HẢI DƯƠNG –
Quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử trải dài trên một vùng đất rộng lớn thuộc bốn huyện (Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động) của tỉnh Bắc Giang và hai huyện, thành phố (Đông Triều, Uông Bí) của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc hành trình dài ngày về những vùng đất đã in đậm dấu ấn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cùng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng.
DẠO CHƠI SÔNG LỤC NÚI HUYỀN
Tìm về chốn Tổ
Trong tâm thức của những người Việt tìm về hành hương bái Phật hẳn đã thuộc câu ca xưa:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”
Câu ca đã nhắc đến ba ngôi chùa nổi tiếng nhất của thiền phái Trúc Lâm là Yên Tử, Quỳnh Lâm và Vĩnh Nghiêm.
Nằm cách Hà Nội hơn 70 km về phía Đông Bắc, chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Người dân vùng Kinh Bắc vẫn gọi chùa Vĩnh Nghiêm là chùa La. Cứ nghe đến chùa La là nghĩ ngay đến một ngôi chùa lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Chùa tọa lạc ở nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Xưa kia khu vực này có tên là ngã ba Phượng Nhãn. Nhìn về phía xa xa chính là Lục Đầu Giang cùng ngôi đền Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Một phía khác của chùa chính là vùng Cẩm Lý, cửa ngõ vào khu rừng Tây Yên Tử hùng vĩ.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào thời Lý. Đến thời Trần vào thế kỷ XIII, chùa được trùng tu, mở rộng và trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Thiền phái Trúc Lâm do Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và ngài chính là Tổ đệ nhất. Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cường là Tổ đệ nhị và thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái là Tổ đệ tam. Cả ba vị Tổ của Trúc Lâm thiền phái đều trụ trì và mở trường thuyết pháp tại chùa này.
Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và phát triển cực thịnh vào thời Trần. Cũng vì lẽ đó Vĩnh Nghiêm được coi là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Tại chùa hiện vẫn lưu giữ kho kinh khắc trên gỗ thị, một tài sản quý giá về mặt lịch sử, nghiên cứu, nghệ thuật. Nhà chùa hiện nay chỉ trưng bày vài tấm ván kinh phục dựng trong tủ kính cho du khách xem. Còn lại toàn bộ hơn 3.000 bản ván kinh đã được bảo quản kỹ càng, nghiêm ngặt.
Băng rừng, vượt thác, lên núi Phật
Rời chùa Vĩnh Nghiêm, chúng tôi lên đường khám phá những thắng cảnh Tây Yên Tử. Đầu tiên là vùng đất Lục Nam mà nhiều người gọi bằng cái tên vùng đất “Lục-Huyền”, nơi có dòng sông Lục Nam uốn lượn dưới dãy Huyền Đinh xanh thăm thẳm.
Chúng tôi dừng chân bên đường để ăn sáng. Chị chủ quán đang mở bài hát quen quen có tên Gửi về sông Lục núi Huyền do ca sĩ Hồng Liên trình bày rất ngọt ngào.
“Quanh co, quanh co con đường lên dốc
Đền Trung, Đền Thượng hương khói vu vi
Róc rách suối reo, hoa lá thầm thì…”
Câu hát mời gọi mọi người về với vùng đất Lục Nam cổ tích. Nó còn gợi nhắc đến thắng cảnh suối Mỡ nổi tiếng của vùng Tây Yên Tử thuộc xã Nghĩa Phương, Lục Nam. Chúng tôi quyết định chọn suối Mỡ là điểm đến đầu tiên trong ngày.
Những ngày hè nắng nóng, đường xa mà gặp con suối trong rừng thì cảm giác chưa cần lội, cần tắm cũng đã thấy thích lắm rồi. Con suối nằm nép mình dưới chân núi Huyền Đinh, chảy uốn lượn từ cao xuống thấp. Dòng nước cứ luồn lách chảy qua những khe đá, rồi đổ xuống những vũng trũng, tung bọt trắng xóa. Bà Mai, người bán nước gần suối, khuyến cáo: “Suối này rất trơn, trơn như đổ mỡ nên đi lại phải rất cẩn thận. Cũng vì trơn như mỡ nên nó mới có tên là vậy”.
Không chỉ có phong cảnh đẹp, nơi đây còn có thể xem là một khu du lịch tâm linh. Dọc theo suối Mỡ, có đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Trần, đền Quan. Đền ở suối Mỡ thờ Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương, người có công mở dòng suối Mỡ, dạy dân chúng trong vùng cách làm ruộng, phát nương. Cùng với đó người ta lập đền Trần để thờ các vị vua anh minh của vương triều này. Ở phía sân sau đền Hạ có một cây lan cổ thụ rất lớn mà người địa phương cho rằng đã hơn 200 tuổi. Vào mùa nở hoa cả một vùng sẽ ngửi thấy hương thơm ngào ngạt.
Đã đi suối Mỡ thì không thể bỏ qua thác Thùm Thùm, nơi thượng nguồn của dòng suối. Để lên thác, du khách phải vượt qua 7 km đường đèo dốc, khá nguy hiểm dù đã được trải nhựa. Dọc tuyến đường có những biển cảnh báo sạt lở vào mùa mưa bão.
Con đường mòn xuyên rừng càng đi càng hẻo lánh, khó khăn. Mãi đến gần trưa, cả nhóm mới tới thác. Nằm ở đỉnh núi Huyền Đinh, thác Thùm Thùm được tạo bởi những dòng nước đổ từ trên cao xuống các vũng. Những vũng nước do thác đổ xuống vô tình tạo ra các bãi tắm thiên nhiên tuyệt đẹp. Nhiều chàng trai, cô gái cứ để nguyên quần áo mà nhào xuống bãi tắm. Dòng nước xối xả, mát rượi đã cuốn phăng đi mồ hôi, bụi đường, cùng bao mệt mỏi.
Từ tầng một lên tầng hai của thác có vẻ đơn giản. Nhưng từ tầng hai lên tầng ba cao hơn 10 m khá nguy hiểm. Khu vực này được mệnh danh là “thác Trơn” và để trợ giúp cho du khách, người dân bản địa đã làm một chiếc thang dây. Du khách có sức khỏe sẽ đu thang dây lên tầng trên.
Ở tầng thứ ba có những vũng nước trong vắt, nhìn rõ cả viên sỏi nhỏ dưới đáy. Với nhiều bóng cây xanh mát, ở đây trở thành điểm nghỉ chân thư giãn và ngắm cảnh lý tưởng. Từ đây ai muốn chinh phục tiếp tầng bốn sẽ phải bám đu người qua một phiến đá khổng lồ chắn ngang dòng nước, cao 3-4 m. Đây là con đường duy nhất, vì không thể đi vòng sang đường rừng ở hai bên.
Sau một đêm ngủ lại suối Mỡ, sáng hôm sau chúng tôi lên đường tiến sâu hơn vào vùng Tây Yên Tử. Vùng đất cuối cùng của huyện Lục Nam là xã Lục Sơn, nơi giáp ranh với xã Bình Khê, Quảng Ninh. Ranh giới của hai xã cũng là ranh giới của hai huyện, hai tỉnh. Điểm khám phá là đỉnh Phật Sơn cao gần 1.000 m so với mực nước biển.
Đến xã Lục Sơn, một tấm biển to bên đường ghi “Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử – thắng cảnh suối Nước Vàng”. Từ đây đường đi mỗi lúc một nhỏ và đèo dốc. Chúng tôi tình cờ quen được Đặng Văn Thịnh, một người bản địa. Anh tình nguyện dẫn cả nhóm đi. Đi bộ khoảng 2 km từ điểm gửi xe, chúng tôi và Thịnh bắt gặp con suối có nước màu vàng óng như mật ong rừng. Truyền thuyết kể rằng: “Dòng suối này là dòng suối của Phật Hoàng nên mới có màu vàng như vậy. Người Cao Lao ở đây thường lấy nước suối về uống, hoặc cho trẻ sơ sinh tắm để mong khi con lớn lên có sức khỏe và trí tuệ…”.
Sau một buổi sáng trèo đèo, lội suối hơn 10 km trong rừng, cả nhóm mệt nhoài. Đến trưa, Thịnh dẫn chúng tôi dừng lại dưới chân thác Giót. Đây là con thác thượng nguồn của suối Nước Vàng. Thác Giót hoang sơ với những dòng nước đổ xuống từ trên vách đá. Mọi người vào đứng dưới thác để dòng nước đổ xuống người cho tươi tỉnh. Cả nhóm ăn ít bánh, sữa và trái cây mang theo rồi ngồi nghỉ lấy lại sức. Đoạn đường phía trước đòi hỏi nhiều sức khỏe và kỹ năng đi rừng vì con đường mòn rậm rạp và rất dốc.
Cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân lên đỉnh Phật Sơn. Trên đỉnh núi có một khu vực bằng phẳng, khá rộng, gọi là “Sân Trời”. Những phiến đá lớn với nhiều hình thù kỳ quái, ngộ nghĩnh. Trên Phật Sơn bát ngát mây trời, mọi người cảm giác chốn thiền đang lan tỏa quanh mình. Từ đây sang chùa Hồ Thiên của đất Bình Khê, Đông Triều chẳng còn bao xa. Nhưng chúng tôi quyết định quay lại phía Bắc Giang trước khi trời tối.
MÊNH MÔ NG HỒ CẤM
Nằm giữa vùng vải thiều lớn nhất Việt Nam, Cấm Sơn, Lục Ngạn như một bức tranh hồ trên núi tuyệt đẹp. Chúng tôi có được những trải nghiệm lý thú khi ngồi thuyền lênh đênh trên hồ, lang thang vào những thôn bản nhỏ Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ…
Trước khi xuống bến thuyền tại xã Sơn Hải, Lục Ngạn, chúng tôi được bí thư xã là ông Đăng cho những chỉ dẫn ban đầu. Ông giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch: “Hồ Cấm Sơn có diện tích rộng lớn, với các hòn đảo hoang sơ. Xung quanh hồ và trên một số đảo tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời như Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan… có nét văn hóa phong phú. Nơi đây có thể phát triển du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác đầu tư nên mới ở dạng tiềm năng”.
Tạm biệt ông bí thư xã, chúng tôi xuống thuyền vãn cảnh trên hồ. Ở đây du lịch chưa phát triển nên mọi người quyết định vào nhà dân để hỏi thuê thuyền. Những chiếc thuyền chạy máy vốn là phương tiện đi đánh cá của dân bản địa. Anh Long, chủ thuyền chúng tôi thuê, mời mọi người lên thuyền bắt đầu khám phá lòng hồ.
Hồ Cấm Sơn thật rộng lớn, với diện tích trên 3.000 ha. Thuyền đi ra giữa hồ, nước trong xanh vời vợi. Trong buổi sáng, mặt hồ như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu bức tranh núi rừng thơ mộng. Những hòn đảo nhỏ không có dân sinh sống, chỉ thấp thoáng những bụi cây ẩn hiện xa xa. Anh Long vừa lái thuyền vừa kiêm nhiệm vụ hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Anh kể ở vùng này các dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan có nhiều sự tích gắn với các địa danh như núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, đảo Lăn Lóc… Theo anh Long, những nhóm khách thuê thuyền như chúng tôi khá hiếm hoi. Thường nơi này chỉ có khách du lịch bụi, dân phượt hoặc những sinh viên tình nguyện lên đây giúp bà con, trẻ nhỏ.
Thuyền chúng tôi lướt qua những chiếc thuyền nhỏ chở hai người, có thể là vợ-chồng, anh-em, bố-con, đứng trên mặt hồ thả lưới đánh cá. Cứ một người cầm mái chèo còn người kia thả lưới… Ngày nào trên hồ Cấm Sơn cũng có hàng trăm ngư dân ở các xã vùng ven đi đánh cá mưu sinh như thế. Ông Hà Văn Ngân, một người đánh cá lâu năm ở hồ này, ghé gần thuyền chúng tôi trò chuyện: “Ngày nào chú cũng ra hồ đánh cá. Ở hồ này đánh được con cá chép 3-4 kg là chuyện bình thường”. Nói là vậy nhưng ông Ngân cũng cho biết đang lo trước việc nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt.
Sau một buổi sáng lênh đênh sông nước, chúng tôi nhờ anh Long ghé thuyền cập vào một số thôn bản ven hồ. Thôn Đồng Mậm thuộc nơi khó khăn nhất ở đây là điểm cả nhóm chọn để dừng chân.
Đồng Mậm là một thôn, hay nói đúng hơn là một đảo nhỏ nằm tách biệt. Đến Đồng Mậm chỉ có cách duy nhất là đi thuyền từ trung tâm xã ra. Trên đảo, các hộ dân hầu như chỉ trồng trọt được một vụ trên những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Còn lại khi mùa mưa tới, nước hồ Cấm Sơn dâng sẽ ngập toàn bộ đồng ruộng của bà con. Tuy cuộc sống ở nơi chưa có điện, có đường nhưng người dân Đồng Mậm khá hiếu khách.
Có rất ít hộ gia đình ở đây xây được nhà gạch chứ chưa nói gì đến nhà tầng. Người dân vẫn chung thủy với nhà trình tường, một loại nhà đặc trưng của người dân tộc thiểu số vùng cao. Nhà trình tường làm bằng đất, mái lợp ngói thấp lè tè, nhưng bà con cho biết nó rất mát vào mùa hè, ấm cúng khi trời lạnh và cũng bền theo thời gian. Tình cờ khi chúng tôi đến đây, có một hộ dân đang làm nhà trình tường, và chúng tôi có dịp xem những công đoạn như trộn, nhào đất, cho đất vào khuôn để làm thành từng bức tường… Cũng có nhiều căn nhà trình tường lâu năm đã bị bỏ hoang khi người dân xây được nhà gạch mới.
Rất thích thú với cuộc sống cùng cảnh vật vùng lòng hồ Cấm Sơn nên chúng tôi đã quyết định ngủ lại qua đêm ở đây. Buổi tối chúng tôi được người thầy giáo dạy trẻ nhỏ trong bản đãi món cá chép đánh bắt ở hồ Cấm Sơn. Cá chép ở hồ này có con nặng 4-5 kg, được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng ấn tượng và ngon miệng nhất với chúng tôi là đĩa trứng cá chép rán.
Buổi tối ở thôn nghèo chỉ có ánh điện le lói từ một số nhà có bình ắc quy. Nhưng không khí rất vui. Mọi người tập trung lại nhà ông bí thư chi bộ để xem phim miễn phí. Chúng tôi, những du khách từ xa đến, còn được mấy cô gái Nùng trong bản hát tặng những câu hát soong hao, cùng nụ cười tình tứ…
VÙNG CAO SƠN ĐỘNG HOANG SƠ
Lang thang thảo nguyên Đồng Cao
Từ thị trấn phố núi An Châu bình lặng, xe chúng tôi bắt đầu ngược lên phía Tây Bắc. Có một nơi của tỉnh Bắc Giang mà chúng tôi háo hức được đến, đó là thảo nguyên Đồng Cao thuộc hai xã Vân Sơn, Thạch Sơn. Thiên nhiên đã ban tặng cho những đỉnh núi lưng chừng trời ở đây những đồng cỏ bao la cùng một khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm.
Những giọt mồ hôi ướt đẫm áo đã mau chóng được hong khô bởi cơn gió ào ào trên đỉnh núi. Thời tiết ở Đồng Cao thật thú vị. Hơn 10 giờ sáng, trời đang nắng chang chang vậy mà đùng một cái mây mù ở đâu kéo đến bao phủ cả không gian. Mọi người bắt đầu cảm thấy lành lạnh và giục nhau đi tìm chỗ trú mưa.
Sau cơn mưa, Đồng Cao hiện ra thật tươi mới, trong trẻo. Chúng tôi đưa tầm mắt nhìn về xa xa là những đám mây vẫn còn vấn vương trên các đỉnh núi thuộc dãy Yên Tử. Đồng Cao đẹp tựa một bức tranh phong cảnh bình lặng, tĩnh tại. Ở đó, tôi chỉ nhận ra hai gam màu chủ đạo, một là những vạt cỏ xanh mơn mởn trải dài hút tầm mắt, hai là những khối đá cô đơn, lạc lõng xám xịt.
Nhưng rồi, khung cảnh bớt buồn hơn khi văng vẳng từ xa tiếng sáo trúc vi vu như phá tan không gian tĩnh lặng. Chúng tôi cuốc bộ lên đỉnh núi, phóng tầm mắt về phía xa xa. Ở bên kia sườn núi, đàn trâu, ngựa đang nhởn nhơ gặm cỏ. Thảo nguyên Đồng Cao là nơi chăn trâu, thả ngựa của một số hộ dân quanh vùng. Nhưng tìm một căn nhà nhỏ giữa núi đồi mông mênh quả thật khó. Đi dọc từ triền núi này sang mỏm đồi khác, thỉnh thoảng chỉ bắt gặp một vài lán nhỏ đơn sơ của dân du mục bỏ lại.
Đi mãi cuối cùng chúng tôi mới bắt gặp một quán nước nhỏ. Anh chủ quán người Dao tên Triệu Phi Nhận tâm sự: “Chỗ mình chưa có điện đâu, đường đi từ dưới xuôi lên khó khăn lắm, trường học cách đây 10 cây số, nên lũ trẻ đành phải đi học từ sớm”. Cũng phải thôi, ở những vùng rừng núi hoang sơ, ít người qua lại thường đi đôi với sự kém phát triển ở góc độ kinh tế xã hội. Cái đẹp của cảnh sắc cùng bầu không khí mát mẻ chưa mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các gia đình nhỏ trên thảo nguyên này.
Nhiều nhóm du khách tìm đến Đồng Cao để thích lang thang qua những đường mòn giữa đồng cỏ lưng chừng trời. Cắm trại và ngủ kềnh qua đêm giữa thảo nguyên mênh mông để xem thú vị ra sao. Đồng thời, khám phá nét văn hóa bản địa của các dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chỉ quanh vùng này.
Bóng nắng đã đứng đỉnh đầu, mọi người lại rủ nhau trở xuống từ độ cao 1.000 m. Điểm đến tiếp theo trên hành trình ngược lên Sơn Động chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thứ hai, tức rừng nguyên sinh Khe Rỗ ở xã An Lạc. Không còn hoang vắng như con đường lên Đồng Cao, giờ đây ngay trên quốc lộ 31 ở điểm rẽ vào An Lạc, chúng tôi bắt gặp từng đoàn người đi tránh nóng.
“Miền gái đẹp”
Ở vùng Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động, Bắc Giang, có “miền gái đẹp” Tuấn Mậu. Những người già kể rằng nhiều truyền thuyết gắn với việc các cô gái Dao được cung tiến vào kinh thành làm tỳ thiếp cho những bậc đế vương nhà Trần. Mảnh đất nào cũng có người xinh, người xấu. Nhưng cắt nghĩa của từ gái đẹp ở Tuấn Mậu được hiểu là vẻ đẹp không chỉ trên khuôn mặt, hình thể mà người con gái Dao còn phải đẹp trong những trang phục truyền thống, trong cách cư xử văn hóa, và đặc biệt là nếp sống đẹp của họ được giữ từ ngàn đời nay. Đó là lời giải thích của người già ở đây, bởi có nhiều du khách cũng như nhà nhiếp ảnh đã tìm về Tuấn Mậu với mục đích nhăm nhăm đi tìm các cô gái mặt xinh, da trắng chụp ảnh.
Trekking trong rừng nguyên sinh
Vào ngày hè nóng nực, được đi dưới những tán cây cổ thụ bên rừng, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh là điều vô cùng thích thú. Mọi người có được cảm giác khoan khoái tuyệt vời ấy nếu bỏ ra một ngày ở Khe Rỗ. Vùng rừng núi An Lạc hoang vu, tĩnh mịch sẽ buồn tẻ lắm thay nếu không có một Khe Rỗ róc rách suối chảy. Khe Rỗ vào mùa hè trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách tận mạn Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh chứ không riêng gì người Bắc Giang.
Đường vào Khe Rỗ hiện nay đã được đổ bê tông khá đẹp. Nhưng thuận theo tự nhiên, nhiều đoạn người ta không làm cầu mà vẫn để dòng nước từ các con suối chảy tràn qua mặt đường. Không cưỡng nổi cảm giác thích thú giữa trưa lại gặp dòng suối mát, chúng tôi dừng chân tắm luôn cho mấy chiếc xe máy sạch sẽ sau hành trình đất đỏ trên Đồng Cao.
Không khí ở Khe Rỗ vào những ngày hè luôn rộn ràng. Lũ trẻ con thích thú được bố mẹ cho đi chơi xa, lại còn chuẩn bị cả áo phao để tắm. Còn thanh niên phân chia nhau vác đồ ăn, nước uống bắt đầu chuyến trekking (đi bộ khám phá, trải nghiệm) rừng nguyên sinh.
Đi dưới những tán rừng dày đặc, dường như du khách chẳng mấy khi nhìn thấy mặt trời. Trưa nắng mà không khí nơi đây vẫn rất mát. Tuy đang là mùa mưa, nhưng suối ở Khe Rỗ khá cạn, nước chỉ ngập đến bắp chân. Ai thích lội suối thì chỉ cần chuẩn bị một đôi dép tổ ong và chiếc mũ đội đầu. “Lội nước thích hơn đi trên bờ!”, một người trong nhóm rủ rê. Đôi chỗ con đường mòn men theo suối lại đổi sang phía bên kia. Nhiều người lội qua một con đập xây ngang suối.
Càng vào sâu trong rừng, dòng nước suối càng trong xanh. Kỳ thú nhất là những bãi tắm tự nhiên ngay trên lòng suối. Mấy cô gái do đã chuẩn bị sẵn đồ bơi từ nhà nên hò reo thích thú, cùng nhau nhảy xuống. Lũ trẻ con cũng mặc áo bơi, phao bơi vùng vẫy giữa suối thỏa thích.
Bên bờ suối, những thân cây cổ thụ xanh tốt tỏa bóng mát, trở thành điểm nghỉ chân uống nước, ăn nhẹ lý tưởng. Cuối con đường mòn men theo suối là một khu nhà sàn khá rộng. Ở đây luôn có những đoàn khách dừng chân để ăn uống.
Từ điểm căn nhà sàn thuộc vùng lõi rừng Khe Rỗ sẽ có hai con đường mòn để du khách chọn lựa cho hành trình khám phá tiếp theo.
Trọn một ngày, chúng tôi trải qua nhiều cảm giác. Từ cơn mưa trên thảo nguyên, những đám mây bồng bềnh ở độ cao 1.000 m cho đến hành trình đi bộ hơn 5 km giữa rừng nguyên sinh. Tất cả những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Tây Yên Tử vô cùng đẹp, quyến rũ.
HUYỀN TÍCH MỘT VƯƠNG TRIỀU
Từ quốc lộ 18 trên địa phận huyện Đông Triều, chúng tôi bắt đầu đi tìm ngôi chùa nổi tiếng thứ hai trong hệ thống Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là Quỳnh Lâm Tự, nằm ở xã Tràng An. Nhìn từ xa xa du khách đã thấy những mái cong, gác chuông nhấp nhô giữa màu xanh cây lá và núi đồi.
Hôm chúng tôi đến là vào ngày cuối tuần nhưng chùa Quỳnh Lâm khá vắng vẻ. Gửi xe lại ngoài cổng chúng tôi bắt đầu dạo bước tới vườn chùa. Vẫn còn đây rừng trúc, gác chuông nhưng có cảm giác hoang vắng, tiêu điều. Vườn chùa rộng mênh mông nhưng chỉ toàn cỏ dại và những phiến đá nằm ngổn ngang. Đó chính là những đế, trụ, tường làm bằng đá với những hoa văn tinh xảo, độc đáo. Đôi rồng đá hai bên bậc thềm lên gác chuông may mắn hơn khi vẫn còn được nằm đúng vị trí. Nhưng rồng cũng đã bị sứt mẻ, còn gác chuông phục dựng sau này nhỏ hơn nhiều so với bản gốc từ thời Trần.
Theo những gì còn ghi lại ở Quỳnh Lâm Tự thì ngôi chùa có niên đại từ thời Lý, phát triển cực thịnh vào thời Trần. Cụ thể, đầu thế kỷ XIV, Tổ đệ nhị Pháp Loa của Thiền phái Trúc Lâm đã mở rộng, xây mới nhiều công trình Phật giáo ở chùa Quỳnh Lâm. Đến năm 1329 chùa đã được xây dựng lại một cách hoàn chỉnh với những công trình kiến trúc đồ sộ, tinh xảo. Văn bia ở đây được lập vào triều Nguyễn đã phong cho Quỳnh Lâm Tự là “Đệ nhất danh lam cổ tự chốn An Nam”.
Từ ô cửa gác chuông nhìn về phía xa xa là cây ruối cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm cùng những mộ tháp cổ kính rêu phong còn sót lại trong vườn chùa. Tiếng tụng kinh gõ mõ trong gian nhà nhỏ nơi hậu điện vọng đến. Không gian quạnh hiu, u tịch cộng với âm thanh tụng niệm ấy làm chúng tôi bất giác mường tượng ra những vị thiền sư đã từng tu hành đắc đạo nơi đây.
Vùng đất Đông Triều với núi non bao quanh và những cánh đồng trù phú cũng chính là quê cũ của nhà Trần. Nơi đây từng có bảy khu lăng mộ của chín vị đế vương nhà Trần. Bên cạnh đó còn có nhiều di tích, kiến trúc thời Trần khác. Từ ngã tư Đông Triều, chúng tôi rẽ vào xã An Sinh, vùng đất trước kia có tên Yên Sinh. Đây là nơi có sáu khu lăng mộ an táng các vua Trần. Hiện nay năm trong sáu khu lăng mộ chúng tôi tìm đến đều đang trong tình trạng hoang phế.
Chỉ có duy nhất Ngải Sơn Lăng, nơi yên nghỉ của vua Trần Hiến Tông, là khá toàn vẹn. Khu Ngải Sơn Lăng có nhà mái che, bên trong là khu mộ xây bằng đá, cùng hương án, bia ghi tiểu sử nhà vua. Xung quanh Ngải Sơn Lăng còn có vườn cây xanh tốt. Du khách đến đây cũng được chiêm ngưỡng vườn tượng khá độc đáo. Vườn tượng này mô phỏng lại những công trình, nét kiến trúc tiêu biểu của nhà Trần.
Đền An Sinh, nơi thờ các vị đế vương nhà Trần ở trung tâm xã An Sinh, có khá đông du khách tới tham quan, tìm hiểu về nhà Trần, về cuộc đời sự nghiệp của các vị vua. Đền An Sinh ngày nay có diện tích hơn 1.000 m2, mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Công”, gồm năm gian tiền đường, một tòa trung điện và năm gian hai chái hậu cung, với kết cấu hai tầng tám mái, các bộ vì kèo dạng chồng rường, giá chiêng. Đền là nơi thờ Trần Hưng Đạo, Công đồng, Sơn thần, Thổ địa và tám vị vua Trần. Trong khuôn viên đền hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, như bia đá, mảnh tháp, gạch, ngói, linh thú… Phía sau đền, du khách có thể đi dạo dưới rừng thông, rừng trúc xanh mát.
Có thể nói những gì còn sót lại như các cổ vật, dấu tích lăng mộ các vị vua và kiến trúc đình, chùa cũng phần nào giúp du khách hình dung ra trình độ xây dựng, kiến trúc thời nhà Trần. Nơi đây có lẽ nên được thiết kế, tổ chức chu đáo hơn để thành một điểm du lịch tâm linh, kết hợp với tìm hiểu văn hóa, lịch sử
TRÊN CON ĐƯỜNG THIỀN PHẬT
Hiện nay con đường từ ngã tư Đông Triều chạy qua Trại Lốc và đến tận Cửa Phủ đã được trải nhựa. Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân địa phương, cho biết để khám phá “cung đường thiền Phật” thì có nhiều lối đi khác nhau. Nhưng thông thường du khách vẫn chọn đi từ Trại Lốc lên chùa Ngọa Vân, tháp Phật Hoàng, đến am Ngọa Vân, rồi vòng sang bãi đá Chồng, chùa Hồ Thiên.
Đi qua những cánh rừng già, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp một con suối nhỏ chảy ngang qua đường. Có nhiều đoạn suối nước trong vắt nhìn thấy cả rêu, sỏi dưới đáy. Đi chừng 7-8 km chúng tôi tới được địa điểm đầu tiên gọi là Cửa Phủ. Cửa Phủ là một ngôi miếu nhỏ nằm trước cửa rừng. Khách qua đây dừng lại để cầu có chuyến đi rừng an toàn, không bị lạc lối.
Từ Cửa Phủ, con đường bắt đầu xuất hiện những đoạn đèo dốc. Đầu tiên là con dốc Đỗ Kiệu. Chuyện kể rằng ngày xưa khi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đến đây tu hành cũng từng leo con dốc này. Dốc tuy chỉ dài hơn 200 m, nhưng dựng đứng, ngựa và kiệu của vua, quan nhà Trần tới chân dốc đều phải đỗ lại để leo bộ. Chính vì vậy con dốc mới có tên là Đỗ Kiệu.
Chị Mai, người bán hàng nước gần đó, cho biết trước đây qua dốc Đỗ Kiệu rất khó khăn. Ở một số đoạn, người ta phải làm chiếc thang bằng cách chặt hai cây to cỡ bắp đùi người lớn, rồi đóng các thanh gỗ bắc ngang hai cây cho khách thập phương leo lên. Ngày nay dốc Đỗ Kiệu đã được xây bậc gạch để lên dễ dàng hơn. Trải qua hơn 200 m dốc dựng đứng, nhiều du khách thở hổn hển, nói không thành tiếng, tìm vội vào quán nước nghỉ chân.
Từ dốc Đỗ Kiệu, con đường bắt đầu nhỏ dần, luồn lách qua những tán cây rừng. Tuy đã được đổ bê tông và một số chỗ tạo thành bậc nhưng hành trình xuyên rừng men theo suối này vẫn rất mất sức. Khi đã mệt mỏi, mồ hôi ướt áo, mọi người nghỉ chân bên con suối nhỏ trong vắt, mát lạnh.
Lên đến khu mộ tháp Thông Đàn, trời đất rộng mở. Hiện nay, nền mộ tháp đã được xây dựng lại trên một khu đất trống. Tương truyền ngày xưa nơi đây là những cánh rừng thông bạt ngàn, loại thông từ Ấn Độ xuất hiện ở đây hơn bảy thế kỷ trước. Cho đến nay, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có loại thông này. Những nền đá cũ làm chúng tôi và nhiều du khách quan tâm hơn là khu tháp được xây mới hoàn toàn. Bởi từ nền đá còn sót lại ấy đã minh chứng rằng xưa kia nơi đây có cả một khu mộ tháp cổ rộng lớn giữa rừng thông.
Từ Thông Đàn chỉ đi một đoạn là tới khu chùa Ngọa Vân cũ. Hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang cho phục dựng lại chùa. Chùa Ngọa Vân cũ đã hoang phế gồm phần nền móng và một bức tường đổ nát bên sườn núi. Đặc biệt, bức tường đá ong với những nét họa tiết còn sót lại cho thấy khi xưa đây là một công trình kiến trúc khá cầu kỳ, được xây dựng công phu.
Từ chùa Ngọa Vân lên am Ngọa Vân, du khách có thể rẽ sang một mỏm núi để thăm tháp Phật Hoàng. Tương truyền đây chính là nơi nhà vua đã viên tịch. Ở đây có tượng Đức Phật Hoàng màu đen ngự trên đài sen trong tư thế nằm, mặt ngẩng tay chống sau gáy. Bên cạnh có tượng Bảo Sái quỳ hầu.
Hiện nay am Ngọa Vân vẫn chờ được trùng tu. Đến đây du khách còn bắt gặp một mộ tháp nữa của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mộ tháp cổ này nằm ngay trước gian Tam Bảo, được xây dựng hoàn toàn bằng đá, phía trước tháp có dựng bia. Ngoài kiến trúc cổ của mộ tháp, dấu tích cửa thiền nơi đây còn in vào những bậc đá, tường bao rêu phong, cổ kính. Chúng tôi xin nghỉ lại tại am Ngọa Vân khi trời đã xế chiều, cũng là để lấy sức cho hôm sau tiếp tục tìm về chùa Hồ Thiên.
Từ am Ngọa Vân sang chùa Hồ Thiên, chúng tôi đi men qua nhiều mỏm núi, với những cánh rừng mới trồng, thậm chí có chỗ đồi trọc. Đoạn đường tuy xa nhưng dễ đi, chỉ tốn sức ở một số chỗ leo dốc. Trên cung đường này, du khách sẽ ngắm khoảng không bao la, hùng vĩ của núi Yên Tử. Những đám mây trắng bồng bềnh, lững lờ càng làm cho cảnh sắc nên thơ. Đi được khoảng 2 km, từ xa xa chúng tôi đã nhìn thấy một bãi đá ngổn ngang trên mỏm núi. Có phiến đá lớn bằng một gian nhà xếp chồng lên nhau cao vút hướng tới trời xanh. Chính vì thế khu này được người ta đặt cho cái tên bãi đá Chồng. Đây cũng là điểm vọng cảnh không thể tuyệt vời hơn cho những ai một lần đi qua.
Sau gần một ngày đi bộ rời rã, cuối cùng chúng tôi tới được chùa Hồ Thiên. Ngôi chùa này nằm ở sườn núi Phật Sơn. Chùa Hồ Thiên cũng chung tình trạng như chùa-am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, đó là đã xuống cấp, hoang phế. Chỉ còn tháp đá bảy tầng và mộ tháp gạch cổ còn tương đối nguyên vẹn.
BÌNH LẶNG YÊN TỬ
Khi cả nhóm tới Mạo Khê, trời đổ mưa như trút nước. Con đường của vùng than Quảng Ninh lầy lội với một màu đen xì. Cũng may, khi đến chân Yên Tử thì cơn mưa mùa hạ đã tạnh, không khí mát mẻ, trong lành. Cảnh sắc Yên Tử hiện ra u tịch, không còn những bon chen, không có những ồn ào của lễ hội.
Khách đến Yên Tử lặng mình đứng trên cầu đá nhìn xuống suối Giải Oan. Con suối nhỏ với những hòn đá ngổn ngang. Nơi đây mang trong mình câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết, rằng ngày xưa Đức Phật Hoàng sau khi rời bỏ ngai vàng quy y cửa Phật, đã có nhiều cung nữ từ kinh thành tới đây khuyên ngăn nhà vua. Khuyên không được, họ gieo mình xuống suối tự vẫn.
Có đi vào những ngày bình lặng thế này mới thấy Yên Tử đẹp ở đúng giá trị một nơi tu hành của các bậc tiền nhân. Từ chùa Giải Oan lên khu mộ tháp Huệ Quang bắt đầu trải qua những bậc dốc. Chỉ đi được một đoạn, mồ hôi ai nấy cũng vã ra như tắm. Nằm ở vị trí trung tâm của khu mộ tháp là tháp Phật Hoàng Trần Nhân Tông được làm bằng đá xanh. Bên trong tháp có bức tượng Phật Hoàng bằng đá cẩm thạch. Những hàng mộ tháp nhỏ của các nhà sư tu hành rồi viên tịch ở Yên Tử nằm thành từng hàng ngay ngắn ở hai bên.
Từ khu mộ tháp Huệ Quang đi lên phía trước là hàng loạt khu di tích nối tiếp nhau như chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, tượng An Kỳ Sinh, tượng Phật Hoàng… Ngoài ra, đường lên Yên Tử còn vô vàn những cảnh đẹp thiên nhiên. Đường tùng, đường trúc vắng lặng, gợi một cảm giác như nơi đây khi xưa được các bậc chân tu ngày ngày dạo bước đi qua. Các nhà sư thường tìm đến những nơi núi cao hiểm trở, vắng bóng người qua lại để tu thiền.
Khái niệm Tây Yên Tử
Quần thể Yên Tử gồm khu di tích, thắng cảnh ở xã Thượng Công Yên, thành phố Uông Bí, khu di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần, huyện Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh, và khu Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Nếu xét trong tỉnh Quảng Ninh thì khu am-chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên… có thể được gọi là Tây Yên Tử (lấy khu Yên Tử ở xã Thượng Công Yên là đối sánh). Nhưng nếu xét chung cả quần thể di tích, thắng cảnh này thì khu Tây Yên Tử hoàn toàn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.
Có những cây tùng không biết đã sống ở đây bao nhiêu kiếp người. Cảnh vật thâm u nhuốm màu thiền. Một người trong nhóm chúng tôi dang tay ôm thân cây tùng cổ thụ, có lẽ đường kính thân cây cũng phải trên một mét. Nhiều đoạn rễ tùng đâm cả ra lối đi, ăn vào vách đá. Ở chùa Hoa Yên còn có hai cây đại được gắn biển ghi rõ đã 700 năm tuổi.
Vào những ngày mù mịt sương giăng, du khách khó thể nhìn thấy hết nét đẹp của Yên Tử. Nhưng lúc này, một ngày trời trong quang đãng, đứng từ trên đỉnh Yên Tử và phóng tầm mắt ra bốn phía, chúng tôi không khỏi bị choáng ngợp bởi cảnh sắc bao la, hùng vĩ. Gần một ngày leo núi để chinh phục độ cao 1.068 m, ai cũng mệt. Lên đến chùa Đồng, mọi người cùng tìm bóng mát ngồi nghỉ. Không ồn ào, chen lấn, chẳng bị chèo kéo như mọi lần vào mùa lễ hội, chúng tôi đã được vãn cảnh trong sự bình yên.
Trên đường đi xuống, chúng tôi đã rẽ sang tìm thác Ngự Dội. Tương truyền đây là nơi xưa kia Đức Phật Hoàng vẫn thường ra tắm rửa sau đó lên am Thiền Định kế bên để tọa thiền. Theo người dân địa phương, hàng năm thác chỉ có nước vào giữa mùa mưa. Không chỉ có thác Ngự Dội mà ở Yên Tử còn có thác Vàng, thác Bạc… là những thắng cảnh không nên bỏ qua.
Từ điểm xuất phát tại chùa Vĩnh Nghiêm đến điểm cuối là chùa Đồng, hành trình từ Đông sang Tây khám phá quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử của chúng tôi đã kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét