Đội kèn nữ xã Hải Bắc có một không hai của cả nước (ảnh tư liệu).
Làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, Hải Hậu), làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, Nam Trực)... vốn là những làng quê thuần nông, điều kiện còn nhiều khó khăn song nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng qua nhiều thế kỉ. Càng đặc biệt hơn khi người nông dân nơi đây còn thú chơi sang độc đáo “có một không hai”: Đam mê tiếng kèn tây (còn gọi là kèn đồng).
Những đội kèn nông dân có “một không hai”
Chúng tôi có dịp tìm về mảnh đất Thành Nam - nơi còn lưu giữ những chuyện lạ giữa đời thường. Một trong số đó là câu chuyện về tình yêu với chiếc kèn đồng đến ly kì, khó tin.
Sẽ không quá khi nói rằng, về những địa phương như Phạm Pháo và Báo Đáp thứ âm thanh dễ được nghe nhất chính là tiếng kèn đồng. Đơn giản, hầu như gia đình nào tại làng cũng có thành viên biết sử dụng kèn đồng và có cây kèn đồng trong nhà. Tại Nam Định hiện có trên 200 đội kèn đồng, đội ít là 30 tay kèn, đội nhiều lên tới hàng trăm thành viên. Nhiều du khách về đây còn phải ngạc nhiên vì chưa từng thấy đội kèn nào đông đến vậy, nhất là khi thành viên của đội kèn lại là những người nông dân chân lấm, tay bùn mê tiếng kèn.
Là công xưởng của nghề làm kèn tây tại Nam Định, Phạm Pháo cũng duy trì đội kèn với số lượng thành viên lên tới hàng trăm người, tất cả đều là nông dân. Ông Nguyễn Văn Định - một thợ kèn có tiếng tại làng - hóm hỉnh: Ở làng, từng có giai thoại kể, khi đội kèn Hợp Nhất đồng loạt vang lên làm cả đàn cá ở hồ gần đó quẫy vọt lên bờ vì sợ hãi. “Đến nay, đây vẫn là đội kèn đông thành viên nhất của cả nước và luôn khiến nhiều đội khác phải nể phục”, ông Định cho biết.
Ở Phạm Pháo, Báo Đáp hay nhiều ngôi làng yêu tiếng kèn đồng khác đất thành Nam, trẻ em đều biết sử dụng kèn đồng.
|
Dù không phải là “xưởng” sản xuất kèn như Phạm Pháo, nhưng Báo Đáp lại được biết đến là nơi người nông dân “cuồng” tiếng kèn tây hiếm có. Đến Báo Đáp, không khó để chứng kiến một cụ già 70 - 80 đến các cháu nhỏ lớp 1 - 2 say mê bên những chiến kèn tây từ trong nhà ra ngoài làng.
Ông Nguyễn Văn Điềm - người được tôn là thầy dạy nhạc của các thế hệ trong làng - vẫn nhớ như in những thế hệ học trò từng kinh qua lớp học đặc biệt của ông. Ông kể, lớp học thường không cố định, khi thì ở nhà văn hóa thôn, cũng có khi tại nhà ông..., nhưng dù học ở đâu, các học viên với đủ mọi lứa tuổi đều say mê với cây kèn.
Vào thời điểm mùa hè, học sinh thường tập trung và đến nhờ ông dạy kèn. Từ sáng đến tối muộn, khắp làng vang lên những âm thanh phồm phộp, phèn phẹt. Những học trò của ông lớn lên, không phải ai cũng có điều kiện học hành, nên nhiều người đã ở lại quê hương và trở thành thành viên của đội kèn tây nông dân. “Họ là những người nông dân chân lấm, tay bùn, song khi cầm kèn, họ là những nghệ sĩ thực thụ của chúng tôi”, ông Điềm tự hào.
Càng độc đáo hơn, khi xã Hải Bắc (huyện Hải Hậu) còn duy trì đội kèn nữ nổi tiếng với số lượng thành viên là 50 người. Cũng giống như các đội kèn khác, thành viên trong đội kèn nữ 100% là nông dân và say mê tiếng kèn đồng. Chị Nguyễn Thị Bích - một thành viên trong đội kèn - cho biết, ở làng gần như nhà nào cũng có thành viên trong đội, thậm chí “gia đình nào không có người trong đội kèn thì bị coi là thua kém hơn”.
Gia đình ông Nguyễn Duy Đông sinh 10 người con với mục đích có người để làm kèn và thổi kèn. |
Bán nhà, sinh đông con vì yêu... kèn tây
Nói về lịch sử của của chiếc kèn đồng tại làng Phạm Pháo, ông Nguyễn Văn Bắc - một cao niên tại làng - cho biết, lúc đầu kèn đều mua từ nước ngoài. Về sau, nhiều thợ kèn ở làng đã mày mò, tự tháo những chiếc kèn do nước ngoài sản xuất để học sửa kèn, làm kèn đồng. Ban đầu, chỉ có khoảng gần 10 gia đình trong làng theo nghề làm kèn. Nhưng khoảng chục năm gần đây, nhờ phong trào thổi kèn đồng phát triển mạnh nên hơn 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, hình thành “công xưởng” làm kèn lớn nhất ở Nam Định và cả nước.
Theo kinh nghiệm của các thợ kèn lâu năm tại làng, trong quá trình chế tác, khâu khó nhất là chế tạo quả pháo. Vì vậy, người chế tạo bộ pháo ngoài đôi tay tài hoa còn phải có kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là phải có đôi tai “đọc” được nhạc. Điều lạ ở làng làm kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công, bởi theo lí giải của các thợ nghề “công đoạn đánh bóng, tạo âm đều được làm bằng tay của người thợ kèn, có như vậy thì tiếng kèn mới chuẩn âm”.
Cũng hiếm có nơi đâu tình yêu với tiếng kèn đồng được người dân thể hiện bằng những hành động rất lạ mà cũng rất... hợp lí. Gia đình ông Nguyễn Duy Đông (làng Phạm Pháo) nổi tiếng ở làng vì đông con (10 người con), theo ông, lý do là là để... có người cùng làm kèn. Đây cũng là cơ sở làm kèn lớn nhất của tỉnh Nam Định hiện nay.
Hay câu chuyện về ông Đinh Văn Mạnh (xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường) - một trong những nghệ nhân làm kèn đồng lâu năm nhất tại Nam Định và cũng là tác giả của chiếc kèn đồng khổng lồ từng ghi danh kỉ lục Việt Nam năm 2005. Chiếc kèn nặng tới 3 tạ, dài 5,5m, loa kèn rộng 1,25m, hiện được trưng bày tại Tòa giám mục Bùi Chu. Nhiều du khách nước ngoài từng về đây thăm quan phải xuýt xoa: Đây là chiếc kèn có kích cỡ lớn nhất thế giới mà họ từng được biết đến!
Lại có chuyện nhiều gia đình yêu vì quá yêu kèn tây, mong muốn con cái được đào tạo bài bản nên đã bán nhà, bán đất để cho con theo học. Ông Nguyễn Văn Tạo - một cao niên tại Báo Đáp - nhớ lại: Cách đây hơn chục năm, do điều kiện còn nhiều khó khăn, giá của một cây kèn đồng tốt với người nông dân vẫn là điều quá sức, nhưng vì đam mê tiếng kèn tây, lại mong muốn con cái biết được một loại hình âm nhạc độc đáo, nhiều gia đình đã bán nhà, đất để mua kèn tây và cho con theo học trường lớp bài bản.
“Trường hợp gia đình bán đất, bán nhà cho con học nhạc là điều không hiếm gặp ở Báo Đáp. Nhiều cháu sau này đã theo học Nhạc viện Âm nhạc Việt Nam và thành tài đấy”, ông Tạo tự hào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét