(Dân trí) - Trời xanh, núi xanh, nước xanh soi bóng những đám mây xốp trắng lững lờ trôi tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Giữa mênh mông lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, giữa vẻ đẹp hoang sơ mà kỳ vĩ của núi rừng bỗng thấy con người thật nhỏ bé...
Đường vào công trình thủy điện Bản Vẽ ẩn trong mây.
Cuối thu, trời trong xanh, nắng vẫn trải vàng trên những sườn núi, nhuộm vàng những nương lúa của đồng bào. Những sườn núi như bức tranh ai đó vẽ vội, chỉ kịp phết lên những mảng màu của lúa, của sắn, của tre hay của những rừng cây nguyên liệu. Đường vào thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) trải nhựa với những khúc cua sẵn sàng thử tay lái của bất kỳ ai từ dưới xuôi lên. Những thung lũng như chất đầy những đám mây trắng xốp, mây trải ra khắp sườn đồi, quanh quẩn trên đỉnh núi rồi tràn cả xuống đường, quấn vào chân du khách.
Du khách xuống bến, cách chân đập thủy điện một quãng, bỗng thấy choáng ngợp trước sức mạnh của con người đã in dấu nơi đây. Dưới mênh mông nước kia, trước là những bản làng, những khe suối, những sườn núi, những rừng cây… Giờ đây, tất cả đã nhường chỗ cho công trình thủy điện lớn nhất Nghệ An.
Mực nước dâng cao, công trình thủy điện này trở thành một trong những địa điểm “hút’” khách du lịch, nhất là những bạn trẻ mê “phượt” và giới nhiếp ảnh. Với 50 nghìn đồng mỗi người, chúng tôi theo thuyền rẽ sóng đi sâu vào lòng hồ.
Một góc công trình thủy điện Bản Vẽ.
Nước mênh mông, cảm giác như mây trời, đồi núi và mặt hồ nối liền với nhau bằng một màu xanh bất tận. Mặt hồ trải rộng ra, đồi núi hai bên hằn những ngấn sẫm màu, trơ trụ cây cỏ sau những lần thủy điện tích nước. Thuyền chạy vút qua những thân cây khẳng khiu nhô lên khỏi mặt nước như cố chứng tỏ sự tồn tại của mình ở đây. Những thân cây chỉ còn lõi gỗ, trắng hếu, khẳng khiu gầy guộc soi bóng xuống mặt hồ.
Thuyền rẽ sóng lướt qua những ngôi nhà nổi dựng nơi mép nước. Đó là nơi trú ngụ của những hộ dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt cả ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Những tấm lưới treo gọn gàng bên liếp, người phụ nữ ngồi dõi mắt ra mặt hồ, bên cạnh là ông chồng đang say giấc ngủ. Kế bên, chiếc vó lớn đang được nhấc lên lưng chừng mặt nước rồi dừng lại. Dường như những bon chen, bận rộn của cuộc sống hiện đại đã bị mắc kẹt lại ở ngoài bến, chẳng thể tác động đến cuộc sống bình lặng của người dân vùng lòng hồ.
Khám phá lòng hồ thủy điện Bản Vẽ cần phải có những người lái thuyền thiện nghệ và gan dạ.
Thuyền đang chạy băng băng bỗng khựng lại bởi mặt nước phủ kín nhưng thân cây gỗ mục. Sau trận mưa lớn, những thân cây, những khúc gỗ mục bị nước cuốn xuống khe suối rồi “tống” hết ra hồ. Bác lái thuyền tắt máy, khách cũng phải xắn một tay để gạt gỗ tạo lối cho thuyền đi. Vượt qua bãi gỗ, thuyền tăng tốc chạy băng băng. Bỗng chân vịt chém trúng thân cây ngầm dưới mặt nước, thuyền mất phương hương, lao thẳng vào thân cây gỗ lớn cách bờ tầm 2m. Những người yếu bóng vía la hét hoảng sợ. Người đàn ông ngồi ở mũi thuyền vụt đứng dậy, đạp thẳng vào gốc cây, con thuyền chòng chành rồi bẻ ngoặt ra. Hú vía...
Chỉ cách một quãng đường chạy thuyền hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng cuộc sống của người dân Khơ-mú, Thái, Mông dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống đơn giản có phần hoang sơ của người dân các bản làng nằm sâu trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lại ẩn chứa những bí ẩn cho du khách khám phá.
Để rồi, trong ánh hoàng hôn nhuộm tím chân trời, nhấp chén rượu men lá, thưởng thức vị thơm ngọt của món lạp cá - đặc sản được chế biến từ những con cá bắt ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ cùng với lá dâu da rừng và những gia vị riêng có người Khơ-mú - du khách sẽ chẳng nỡ rời chân đi.
Vẻ đẹp lòng hồ thủy điện Bản Vẽ do PV Dân trí ghi lại:
Mây trời, đồi núi, mặt hồ nối nhau bằng một màu xanh...
Những gì sót lại của khu rừng già khi thủy điện ngăn dòng tích nước.
Những "bức tranh" được vẽ từ những thân cây khô...
Những ngấn nước còn lưu lại trên sườn núi sau những lần tích nước để phát điện.
Con người như nhỏ bé hơn giữa mênh mông rừng và nước.
Một khu nhà nổi mới hình thành bên mép nước.
Ở đó có cuộc sống đơn sơ và bình yên
Khung cảnh lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đẹp như một bức tranh.
Một cặp vợ chồng người Khơ-mú ở bản Xốp Cháo (Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) vượt lòng hồ ra thị trấn.
Du khách khám phá lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Những em nhỏ theo mẹ vượt lòng hồ đi học chữ.
Lái thuyền cho du khách khám phá vẻ đẹp lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trở thành một nghề mới ở nơi đây.
Hoàng Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét