Cạnh lối vào khu dinh thự Vua Mèo nổi tiếng ở cao nguyên đá Đồng Văn có một ngôi mộ được xây cất bằng đá theo lối cổ của người H'Mông trong vùng.
Đó chính là nơi an nghỉ của Vua Mèo Vương Chí Sình (1886 - 1962), nhân vật quyền lực nhất vùng đất Hà Giang những năm 1930 - 1940
Bia mộ Vua Mèo ghi tên ông là Vương Chí Thành cùng chức danh Đại biểu quốc hội khía I và II nước VNDCCH. Đây là tên Bác Hồ gọi Vương Chí Sình sau khi kết nghĩa anh em với ông. Mộ phần còn có dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”. Dòng chữ này từng được khắc trên thanh gươm Bác Hồ tặng cho Vua Mèo
Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, Vua Mèo Vương Chí Sình đã một lòng theo sự nghiệp cách mạng. Tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước ta năm 1946, ông vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội. Là một người có tiếng nói lớn, ông đã tuyên truyền vận động người dân Hà Giang một lòng theo chính quyền mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, sống định canh định cư
Cạnh mộ Vua Mèo Vương Chí Sình có mộ người vợ thứ ba của ông là bà Trương Mỹ Thuận.
Theo lời kể, bà Trương Mỹ Thuận là một người phụ nữ Hà Nội xinh đẹp. Trong một chuyến đi buôn, ngay lần đầu gặp gỡ, Vương Chí Sình đã lập tức say mê và cưới bà về làm vợ
Để bày tỏ lòng yêu quý người vợ, Vương Chí Sình còn mời cả mẹ đẻ của bà về sống cùng. Tuy chỉ là vợ ba, nhưng bà Trương Mỹ Thuận có quyền lực rất lớn. Bà quát câu nào, không một gia nô nào trong nhà dám không nghe. Mọi lệnh bà đưa ra đều coi như là mệnh lệnh của Vương Chí Sình
Năm 1945, khi Vương Chí Sình về Hà Nội, chính bà Trương Mỹ Thuận là người đã đi theo Vương Chí Sình và chứng khiến chồng mình kết nghĩa anh em với Bác Hồ...
Quốc Lê
Bồn tắm sữa dê cực độc của vua Mèo Hà Giang
(Kiến Thức) - Không chỉ lạ lùng về vẻ ngoài, chiếc bồn này cũng được sử dụng theo cách thức rất đặc biệt...
Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, dinh thự của vua mèo Vương Chính Đức (1865 - 1947) ở Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang còn là nơi lưu giữ những hiện vật quý gắn bó với cuộc đời của người từng cai quản toàn bộ vùng cao nguyên đá 1 thế kỷ trước.
Trong số đó, có một hiện vật hết sức đặc biệt: Chiếc bồn tắm được chế tác từ một tảng đá nguyên khối, nặng hàng trăm kg.
Bồn có hình bán nguyệt, chiều dài khoảng 1 mét, rộng nửa mét, thành dày 5cm, được tạc từ một tảng đá lớn tìm thấy trong vùng.
Dù có vẻ ngoài thô mộc, chiếc bồn này đòi hỏi công sức rất lớn của những người thợ làm đá khi họ phải tỉ mẩn khoét rỗng ruột một khối đá lớn với độ chính xác cao.
Không chỉ lạ lùng về vẻ ngoài, chiếc bồn này cũng được sử dụng theo cách thức rất đặc biệt.
Chỉ có những người vợ của vua Mèo mới được sử dụng bồn, và nước tắm trong bồn không phải nước bình thường mà là sữa dê đun nóng.
Từ nhiều thế kỷ trước, tắm sữa dê đã được coi là bí quyết gìn giữ tuổi thanh xuân của phụ nữ trong các cung đình.
Để có thể phục vụ như cầu tắm sữa dê của thê thiếp, vua Mèo Vương Chính Đức đã phải thu mua một một phần lớn sữa dê được sản xuất trong vùng
Sữa dê dùng cho mỗi một lần tắm có giá trị tương đương với hàng tạ gạo, ngô
Điều này cho thấy mức độ vương giả trong cuộc sống của vua mèo Vương Chính Đức - người đã tích lũy khối lượng của cải khổng lồ nhờ việc buôn thuốc phiện.
Do rất nặng và khó phá hủy nên chiếc bồn tắm lịch sử đã tồn tại cùng khu dinh thự bề thế sau 1 thế kỷ đầy biến động.
Quốc Lê
Khám phá “Biểu tượng vương triều” vùng cực Bắc
- 02/09/15 15:14
Sự kiện:Điểm đến du lịch trong nước
(Emdep.vn) - Thời cực thịnh, vương triều của Vua Mèo có 7 vạn dân, đa phần sinh sống bằng nghề trồng cây anh túc. Cũng chính anh túc là nguồn tiền để “Vua Mèo” xây nên biểu tượng vương triều này.
Nằm ở độ cao 1600m, cách thành phố Hà Giang khoảng 130km và cách trung tâm huyện Đồng Văn 13km, dinh thự của “Vua Mèo” Vương Chính Đức vẫn mãi là một điểm tham quan đầy hấp dẫn với những ai ưa khám phá bởi những câu chuyện ly kỳ được thêu dệt quanh công trình kiến trúc tinh xảo này.
Đường lên Đồng Văn.
“Vua Mèo” Vương Chính Đức vốn là thủ lĩnh người Mông vùng cực Bắc cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc. Thời cực thịnh, vương triều của ông có 7 vạn dân, đa phần sinh sống bằng nghề trồng cây anh túc. Cũng chính anh túc là nguồn tiền để “Vua Mèo” xây nên biểu tượng vương triều này, theo sử sách thì tốn hết 15 vạn bạc trắng, số tiền khổng lồ khi đó.
Lối vào dinh thự vua Mèo.
“Vua Mèo” Vương Chính Đức (ảnh Internet).
Nằm trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Xà phìn, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, dinh thự vua Mèo có tổng diện tích gần 3.000 m2, được xây dựng trong 9 năm (1919 - 1928). Xung quanh công trình kiến trúc tinh xảo này có rất nhiều điều kỳ bí, chuyện kể rằng trước khi khởi công xây dựng, vua Mèo Vương Chính Đức đã sang Tàu thuê thầy phong thủy để tìm đất. Xà Phìn với một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy, biểu tượng cho vương triều thịnh vượng đã được chấm để đặt cung điện của nhà vua.
Dinh thự có kiến trúc hình chữ “Vương”, được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Dinh có ba ngôi nhà sàn, ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý. Những cột gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo kiểu âm dương. Nét độc đáo của ngôi nhà là các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn tạo thành khuôn viên riêng biệt. Tất cả chi tiết kiến trúc trong dinh thự đều được bàn tay khéo léo chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo.
Dinh vua Mèo được xây dựng trên một khu đất đẹp với diện tích 1.120 m2, ở độ cao trên 1.600 m so với mặt nước biển. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao. Vua Mèo Vương Chính Đức đã kỳ công đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ về xây nhà.
Kiến trúc dinh chịu ảnh hưởng từ ba nền văn hóa: Pháp, H’Mong và Trung quốc, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế theo kiến trúc hình chữ “Vương”. Dinh thự có bốn nhà ngang, sáu nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 buồng được xây thành hai tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uốn lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương.
Chi tiết kiến trúc cầu kỳ của vòm mái đã nhuốm màu rêu phong của thời gian.
Khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và người làm. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương. Thuở ban đầu, toàn bộ gỗ được dùng trong ngôi nhà đều là gỗ thông đá. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do Vua nhà Nguyễn phong tặng Vương Chính Đức: "Biên chinh khả phong". Lớp tường bảo về bên ngoài dài 265m được xây cao trung bình 2,1m, chân tường rộng khoảng 0,9m, cứ mỗi 6m lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm sự an toàn cho cả khu dinh thự. Phía sau dinh thự có một bể chứa nước rất lớn có thể tích 300m3 được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống.
Trải qua gần một thế kỷ, biểu tượng vương triều này vẫn đứng oai phong giữa đất trời và có lẽ rất lâu nữa nơi đây vẫn sẽ thu hút du khách khắp nơi ghé qua, dành chút thời gian đắm mình trong không gian cổ xưa của một vương triều - một con người huyền thoại.
Thảo Nguyên
Ảnh: Đức Art
(Theo Congluan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét