(HNMO) - Hàng Đào vẫn được coi là phố chính của Hà Nội. Đây có lẽ cũng là tuyến phố nổi tiếng bậc nhất trong khu du lịch phố cổ. Phố Hàng Đào là nơi buôn bán lụa là vóc nhiễu với nhiều màu sắc đẹp đẽ, và người Hàng Đào vẫn được tiếng là người thanh lịch, con người của “kinh kỳ” kiểu cách đến thành cầu kỳ hào nhoáng.
Phố Hàng Đào ngày nay là điểm du lịch, mua sắm yêu thích của khách tham quan phố cổ. |
Từ năm 2006, UBND Quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật. Chợ đêm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một số đặc sản của Hà Nội phục vụ du khách du lịch. Tuyến phố đi bộ trên chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân đã tạo nên một nét văn hóa mới của Thủ đô, thu hút được sự quan tâm của nhân dân thủ đô và du khách đến Hà Nội.
Hiện nay Hàng Đào là phố một chiều cho các phương tiện giao thông và vẫn được coi là phố buôn bán chính, đặc trưng của người Hà Nội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng phố Hàng Đào còn có lịch sử lâu dài và hào nhoáng hơn thế rất nhiều - sự lý giải cho việc con phố này dù ngắn nhưng sở hữu rất nhiều các di tích như trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại nhà số 10, Miếu Đồng Lạc ở nhà số 31, Đình Hoa Lộc Thị ở số 90A hay Đình Đồng Lạc ở nhà số 38 (thờ Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn)...
Ngược dòng lịch sử, Phố Hàng Đào tại thành Thăng Long xưa thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương đời Hậu Lê. Phường Đại Lợi tập trung người làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương), làng Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần, Hồ, đến đời Lê đã rất sầm uất. Các nhà bán vải chủ yếu là bán lẻ.
Từ năm 2003, UBND Quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật. |
Phố Hàng Đào đông vui nhất vào những ngày phiên chợ, ngày mùng Một và mùng Sáu hàng tháng: người các làng La Cả, La Khê ra bán the, người Đại Mỗ bán hàng cấp lụa đũi; gấm vóc thì cấp của người làng Vạn Phúc, lĩnh của người làng Bưởi. The lụa đũi vẫn còn để mộc; đến lượt những người ở chợ Dầu (Đình Bảng), ở Hàng Bông Nhuộm, Tây Hồ đến nhận về nhuộm thâm. Những người ở phố Cầu Gỗ, Bưởi thì nhận về nhuộm màu hay chuội trắng. Những người thợ cửi ở Hà Đông ra Hà Nội bán xong hàng, lại tìm mua tơ của các nhà buôn ở Hàng Đào, Hàng Gai để làm hàng cho phiên chợ sau.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ I, Hàng Đào đã có nhiều thay đổi. Trước hết là xuất hiện những hiệu “Tây Đen bán vải”: đó là những người ấn Độ ở năm tỉnh thuộc địa Pháp, chuyên bán lẻ và bán buôn các thứ vải bông khổ rộng màu trắng, đen, xanh, kaki, của các hàng nhập khẩu Pháp. Họ trả tiền thuê nhà cao, dần chiếm đến vài chục cửa hàng ở Hàng Đào và đầu Hàng Ngang. Những cửa hàng Tây Đen này hầu hết ở bên chỗ chẵn, ngôi nhà ở đầu phố là to nhất. Khách đi qua quãng phố này thấy chiều chiều khoảng 6 giờ trong nhà toả ra sặc mùi sạ của hương đốt.
Một góc phố Hàng Đào những năm 1920. (Ảnh: Charles Peyrin). |
Số cửa hiệu chuyên bán tơ lụa cũng thu hẹp dần; nhiều nhà buôn lụa quay sang kiêm bán cả hàng vải bông như hiệu Tây Đen. Cách bài trí cửa hiệu cũng thay đổi giống như cửa hiệu Tây Đen, tức là có tủ kính, quầy hàng, biển hàng bằng chữ quốc ngữ chữ Tây. Nhiều nhà quyền quí cho thuê lại cửa hàng, rút vào ở nhà trong, hoặc bán nhà Hàng Đào dọn sang phố khác. Tuy nhiên vẫn có những gia đình giữ được cái truyền thống buôn tơ làm giàu, mẹ truyền lại nghề cho con dâu, con gái.
Ngày nay, Hàng Đào vẫn tập trung đông đúc các hộ kinh doanh quần áo - song song với hoạt động chợ đêm phục vụ du lịch vào các ngày cuối tuần rất sôi động. |
Cũng trong giai đoạn này, nghề buôn bán tại Hàng Đào phải cạnh tranh nhau ráo riết và làm nảy sinh nhiều sáng kiến : ngoài việc trang trí cửa hàng để câu khách, có một hiện tượng độc đáo riêng của Hàng Đào là mỗi cửa hàng bán vải lụa của người Việt Nam đều treo hình một con thú bằng tôn, bằng gỗ sơn. Có lẽ để khách hàng nông thôn nhớ nhà hàng cho dễ, hoặc đã mua một lần, hoặc đọc trong quản cáo. Phố Hàng Đào lúc này cũng không còn chỉ chuyên bán tơ lụa vải tấm. Các hiệu tạp hoá bắt đầu chen vào giữa đám cửa hàng vải. Điều nổi bật là tạp hoá bán ở Hàng Đào phải là những thứ hàng mới nhất, hàng mốt nhất, nhập của Paris; đó là những cửa hiệu bán mũ dạ, khăn quàng, ca vát, mùi xoa, phấn sáp, nước hoa, các đồ trang sức vàng bạc, vài cửa hàng dày da, cửa hàng ngoại. Cũng có vài cửa hàng vàng bạc, vài cửa hàng giày da, cửa hàng dệt kim, cửa hàng quần áo may sẵn.
Hàng Đào là phố cổ, chính vì thế không ít các căn nhà tại đây đã nuôi dưỡng những nhân vật mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử. Đơn cử như nhà số 4 là gia đình cụ Cử Lương Văn Can, cha con anh em đều liên quan đến quốc sự hồi đầu thế 20. Lương Văn Can (1886 - 1927) người làng Nhị Khê, học trò trường Ngô Văn Dạng có truyền thống Vũ Tông Phan, đỗ cử nhân, không làm quan; ông sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp đầy vào Cao Miên, sau được về nhà và mất ở Hà Nội. Năm người con của Lương Văn Can đều là những người hoạt động cách mạng: Lương Trúc Đài (dạy Đông Kinh Nghĩa Thục, viết Nam quốc địa dư) - Lương Ngọc Quyến(xuất dương theo phong trào Đông Du, sau khi học ở trường quân sự Nhật Bản, về nước hoạt động, bị bắt đầy lên Thái Nguyên; ông đã phát động cuộc binh biến trong đám binh lính của thực dân do Đội Cấn cầm đầu , làm cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 bị tử trận)...
Ca dao xưa có câu: "Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây. Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người". |
Ngoài Lương Văn Can, cũng phải đề cập đến nhà số 6 có ông Hoàng Đạo Thành đỗ cử nhân, làm giáo thụ, rồi bỏ chức về dạy học, tác giả Việt sử tân ước; Nhà số 21 là gia đình Vạn Tường, nhà nho không đi thi, ở nhà dạy học và chữa bệnh, làm phúc hơn là lấy tiền thuốc; Nhà số 7 là gia đình Hoàng Đạo Thuý; Nhà số 25 là Bà Cả Mọc Hàng Đào (Hoàng Thị Uyển) vốn goá chồng sớm, có cửa hàng tấm trở nên giàu có đã đứng lên bỏ tiền và hô hào bè bạn góp thêm lập ra Hội Kế Sinh Hàng Đũa để chăm sóc những trẻ con nhà nghèo lê la ngoài đường trong khi bố mẹ bận lao động kiếm ăn hàng ngày; đó là một nhà trẻ đầu tiên của Hà Nội (không lấy tiền) vừa trông nom vừa dạy dỗ trẻ theo phương pháp giáo dục của một nhóm Hướng Đạo Sinh vạch ra. Bà Cả Mọc còn lập ra một trại an dưỡng ở Phúc Yên thu nhận người già và người tàn tật không chỗ nương tựa.
Ngày nay, Hàng Đào vẫn nổi tiếng với cấc cửa hàng vải vóc, quần ào với nhiều lựa chọn phong phú, đa dạng. |
Có thể thấy, Hàng Đào là con phố không chỉ đậm chất lịch sử mà cũng giàu tiềm năng về các mặt, lại có điều kiện kinh tế dồi dào nên luôn đủ sức nhanh chóng đổi mới theo thời đại. Do đó, nếu được đầu tư chỉnh trang, định hướng phát triển du lịch một cách phù hợp, đây sẽ luôn là một "điểm nóng" du lịch cho mọi khách tham quan thủ đô cũng như đem lại nguồn thu không nhỏ về kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét