Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Con đường hải thương đất Việt

Những quốc thư đặc biệt



Nishimura cùng Noriko và các con trên đèo Hải Vân - Ảnh: nhân vật cung cấp
Nishimura cùng Noriko và các con trên đèo Hải Vân - Ảnh: nhân vật cung cấp
​ Những thứ chìm sâu dưới lòng đất đã kể lại con đường hải thương nối liền hai quốc gia xa xôi, cũng như chứng minh Biển Đông của nước Việt nằm trên hải trình mở rộng từ Âu sang Á từ nhiều thế kỷ trước”. (TS Noriko)
Buổi sáng đầu đông bên bờ sông Hồng lịch sử, TS Noriko, nhà khảo cổ người Nhật nhiều năm gắn bó với VN, say sưa tâm sự với tôi về lý do vợ chồng mình mê đắm nước Việt.
Trước khi cô đến Hà Nội, giáo sư Nishimura về sau là chồng cô đã lang thang tại các di chỉ khảo cổ VN từ nhiều năm trước. Rồi khi chồng qua đời vì tai nạn trên đường thực địa, Noriko vẫn ở lại đất nước đã trở thành quê hương thứ hai...
Sứ đoàn Nhật đến VN
Noriko tâm sự: “Chính những bằng chứng khảo cổ học ở các viễn xứ như Nhật Bản và những gì tìm thấy trong lòng các con tàu đắm đã minh chứng rõ ràng về con đường hải thương ở Biển Đông và tầm nhìn đại dương của người Việt”.
Chúng góp phần bác bỏ luồng ý kiến cho rằng các triều đại quân chủ nước Việt quay lưng lại với biển và luôn đề phòng kẻ lạ đến từ biển.
Vừa tâm sự, Noriko vừa mở công trình nghiên cứu chỉ tôi xem ảnh các cổ vật nước Việt được tìm thấy tại nhiều di chỉ khảo cổ ở Nhật. Đó là những chiếc bình nước, những cái vò, tô, bát, đĩa... Cái còn nguyên vẹn, cái đã vỡ theo thời gian.
Chúng được bàn tay thủ công của tổ tiên người Việt xưa sản xuất từ gốm hoa lam, gốm men trắng, men ngọc hoặc vẽ thêm màu sắc rất tinh xảo. Trong nhiều địa chỉ có cổ vật gốm sứ VN ở Nhật, những nhà nghiên cứu đã tập trung sự chú ý vào tỉnh Okinawa, tức vương quốc Ryukyu ngày xưa. Đây chính là một trong nhiều khu vực đã tìm thấy sự có mặt rất nhiều hàng hóa nước Việt từ thế kỷ 14 - 15...
Đặc biệt, trong thư tịch cổ Ryukyu cũng phát hiện một lá quốc thư do chính nhà vua Chuzan gửi triều đình nhà Lê nước Việt. Quốc thư đề ngày 9-10 năm Chính Đức thứ tư, tức ngày 20-11-1509, thời gian vua Lê Uy Mục ngồi ngai vàng. Quốc thư này được lưu giữ trong bộ thông sử Reikidai Hoan vương triều Ryukyu. N
ội dung tỏ lời cảm ơn trịnh trọng và đặc cử sứ đoàn 130 nhân vật quan trọng sang nước Việt. Năm 1969, Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Trung tâm Đông - Tây, Honolulu, Mỹ đã dịch quốc thư này sang tiếng Anh và được chuyển ngữ tiếng Việt:
“Vua Trung Sơn, vương quốc Ryukyu, bằng phép lịch sự và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Nay đặc phái chánh sứ đại nghị đại phu Trịnh Cửu (Tei Kyù), phó sứ Mã Sa Giai (Masakai), thông dịch viên Trịnh Hạo (Tei Kò) và những người khác, cầm văn thư chính thức này cùng đi trên thuyền mang ký hiệu chữ Tín (Hsin).
Trên thuyền chở theo 1 vạn cân lưu huỳnh, 1 bộ áo giáp sắt có bản mạ đồng đan xen kẽ bằng dây với những tấm da thuộc bản nhỏ màu xanh, 2 thanh kiếm ngắn có vỏ sơn mài đen khắc nổi rồng vàng, 6 thanh kiếm ngắn có chuôi mạ vàng, 2 thanh kiếm dài có vỏ sơn mài đỏ khảm vàng và xà cừ, 2 cây thương có vỏ sơn mài đen khảm vàng và xà cừ, 4 cây cung làm bằng gỗ dâu nuôi tằm, 120 mũi tên đầu mạ vàng đuôi gắn lông chim ưng, 100 súc vải bông gồm các màu khác nhau và 2.000 cân sắt chưa luyện.
Tất cả những vật trên là để dâng tặng đức vua vạn tuế của vương quốc An Nam. Ngoài ra không có văn thư nào đặc biệt cho thành viên phái đoàn này vì thật tình chúng tôi sợ phái đoàn có thể bị quan chức địa phương khám xét và gây trở ngại bất tiện.
Vì vậy, triều đình chúng tôi đã cấp chấp chiếu này có đóng ấn nửa chữ Huyền (Hsuan) và nửa số hiệu 176 cho chánh sứ đại nghị đại phu Trịnh Cửu cùng những người khác mang theo trước khi lên đường. Trong trường hợp nếu quan viên ở cửa quan nơi thuyền cập bến hay quan quân ở vùng duyên hải dọc đường khám xét, xin vui lòng để cho phái đoàn được đi ngay không chậm trễ và xin hãy trả lại chấp chiếu này cho phái đoàn của chúng tôi.
Sau đây là danh sách những người trong phái đoàn: một chánh sứ, chánh nghị đại phu Trịnh Cửu (Tei Kyù). Phó sứ, hai người: Mã Sa Giai (Masakai), Lương Quỳ (Ryò Ki). Thông dịch viên chính, một người: Trịnh Hạo (Tei Kò). Thông dịch viên phụ, một người: Lương Tuấn (Ryò Shun). Thuyền trưởng, một người: Ô Thị (Ushì). Hoa tiêu, một người: Cao Nghĩa (Kò Gi). Tổng số người trên tàu, kể cả thủy thủ là 130 người.
Ngày 9-10 năm Chính Đức thứ tư (20-11-1509)”.
Không chỉ các nhà khảo cổ Nhật mà giới nghiên cứu lịch sử VN cũng thú vị khi “giải mã” quốc thư này. Cổ ngữ ngoại giao đã khẳng định cách đây sáu thế kỷ, nước Việt và Nhật đã có liên hệ thâm giao. Phải có sự trao đổi hàng hóa, giao lưu con người từ trước đó, quốc vương Ryukyu mới phái hải thuyền đến trao thư cảm tạ và tặng phẩm.
Một lá thư triều Nguyễn gửi cho Nhật Bản để kết nối giao thương - Ảnh tư liệu
Một lá thư triều Nguyễn gửi cho Nhật Bản để kết nối giao thương - Ảnh tư liệu
Nỗ lực giao thương của nhà Nguyễn
Trải dài suốt các thế kỷ 16-17, con đường hải thương giữa VN và Nhật Bản ngày càng mở rộng, nhộn nhịp hơn. Các thuyền công vụ và hải thương Nhật Bản không chỉ cập bến Đàng Ngoài của triều đình nhà Lê, mà còn xuôi dòng gió Bắc tiến xuống phía Nam thắt chặt quan hệ với chúa Nguyễn. Xứ Đàng Trong này không chỉ có nhiều tài nguyên để mua bán mà còn có rất nhiều chính sách cởi mở thuận lợi cho giao thương quốc tế.
Năm 1601, Chúa Nguyễn (hiện có hai luồng nghiên cứu cho rằng thư này là của Chúa Nguyễn Hoàng hoặc con trai là Chúa Nguyễn Phúc Nguyên làm tổng trấn Quảng Nam lúc ấy) đã gửi thư cho tướng quân Tokugawa Leyasu, Nhật để giải thích sự hiểu lầm và mong muốn tiếp tục thông thương:
“... Trước đây ngài đã sai Bạch Tân Hiển Quý (Shirahama Akitaka) đưa thuyền đến buôn bán, thông thương giao hảo, lại ban cho thư từ. Viên đô đường trấn nhậm trước đây đã có thư hồi đáp. Nay ta mới nhậm chức đô thống nguyên soái, muốn hai nước vẫn giao thương như trước đây. Nhưng chẳng may vào tháng 4 năm ngoái (năm Ất Dậu, 1600), quý thuyền ở cửa biển Thuận Hóa bị sóng gió hư hại chẳng biết cậy nhờ ai. Quan đại đô đường ở Thuận Hóa lại không biết được giao thương tốt đẹp của quý thuyền, mà gây tranh chấp. Chẳng may quan đô đường lỡ việc mà chết. Các tướng súy đem quân báo thù, luôn muốn giết chết Hiển Quý. Ta nghe tin này hối tiếc quá chừng. Năm ngoái ta vâng lệnh thiên triều đến vùng này, thấy Hiển Quý vẫn còn ở lại bản quốc. Ta muốn cho thuyền đưa trở về nước, ngại vì thời tiết không thuận kéo dài mãi đến hôm nay. May thấy thương thuyền của quý quốc lại đến...”.
Trong thư, Chúa Nguyễn còn đề tặng phẩm kỳ nam nặng 3 cân 10 lượng, 3 tấm lụa trắng, 10 bình sữa ong chúa, 100 cây gỗ lôi, 5 con chim khổng tước. Giúp Hiển Quý về nước, ông cũng ghi cần Nhật trợ giúp khí giới.
Trong thư đáp lễ, tướng quân Leyasu đã tự trách thương nhân mình hung hãn và cảm tạ lòng nhân từ của Chúa Nguyễn.
Gửi kiếm quý làm quà, ông cũng không quên dặn dò Chúa Nguyễn các hải thuyền Nhật sau đến đều phải có ấn thư làm tin để giao thương...
__________
Các châu ấn thuyền Nhật Bản băng qua Biển Đông đầy bão tố đã chở đến nước Việt những hàng hóa gì và tìm mua được sản vật nào để đem về?


Châu ấn thuyền ghé bến Việt Nam



TT - Nhiều thế kỷ đã trôi qua với bao biến động thời cuộc, Phố Hiến ở Hưng Yên và đô thị cổ Hội An vẫn lưu dấu vết thương khách Nhật xưa. 
Một ngôi mộ cổ của thương nhân Nhật ở Hội An - Ảnh: Tấn Vũ
Một ngôi mộ cổ của thương nhân Nhật ở Hội An - Ảnh: Tấn Vũ
So với nhà buôn phương Tây từng có mặt ở đây, có lẽ người Nhật để lại dấu tích rõ ràng hơn hẳn. Không chỉ trong thư tịch úa màu thời gian, người ta còn tìm thấy tại các bãi khảo cổ rất nhiều đồ vật liên quan đến người Nhật.
Bên nấm mộ thương khách Nhật
Một buổi chiều giao mùa ở Hội An, chúng tôi được người cao tuổi địa phương chỉ dẫn viếng thăm những ngôi mộ cổ của người Nhật trên cánh đồng rau Cẩm Châu.
Bên bia đá của nấm mộ thương nhân Tani Yajirobei mất năm 1647 còn ghi thêm dòng chữ đầy xúc cảm: “Ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời...”.
Trong ba ngôi mộ Nhật hiện còn nguyên vẹn ở nơi từng là thương cảng sầm uất này, ông Banjrio mất sớm nhất với tấm bia đá đề năm 1629.
Người mất muộn hơn là thương nhân Gu Sikukun, năm Kỷ Tỵ 1689. Có nguồn thư tịch cổ cho rằng đây chính là vị trưởng phố Nhật cuối cùng ở Hội An, ông đã chọn ở lại và qua đời tại đây.
Trong các thư tịch cổ Nhật Bản và VN, châu ấn thuyền Nhật vượt Biển Đông tìm đến nước Việt nhiều nhất là từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17.
Nghiên cứu của giáo sư Iwao Seiichi, giai đoạn 1604-1635 đã có 121 châu ấn thuyền cặp cảng giao thương với Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhiều nhất so với các quốc gia khu vực.
Đó cũng là khi Toyotomi Hideyoshi đạt đến đỉnh cao quyền lực, thống nhất Nhật Bản và thi hành chính sách phát triển kinh tế ngoại thương, cho phép tàu buôn vượt biển giao thương với các nước khác.
Đây cũng là thời điểm nhà Nguyễn đã vững quyền ở Đàng Trong, vừa lo phát triển vừa chuẩn bị binh lực đối phó với Đàng Ngoài.
Từ Nhật Bản, thương nhân trên các châu ấn thuyền dựa theo gió mùa để vượt biển xuống giao thương với khu vực phía Nam, trong đó có cả Đàng Ngoài và Đàng Trong của nước Việt.
Họ căng buồm vào khoảng tháng 11 âm lịch để gió mùa đông bắc thổi xuống phía Nam. Họ ở lại các thương cảng như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà, Hưng Nguyên... khoảng sáu tháng để mua bán và giong buồm về nước khi cơn gió mùa đông nam đầu hè thổi ngược lên.
Việc mua bán nhiều khi không đúng như kế hoạch nên nhiều thương nhân đã ở lại (hoặc cử người đại diện) để tìm nguồn hàng cho chuyến thuyền sau. Đó chính là một trong những lý do hình thành thương điếm và phố Nhật ở Hội An, Phố Hiến...
So với phương tiện đi biển của thương khách Trung Quốc, châu ấn thuyền Nhật Bản hơn hẳn về tốc độ lẫn tải trọng, với những chiếc từ 300 tấn rất lớn ở thế kỷ 16.
Tính cách thực tế của người Nhật đã giúp họ học hỏi rất nhanh kỹ thuật đóng tàu và hàng hải phương Tây khi đến đảo quốc này.
Do đó, thương khách Nhật chở tới được rất nhiều món hàng nước Việt cần cũng như họ chở đi được nhiều thứ nguyên liệu có thể làm đầy túi tiền của mình.
Ngoài binh khí như các loại kiếm đao được rèn rất tốt ở Nhật, chủ nhân châu ấn thuyền còn mang theo lưu huỳnh, sơn, kim loại... là những thứ mà các triều đình nước Việt lúc này luôn khao khát sử dụng cho các cuộc nội chiến triền miên giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn.
Sau khi xuống hàng, họ tìm mua kỳ nam, trầm hương, gỗ quý, tơ lụa, đồ gốm sứ, ngà voi, sừng tê giác, nhựa thông, da trâu, gân hươu... là những sản vật vốn dồi dào ở nước Việt vào thời điểm ấy.
Mô hình châu ấn thuyền được phục chế tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nhật Bản. Đây là loại thuyền buôn của Nhật Bản đi giao thương nước ngoài với ấn thư của nhà cầm quyền Nhật vào nửa đầu thế kỷ 17 - Ảnh: HSS
Mô hình châu ấn thuyền được phục chế tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nhật Bản. Đây là loại thuyền buôn của Nhật Bản đi giao thương nước ngoài với ấn thư của nhà cầm quyền Nhật vào nửa đầu thế kỷ 17 - Ảnh: HSS
Cứu giúp thương nhân Nhật
Hiện nay vẫn còn truyền lưu rất nhiều lá thư được triều đình hai nước gửi cho nhau với nội dung củng cố mối giao thương vốn cả hai bên đều rất cần.
Trong đó, đặc biệt là lá thư của phò mã đô úy Quảng Phú Hầu ở Đàng Ngoài viết rõ trường hợp đội thuyền buôn Nhật Bản gồm hơn 100 người bị đắm đã được cưu mang, giúp đỡ trở về nước. Người nhận thư là tướng quân Tokugawa Leyasu:
“... Năm trước có người thuyền trưởng Nhật Bản là Giác Tàng (Suminokura) cùng đồng bọn mang nhiều hàng hóa đến, ngày 11-5 thì đến vùng biển Nghệ An trú ở đó... Ta thăm dò biết Giác Tàng trong lòng trung hậu nên kết làm con nuôi. Đến ngày 16-6 bọn Giác Tàng trở về.
Khi đến ngoài cửa biển bất ngờ gặp sóng gió lớn, bọn Giác Tàng gồm 13 người thân chịu sóng lớn, chẳng may bị đắm, chỉ còn Thân Trang Tả Vệ Môn cùng các thương nhân Ngạn Binh, Trung Tả, Thậm Hữu, Truyền Binh, Nguyên Hữu, Đa Hữu, Ngạn Thứ, Thiện Tả, Long Hữu, Di Hữu và người làm việc trong thuyền Thiện Tứ, Cát Tả, Thậm Tam... tổng cộng hơn 100 người bơi tìm đường sống, may mà được thoát.
Ta sai binh lính tìm cứu, đem về nhà riêng cấp dưỡng 49 người. Qua nghiệm thị cho Đại Đô đường quận công nuôi 39 người; nhà chưởng giám Văn Lý hầu nuôi 26 người. Việc cấp quần áo thức ăn cho bọn Trang Tả để sinh sống nói chung đều do lòng nhân từ của ta.
Nay ta đã ra ân lại mong muốn chu toàn tính mạng cho bọn Trang Tả, lại dẫn họ đến bái yết cửa khuyết. Ta mạo muội xin Thánh thượng ra ân lớn ra lệnh cho đóng thuyền cấp cho bọn Trang Tả tùy nghi trở về nước...
Kính mong điện hạ xem xét mà thấy cho điều đó, để biết lòng đối xử với người ở xa, cốt tỏ nghĩa hòa hợp. Vài lời đơn sơ kính chắp. Hoằng Định năm thứ 11 ngày 20-2. Khánh Trường thứ 15 ở Nhật Bản. Năm 1610 Tây lịch”.
Không chỉ giúp đội tàu buôn Suminokura, quan quân ở Đàng Trong và Đàng Ngoài của nước Việt còn nhiều lần giúp các thương khách Nhật Bản gặp sóng gió trên hải trình ngang qua khu vực này. Trong đó có những trường hợp được chính phía Nhật gửi thư cảm tạ trang trọng:
“Ở nước Nhật Bản thái thú hai xứ Phong - Tiền và Phong - Hậu, Tế Xuyên tể tướng Nguyên Triều thần Trung Hưng (Hosokawa Tadaoki - PV) kính gửi cho Bắc quân đô đốc phủ Hoa quận công phó tướng hữu cơ của châu Bố chính thuộc nước An Nam:
Năm ngoái thương thuyền từ nước ta đến Xiêm La buôn bán, gặp gió động chuyển đưa đến thành trì của ngài. Ngài đã nhân từ phủ dụ người ở xa như mẹ hiền đối với con cái, ân trạch thật thâm sâu không thể nói hết được.
Khi thuyền trở về, quan lại khiến mấy người đồng hành Văn Bản Hầu phó sứ vượt biển đến đưa thư, xem đi xem lại mấy lần, quá sức mừng rỡ.
Vốn biết tướng công đóng châu ấn chỉ thị từ nay trở về sau, không kể ở miền xa cách biển cả, hai nước kết minh, thương nhân qua lại buôn bán, mà những gì khác với trong nước phải theo không gì thay đổi...
Khánh Trường thứ 17, ngày 11 tháng Mạnh Xuân năm Nhâm Tí”.
Về sau, tuy công cuộc giao thương hai nước bị gián đoạn vì chính sách tỏa quốc của Nhật, nhưng các châu ấn thuyền đã để lại một chương đặc biệt trong lịch sử ngoại thương hai nước.
Chúng không chỉ làm giàu thêm hàng hóa quốc gia, mà còn trao đổi kinh nghiệm hàng hải, giao lưu văn hóa sâu sắc. Đặc biệt, thương khách Nhật Bản thuộc dòng họ Chaya đã vẽ cả “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” hiện vẫn còn lưu giữ ở ngôi chùa cổ Jomyo.
Từ họa đồ của Chaya Chinrojiro đầu thế kỷ thứ 17, người đời sau đã biết được con đường hải thương đến nước Việt ngày xưa như thế nào và việc giao thương sầm uất ra sao...

Xuyên qua Hoàng Sa



TT - Nếu giải mã tường minh được bí ẩn dưới đáy biển sâu đó, lịch sử sẽ hiểu rõ hơn những hải lộ đến và đi từ nước Việt xưa thế nào.
Nghe đọc bài: Xuyên qua Hoàng Sa
Tàu buôn cổ bị chìm ở biển Quảng Ngãi với rất nhiều cổ vật - Ảnh: Trà Giang
Tàu buôn cổ bị chìm ở biển Quảng Ngãi với rất nhiều cổ vật - Ảnh: Trà Giang
TS Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Quảng Ngãi, trầm ngâm: “Tôi đặc biệt quan tâm các cổ vật khám phá ở vùng biển này. Nhiều xác tàu đắm từ hàng thế kỷ trước được tìm thấy ở Cù Lao Chàm, rồi gần đây tiếp ở triền biển Quảng Ngãi. Nếu giải mã tường minh được bí ẩn dưới đáy biển sâu đó, lịch sử sẽ hiểu rõ hơn những hải lộ đến và đi từ nước Việt xưa thế nào”.
Bí ẩn dưới đáy biển sâu
Chỉ tôi xem hàng loạt hình ảnh cổ vật, đặc biệt là những thứ tìm thấy trong các xác tàu cổ bị đắm, TS Nguyễn Đăng Vũ kể nhiều bậc cao niên vẫn truyền lưu chuyện kể của tổ tiên về các hải cảng trải dài từ Vân Đồn phía Bắc đến tận duyên hải miền Nam.
Năm 1688, William Dampier, nhà du hành nổi tiếng người Anh từng ba lần đi vòng quanh thế giới, đã lên chiếc tàu viễn dương của thuyền trưởng Weldon đến Đàng Ngoài với mục đích tìm kiếm cơ hội giao thương ở nước Việt.
Ông khởi hành từ đảo Sumatra theo eo biển Malacca đến Côn Đảo, rồi đi dọc biển Việt từ Nam lên Bắc. Đây cũng chính là hải lộ quốc tế của các thương thuyền phương Tây thời kỳ ấy.
Trong hồi ký Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài, Dampier kể phải thuê hoa tiêu người Hà Lan ở Malacca.
Cùng hành trình với các tàu bạn, ông kể: “Tàu Cesar và hai chiếc khác đi Trung Quốc quay sang hướng đông từ mạn nam Côn Đảo, lối đi tốt nhất cho họ để tránh các dải cát ở quần đảo Paracels...
Chúng tôi dọc theo duyên hải Champa về phía đông, tiến về mũi đất đánh dấu cạnh tây nam của vịnh Đàng Ngoài và chuyển hướng về phía bắc, vẫn để Champa ở bên trái trong khi các bãi nguy hiểm quần đảo Paracels chỉ cách sườn phải chúng tôi 12 - 14 hải lý”.
Đây chính là đoạn nguy hiểm mà các nhà hàng hải nước ngoài đã biết trong “con đường tơ lụa trên biển” đến VN. Họ thường đi chệch ra khơi sang phía đông hoặc về phía tây gần bờ để tránh các bãi đá Hoàng Sa như tàu của Dampier đã đi.
Gần đến Đàng Ngoài, nhà hàng hải này còn ghi lại: “Gần mé đầu vịnh Đàng Ngoài có một số cù lao nhỏ. Lối vào vịnh như bị đóng lại bởi những bãi lớn của Paracels trải dài phía trước, nhưng còn trừ ra lối vào ở hai bên cho tàu bè có thể ra vào bằng một trong hai lối ấy.
Vì thế các tàu đi từ eo biển Malacca hay từ Xiêm sang Trung Quốc có thể đi qua những hải lộ này mà không sợ các dải cát”.
Sau khi vào cửa sông Thái Bình, Dampier gặp thuyền trưởng Pool trên chiếc tàu Rainbow đang thả neo nằm chờ hoa tiêu địa phương dẫn luồng ngược sông. Những hoa tiêu này là ngư dân xóm chài nhỏ bên cửa sông thuộc vùng Tiên Lãng, Hải Phòng ngày nay.
Họ không chỉ thông thạo luồng lạch vào thương cảng Phố Hiến hay Kẻ Chợ (Hà Nội) bên bờ sông Hồng, mà còn ngụ cư ở ngay nơi có thể dễ dàng trông thấy tàu nước ngoài từ biển vào tìm hoa tiêu.
Vào sâu trong sông, Dampier kể đã đến ngôi làng mà ông gọi là Domea. Nhà hàng hải kiêm thương nhân người Anh này kể ngôi làng nằm bên phải khi ngược dòng sông có khoảng 100 nóc nhà. Hằng năm các thương thuyền Hà Lan đến đều neo đậu ở đây.
Họ thân thiết như bằng hữu với dân bản xứ và cảm thấy tự do như sống ở quê hương. Các thủy thủ Hà Lan còn dạy người nghèo địa phương kỹ thuật làm vườn và họ đã có rất nhiều rau để làm món salad trộn. Đó là món mà dân đi biển rất thích sau các hải trình dài ngày lênh đênh...
Tọa độ nguy hiểm
So với các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã thám hiểm vùng biển Đông nước Việt từ đầu thế kỷ 16 và sớm thiết lập giao thương, người Hà Lan chậm chân hơn nhưng về sau Công ty Đông Ấn của họ đã nhanh chóng vượt qua.
Họ trở thành bạn hàng phương Tây lớn nhất của nhà Lê - Trịnh ở xứ Đàng Ngoài, rồi Đàng Trong và có rất nhiều hiểu biết về đường biển đến xứ sở giàu tài nguyên này. Tuy nhiên, họ cũng có chuyến phải trả giá khi vượt qua vùng biển Hoàng Sa lắm bão tố và nhiều rạn ngầm nguy hiểm.
Tài liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan vẫn còn lưu giữ về vụ đắm tàu ở Hoàng Sa: “Ngày 20-7-1634, ba chiếc tàu buôn đăng ký tại Hà Lan là Vechuizen, Schagen và Gtootenbroeck từ Bativa (Jakarta, Indonesia) đến Touron (Đà Nẵng) cùng nhổ neo đi Taiwan.
Ngày 21 trên đường biển tại tọa độ khoảng 14 độ vĩ bắc và 115 độ kinh đông thì gặp bão ngoài khơi nên lạc hướng. Riêng chiếc Gtootenbroeck bị đắm gần quần đảo Hoàng Sa. Tất cả hàng hóa và chín thủy thủ bị mất tích. Số hàng hóa còn lại sau đó được cất giấu tại Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Huijch Jasen cùng các thủy thủ đi trên chiếc thuyền nhỏ vào bờ biển Đàng Trong, hi vọng gặp đất liền để mong sự giúp đỡ cho hơn 50 thủy thủ đang ở trên đảo”.
Nhiều tài liệu khác cũng kể rằng các thủy thủ Hà Lan ở lại đảo sống bằng thịt chim và các loại trứng có rất nhiều ở Hoàng Sa.
Vào đến Hội An, nhóm thủy thủ Hà Lan này lên tàu Kiko, Nhật Bản để trở lại Hoàng Sa đón bạn đồng hành đang lánh nạn trên đảo. Sau đó, tất cả chuyển sang ba chiếc tàu Bommel, Goa, Zeeburg để tiếp tục hải trình đến Batavia là Jakarta ngày nay...
Xuyên qua vùng biển nguy hiểm Hoàng Sa trên trục hải lộ giao thương Á - Âu, nhiều nguồn sử liệu còn ghi nhận các vụ đắm tàu khác nhau.
Ngày 31-5-1715, giám mục Charles Marin Lablé đã gửi lá thư cho giáo hội: “Vào tháng 10-1714, ba chiếc tàu buôn người Hà Lan khác nhau khởi hành từ Nhật chất nhiều hàng hóa quý giá.
Lúc tiến ngang Hoàng Sa, những chiếc tàu buồm bị bão lớn đánh lâm nạn. Trận bão này xuất hiện đột ngột đến nỗi thủy thủ không kịp cuốn buồm... Họ không điều khiển nổi, sóng và gió đã cuốn chiếc tàu này xô dạt vào bãi cát, húc vào tảng đá và vỡ tan tại đó”.
Lablé kể thêm chi tiết 17 tù nhân dưới một chiếc tàu bị chết chìm, các thủy thủ trôi dạt vào các hòn đảo Hoàng Sa. Họ đã sinh tồn được trên đây cả tháng trời nhờ thịt một loài chim rất dạn người, có thể bắt bằng tay không.
Về sau nhờ các tấm ván của tàu vỡ, họ đã ghép lại thành một chiếc bè nhỏ. Và nhờ sự dẫn dắt của các ngư dân người Việt đánh cá ở vùng biển này, họ đã vào đến bờ biển Đàng Trong an toàn.
Lá thư của ông Pierre Heutter là thông dịch cho nhóm thủy thủ Hà Lan bị nạn gửi giám mục Hilopolis còn kể sự giúp đỡ của triều đình: “Nhà vua đã ban cho những người Hà Lan 50 quan tiền, 10 bao gạo, 20 chĩnh nước mắm. Người ta phải đưa người Hà Lan trở vào Hội An để kiếm tàu”.
Đặc biệt, không chỉ người Hà Lan hay gặp vận rủi ở Hoàng Sa, mà nhiều chứng nhân khác đều kể lại nỗi lo khi qua đây. Năm 1701, giáo sĩ trên chiếc Amphritite đã viết nhật ký: “Người ta cho tàu nhổ neo, gió rất tốt. Một thời gian sau đến mỏm Paracels.
Quần đảo thuộc đế quốc Annam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần xảy ra các nạn đắm tàu...”. Tuy nhiên, hầu hết ghi chép này đều kể rõ sự thông thạo của ngư dân nước Việt với vùng biển nguy hiểm này và có vụ họ trực tiếp giúp nạn nhân tàu đắm...

Thương điếm phương Tây



TT - Dòng thời gian rất dài đã trôi qua như nước sông Hồng xuôi chảy về phía đông, nhưng nhiều bậc cao tuổi Hưng Yên ngày nay vẫn còn truyền lưu một thời vàng son ở Phố Hiến.
Sông Hồng qua Phố Hiến bị bồi lấp là một trong những nguyên nhân làm thương cảng này dần vắng bóng thương thuyền - Ảnh: Quốc Việt
Sông Hồng qua Phố Hiến bị bồi lấp là một trong những nguyên nhân làm thương cảng này dần vắng bóng thương thuyền - Ảnh: Quốc Việt
“Tổ tiên chúng tôi truyền đời kể rằng người nước ngoài sống ở Phố Hiến bên bờ sông Hồng này ngày xưa nhiều khi còn đông hơn cả dân Việt. Từ người Hoa, người Nhật đến tận những quốc gia phương Tây xa xôi như Hà Lan, Anh, Pháp đã giong buồm đến đây buôn bán... Họ dựng cả phố riêng của dân tộc mình, cất nhà thương điếm, lấy cả vợ Việt rồi sinh con lai”.
Thương cảng vàng son
Rót tách trà ấm trong chiều đông Hà Nội se sắt lạnh, giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, tâm sự với tôi: “Ở Hội An, người Nhật đã lưu tâm nghiên cứu, khảo cổ tìm lại dấu tổ tiên của họ là thương nhân thời kỳ Châu Ấn thuyền ngày xưa. Nghiên cứu của họ có giá trị góp phần tường minh lịch sử VN. Nhưng ở Phố Hiến vẫn còn nhiều bí ẩn chìm sâu dưới lòng đất chưa được làm rõ...”.
Giương buồm cả vòng Trái đất để đến Đàng Ngoài vào năm 1688, nhà hàng hải người Anh William Dampier là chứng nhân sinh động nhất về hoạt động ngoại thương từng rất tấp nập ở Phố Hiến.
Trong hồi ký, ông kể: “Thương điếm Anh không có nhiều người, tọa lạc một cách yên bình ở phía bắc của thành phố và quay mặt ra ngoài sông. Đây là một ngôi nhà thấp, trông đẹp mắt và là ngôi nhà đẹp nhất mà tôi đã trông thấy trong thành phố. Ở chính giữa có một phòng ăn xinh xắn và ở các phía là những căn phòng tiện nghi dành cho thương nhân, nhân viên thương điếm và người hầu của công ty.
Ngôi nhà này được xây song song với con sông, tại mỗi đầu hồi lại có những ngôi nhà nhỏ hơn mang các công dụng khác nhau như nhà bếp, nhà kho... đứng thành một hàng dài từ căn nhà chính ra tận sông”.
Dampier đã sắc sảo phát hiện thương điếm người Anh, Hà Lan đều nằm bên bờ sông để dễ vận chuyển hàng hóa lên xuống các con tàu, dù rằng đó là ở Hội An gần biển hay Phố Hiến trong sông Hồng.
Trước khi được vào Kẻ Chợ, người Anh đã đặt thương điếm ở Phố Hiến, Hưng Yên với giám đốc là William Gyfford cùng ban cán sự năm người. Thật ra, Anh có mặt tại nước Việt rất sớm, nhưng nhà buôn Peacock đã không thành công trong chuyến đi từ Hirado (Nhật Bản) đến Hội An năm 1613 vì xung đột với người dân địa phương.
Năm 1616, họ lại đến nước Việt và vẫn không gặt hái được gì. Mãi đến giữa năm 1672, thương thuyền Zant do thuyền trưởng Andrew Patrrik chở theo thương nhân William Gyfford mới thành công ở Đàng Ngoài.
Tuy phải neo tàu chờ vua Lê Gia Tông và chúa Trịnh đằng đẵng đến tận tháng 3-1673 vì họ bận giao chiến với Đàng Trong, cuối cùng Gyfford được vào chầu, mở thương điếm ở Phố Hiến và sau đó là Kẻ Chợ (Hà Nội) vào năm 1683. Chính thương nhân này cũng làm trưởng thương điếm bốn năm đầu trong 25 năm duy trì ở Đàng Ngoài đến năm 1697.
Chậm chân hơn và mang nặng sứ mệnh truyền giáo hơn giao thương, năm 1860 chiếc tàu Tonquin tải trọng 250 tấn của thuyền trưởng Boitou chở nhà buôn Chappelain đến Đàng Ngoài. Con tàu mang theo nhiều hàng hóa cùng tặng vật đèn chùm pha lê, gương, gấm vàng bạc.
Thương nhân Pháp được chính quyền bản xứ tiếp đón và cho phép mở thương điếm ở Phố Hiến. Tháng 6-1681, họ trở về Pháp trên chiếc Soliei d’Orient cùng nhiều hàng hóa mua được tại chỗ và các tặng vật, công văn ngoại giao triều đình Đàng Ngoài gửi nhà vua Pháp.
Tuy nhiên, ngoại thương Pháp - Việt từ đầu đã có điềm báo không êm đềm khi con tàu này bị đắm gần Madagascar.
Tranh vẽ một góc Phố Hiến (Hưng Yên) xưa - Ảnh tư liệu
Tranh vẽ một góc Phố Hiến (Hưng Yên) xưa - Ảnh tư liệu
Hà Lan, nhà buôn lâu đời
Đến trước người Pháp nhiều năm, thương điếm Hà Lan ban đầu cũng ở Phố Hiến. Đây là công trình xây dựng kiểu châu Âu nổi bật nhất và luôn tấp nập thương thuyền Hà Lan.
Muốn thay vai trò giao thương của Nhật khi họ trở lại thời tỏa quốc cấm buôn bán viễn dương, ngày 31-1-1637, người Hà Lan trên tàu Grol chở theo nhiều mặt hàng châu Âu, Nhật Bản và các kim loại mà nước Việt lúc ấy rất cần như đồng, bạc, sắt...
Đặc biệt, khi “quá cảnh” Đài Bắc, thương thuyền này còn chất thêm hai khẩu đại bác phương Tây làm quà ra mắt triều đình Đàng Ngoài đang nội chiến triền miên với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Tàng thư Công ty Đông Ấn Hà Lan ghi lại ngay từ năm 1637, thuyền trưởng Karel Hartsinck đã làm giám đốc đầu tiên của 13 đời giám đốc thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài đến năm 1700. Sau đó, thương điếm được xây mới ở Kẻ Chợ, nhưng vẫn giữ tòa nhà ở Phố Hiến làm chi nhánh.
Đây là sự ưu ái đặc biệt của chúa Trịnh cho người Hà Lan. Trong hồi ký, Dampier cũng ghi lại thương điếm Hà Lan được xây dựng liền phía nam tòa nhà người Anh.
Trong thời cực thịnh của mình, những nhà hàng hải kiêm thương nhân Hà Lan thành công khắp thế giới và cũng gặt hái tương tự ở Đàng Ngoài nước Việt. Không chỉ thu mua tơ lụa, xạ hương, đồ gốm sứ, gia vị... của Đàng Ngoài để xuất khẩu, Hà Lan còn giành được cả quyền nhập khẩu kim loại tiền tệ cho chúa Trịnh mà đặc biệt là bạc và tiền Zeni Nhật Bản.
Nếu như năm 1637 đầu tiên mở thương điếm, thương thuyền Hà Lan nhập vào lượng bạc mới ở mức 60.000 nén, thì ngay năm sau đã nhập đến 130.000 nén và 230.000 nén bạc vào năm 1652. Sự khác biệt của đẳng cấp thương nhân Hà Lan.
Các đối thủ phương Tây khác, kể cả những nhà buôn lọc lõi người Hoa, vẫn chỉ chăm chăm giao thương hàng hóa với nước Việt, trong khi thương nhân Hà Lan đã đạt đến mức độ kinh doanh nguyên liệu đúc tiền và cả tiền đúc sẵn từ nước ngoài.
Sự thành công vượt trội của Hà Lan nhờ vào họ “biết uốn mình theo hoàn cảnh”, khéo léo giao dịch với giới chức cầm quyền lẫn cả người dân sản xuất sản phẩm cho họ.
Tuy nhiên, đằng sau lợi ích từ kết giao với chúa Trịnh, Hà Lan cũng phải trả giá khi mở rộng kinh doanh với Đàng Trong vốn đã sớm giao thương từ năm 1636 và lập thành thương điếm ở đây.
Trong nội chiến Đàng Ngoài với Đàng Trong, dù cố giữ vẻ trung lập nhưng nhiều lần thương thuyền Hà Lan đã đứng về đội quân chúa Trịnh. Thậm chí, hạm đội của họ đã giao chiến trực tiếp với hải quân Đàng Trong như trận Cửa Eo, Thuận Hóa năm 1643.
Do đó, tuy có thương điếm ở Hội An do Duijcker làm giám đốc, nhưng về sau họ thường gặp trắc trở trong kinh doanh tại đây. Đó là kết quả từ “cuộc chơi hai mặt” của những nhà buôn đến từ Hà Lan. Họ thèm khát tài nguyên giàu có Đàng Trong, nhưng lợi dụng cả nhu cầu sức mạnh phương Tây của chúa Trịnh phía Bắc.
Chúa Nguyễn hiểu rõ sự hai mặt này và rất thận trọng với Hà Lan...
Tuy nhiên, sau đó người Việt vẫn tiếp tục thể hiện sự cởi mở và tầm nhìn viễn dương của mình. Sau nhiều phen xung đột, chúa Nguyễn vẫn rộng lượng, chấp nhận thương thuyết xí xóa chuyện “ân oán” cũ.
Thương điếm Hà Lan lại được tái hoạt động ở Hội An, tàu Hà Lan sẽ được giúp đỡ khi gặp nạn, và trao trả tù binh hai nước trong cuộc xung đột trước đó..


Những “mỏ vàng” của nước Việt


TT - Từ cách đây hàng thế kỷ, nhiều nhà hàng hải, truyền giáo hay thương nhân nơi xa đến đất nước bên bờ biển đã mô tả đầy đủ những đặc sản giá trị của miền đất này, và có các thứ vô cùng quý giá mà chỉ triều đình mới được quyền bán buôn hay làm tặng phẩm nước ngoài.
Đoàn thương thuyền của Pierre Poivre gặp đại diện của chúa Nguyễn bên bờ vịnh Đà Nẵng năm 1749 - Tranh: Charles Fouqueray
Đoàn thương thuyền của Pierre Poivre gặp đại diện của chúa Nguyễn bên bờ vịnh Đà Nẵng năm 1749 - Tranh: Charles Fouqueray
Nghe đọc bài Con đường hải thương nước Việt - Kỳ 6: Những “mỏ vàng” của nước Việt
Trong đó, có lẽ ghi chép trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 của giáo sĩ Dòng Tên người Ý Cristophoro Borri là sinh động hơn cả.
Trầm hương, kỳ nam và vàng bạc
“Tôi xin thêm ít điều về một loại gỗ vốn là món hàng quý giá nhất có thể xuất từ Đàng Trong ra các nước ngoài. Đó là thứ gỗ nổi tiếng nhất có gọi là Aquila và Calamba, cùng loại gỗ nhưng khác về tác dụng và sự quý chuộng người ta dành cho chúng.
Loại cây này có rất nhiều, nhiều nhất là trên núi Kẻ Mọi (núi rừng miền Trung - PV), cây rất to và rất cao.
Nếu gỗ cắt ở cây non thì tạo ra trầm hương, có rất nhiều và ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Nhưng khi lấy ở gốc già thì đó là kỳ nam rất khó kiếm, vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc trên những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được mình.
Thỉnh thoảng có ít cành gãy và rời khỏi thân rơi xuống, hoặc vì khô quá hay già cỗi quá và khi người ta nhặt được thì đã mục nát và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất gọi là kỳ nam, vượt hẳn trầm hương thông thường rất nhiều về tác dụng và hương thơm.
Trầm hương thì ai cũng có thể bán tùy thích, nhưng chúa giữ độc quyền buôn bán kỳ nam vì hương thơm và tác dụng đặc biệt của nó.
Thật ra ở chính nơi nhặt được nó rất thơm, rất dịu, tôi đã muốn thử mấy miếng người ta cho và đem chôn dưới đất sâu chừng hơn năm chân (cách đo thời xưa, khoảng 0,34m), thế mà vẫn thơm. Kỳ nam nhặt tại chỗ thì giá 5 đồng duca (đồng tiền vàng của Ý) 1 líu (1 livre, khoảng nửa cân), nhưng ở hải cảng xứ Đàng Trong, nơi buôn bán thì đắt hơn, nghĩa là 200 duca/líu.
Nếu tìm được một tấm lớn có thể làm gối đầu hay gối dài thì người Nhật mua tới 300 hay 400 duca/líu”.
Không chỉ khảo tả đặc tính trầm hương và kỳ nam ở rừng, giáo sĩ Borri còn tinh tế phát hiện cả lợi nhuận của thương nhân nước ngoài khi tìm mua mặt hàng quý hiếm này ở Đàng Trong: “Nhưng chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời. Thế nên phần thưởng lớn nhất của chúa cho thuyền trưởng Malacca là cho phép ông buôn trầm hương... Ấn Độ có tục hỏa thiêu xác người chết bằng gỗ rất thơm nên họ cần ngay một số lượng lớn”.
Với những gì đã tận mắt nhìn thấy và tận tai nghe, Borri còn hào hứng kể: “Sau cùng, xứ Đàng Trong còn có rất nhiều kim khí quý và nhất là vàng. Để hiểu biết thêm bằng vài lời những gì đáng được kể dài dòng hơn nữa về sự giàu có của xứ này thì tôi kết thúc chương này bằng lời của các thương gia châu Âu đã có dịp tới đây. Họ quyết rằng xứ Đàng Trong có nhiều của cải hơn Trung Quốc mà chúng tôi biết là rất dồi dào về mọi thứ”.
Thực tế vùng đất này có nhiều mỏ vàng cũng được chính chúa Nguyễn thừa nhận. Trăng trối với người con thứ sáu, tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Nguyễn Hoàng đã dặn dò: “Núi sẵn có vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh thì đủ để xây cơ nghiệp muôn đời”.
Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam vẫn được khai thác, nhưng từ năm 1749 thương nhân Pháp Piere Poivre đã nhìn thấy tài nguyên quý giá này của nước Việt: “Con sông này xuôi dòng tới những mỏ vàng đáng giá hơn toàn bộ của Đàng Trong. Đây là những cái mỏ làm ít mà hưởng nhiều... vàng pha trộn với thứ đất đo đỏ và lắm khi tìm được những hòn vàng nặng tới hai ba lạng”.
“Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” là bức họa của thương gia Chaya Shinroku miêu tả chuyến hải trình vượt biển của một thương thuyền Nhật Bản đi từ Nagasaki cập bến Hội An vào thế kỷ 17
“Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” là bức họa của thương gia Chaya Shinroku miêu tả chuyến hải trình vượt biển của một thương thuyền Nhật Bản đi từ Nagasaki cập bến Hội An vào thế kỷ 17
Những chuyến tàu đầy hàng
Ngoài những sản vật quý hiếm như trầm hương, kỳ nam, vàng bạc, tổ yến, sừng tê giác, ngà voi mà Borri và nhiều người nước ngoài khác đã mô tả, các nhà buôn người Hoa, Nhật Bản và phương Tây đến nước Việt còn mua được nhiều thứ khác để chất lên thương thuyền của mình.
Đó là các loại gỗ quý dùng cho ngành đóng tàu, đồ gốm sứ, tơ lụa, đường mía, trầu cau, mật ong, quế chi và nhiều loại gia vị khác...
Nếu như thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản bị cuốn hút bởi các sản vật quý hiếm trầm hương, kỳ nam, ngà voi, sừng tê giác, da trâu, sữa ong chúa vốn rất được đề cao ở nước họ thì thương thuyền phương Tây hay tìm mua hàng phổ thông hơn như tơ lụa, khoáng sản, mía đường, gia vị và đồ gốm sứ...
Tài liệu lưu giữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan kể rằng suốt một thời gian dài của thế kỷ 17, đồ gốm sứ Đàng Ngoài đã trở thành loại hàng rất hấp dẫn các nhà buôn nước họ bên cạnh các mặt hàng khác như tơ lụa và gia vị...
Chỉ trong năm 1669, thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài đã gom mua 381.200 chén gốm cho thương nhân của mình đến chở đi bán ở thị trường phương Tây và các nước trong khu vực. Và ngay trong tháng 1 cùng năm, thương thuyền Overveen, Hà Lan đã mua lại hết toàn bộ số lượng đồ gốm khổng lồ đó.
Một năm sau, thương thuyền Pitoor của họ lại chở đi 177.240 chén gốm của Đàng Ngoài. Rồi sang năm 1670 cũng con tàu này đã quay lại sông Hồng và tiếp tục chở đi 214.160 món đồ gốm Đàng Ngoài...
Nguồn thư tịch cổ ghi của các nhà buôn phương Tây và cả Trung Quốc cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân đồ gốm sứ nước Việt đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Ngoài lý do bế quan tỏa cảng, chiến sự triền miên ở Trung Quốc cũng như thời kỳ tỏa quốc ở Nhật Bản ngoài chuyện đã làm các lò gốm của họ bị bế tắc đầu ra còn có nguyên nhân hàng nước Việt ngày càng chất lượng hơn.
Các bức thư thương điếm Hà Lan ở Batavia (Jakarta) kể ban đầu việc mua hàng gốm sứ từ Đàng Ngoài để làm đồ đằm tàu cho chuyến trở về (sau khi đã bán hàng), nhưng sau đó đã thu được lợi nhuận tốt nhờ chất lượng ngày càng được cải thiện.
Chính thương khách Trung Quốc dù ở quốc gia rất mạnh về sản xuất gốm sứ nhưng vẫn tìm đến mua hàng của nước Việt ở Đàng Ngoài. Chỉ ba tháng sau khi chiếc tàu Oveeveen Hà Lan chở đầy đồ gốm Đàng Ngoài đi bán, một thương thuyền của Trung Quốc cũng cặp cảng Phố Hiến tìm mua 70.000 cái chén.
Có những thời điểm thương thuyền nước ngoài hút hàng người Việt đến mức họ không thể tìm mua đủ hàng cho chuyến quay về. Đó chính là lý do để phải chịu thêm phí tổn cho việc mở thương điếm mà Hà Lan, Anh, Pháp đã thực hiện, hay dựng cả các phố buôn chuyên biệt của mình như người Trung Quốc, Nhật Bản làm ở Phố Hiến và Hội An.
Nhân viên những nơi này không chỉ có nhiệm vụ bán hàng hay mua trữ hàng sẵn, mà còn tham gia sản xuất để chủ động được nguồn hàng khi cần nhanh. Cách đơn giản nhất là họ ứng tiền trước cho các nhà sản xuất người Việt vốn phổ biến ở quy mô nhỏ lẻ, không dám sản xuất nhiều để dự trữ hàng hóa của mình...
.

“Luật chơi” cho thương khách



TT - Từ năm thế kỷ trước, lần đầu đến nước Việt, giáo sĩ Cristophoro Borri đã nhiều lần chứng kiến sự tốt bụng, rộng rãi của người Việt. 
Một bức vẽ về tàu nước ngoài và người bản xứ ở Hội An xưa - Ảnh tư liệu
Một bức vẽ về tàu nước ngoài và người bản xứ ở Hội An xưa - Ảnh tư liệu
Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, ông tỉ mỉ kể: “Có lần mấy người nước ngoài bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một tiếng thôi cũng đủ, đó là chữ đói, có nghĩa là tôi đói...”.
Sự rộng rãi của người Việt
Borri cảm động kể tiếp: “Bởi vì vừa nghe thấy tiếng người nước ngoài than thở như vậy và đi qua các nhà của người dân mà kêu đói thì tất cả đều rộng lòng thương mà cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ. Đến khi chúa cấp cho một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến...”.
Trong những trường hợp khác, các nhà hàng hải nước ngoài đã kể cả sự thoải mái xin xỏ của dân địa phương với đồ vật lạ lẫm mà trong nước không có. Tuy nhiên, dù không quen với thái độ này, người phương Tây vẫn bất ngờ về sự rộng rãi ngay từ những người dân nghèo khổ nhất.
Ban đầu, Borri kể một người Bồ Đào Nha không thoải mái với sự tự nhiên “xin một cái” của dân địa phương. Nhưng sau đó, chính người này lại rất sửng sốt và cảm động khi người đánh cá nghèo khổ sẵn sàng cho lại mình cả rổ cá đầy.
Bản thân Borri dù chỉ là nhà truyền giáo vốn bị xem xét thận trọng ở nước Việt thời ấy, nhưng ông vẫn được tặng thứ quý hiếm như móng tê giác, kỳ nam...
Nhiều trang hồi ký, thư từ của các nhà hàng hải nước ngoài đến nước Việt cũng ghi chép chuyện tương tự. Và nó không chỉ xuất phát từ lòng tốt của người dân mà từ cả vua quan, dù cũng có không ít chi tiết nhà buôn than phiền về sự làm khó của các vị quan cấp dưới.
Tàng thư của các công ty Đông Ấn từng giao thương với nước Việt như Hà Lan, Anh, Pháp đều nhắc đến sự hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ từ xứ sở này. Trong đó, nội dung thường được giới hải thương quan tâm nhắc đến là các vụ đắm tàu.
Hầu như bất cứ trường hợp nào cũng được người dân lẫn vua quan triều đình giúp đỡ. Không chỉ kiếm giúp tàu, thậm chí cấp cả tàu, triều đình còn không quên tặng thêm cho họ lương thực để sử dụng trên đường về.
Từ thương khách người Hoa, Nhật Bản đến các nước phương Tây đều được hưởng ân huệ này.
Trong đó, đặc biệt là thương khách Hà Lan, những người có thể nhanh chóng biến thương thuyền của mình thành chiến hạm để ngả về Đàng Ngoài tấn công Đàng Trong suốt thời Trịnh - Nguyễn nội chiến.
Tuy nhiên, hầu như lần nào tàu Hà Lan gặp nạn ở vùng biển Đàng Trong vẫn được chính chúa Nguyễn giúp đỡ chu đáo.
Ngày 16-10-1718, giám mục Láble gửi cho một số giám đốc các chủng viện một lá thư kể tỉ mỉ về kết thúc có hậu của một vụ đắm tàu người Hà Lan ở Hoàng Sa.
Sau khi được ngư dân giúp đỡ vào đến đất liền an toàn, chính nhà vua đã mời họ vào gặp gỡ, hỏi han tình hình để tìm cách giúp đỡ:
“Ba bốn hôm sau, khi người Hà Lan bệ kiến nhà vua, một viên võ quan trong cung điện đã lệnh cho ông Heutte dẫn người Hà Lan đến dự buổi yết triều mà nhà vua đã ngự vào buổi sáng tại sân lớn trước cung điện... Họ xin được trả tự do, xin được cấp tàu và lương thực để trở về, sau đó được chuẩn y, đưa đi Hội An chờ ngày trở về Batavia”.
Một tàu buôn Nhật Bản đến Việt Nam từ Nagasaki - Ảnh tư liệu
Một tàu buôn Nhật Bản đến Việt Nam từ Nagasaki - Ảnh tư liệu
Luật giao thương
Trong suốt chiều dài lịch sử VN đến đầu thế kỷ 20, chưa thời kỳ nào triều đình nước Việt phát triển giao thương, cởi mở với người nước ngoài như thế kỷ 17 - 18.
Ngoài nguyên nhân khách quan do nền hải thương thế giới mở rộng sang khu vực này, còn có yếu tố Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra giai đoạn tỏa quốc, cấm cửa viễn thương, nên nhà buôn nước ngoài phải tìm đến VN.
Tuy nhiên cũng có động lực từ nội tại đất nước như cuộc nội chiến Đàng Ngoài và Đàng Trong kéo dài triền miên ở thế kỷ 17 đã khiến các triều đình phải bắt tay với nền kinh tế hải thương và sức mạnh quân sự nước ngoài, mà đặc biệt là người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp để phát triển tiềm lực quân sự mình.
Ngoài ra, ngoại thương cũng góp phần quan trọng giúp nước Việt vực dậy nền nông nghiệp và kỹ nghệ vốn manh mún lại càng suy thoái vì chiến sự triền miên. Duyên hải nước Việt lúc ấy cũng là tọa độ vô cùng quan trọng trên trục hải thương từ Á sang Âu.
Tàu buôn không chỉ “quá cảnh” hệ thống thương cảng trải dài khắp xứ sở này để sửa chữa hay tiếp thêm lương thực, mà lấy thêm hàng hóa hay bán bớt đi sản phẩm từ các nước khác.
Nhiều thư tịch cổ của các nhà hàng hải Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản cũng kể lại sự mở cửa nước Việt. Hải ngoại ký sự của nhà sư Thích Đại Sán kể rất thú vị lời của chúa Nguyễn Phúc Chu khi ông đến Phú Xuân 1695 và cầu an cho xứ sở.
Chúa Nguyễn đã tâm sự đầy ý nghĩa về lợi ích hải thương: “Các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn bán một năm chừng sáu, bảy chiếc, năm nay số thuyền lên đến 16, 17 chiếc, trong nước nhờ đó tiêu dùng dư dật”.
Từ thực tế này, nước Việt dần hoàn thiện thuế khóa buôn bán. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã mô tả:
“Khi nhà Nguyễn cát cứ, thu được thuế thuyền rất nhiều. Đặt cai tàu, tri tàu mỗi chức một viên, cai bạ tàu, tri bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thủ tàu nội mỗi chức hai viên, cai phòng 6 người, lệnh sử 30 người, toàn thuế binh 50 người, lính tàu 4 đội 70 người, thông sự 7 người...”.
Lê Quý Đôn kể thêm: “Lệ tàu vụ của họ Nguyễn hằng năm cứ đến tháng giêng thì các viên cai bạ, tri bạ, lệnh sử, cai phủ ký lục của tàu Ty đều vào xứ phố Hội An xứ Quảng Nam, chia sai những người thuộc quân thông hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù Lao Chiêm và cửa Đà Nẵng, thấy các tàu buôn các nước đến đây thì phải hỏi xét tất cả, quả là tàu buôn phải chịu thuế thì thuyền trưởng và tài phó tàu ấy phải vào Hội An, trình quan cai bạ xét thực...”.
Từng thời điểm, thuế trên hàng hóa tàu đến khoảng 3-12%, còn hàng chở đi chỉ khoảng 1/10 thuế chở đến, mà cao nhất là tàu phương Tây. Triều đình cũng miễn giảm thuế, thậm chí giúp thêm nhiều trường hợp khác như đối với tàu buôn bị lỗ lã do gặp nạn sóng gió, cướp biển...
Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn cũng không thụ động chờ thương thuyền ngoại quốc, mà còn cử tàu bè ra buôn bán với nước ngoài.
Đại Nam thực lục kể các quan lớn như Nguyễn Tri Phương, Đào Trí Phú, Trần Hưng Hòa, Nguyễn Du... nhiều lần vượt biển sang giao thương ở Indonesia, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và xa hơn ở khu vực Ấn Độ Dương.
Họ chở đi mía đường, đồng thoi, ngà voi, cánh kiến (chất nhuộm) và mua về vải vóc, kẽm, chì, vũ khí và cả tàu bọc đồng. Chỉ từ năm 1835-1840 đã có 21 chuyến tàu biển tải trọng lớn nhất và được trang bị đầy đủ vũ khí của nước Việt đi buôn...
Sau thời vàng son, ngoại thương VN suy thoái. Vua Gia Long mất, con cháu nối truyền vương quyền và ngày càng thận trọng hơn trong quan hệ với nước ngoài.
Bên cạnh yếu tố khách quan như tham vọng xâm chiếm thuộc địa của phương Tây với châu Á bấy giờ, còn có lý do nội tình và tầm nhìn trong nước.
Hàng thế kỷ đã trôi qua, tường minh chuyện xưa để trải nghiệm cho mai sau. Bao vương triều hưng thịnh rồi suy vong, chỉ lợi ích dân tộc là mãi mãi. Chẳng ai về được quá khứ, nhưng tương lai được bắt đầu từ chính bước chân hôm nay...
___________

QUỐC VIỆT 
(nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét