván rồi đắp lên, chứ chưa xây dựng như bây giờ. Mặc dù vậy nguồn nước lúc nào cũng xanh như ngọc bích. Đặc biệt, nguồn nước này có thể dâng cao cách mặt đất 1,8 mét. Mãi đến năm 1971, người dân mới góp gạch để xây lại giếng. Hiện nay do nguồn nước sạch, dễ múc nên cứ đi làm đồng về là ông Thành lại chạy ra giếng tắm mà không cần phải dùng xà phòng.
Cũng bởi Giếng Tanh nằm ở khu vực "đồng không mông quạnh", nên nhiều lần ông Thành đi tắm một mình vẫn có cảm giác lạnh gáy. Bởi xưa kia cạnh giếng có một gốc vả cổ thụ. Có người bảo, cây vả này chính là nơi các thủ lĩnh Cao Lan đã treo quân giặc cờ đen lên đó để lấy thị uy. Ông Thành cao giọng bảo: "Chẳng biết cây vả này có linh thiêng thật hay không nhưng có một câu chuyện tôi vẫn còn nhớ. Hôm đó lúc chập choạng tối, khi tôi đi làm đồng về tự nhiên cảm giác như có ai đó đang kéo ngược về phía gốc vả cạnh Giếng Tanh. Tôi sợ quá chạy ù một mạch về nhà. Sau hôm đó, tôi không dám đi qua giếng lúc vắng người như vậy nữa".
Cũng theo ông Thành, cách đấy mấy năm, vào một đêm mưa lâm thâm, chính mắt ông nhìn thấy một bóng sáng to như cái thúng bay từ phía Giếng Tanh về đình làng. Thấy chuyện lạ, ông Thành liền chạy vào nhà gọi cụ cố ra sân để cùng xem. Rít một hơi thuốc lào, ông Thành kể: "Hôm đó không riêng gì cha con tôi xem được, ngay như gia đình ông Chiến Khang cũng thấy. Từ nhỏ tôi chưa từng nhìn thấy bóng sáng nào lại to như thế. Nhiều người bảo đó là do khí phốt - pho bốc cháy".
Nói về lịch sử của đình làng, ông Thành kể thêm: "Vào năm 1946, máy bay Pháp đã từng đánh phá đình làng. Mãi những năm 1980, đình mới được xây lại. Hiện đình thờ hai vị tướng của vua Hùng là "Đức vua cả Ngọc Sơn quân linh ứng đại vương" và "Đức vua cả Nghiêm Sơn trung chính lệnh ứng đại vương". Ngoài ra, đình còn thờ Quốc Mẫu Thiểm Hoa công chúa, các vị thần phụ trợ cho nghề nông phát triển như Thần Nông, Thần Thổ Địa, Long Vương và bà Lương Thị Hai".
Hiện cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, lễ hội đình làng Giếng Tanh được tổ chức. Trong lễ hội, dân làng thường tái hiện lại những nét sinh hoạt cổ xưa qua những điệu múa, như múa chim gâu, múa xúc tép, múa cờ, múa khai đèn… Nhạc cụ gồm: trống, chiêng, chuông, chập xeng, thanh la, kèn tổ sâu, sáo, nhị. Bên cạnh các điệu múa là trò chơi dân gian như kéo co, đánh yến, ném còn...
Nét đặc trưng trong hội đình Giếng Tanh là hát Sình Ca. Theo truyền thuyết, người sáng tạo ra các bài hát Sình Ca là nàng Lưu Ba (Lauslam). Mối tình trắc trở với người mình yêu đã thôi thúc nàng sáng tác thành nhiều tập hát ví (hát 36 ngày đêm không hết). Trong cuộc sống hôm nay, hát Sình Ca vẫn là nét sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu, cũng từ hội đình mà nhiều người đã nên vợ, nên chồng.
Có thể nói rằng đình và Giếng Tanh mang ý nghĩa đời sống tâm linh đối với bà con dân tộc Cao Lan. Hiện đình làng Giếng Tanh đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Tuyên Quang.
(Theo Minh Phượng/CSTA - CAND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét