Bún bò có xuất xứ từ Huế - hẳn nhiên rồi. Nhưng, những người con xứ Huế di cư vào Đà Lạt, họ mang theo đặc sản quê mình, rồi biến tấu thành một đặc sản khác cho quê hương mới của họ.
Bún bò Đà Lạt không còn gắn chữ Huế phía sau nữa, vì, nó đã trở thành một đặc sản của ẩm thực xứ sở sương mù, mà không một du khách nào khi đặt chân đến thành phố hoa lại không muốn thưởng thức.
Xưa, trong con hẻm Ấp Ánh Sáng gồ ghề - nơi tập trung đông nhất người dân xứ Huế - những hàng bún bò thường để bảng “bún bò Huế” cùng những cái tên rất gần gũi, dễ thương, như “Dì Sáu”, “O Luông”… Qua thời gian “tiếp cận” với khách địa phương, khi đã được người Đà Lạt góp ý đủ và đón nhận như một món đặc sản quê mình, món bún bò giờ đã là bún bò của Đà Lạt, với cái nét riêng của những người con vùng núi tự tin khoe với khách du lịch ghé đến quanh năm.
Bún bò Đà Lạt cũng bắp bò, giò heo, tiết heo… và mắm ruốc không thể thiếu, để nước lèo món bún ngon lạ này không trong mà mang màu sắc hấp dẫn rất riêng của mình. Dân Đà Lạt ăn cay không giỏi, khách du lịch càng không. Nên, có lẽ cái khác đầu tiên giữa bún bò Huế với bún bò Đà Lạt, là nước lèo chỉ cay vừa, hoặc có những quán không cay, để vừa miệng mọi du khách, khi cần, có sẵn ớt sa tế trong những hũ đựng gia vị luôn nằm trên bàn.
Và, đã nhắc đến Đà Lạt, thì không thể bỏ qua rau xanh. Không phải chỉ Huế, ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam, rau ăn cùng các món bún thường là rau muống bào, bắp chuối bào và ít rau thơm. Nhưng, Đà Lạt có xà-lách giòn, có hành tây tươi ngọt, có bắp sú bào nhuyễn tạo độ giòn… khiến món rau đi cùng bún bò trở thành “độc nhất vô nhị”.
Mà, giữa tiết trời sáng lạnh, mờ sương, thưởng một tô bún bò nóng hổi, cay cay cùng rau sống giòn ngọt, thật sự với những “đầu bếp không chuyên”, hay “đầu bếp chưa chuyên” cũng có thể tạo ra được món bún rất Đà Lạt này! Hít hà với bún bò Đà Lạt, đón ngày mới lành lạnh. Tại sao không!
Trương Thanh Thùy
(thực hiện)
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét