Không chỉ có hàng chục tiệm nướng cá nằm rải rác trong con phố, mà khu vực này còn mang nhiều nét văn hóa thú vị của người miền Tây, những cư dân chân chất, mộc mạc sinh sống buôn bán mưu sinh trong vùng.
Mới hình thành khoảng gần chục năm trở lại đây nhưng khu phố cá nướng Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) đã được coi là một trong những khu phố ẩm thực độc đáo ở TP.HCM.
Là một trong những người đầu tiên bán cá lóc nướng, bà Năm Hường quê ở Tràm Chim (Đồng Tháp) cho biết, ngày xưa chỗ này còn là ngoại ô thành phố, cuối đường lại là khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa nên chỉ toàn dân nhập cư, người thuê trọ dưới miền Tây lên cư ngụ mà thôi. Ban đầu, cá lóc được bán ở một vài tiệm, đều là người vùng Đồng Tháp, Long An cả do cá từ quê nhà gửi lên, vừa nướng để ăn và bán. Dần dà, do phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, và quan trọng là cá nướng ngon khiến nghề này ngày một phát triển.
Ngày nay, cả tuyến đường này có tới chừng 30 tiệm nướng cá lóc, một vài trong số đó không phải là người gốc miền Tây, chỉ mở tiệm kinh doanh thông thường. Mỗi ngày, có cả vài trăm con cá được bán ra ở khu phố này, chưa kể nhiều tiệc cưới, đám hỏi… cũng thường xuyên tìm đến đặt mua với số lượng lớn.
Cá lóc nướng, một trong những đặc sản độc đáo ở đây.
Cũng theo bà Năm, bí quyết để làm lên hương vị khác biệt của cá nướng ở đây chính là nguyên liệu. Theo đó, hầu hết cá lóc đều là thứ cá đồng, được vận chuyển từ khu vực Đức Hòa, Bến Lức (Long An) hay thậm chí dưới tận Đồng Tháp lên theo dạng còn tươi sống. Sau đó, cá làm sạch, để nguyên con rồi đưa vào than hồng nướng. Mặc dù cách làm có khác nhưng khi hoàn thành, cá lóc có hương vị như nướng trui trên đồng đất của những cư dân miệt đồng bằng thực thụ. Và có lẽ đó chính là bí quyết làm lên sự khác lạ của những con cá lóc nướng nơi đây.
Theo một khách hàng mua cá lóc nướng, dù cá lóc nướng được bán ở nhiều nơi, nhiều nhà hàng trong thành phố nhưng chỉ có ở khu vực đường Tân Kỳ Tân Quý này, cá mới có hương vị đậm đà như ở miền Tây mà thôi. Từ cách nướng cá, tẩm ướp cho đến mắm chấm và rau ăn kèm. Nó tạo cảm giác cho thực khách, nhất là thực khách quê ở miền Tây nhớ đến hương vị thân quen của quê nhà. Không những vậy, cái tình cảm giản dị của những người nướng cá cũng là một phần khá khác biệt của con phố nướng cá này.
Với giá bán khá bình dân, phù hợp túi tiền của nhiều người nên dù là đặc sản từ miệt đồng bằng nhưng cá lóc lại là món ăn rất thông dụng của nhiều người, kể cả tầng lớp người lao động nghèo. Cụ thể, cá thường bán theo con, được chủ quán ước lượng quy định trước chứ không cân đo như hầu hết các sản phẩm hàng hóa khác trên thị trường.
Nói về điều này, anh Bút, một người bán cá nướng ở phố này cho biết. Thường thì lóc dưới một ký, giá bán khoảng 120 ngàn đồng, gồm cả một số loại rau ăn kèm như rau đắng, rau thơm, xà lách, bông sen, bông súng, điên điển… cùng nước chấm và bún tươi. Nếu cá lớn trên một ký, giá có thể cao hơn, gần 200 ngàn đồng. Đặc biệt, lâu lâu có những con lóc to, tới cả hai ký thì giá bán khác, dành cho khách hàng đặc biệt. Có thể nói, so với giá cá tươi ở chợ thì cá lóc nướng mắc hơn bởi vì cá ở đây là lóc đồng, được mang từ miền Tây lên chứ không phải cá nuôi.
Mỗi ngày trung bình anh Bút nướng khoảng 15 đến 20 con, riêng cuối tuần có khi tới 30 con. “Mặc dù nhiều khi đông khách nhưng tuyệt đối không bao giờ chúng tôi dùng loại cá khác để nướng, mà phải là cá đồng thứ thiệt” – người đàn ông nửa đời lăn lộn ở đất Sài Gòn cười tươi khẳng định.
Hiện nay, dù không còn là một xóm ngoại ô xa xôi mà đã trở thành khu phố sầm uất, nhưng những tiệm bán cá lóc nướng ven hai bên đường thì vẫn thế. Vẫn nghi ngút khói buổi chiều chiều, tỏa ra một mùi thơm nồng nàn hương vị đồng đất như một vùng quê yên bình nào đó, mặc dưới lòng đường, dòng người xe vẫn tất bật ngược xuôi.
SGTT – Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét