Cư dân vùng biển bãi ngang ở huyện Đức Phổ thường trồng cây lưỡi long quanh hàng rào vườn nhà.
Loại cây này với những chiếc nhánh non mơn mởn, nhỏ hơn bàn tay vươn lên xanh tốt mặc cho “nắng chói chang về làm rát bỏng bàn chân”. Nhiều người xem lưỡi long như một loại rau dùng để xào, kho chung với cá và nấu canh với các loại cá biển, đặc biệt là với cá thửng.
Trời yên biển lặng, những ngư dân thong thả chèo thúng ven bờ biển để câu cá thửng với thân tròn, dài khoảng gang tay. Cá vừa câu lên khỏi mặt nước vẫn còn tươi rói khoe lớp vảy sáng lấp lánh dưới nắng. Dùng dao chặt vi, móc mang, cạo vảy rồi mổ ruột, nạo bỏ gân máu dọc theo sống lưng và cắt khúc ngắn vừa ăn.
Nguyên liệu chủ yếu để nấu canh lưỡi long với cá thửng. |
Dạo quanh hàng rào bẻ dăm nhánh lưỡi long rồi dùng dao gọt bỏ những nốt u quanh thân, rửa sạch và thái thành sợi mỏng. Nhấc nồi nước lên bếp đun sôi rồi cho cá thửng vào cùng với ít muối hạt và vài lát ớt thái mỏng để khử mùi tanh của cá.
Khi cá vừa chín tới thì cho lưỡi long thái sợi vào nồi dùng vá đảo nhẹ. Tiếp đến, thêm ít muối, đường, bột ngọt cho vừa ăn cùng với rau thơm thái nhỏ rồi nhấc xuống khỏi bếp thế là đã có món canh lưỡi long nấu với cá thửng đậm đà hương vị. Gắp cá ra đĩa đặt cạnh chén nước mắm pha chanh, đường, ớt, tỏi; tô canh lưỡi long nhơn nhớt cứ sóng sánh như mời gọi.
Vị ngọt từ thịt cá xen lẫn với vị chua dịu từ lưỡi long, phảng phất hương thơm của rau hòa cùng với vị mặn của mắm, vị cay của ớt… cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Thưởng thức canh rau lưỡi long với vị chua dịu và mát lạnh khiến bao mỏi mệt dường như tiêu tan, bữa cơm gia đình thêm phần ấm cúng. Con trẻ nhanh nhảu đưa chén xới thêm cơm rồi xì xụp húp canh trước ánh mắt vui cười của bố mẹ…
Với những người dân quê nghèo, chỉ mươi ngàn đồng là đã có nồi canh chua dịu và mát lạnh cả cõi lòng. Chén canh phảng phất hương vị của biển từ cá và nồng nàn nắng gió miền cát từ lưỡi long, khiến những người con xa quê chợt bồi hồi mỗi khi được thưởng thức.
Theo báo Quảng Ngãi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét