Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Cuối tuần rong chơi vùng sông nước

PHẠM THỊ THU XUYÊN –
Với hai ngày nghỉ cuối tuần, chỉ 48 giờ đồng hồ, có vẻ không nhiều, nhưng với tôi có lẽ cũng đủ để tạm rời khỏi nhịp sống gấp gáp của đô thị ngày thường mà tìm về với thiên nhiên, tìm một chút yên tĩnh, thanh bình ở miền quê, sông nước miền Tây Nam bộ. Xin được kể một chút trải nghiệm của tôi trong một hành trình như thế.
Cách Sài Gòn 170 km về phía Tây Nam, Đồng Tháp là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ven bờ sông Tiền. Đồng Tháp có nhiều điểm tham quan, chủ yếu theo mô hình sông nước kênh rạch, như vườn quốc gia Tràm Chim, khu du lịch Gáo Giồng, khu căn cứ Xẻo Quýt hay tới các điểm tham quan trong phố như làng hoa kiểng Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung…
Với hai ngày, bạn không thể đi hết các điểm du lịch của Đồng Tháp, nhưng lộ trình gợi ý dưới đây cũng khá tiêu biểu để bạn tham khảo: Sài Gòn-Cao Lãnh (vườn quốc gia Tràm Chim)-Xẻo Quýt-Sa Đéc (làng hoa kiểng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung)-Sài Gòn
Ẩm thực của hương đồng
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.
Tới Đồng Tháp, một số món ăn và quán ăn bạn không nên bỏ qua. Trưa đầu tiên tại Tràm Chim, bạn sẽ dùng bữa tại các lán dựng ngay bên rạch, xung quanh là rừng tràm, bãi năng, thi thoảng là vài chú diệc, chích cồ, điên điển bay qua… Giữa khung cảnh đó, bạn nên thưởng thức món chuột đồng và đặc sản cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.
Về miền Tây Nam bộ, món chuột đồng không thể thiếu trên các chiếu “ăn uống”. Châu thổ sông Cửu Long-lúa gạo-chuột đồng-công cuộc mưu sinh từ ngàn đời, đấy là những mối liên hệ và cách lý giải đơn giản cho sự ra đời của món đặc sản miền Tây này. Thịt chuột được chiên vàng ươm bắt mắt. Vừa cắn một miếng, vị giác sẽ cho bạn ba điều: mềm-ngọt-thơm. Nhưng một điều khác sẽ đi xa hơn, tới sâu thẳm trong suy nghĩ và tinh thần của bạn, đấy là sự trải nghiệm đúng như cách sống của người miền Tây – hòa cùng thiên nhiên chứ không phải là chế ngự thiên nhiên mà ta vẫn đang làm ở thành phố.
Một đặc sản khác của vùng “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” – cá lóc nướng trui cuốn lá sen non. Tên món ăn chỉ đích danh hai nguyên liệu: cá lóc – được nướng đúng kiểu dân dã bằng cách cắm ống tre nướng trên củi và lá sen non – chỉ nhỏ bằng một nửa bàn tay, cuộn tròn, trong còn ngậm sương mai. Miếng cá lóc cạo bớt phần muội đen bên ngoài, cuộn trong lá sen non, ngoài chát đắng, trong ngọt bùi. Mùi thơm của thức nướng củi hòa cùng mùi thơm thanh tao của sen cứ quyện trong vòm họng mãi không thôi!
Về lại Cao Lãnh, nếu như vẫn còn tiếc khung cảnh thiên nhiên hồi chiều thì quán ăn được gợi ý cho bữa tối sẽ là quán Đầm Sen, số 74-76 Trần Quang Diệu. Khung cảnh lãng mạn, quán nằm giữa một đầm bát ngát hoa sen. Món ăn đặc biệt ngon ở đây là vịt trời và cơm cháy kho quẹt.
Khám phá và chiêm ngưỡng
Chùa Ông Quách (Kiến An cung).
Chùa Ông Quách (Kiến An cung).
Vườn quốc gia Tràm Chim, theo người dân địa phương, giai đoạn từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc sếu đầu đỏ bay về cư trú ở đây. Khi đó, trước mũi thuyền sẽ là cả bầu trời sếu và các loài khác, con sà xuống bắt cá, con đậu trên bờ tìm củ năng. Bạn cũng sẽ được xem người ta gặt lúa trời hay còn gọi là lúa ma (tên khoa học là Oryza rufipogon) – một loại lúa đang được lưu giữ và bảo tồn trên diện tích 800 ha. Tên lúa ma được người địa phương lý giải, do thời điểm gặt lúa chỉ vào ban đêm, vì nếu có ánh nắng chiếu vào hạt sẽ rụng hoặc lép.
Đến Tràm Chim vào giai đoạn khác, bạn lại có được trải nghiệm thú vị không kém: chiêm ngưỡng những chiếc tổ chim điên điển treo lơ lửng trên cây, trông như trái gấc hay trái bầu. Tràm Chim tháng 6 là mùa chim điên điển xây tổ.
Vườn quốc gia Tràm Chim có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như sếu đầu đỏ, te vàng, bồ nông, gà đãy Java… Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 trên thế giới. (Công ước Ramsar được thông qua vào năm 1971 tại thành phố Ramsar – Iran công nhận tiêu chuẩn về những loài động thực vật quý hiếm, đặc trưng, điển hình cho khu đất ngập nước).
Một góc Tràm Chim.
Một góc Tràm Chim.
Có hai hành trình khám phá Tràm Chim: chặng ngắn 15 km (giá vé bao gồm thuyền và hướng dẫn là 500.000 đồng); chặng dài hơn, 21 km (800.000 đồng). Nếu có điều kiện, bạn nên đi chặng dài để vào tận sâu bên trong, những chú điên điển cổ rắn và cả đàn chích cồ sẽ không làm bạn thất vọng trong hành trình này.
Rời Tràm Chim, điểm đến thứ hai là căn cứ Xẻo Quýt. Bạn có thể tham quan khu căn cứ này bằng hai phương tiện: đi bộ hoặc bằng xuồng ba lá. Tuy nhiên, hãy khám phá Xẻo Quýt bằng cả hai phương tiện trên, vì mỗi loại sẽ cho bạn một cảm giác khác nhau. Xuồng ba lá đưa bạn đi quanh con lạch nhỏ, khúc khuỷu, người chèo thuyền với trang phục cô giao liên sẽ giới thiệu cho bạn khu căn cứ với các phòng họp, nơi ở, hầm cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1960-1975), và họ cũng sẽ chỉ cho bạn cây bòng bong để lý giải vì sao lại gọi “rối như mớ bòng bong”.
Thuyền đi 25 phút và quay về bến cũ. Lên bờ, bạn hãy tham quan thêm một lần bằng đường bộ. Cảm giác của bạn sẽ giống như đang tham gia hành trình xanh dưới những tán cây lâu năm.
Một số điểm đến khác là làng hoa kiểng Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và chùa Kiến An Cung nằm trong thành phố Sa Đéc. Tới làng hoa kiểng, bạn sẽ ngập chìm trong sắc hoa muôn màu khoe mình dưới nắng vàng. Những chậu kiểng xinh xinh giá phải chăng có lẽ sẽ khiến bạn khao khát được đem về cho ban công nhà thêm xanh.
Nhà cổ và chùa nằm gần nhau. Chùa tên chính là Kiến An Cung, nhưng nếu hỏi đường người dân, bạn nên sử dụng tên khác là chùa Ông Quách. Chùa được xây theo lối kiến trúc đặc trưng Trung Hoa rất đẹp, do người Phúc Kiến sống tại Việt Nam xây vào năm 1924.
Sau khi thăm chùa, bạn đi bộ khoảng 200 m là đến nhà cổ. Nhà của ông Huỳnh Thủy Lê, người Hoa – nhân vật chính trong truyện Người tình của nhà văn Pháp Marguerite Duras. Câu chuyện có thực, và sự nổi tiếng của nữ nhà văn dẫn theo sự nổi tiếng của ngôi nhà đã phần nào khiến cho Sa Đéc được biết đến bởi rất nhiều du khách nước ngoài.
Mỗi mùa, Đồng Tháp đều có một vẻ đẹp riêng. Kết thúc chuyến đi lần này, chắc rằng bạn sẽ còn vấn vương Đồng Tháp thêm một lần nữa vào mùa sau – mùa sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim.
Hành trình di chuyển
Để tiết kiệm thời gian, sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng của tuần vào chiều thứ Sáu, bạn nên bắt xe tại bến xe miền Tây (xe Phương Trang có chuyến xuất bến lúc 18 giờ 30 hoặc 19 giờ để đi Cao Lãnh. Thời gian xe chạy là ba tiếng rưỡi). Tới Cao Lãnh khoảng 22 giờ, nghỉ ngơi để hôm sau bạn có trọn một ngày khám phá Tràm Chim.
Tại Cao Lãnh, bạn nên chọn các khách sạn gần trục chính là đường Nguyễn Huệ để thuận tiện bắt xe buýt. Đường Đốc Binh Kiều, Nguyễn Đình Chiểu có một số khách sạn khá ổn.
Việc thuê xe máy ở đây có chút khó khăn do người dân không kinh doanh loại hình cho thuê xe. Bạn nên gọi điện để hỏi trước khách sạn. Trường hợp cuối cùng, bạn có thể thuê từ một người xe ôm với giá gấp đôi khách sạn (300.000 đồng) và phải được đảm bảo bởi khách sạn mình ở.
Chặng Cao Lãnh – Tràm Chim: 46 km. Bạn có thể bắt hai tuyến xe buýt (hoạt động từ 5 giờ đến 18 giờ), hoặc đi xe máy.
Chặng Cao Lãnh – Xẻo Quýt: 30 km. Bạn bắt một tuyến xe buýt, tới điểm cách khu du lịch chừng 6 km, đi tiếp xe ôm vào trong.
Chặng Xẻo Quýt – Sa Đéc: 13 km. Bạn có thể gọi taxi chạy từ Sa Đéc tới đón.
Trở về Sài Gòn vào chiều Chủ Nhật, bạn nên đặt xe khách từ hôm trước (nếu bạn đi đông người).
Caption:
  1. Một góc Tràm Chim.
  2. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.
  3. Chùa Ông Quách (Kiến An Cung).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét