Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Ngao du về phía Nam châu Ô xưa

Tùng Sơn
Khu vực Nam Ô (Đà Nẵng) có nhiều cảnh quan đẹp và nhiều di tích văn hóa lịch sử. Bãi biển Nam Ô có độ dốc vừa phải nằm ven chân núi, biển xanh ngát một màu. Nơi đây còn in dấu tích của người Chăm xưa, có đặc sản rau rừng, có nước mắm Nam Ô… sẽ làm thỏa lòng lữ khách.
Theo người địa phương, tên gọi Nam Ô là do vùng đất này nằm ở phía Nam của châu Ô xưa. Bãi tắm Nam Ô có từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, chủ yếu thỏa mãn nhu cầu tắm biển của dân địa phương. Càng về sau, du khách các nơi đổ về ngày càng nhiều do bãi biển đẹp và hiền hòa…
Cầu xe lửa Nam Ô.
Cầu xe lửa Nam Ô.
Thưởng thức đặc sản Nam Ô
Sách Ô Châu Cận Lục được viết năm 1553, Dương Văn An chép rằng: “Đến Tùng Giang, ở cửa biển Tư Khách thuộc huyện Tư Vinh, tại cửa biển Đà Nẵng có đền thờ thần họ Nguyễn tên Phục…”. Đây là lần đầu tiên tên gọi Đà Nẵng được ghi chép vào sử sách.
Du khách nước ngoài dừng chân vãn cảnh sông nước Nam Ô.
Du khách nước ngoài dừng chân vãn cảnh sông nước Nam Ô.
Nam Ô cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 17 km, về phía Tây Bắc, thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu – Đà Nẵng). Là một làng đánh cá cổ xưa nằm phía Nam dưới chân đèo Hải Vân, cảnh hoang sơ, hùng vĩ. Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng lại trên đỉnh đèo ngắm cảnh làm thơ. Ngạc nhiên trước cảnh đẹp và sự hùng vĩ của trời mây nơi đây, nhà vua đã đặt cho Hải Vân tên gọi “Đệ nhất hùng quan”.
Từ bãi tắm Nam Ô, du khách có thể đi thuyền ngược về hướng Tây theo cửa sông Cu Đê, qua cây cầu xe lửa làm từ thời Pháp thuộc bắc ngang sông trông hoành tráng với không gian rộng bao la. Phía tả ngạn, những hàng dừa xanh rũ bóng ven sông, những dàn lưới, thuyền thúng là đà trên mặt nước xanh lơ và mây trắng như ngập ngừng trôi dưới nước. Xa xa, dãy Trường Sơn mờ tít tắp trong sương khói. Về phía Bắc không xa, có làng Vân nằm bên một eo biển tuyệt đẹp trông ra vịnh Đà Nẵng, một bên mây bay đỉnh núi và một bên biển xanh sóng vỗ. Có dịp qua đây vào mùa xuân, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn giải đua thuyền truyền thống trên sông Cu Đê do những cư dân sông nước trong vùng đua tài, rộn ràng bên tiếng trống giục, người reo.
Khu vực hai bên bờ sông, có nhiều quán bán đặc sản – gỏi cá Nam Ô. Nhờ có loại cá trích dồi dào cũng như rau rừng hái từ núi Hải Vân khi còn tinh sương tạo nên món gỏi cá trích đặc sắc chẳng nơi nào có được. Thịt cá ngọt, nước chấm đậm bùi, vị riềng ớt cay thơm hòa với các loại lá “hương rừng cỏ nội” làm tăng thêm độ khoái khẩu của món “đặc sản Nam Ô”. Du khách có thể mua các loại hải sản tươi còn đang quẫy để chế biến các món ăn của những ngư dân làng chài mang bán với giá rẻ bất ngờ. Ngoài ra, còn có nước mắm Nam Ô với màu cánh gián, thơm ngon nổi tiếng trong nước.
Làng nhỏ đánh cá Nam Ô.
Làng nhỏ đánh cá Nam Ô.
Hàng dừa rũ bóng ven sông.
Hàng dừa rũ bóng ven sông.
Cảnh đẹp trên sông Cu Đê (đoạn trên cầu Nam Ô).
Cảnh đẹp trên sông Cu Đê (đoạn trên cầu Nam Ô).
Di tích một thời cha ông mở nước
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, vùng đất Nam Ô (nơi cuối sông Cu Đê) chính là nơi ghi dấu ấn bước chân “hành phương Nam” của cha ông ta ngày xưa, hằn in vó ngựa dọc triền sông Cu Đê ra bến Nam Ô. Ngày ấy từ Bắc vào Nam vốn có đến hai con đèo qua Hải Vân. Đường đèo hiện nay gọi là Hải Vân hạ đạo, còn có một Hải Vân thượng đạo khác băng qua xứ U Bò, xuống Quán Sảng thuộc khu vực Bầu Bàng, Trường Định bấy giờ (thượng nguồn sông Cu Đê).
Hiện nay, trong làng đánh cá Nam Ô có ngôi mộ cổ. Theo các cụ già làng thì đây chính là mộ của một vị tướng vào Nam Ô năm 1306 trong việc phụng chỉ vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để mở rộng biên giới Đại Việt đến sông Thu Bồn. Lại có thêm một thông tin khác: ngôi mộ lớn đó chính là mộ của một vị tướng theo Trần Khắc Chung vào Nam cứu công chúa Huyền Trân năm 1307. Cạnh ngôi mộ, có ngôi miếu hoang tàn đổ nát mà nét kiến trúc còn lại vẫn mang dáng dấp hài hòa, cổ kính.
Lăng thờ cá Ông được xây dựng từ 300 năm trước, trong đó còn lưu giữ hàng chục chiếc hủ sành lớn nhỏ chứa hài cốt cá Ông. Rồi ngôi đình Xuân Dương cổ kính với tuồng gỗ được chạm trổ các hoa văn họa tiết cổ xưa. Dấu vết của một ngôi tháp Chăm cổ với những viên gạch vồ to khổ cùng một số giếng nước hình vuông xây bằng đá, nước quanh năm trong vắt, mát và ngọt nhất làng. Qua đó, Nam Ô đã có dấu tích của người Chăm xưa.
Trên đường thiên lý Bắc-Nam, du khách có thể dừng chân ở khu vực cầu Nam Ô để vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian thơ mộng, hữu tình nơi địa đầu Đà Nẵng. Có thời gian, thăm thú di tích Chăm xưa, thưởng thức đặc sản trên làng cá “lâu đời dưới chân đèo Hải Vân “như một chuyến ngao du về châu Ô xưa cũ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét