Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Đậm đà hương vị bánh đúc Đồng Quan

TTO - Nằm nép mình bên dòng sông Thương thơ mộng, thôn Đồng Quan từ lâu đã được nhiều người nhắc đến với loại bánh mộc mạc mang hương vị đặc trưng riêng có của vùng đất này. Đó chính là bánh đúc.
Bánh đúc Đồng Quan ngon nhất khi ăn với tương bần - Ảnh: Hoàng Hân
Bánh đúc Đồng Quan ngon nhất khi ăn với tương bần - Ảnh: Hoàng Hân
Đi dọc đất nước từ Bắc vào Nam, rất nhiều món ăn dân dã nhưng mang đậm hồn dân tộc, là niềm tự hào của nền ẩm thực Việt Nam. Bánh đúc cũng là loại bánh như vậy.
Nếu đã một lần đến với Đồng Quan (xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang, Bắc Giang) và được nếm thử món bánh đúc của chính người dân nơi đây làm ra, chắc chắn lưu lại trong lòng khách phương xa cái hương vị của món bánh dân dã nhưng đặc biệt này.
Là một loại bánh được làm từ bột gạo và lạc, bánh đúc có mặt hầu hết ở các làng quê Việt Nam, tuy nhiên hương vị mỗi vùng đều khác nhau và để trở thành một thứ đặc sản mang một hương vị khó quên thì không phải nơi nào cũng có được.
Thôn Đồng Quan có nghề làm bánh đúc gia truyền từ lâu đời và cho đến nay bánh đúc làng Đồng Quan đã đạt đến trình độ tinh tế.
Tuy làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng để cho ra những mẻ bánh đúc ngon và mang một hương vị đặc trưng riêng, bà con nơi đây phải chọn lọc kỹ càng từ nguyên liệu, tỉ mỉ từng khâu chế biến. 
Chiếc bánh đúc trắng ngần, điểm thêm những hạt lạc hồng béo bùi - Ảnh: Hoàng Hân
Chiếc bánh đúc trắng ngần, điểm thêm những hạt lạc hồng béo bùi - Ảnh: Hoàng Hân
Gạo được chọn làm bánh phải là loại gạo tẻ ngon, thơm và dẻo. Không được mang gạo đi xay ngay mà phải vo sạch và ngâm 2 - 3 ngày cho mềm. Mỗi ngày thay nước một lần, đến khi bóp thấy hạt gạo mềm ra mới đem xay.
Bánh đúc nấu với nước vôi trong. Vôi được hòa vào nước và gạn lấy nước trong, sau đó hòa với bột gạo để nấu bánh.
Khi bắt đầu nấu phải chuẩn bị một chiếc nồi có tráng lớp mỡ để khuấy bánh dễ dàng và không bị dính. Theo người dân nơi đây, khó nhất là phải canh lửa cho đều. Bột được cho vào nồi và được người nấu khuấy đều tay dẻo, quánh và mịn.
Đây là công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi người nấu bánh phải khéo để cho ra những mẻ bánh ngon. Khi bột gần chín thì đậy vung, tắt lửa, om trên bếp một lúc rồi cho lạc rang vào. Sau đó, đánh bột tiếp cho thật quánh, thật dẻo để các nguyên liệu hòa trộn vào nhau.
Cuối cùng là đổ bánh ra mẹt lót lá chuối tươi để có tấm bánh to tròn hoặc đổ vào bát để có tấm bánh nhỏ vừa ăn.
Bánh đúc chấm tương bần ngon tuyệt - Ảnh: Hoàng Hân
Bánh đúc chấm tương bần ngon tuyệt - Ảnh: Hoàng Hân
Nhìn những tấm bánh trắng hồng anh bạn mang cho nếm thử, tôi đã thấy cực kỳ hấp dẫn. Những chiếc bánh nhỏ xinh, trắng ngần điểm những hạt lạc hồng lôi cuốn người ăn.
Bánh mang vị lạc, nồng nhẹ của mùi vôi và theo anh bạn quê Đồng Sơn thì có thể kết hợp ăn với nhiều thứ, từ mật đến riêu cua, mắm tôm... nhưng hợp nhất và ngon nhất có lẽ chỉ có tương bần.
Sẵn có chai tương bần đặc sản chùa La, tôi không thể chờ thêm, rót ra ngay để thưởng thức. Chấm miếng bánh trắng ngần với tương bần, cảm nhận vị ngọt của gạo, mát của bánh, nồng nhẹ của vôi, béo bùi của hạt lạc hòa quyện cùng hương vị mặn mòi của tương lưu luyến.
Chả vậy mà anh bạn tôi hay nói bánh đúc chấm tương bần là nỗi niềm, là nhớ thương của mỗi người con Đồng Quan xa quê...
HOÀNG HÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét