Chú Hỏa tên Huỳnh Văn Hoa chứ không phải Hứa Bổn Hòa
Năm 1960, Vương Hồng Sển viết trong "Sài Gòn năm xưa" về Chú Hỏa: “Hui Bon Hoa, tục danh “Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi “Ông Hỏa” bao giờ. Sớm nhập tịch Pháp nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?”. Nói khác đi, vào năm 1960, Vương Hồng Sển vẫn chưa rõ họ tên thật của Chú Hỏa.
Nhiều tài liệu cho rằng tên của Chú Hỏa - Hui Bon Hoa là Hứa Bổn Hòa. Có tài liệu còn khẳng định rằng: “Hiện nay, tại tòa nhà tiêu biểu của “Chú Hỏa” - nơi đang là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97 Phó Đức Chính), ở tấm biển inox ghi lược sử tòa nhà đặt trang trọng ngay lối đi bên trái cửa chính viết: “Hui Bon Hoa tên thật là Hứa Bổn Hòa”.
Tháng 7-2006, những thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp về Việt Nam, ghé thăm nhà Chú Hỏa, ngôi nhà lừng lẫy của dòng họ này là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa (đã theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ) đã hé lộ tên họ thật và phần nào cuộc đời Chú Hỏa.
Gần đây hơn, năm 2014, trên trang blog “Tây Cống cố sự quán” (Căn nhà ghi chuyện cũ ở Sài Gòn), tác giả Chen Bickun công bố bài viết bằng tiếng Anh: “The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) dựa vào tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cung cấp.
Theo đó, Chú Hỏa (1845-1901) tên thật là Huỳnh Văn Hoa (Huáng Wéng Húa,黄文華), vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc.
Ông sang VN khoảng năm 1863. Sở dĩ Chú Hỏa được gọi với tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến.
(Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu).
Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc, nhưng ông đã đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại quê hương, hưởng dương 56 tuổi.
Như vậy, Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19.
Còn Hứa Bổn Hòa có lẽ là cách đoán... mò của một số người khi thấy chữ Hui Bon Hoa mà không thấy mặt chữ Hán.
TTO - Nhiều người nói Chú Hỏa có hơn chục người con, hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… Sự thật như thế nào?
|
Ba người con trai của chú Hỏa (từ trái): Huỳnh Trọng Tán, Huỳnh Trọng Huấn, Huỳnh Trọng Bình - Ảnh tư liệu |
Các tài liệu được dòng họ Hui Bon Hoa ở Pháp cung cấp cho hai tác giả Chen Bickun (trong bài viết tiếng Anh tựa đề là “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa”) và Michel Dolinski (trong bài viết tiếng Pháp tựa đề là “Sự hữu dụng của một anh hùng Trung Hoa tại Việt Nam”) thì Chú Hỏa chỉ có ba người con trai.
Ba người con cự phách của Chú Hỏa làm rạng danh dòng họ Hui Bon Hoa
Các con của Chú Hỏa có tên tiếng Trung Quốc dĩ nhiên theo họ Huỳnh của cha, chữ lót là Trọng, nhưng tên tiếng Pháp của họ đều lấy cụm từ Hui Bon Hoa đứng sau là họ theo người phương Tây.
Do đó, ba người con trai của Chú Hỏa lần lượt là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa).
Theo học giả Nguyễn Triệu (trong bài viết “Những Hoa kiều giàu nhất Việt Nam: Hui Bon Hoa (1845-1901) đăng trên tạp chí Văn Hóa Nguyệt San số 61, SG 1961) thì vào thời điểm năm 1961, ông Huỳnh Trọng Huấn và Huỳnh Trọng Tán đã mất từ lâu, mộ phần táng ở Biên Hòa, ngang núi Châu Thới, còn ông Huỳnh Trọng Bình lúc đó nếu còn sống đã 69 tuổi, như vậy ông Huỳnh Trọng Bình sinh vào năm 1892.
Con trai trưởng của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa) sinh năm 1876, lớn lên ở Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc). Ông này đã theo cha đến Việt Nam khoảng năm 1896, lập gia đình và sống tại Sài Gòn để hỗ trợ cha mình trong việc điều hành công ty bất động sản “Cha con Hui Bon Hoa”.
Thập niên 1910, ông trở lại ở Phúc Kiến (Trung Quốc) mở Công ty địa ốc Huỳnh Vinh Viễn Đường. Khu nhà trụ sở công ty này ngày nay là một trong 10 di tích kiến trúc danh tiếng ở đảo Cổ Lãng, năm 2002 được liệt hạng di tích lịch sử kiến trúc trọng điểm của thành phố Hạ Môn, vừa là trường biểu diễn nghệ thuật, vừa là địa chỉ du lịch, phong cách xây dựng gần giống tòa nhà của ông ở Sài Gòn, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Huỳnh Trọng Huấn qua đời năm 1934, chôn cất ở khu vực dân gian thường gọi là “Mộ Chú Hỏa” ở P.Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ngày nay.
Người con trai thứ của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Tán (Thang Chanh Hui Bon Hoa) sinh năm 1877 tại Tuyền Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc).
Sau khi lập gia đình ở quê hương, ông này cũng theo Chú Hỏa đến Sài Gòn để hỗ trợ cha mình. Dưới sự quản lý của ông, nhiều thửa đất ở Sài Gòn, Chợ Lớn được mua khi giá đất còn thấp, một mặt xây nhà để bán và cho thuê nhà, một mặt mua bán đất đai. Hui trở thành một trong những gia đình giàu có nhất trong thành phố.
Huỳnh Trọng Tán sống ở Sài Gòn và qua đời cùng năm với anh mình: năm 1934.
Sau cái chết của hai anh trai năm 1934, người con trai út của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Bình (Thang Phien Hui Ban Hoa) tiếp tục quản lý công việc gia đình và qua đời năm 1951.
Đời cháu chắt dòng họ Hui Bon Hoa tiếp nối cha ông
Sau khi ông mất, thế hệ con cháu của dòng họ Hui Bon Hoa đã kế tục quản lý và phát triển sự nghiệp kinh doanh của ông bà, cha mẹ để lại.
Học giả Vương Hồng Sển: “Đến nay (1960) các con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn, không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc (nay gọi là giải ngân)” (Sài Gòn năm xưa - SG, 1960).
|
Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ… Trước ngày 30-4-1975, tất cả thành viên của dòng họ Hui Bon Hoa đã rời Việt Nam.
Tuy kể tách bạch từng người con của Chú Hỏa như vậy, nhưng trên thực tế công việc kinh doanh của Công ty “Hui Bon Hoa, cha và các con” thì luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa những thành viên trong dòng họ.
Ngay sau khi Chú Hỏa tạ thế (1901), các con Chú Hỏa đã sáp nhập Công ty Hui Bon Hoa của cha mình để lại với Louis Ogliatro (một người Pháp ở đảo Corse) mang tên Công ty liên doanh Ogliastro-Hui Bon Hoa quản lý các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn.
Lĩnh vực chính của công ty liên doanh này kinh doanh cầm đồ và bất động sản. Đến năm 1919, công ty liên doanh này quản lý 25 nhà thuốc trên toàn Đông Dương, trong đó có 6 nhà thuốc ở Sài Gòn.
Trong những năm 1920, gia đình Hui Bon Hoa đã xây dựng mới ba tòa nhà nguy nga ngay trên phần đất khởi nghiệp của Chú Hỏa được bao quanh bởi các con đường: Alsace-Lorraine (nay là Phó Đức Chính), Bác sĩ Calmette, d'Ayot (nay là Nguyễn Thái Bình) và Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM).
1925, Tổng công ty bất động sản Hui Bon Hoa được thành lập để quản lý gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn – Chợ Lớn và đặt trụ sở tại tòa nhà chính giữa mang tên chữ Hoa là “Huỳnh Vinh Viễn Đường” trong 3 tòa nhà vừa xây dựng xong, tên giống với tên công ty địa ốc mà Huỳnh Trọng Huấn đã lập ở Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) năm 1910.
Từ đó, người ta gọi luôn 3 tòa nhà là “Nhà Chú Hỏa”. và con đường chạy ngang qua trước cửa của tòa nhà là đường Alsace Lorraine là đường Chú Hỏa.
Xã Nessa, đảo Corse (Pháp) hiện nay cũng có một con đường mang tên Hui Bon Hoa, do dòng ho Hui Bon Hoa đã tặng cho dân làng khu vực này 25.000 fr để làm con đường này (ảnh tư liệu).
|
Chỉ riêng ngành bất động sản với những công trình xây dựng lớn còn tồn tại trong đời sống xã hội cũng như văn hóa của thành phố Sài Gòn mà Chú Hỏa và các con cháu của ông đã chọn làm nơi ngụ cư, xem như quê hương thứ hai của mình cho đến ngày khuất bóng.
Bên cạnh đó, các thế hệ con cháu trong dòng họ Hui Bon Hoa cũng nối tiếp con đường của cha ông mình.
Họ tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và xây dựng các công trình công cộng góp phần xây dựng các công trình giúp ích cho cộng đồng.
Đó là Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 (tên Việt là Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949-1952), Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức) …
|
Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM) do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng khi Chú Hỏa mất đã lâu - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Từ Dũ) xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Q.1, TP. HCM). tòa nhà xây dựng 1937, tức 36 năm sau khi Chú Hỏa qua đời (1901), hai người con trai đầu cũng qua đời (1934), chỉ còn con trai út (mất 1951) - Ảnh tư liệu |
|
Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) do người con út dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và hiến tặng thành phố Sài Gòn năm 1937 - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Tổng công ty Hui Bon Hoa còn xây nhiều trụ sở ngân hàng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, khách sạn Palace Long Hải (nay thuộc Bà Rịa Vũng Tàu)…
Khách sạn Majestic nằm ở đầu đường Đồng Khởi do Tổng công ty Hui Bon Hoa xây dựng năm 1925, gồm 3 tầng với 44 phòng, trang bị máy điều hòa không khí đầu tiên ở Đông Dương.Tổng công ty bất động sản Hui Bon Hoa đã góp phần tạo nên diện mạo của “Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông” với những dãy nhà phố nằm dọc theo mặt tiền của các con đường ở khu trung tâm mà nay là các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi và nhiều khu vực khác khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều tỉnh ở Nam kỳ.
|
Khách sạn Majestic xây dựng năm 1925, khi Chú Hỏa đã qua đời 24 năm - Ảnh tư liệu |
|
... và hiện nay, ở đầu đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
- Năm 1865, ở tuổi 20, Huang Wen Hua di cư và đến Sài Gòn, xin vào làm việc tại một hiệu cầm đồ mang tên Ogliastrocủa một người Pháp làm chủ: Louis Ogliastro.
- Năm 1887, ở tuổi 42, Huang Wen Hua xin vô quốc tịch Pháp, lấy tên là Jean Baptiste Hui Bon Hoa.
- Năm 1896, Chú Hỏa thành lập công ty bất động sản mang tên “Hui Bon Hoa và các con”, chuyên mua bán nhiều thửa đất ở Sài Gòn, Chợ Lớn cũng như nhiều nơi ở Nam kỳ. Danh tiếng Chú Hỏa lừng lẫy khắp Đông Dương. Các con của ông được du học và làm việc ở nước ngoài.
- Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến.
Chính quyền Pháp lúc ấy đặt tên Hui Bon Hoa cho một con đường lớn chạy qua khu đất rộng lớn của ông, đến tháng 3-1955 con đường này đổi thành đường Lý Thái Tổ, địa giới quận 3 và quận 10 cho đến nay
TTO - Chú Hỏa Hui Bon Hoa gầy dựng sản nghiệp ở Sài Gòn từ chân phụ việc với một chủ người Pháp. Nhờ siêng năng và tốt bụng được ông chủ Pháp thương, giúp chú Hỏa vốn mở tiệm cầm đồ buôn bán.
|
Mặt chính diện tòa nhà bên phải khu nhà Chú Hỏa, hiện nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đây là nơi Tổng thống Bill Clinton tiếp khách khi thăm TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Tiệm cầm đồ đầu tiên là tòa nhà góc đường nay là 2 đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình, thuộc phường Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM). Đối diện tiệm cầm đồ của ông thuở đó vẫn là một khu đất trống.
Ba ngôi nhà mua cho con thành ba tòa nhà lộng lẫy
Ông đã dành dụm tiền mua khu đất này và xây dựng 3 căn sát nhau, mỗi căn cho một người con trai. Căn giữa cho người con trai lớn có đặt bàn thờ tổ tiên. Chắc ba căn nhà này cũng khá đặc biệt, thể hiện sự giàu có của một trong “tứ đại phú gia” Sài Gòn xưa, cho nên từ khi ấy dân gian đã gọi 3 căn nhà chung một tên gọi là “nhà chú Hỏa”.
Tương truyền khi thiết kế, dinh thự này có một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng dinh Toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có chín mươi chín cửa. |
Quần thể “nhà chú Hỏa” gồm ba tòa nhà của gia tộc họ Huỳnh được bao bọc bởi 4 con đường mà nay là các đường: Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, Calmet và Lê Thị Hồng Gấm, thuộc địa bàn phường Nguyễn Thái Bình (Q.1), trên khuôn viên khoảng 3ha.
Sau khi cha mất (1901), năm 1925 các con trai của ông đã nhờ hai kiến trúc sư người Pháp là Paul Veysseyre và Kruze vẽ đồ án cho khu “nhà chú Hỏa”, xây dựng theo hướng liên kết ba khối nhà của ba người con (có tài liệu nói tòa nhà đã khởi công xây dựng từ năm 1929, hoàn tất 5 năm sau đó).
Từng tòa nhà đều được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách art décort, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á - Âu, với kỹ thuật xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40-60cm, kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí.
Bên ngoài, cột ốp gốm và các trang trí bằng gốm trên mái nhà…
|
Phòng trưng bày tranh trên lầu của tòa nhà đẹp nhất hiện nay. Theo nhân viên bảo tàng, Tổng thốngi Bill Clinton từng tiếp khách tại đây khi thăm TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
|
Sân sau của tòa nhà 97A còn giữ lại đẹp nhất trong 3 căn nhà. Tại sân này, ở cuối ảnh, 2 bên cầu thang là tượng Petrus ký và Quách Đàm - Ảnh: THUẬN THẮNG |
|
Căn nhà phía tay trái từ cổng đường Phó Đức Chính vào, xây dựng trên nền của tiệm cầm đồ đầu tiên khởi nghiệp của Chú Hỏa, được chia cho 1 trong 3 người con của Hui Bon Hoa - Ảnh: THUẬN THẮNG |
|
Gốm xanh được ốp ở các dãy cột, con tiện, diềm mái... - Ảnh: THUẬN THẮNG |
|
... và cả ở những hoa văn trang trí gần mái. Sự chắc chắn của tòa nhà cũng thể hiện ở đây: ít bám bụi (nếu dùng vôi theo thời đó) và cũng dễ lau chùi - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Ba tòa nhà được xây dựng rất kiên cố, chắc chắn với trần rất cao. Các bậc thang làm bằng đá cẩm thạch. Các tòa nhà này có nhiều phòng, mỗi phòng đều có đèn treo từ trần và lót gạch bông vẫn còn như xưa.
Ban ngày, ánh sáng có thể vào tận các hành lang và phòng nếu mở tất cả cửa.
|
Cầu thang trong khu nhà Chú Hỏa với lan can sắt đặc uốn rất mềm mại và bậc thang đá - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tất cả cửa chính, cửa sổ trong tòa nhà đều được thiết kế không đối diện nhau, kích thước của từng cửa sổ và cửa lớn đều không giống nhau. Hầu hết cửa sổ đều được làm bằng gỗ thao thiết kế “lá sách” để đón gió và ánh sáng.
|
Tượng gốm màu cực kỳ tinh xảo ở một góc đầu hồi khu nhà sau gần một thế kỷ xây dựng gần một thế kỷ vẫn khoe vẻ tráng lệ - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Cả ba tòa nhà đều có tầng hầm, tầng trệt và hai tầng lầu. Trong các tòa nhà này từng tồn tại nhiều đồ vật có giá trị mỹ thuật bằng nhiều chất liệu và có giá trị thẩm mỹ; từ đồ gỗ cẩn ốc xà cừ, đồ gỗ chạm tinh xảo, đồ gốm… Đây là dinh thự nổi tiếng nhất thời bấy giờ bởi sự hoành tráng.
Cả ba tòa nhà được xây dựng để sử dụng làm tòa biệt thự cho gia đình dòng họ Hui Bon Hoa, cũng như các văn phòng của công ty địa ốc mang tên “Hui Bon Hoa, cha và các con”. Đây cũng là lý do tại sao có rất nhiều phòng nhỏ trong tòa nhà.
Chiếc đòn gánh trong tủ pha lê chính giữa tòa nhà
Bên trong tòa nhà chính giữa của khu “nhà chú Hỏa”, từ những ngày tháng 5-1975, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy tận mắt một chiếc đòn gánh đặt trân trọng trong tủ pha lê ở khu vực trong cùng ở chính giữa căn nhà, tức ngay gian thờ.
Lúc đó, tôi đã nghe người ta nói nhiều về việc chú Hỏa đã cho thờ cái đòn gánh thuở hàn vi là để nhắc cháu con đừng quên quá khứ của gia đình, rằng gia đình này đã thoát nghèo bằng cách gì, đã giàu lên nhờ cái gì.
Chiếc đòn gánh tượng trưng cho sự tảo tần, cho lao động nhọc nhằn và mải miết, cho những tháng năm gồng mình gánh chịu biết bao gánh nặng mưu sinh, và cũng tượng trưng cho một quyết tâm đổi đời, một nội lực dữ dội dưới đôi vai.
|
Tòa nhà bên phải khu dinh cơ chú Hỏa, góc trái ảnh là tòa nhà chính. Tất cả hiện nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG
|
|
Tòa nhà chính khu nhà Chú Hỏa, vốn là nơi Chú Hỏa dành cho con trai trưởng Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa) và là nơi đặt bàn thờ, di vật xưa của Chú Hỏa thời tạo dựng trong đó có chiếc đòn gánh đặt trong tủ kính pha lê - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Những di vật xưa của tòa nhà Chú Hỏa hiện là những hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Giữa thập niên 1980, khi tòa nhà giữa này được sử dụng là trung tâm thông tin triển lãm của Sở Văn hóa thông tin TP.HCM, tôi có nhiều dịp đến ngôi nhà này và không còn thấy chiếc tủ pha lê và cây đòn gánh của chú Hỏa nữa.
Tòa nhà hiện mang số 97A đường Phó Đức Chính hiện sử dụng làm một trong ba nơi trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày xưa là nhà ở và là nơi kinh doanh ngành cầm đồ của gia đình ông Huỳnh Trọng Huấn - con trai trưởng của chú Hỏa.
Ngôi nhà này khi xưa mang tên hiệu là “Huỳnh Vinh Viễn đường” tức là nhà Vinh Viễn - ngôi nhà của sự vinh hiển dài lâu của dòng họ Huỳnh như lời ca ngợi của cặp liễn đối hiện tồn ở hai bên cửa chính ngôi nhà. Phía trên cổng vẫn còn logo với chữ “H.B.H” - Hui Bon Hoa.
|
Câu đối hai bên tòa nhà bên phải 97A: Văn tảo lưu phương, biệt thác hải thiên đường cấu (phải), Tử chi dục tú, duẫn nghi phú quý vân nhưng (trái - phần thấy rõ). Tạm dịch: Vẻ văn chương lưu tiếng thơm, tạo dựng cơ đồ sánh ngang trời biển/Cỏ chi tím rực hoa đẹp, xứng với cháu con phú quý muôn đời - Ảnh: THUẬN THẮNG
|
|
Cửa cồng và nhiều chi tiết trong tòa nhà Chú Hỏa có ba chữ H.B.H (hui Bon Hoa) - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Mặt bằng tổng thể khối nhà hình chữ U, cao 3 tầng, mái lợp ngói. Tòa nhà có bố cục gồm 2 dãy nhà ngang và một dãy nhà dọc khép kín, giữa có một sân trống gọi là giếng trời.
Ngay chính giữa khu tiền sảnh của căn nhà, nằm ngay sau cửa chính có 1 thang máy làm đầu thế kỷ 20, giống như thang máy cổ xưa ở Paris, vẫn còn chạy nhưng ít dùng.
Người ta nói rằng thang máy bằng gỗ này là chiếc thang máy đầu tiên ở Sài Gòn.
|
Thang máy xưa trong tòa nhà Chú Hỏa, có người nói đây là thang máy đầu tiên ở Sàn Gòn - ảnh: THUẬN THẮNG |
Tổng thống Bill Clinton chọn “nhà chú Hỏa” để tiếp quan chức TP.HCM
Khi Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam, chính Lãnh sự quán Mỹ đã chọn tòa nhà này của Bảo tàng Mỹ thuật để tổng thống tiếp các quan chức TP.HCM, có lẽ do một điểm đặc biệt là sân sau của tòa nhà rất kín, được bao bọc bởi kiến trúc phía trên, từ phía ngoài khó quan sát được.
Năm 1933, tờ báo The Times của Trung Quốc nhận xét rằng khu “nhà chú Hỏa” là tòa nhà sang trọng bậc nhất tại Sài Gòn. Với Tổng công ty địa ốc Hui Bon Hoa, dòng họ Hui Bon Hoa nổi tiếng về sự giàu có ở Đông Dương, khiến nhà cầm quyền Pháp phải kính nể.
Chính thức thành lập từ 1987 và đưa vào hoạt động năm 1992, đến nay số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã lên đến gần 20.000, trên diện tích hơn 4.000m². Đây là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động triển lãm và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Tháng 5-2012, tòa nhà của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được công nhận là di sản văn hóa vật thể cấp thành phố.
Cấu trúc bên trong và chức năng của tòa nhà hiện bao gồm: tầng hầm dành cho khối văn phòng làm việc, tầng trệt dành cho các gallery hoạt động triển lãm và kinh doanh tranh như Không Gian Xanh, Lạc Hồng, Nhật Lệ, Spring...; lầu 1 là nơi trưng bày tranh tượng mỹ thuật; lầu 2 trưng bày các đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ truyền thống...
Để vô Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1), khách tham quan mua vé (5.000 đồng/vé/người VN và 20.000 đồng/vé/người nước ngoài).
TTO - Trước 1975, ở Sài Gòn, hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương đã sản xuất bộ phim Con ma nhà họ Hứa, với lời giới thiệu là chuyện phim phỏng theo bị kịch xảy ra trong gia đình Chú Hỏa.
|
Một ngôi mộ trong khu mộ của dòng dõi Chú Hỏa không cao ngạo mà khá bình thường - Ảnh tư liệu |
Đây là bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Thành ngữ “con ma nhà họ Hứa” cũng từ đó mà ra, thậm chí kéo dài cho đến tận bây giờ với những phiên bản “con ma nhà họ Hứa”, “Con ma nhà họ Vương”... (!)
Bộ phim phỏng theo những lời đồn trong dân gian. Theo đó, người ta nói rằng Chú Hỏa có hàng chục người con trai nhưng con gái thì chỉ có một, độ tuổi thanh xuân, rất xinh đẹp lại ngoan hiền nên được cha hết mực cưng chiều.
Từ một bản tin...
Một ngày kia, cô gái ấy không xuất hiện. Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà Chú Hỏa vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết.
Rồi một buổi sáng, người Sài Gòn đọc báo ngỡ ngàng thấy có mẩu tin Chú Hỏa đăng cáo phó báo con gái mất vào giờ trùng nên tang lễ chỉ sơ sài, an táng tại khu đất thuộc Long Hải, cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình.
Tuy nhiên, hằng đêm, người dân xung quanh nhà Chú Hỏa vẫn nghe tiếng kêu khóc thảm thiết từ trong dinh thự và thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa xuất hiện bên cửa sổ.
Người ta đồn cô gái mắc bệnh phong hoặc bị tâm thần mà y học lúc đó không thể chữa trị. Do đó, dù có tiền muôn, bạc vạn, Chú Hỏa đã phải bất lực nhìn con đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, rồi chết dần, chết mòn.
Để không ảnh hưởng uy tín và kinh doanh, Chú Hỏa một mặt buộc phải đăng cáo phó là con gái đã mất, một mặt ông đã lệnh cho gia nhân nhốt con gái vào một căn phòng kín, nhưng vẫn chăm sóc chu đáo.
Hằng ngày, các gia nhân đều đưa thức ăn cho cô gái qua khung cửa nhỏ. Lời đồn nói rằng có một người thợ được mời vào sửa chữa trong nhà Chú Hỏa đã trông thấy việc làm nói trên.
Theo bản tin, Chú Hỏa đã kín đáo đưa con gái về nghỉ dưỡng tại khu biệt thự ở Long Hải (sau này là khách sạn Palace trên bãi biển thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) cho đến ngày cô gái ấy thật sự qua đời tại nơi này.
... đến những lời đồn
Người ta tiếp tục đồn rằng tất cả những người làm của tiểu thư lúc còn sống đều được chuyển tới ngôi biệt thự ở Long Hải để phục dịch... người chết.
Thời gian sau, nhiều tờ báo lá cải Sài Gòn lúc đó lại đưa tin: vì hám của (người Hoa thường chôn theo người chết nhiều của cải), nên vào một đêm, hai tên trộm lẻn vào quật mồ con gái chú Hỏa và thấy quan tài... trống rỗng...
Một lời đồn đại khác đi xa hơn, nói rằng Chú Hỏa quá thương con gái đã qua đời khi còn quá trẻ, nên đã sắm một quan tài bằng đá để quàng giữ thi thể của con gái và đặt trong một căn phòng của nhà Chú Hỏa.
Nhân ngày giỗ đầu của con gái, Chú Hỏa đã sai gia nhân làm lễ cúng cơm cho con gái kèm với lễ vật là một chiếc váy màu trắng và một con búp bê. Gia nhân làm lễ cúng đó đã bỏ chạy khi thấy hình ảnh cô gái ngồi trên chiếc quan tài đá, tay cầm chiếc váy trắng, tay ôm búp bê và chén cơm bị vơi phân nửa...
Người ta nói rằng sau sự việc đó Chú Hỏa đã chôn cất quan tài bằng đá có đựng thi thể con gái một cách bí mật.
Trong quyển sách tựa đề là Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa xuất bản ở hải ngoại, tác giả Phạm Phong Dinh còn viết cô con gái Chú Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa, từng được nhiều người thấy xuất hiện dưới dạng cái bóng trắng đi vòng quanh những nấm mồ... (!)
Thực hư thế nào?
Tháng 7-2006, vài thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp về thăm lại nhà Chú Hỏa, mồ mả cha ông và tìm hiểu lịch sử gia đình. Họ ngụ tại khách sạn Majestic, nơi cha chú họ đã xây dựng.
Một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa khẳng định Chú Hỏa - Huang Wen Hua - Jean Baptiste Hui Bon Hoa chỉ có ba người con trai, lần lượt mang tên là: Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa).
Nghĩa là Chú Hỏa không có người con gái nào cả. Và Chú Hỏa không phải họ Hứa (tên đầy đủ theo sự suy đoán là Hứa Bổn Hòa) mà Chú Hỏa có họ Huỳnh, Huỳnh Văn Hoa.
|
Một ngôi mộ của dòng họ Chú Hỏa bình dị ven đường - Ảnh tư liệu |
Dốc Chú Hỏa
Đi quốc lộ 1K hướng từ Thủ Đức đến Biên Hòa, đoạn gần ngã tư Bình Thung, qua một ngọn đồi rồi đổ xuống tạo thành con dốc lớn có tên là “Dốc Chú Hỏa”. Sở dĩ mang tên như vậy là vì dốc nằm sát với khu nghĩa trang của gia đình chú Hỏa.
Quẹo vào một con đường đất hẹp, bên cạnh lò thiêu xác công nghệ cao khá quy mô, là một nghĩa trang cũ của người Hoa. Trong số các ngôi mộ ở đây có mộ của các con, cháu của Chú Hỏa cùng những thành viên khác trong gia tộc.
Ba ngôi mộ lớn ở đây chính là mộ của ba người con trai của Chú Hỏa: Huỳnh Trọng Huấn, Huỳnh Trọng Tán và Huỳnh Trọng Bình.
Gần đó, còn có năm ngôi mộ khác cũng thuộc dòng họ Huỳnh: Huỳnh Vĩnh Thái, Huỳnh Dương Tố Lan, Huỳnh Vương Châu Cần, Huỳnh Vương Loan Hồng, Huỳnh Vương Thục Khoan.
Bà con địa phương cho biết từng có một số ngôi mộ thuộc dòng họ Huỳnh đã bị giải tỏa trong quá trình mở rộng quốc lộ 1K trước đây, đó là chưa kể nhiều nhà dân từng xây cất ngay trên mấy ngôi mộ.
|
Mộ ông Huỳnh Trọng Huấn, con trai trưởng của Chú Hỏa vốn nắm hầu như toàn bộ gia tài của cha để lại và phát triển gấp mười lần, giàu cự phách đến tận cuối đời rất bình dị - Ảnh tư liệu
TTO - Thời Pháp thuộc, để vinh danh Chú Hỏa và gia đình của ông - nhà doanh nghiệp luôn có tấm lòng hướng tới cộng đồng, một con đường ở khu vực giữa Sài Gòn và Chợ Lớn đã được mang tên Hui Bon Hoa.
|
Khu biệt thự Chú Hỏa bên đường Lý Thái Tổ năm 1970 (thời Pháp thuộc là đường Hui Bon Hoa) với 8 biệt thự trong khuôn viên (một biệt thự đã bị hư hại (hình chữ nhật trắng bên trái ảnh) từ trước 1975). Số 8 (bát - theo âm tiếng Hoa) biệt thự có liên quan gì đến "phát"? Đường ngang phía trên là đường Lý Thái Tổ, đường bên dưới là đường Hùng Vương, vòng xoay góc phải là vòng xoay Cộng Hòa - Ảnh tư liệu |
Phải chăng tên đường như một cách nói Chú Hỏa và con cháu là người Sài Gòn gốc Hoa? Nhưng có lẽ gần gũi hơn là con đường nằm cạnh khu dinh thự Chú Hỏa.
Sau này, thời chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 22-3-1955, con đường được đổi tên thành Lý Thái Tổ cho đến nay.
Đường Hui Bon Hoa bên “dinh Chú Hỏa”
Năm 1952, đường Hui Bon Hoa với ba làn xe có lẽ là con đường mát nhất Sài Gòn vì có đến bốn hàng me tây với tán cây lớn hầu như che khuất ánh mặt trời.
Đường giữa trải nhựa, đường đất một bên, hướng “Ngã sáu - Ngã bảy”. Hướng ngược lại, mặt đường cán đá 5x7 có phủ một lớp đất cát. Xe cơ giới lưu thông trên đường trải nhựa và trên đường cán đá. Đường đất dành cho người đi xe đạp và đi bộ.
Đường Hui Bon Hoa nằm ở “rìa” trung tâm Sài Gòn, có khu đất rộng rãi, được Công ty địa ốc “Hui Bon Hoa và các con” xây dựng 8 ngôi biệt thự tráng lệ mà dân gian thường gọi “dinh Chú Hỏa” lộng lẫy nằm trên khuôn viên ngập tràn bồn cỏ, cây xanh rộng 3,7 hecta.
Đây là nơi người trong dòng họ Hui Bon Hoa nghỉ ngơi sau giờ làm việc.
Hiện nay khu nhà này là Nhà khách chính phủ.
Đối diện với khu biệt thự của Chú Hỏa là khu nhà trệt mái lá tự phát, thưa thớt của bà con quận 3, với những con hẻm nhỏ cắt ngang dọc, chằng chịt như mặt bàn cờ nên người ta thường gọi là khu Bàn Cờ.
|
Một góc khu dinh Chú Hỏa, nay là Nhà khách chính phủ nhìn từ vòng xoay ngã bảy về ngã sáu Cộng Hòa - Ảnh tư liệu |
|
Một biệt thự trong khu số 1 Lý Thái Tổ do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng - Ảnh tư liệu |
|
Cây xanh cổ thụ bao trùm từ vòng ngoài khuôn viên khu nhà số 1 Lý Thái Tổ - Ảnh tư liệu |
Nơi đây có xưởng đúc ống cống Lý Thành Còn từ loại 20cm đến 1m bằng bêtông cốt thép, khu cư xá nhân viên hỏa xa từ hẻm tiệm bánh canh Trảng Bàng đến gần ngã bảy Chợ Lớn.
Đến năm 1952, khu vực chưa có điện, nước máy. Dân cư sống bằng nước giếng và đốt đèn dầu. Về đêm, ngoài đường vắng xe và người qua lại. Vào mùa mưa thì lại càng vắng vẻ hơn.
Nhà dân thì hầu hết nhà trệt lụp xụp, nhà lợp ngói âm dương, nhà lợp tôn, lợp “phi-rô”, vách tường, vách tôn, vách ván…
Căn phố của dãy nhà bốn căn liền nhau ở mặt tiền đường, phía trước có cái giếng và cây me tây để có giá rẻ hơn các căn phố khác.
Nhà mái ngói âm dương, cột gỗ, tường lửng chỉ cao 2,8m nên khi nhà bên này nói chuyện hơi lớn tiếng thì nhà bên kia cũng nghe được.
Căn phố dài 12m, ngang 3,8m, có cửa hậu. Sau nhà là một trũng nước chắn ngang một dãy nhà tôn, nhà lá vách ván. Nước giếng dùng chung cho khoảng 10 gia đình. Về mùa mưa thì nước dư xài. Còn về mùa nắng, lối xóm canh nhau mới có nước dùng. Thiếu nước uống thì lên miệt ngã bảy hứng nước máy công cộng mang về.
Xung quanh dinh Chú Hỏa, cả một khu nhà lá trở thành khu thị tứ sầm uất
Năm 1954, sau khi có Hiệp định Genève, quân đội Pháp ở trại Pétrus Ký rút đi, khu biệt thự Chú Hỏa trở thành khu cư trú của các phái đoàn có tham gia ký Hiệp định Genève như Ba Lan, Hungary…
Người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, phân tán đi các tỉnh, một số định cư ở Sài Gòn, có những người mang theo của cải vốn liếng. Nhiều gia đình lần hồi xây dựng lên ở mặt tiền đường Lý Thái Tổ và những phần đất trống.
Cũng từ những năm 1955 trở đi, nhiều dân cư từ các địa phương đổ về Sài Gòn sinh sống, mang theo những bản sắc văn hóa điểm tô cho khu vực đường Lý Thái Tổ. Tiệm phở Hà Nội ở phía ngã sáu Cộng Hòa khá nổi tiếng, thu hút dân Sài Gòn đi ăn “phở Bắc”.
Cà phê Năm Dưỡng của chủ quán người gốc Triều Châu từ Rạch Giá lên nằm trên đường hẻm nối ngang Lý Thái Tổ với Nguyễn Thiện Thuật, nhờ hợp “gu” khách ghiền cà phê nên được tiếng tăm một thời gian dài.
Bánh mì Hà Nội chuyên ăn với “jambon, patê”, từ một quán nhỏ mái tôn vách ván ở đường Nguyễn Thiện Thuật chỉ với 2 bàn vuông, vài chiếc ghế đẩu, nhờ ngon nên đắt khách và từ từ phát triển đến nay thành một cơ ngơi 7 căn phố lầu mặt tiền, bán nhiều loại thực phẩm chín làm sẵn và bánh ngọt có tiếng lâu nay.
Phở "tàu bay" ở cuối đường Lý Thái Tổ đối diện với Bệnh viện Nhi đồng 1, không có giá sống và lá quế kèm theo, vẫn đắt khách như thường và vẫn tồn tại đến nay.
|
Một biệt thự khác do Công ty Hui Bon Hoa và các con xây dựng ở số 1 Lý Thái Tổ - Ảnh tư liệu |
|
Một biệt thự ở khu đất số 1 Lý Thái Tổ, quận 10. Ngôi nhà này đã dùng đá rửa, một loại vật liệu mới từ thập niên 1950 thay cho tường vôi thời thuộc Pháp trước đó - Ảnh tư liệu |
Cũng từ năm 1955, hai hàng cây giữa đường Lý Thái Tổ bị đốn bỏ để mở rộng đường. Phía trên vòng xoay ngã bảy, đường Lý Thái Tổ được mở rộng nối dài đến giao lộ nay là Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2.
Các đường với tên gọi hiện nay là Điện Biên Phủ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong thời đó cũng được mở rộng.
Đường Lý Thái Tổ được thiết trí hệ thống cấp thoát nước và đường dây điện. Hàng cây phía nhà dân lần hồi bị các gia chủ có cây án ngữ trước nhà tìm cách làm cho cây chết để lấn dần ra phía đường. Hàng me tây trước những căn phố mặt tiền phía quận 3 lần hồi trơ nhánh khô và chết. Chỉ còn hàng cây nằm bên trong hàng rào của khu biệt thự Chú Hỏa.
Vài năm sau các cây chết được đốn bỏ. Lần hồi dân chúng chiếm những khoảng trống trên lề đường Lý Thái Tổ xây nhà rồi xin hợp thức hóa. Lề đường Lý Thái Tổ nơi rộng 6m, nơi chỉ rộng 1,5m.
Cuối năm 1964, bộ mặt đường Lý Thái Tổ đã thay đổi khá nhiều. Nhà phố choán suốt mặt tiền đường từ vòng xoay Cộng Hòa đến cuối đường Lý Thái Tổ. Đa số là phố trệt có bảng hiệu buôn bán, phố lầu cũng chỉ lác đác lên được một tầng.
Vòng xoay Cộng Hòa đã có xây tượng đài nên gọi bùng binh Công trường Cộng Hòa. Vòng xoay ngã bảy cũng có tượng đài nhưng không có tên, chỉ gọi bùng binh ngã bảy Chợ Lớn.
Năm 1970, các căn phố mặt tiền đường Lý Thái Tổ đã xây cất nhô ra gần sát mặt lộ. Phố mặt tiền đường Lý Thái Tổ khoác lên bộ mặt khá đặc biệt trong kinh doanh.
Đoạn ngã sáu - ngã bảy đa số là cửa hàng bán vỏ xe hơi. Đoạn ngã bảy đến đường Sư Vạn Hạnh kinh doanh mặt hàng sơn dầu, sơn nước.
Đường Lý Thái Tổ hiện nay nằm trên địa bàn các phường 1, 2 của quận 3 và các phường 1, 9, 10 của quận 10; dài khoảng 1,35km, bắt đầu từ Công trường Cộng Hòa đến đường 3 Tháng 2, gần Bệnh viện Nhi Đồng 1, qua các ngã ba: Nguyễn Đình Chiểu bên phải, Hồ Thị Kỷ bên trái, ngã bảy Chợ Lớn, ngã tư Sư Vạn Hạnh; lộ giới mỗi bên 10m.
Từ thập niên 1990 đến nay, các cửa hàng kinh doanh trên đường Lý Thái Tổ đã có một nét riêng.
Từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ hướng về ngã bảy, các cửa hàng in ấn thiệp cưới, danh thiếp chiếm hầu hết mặt tiền đường. Từ ngã bảy đến Bệnh viện Nhi đồng 1 là các cửa hàng bán các loại sơn dầu, sơn nước, mành trúc và thảm trải nền nhà.
TTO - Khó ai có thể thống kê hết số nhà cửa, do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng ở Sài Gòn, Chợ Lớn xưa và những ngôi nhà ấy chắc chắn đã góp phần làm nên diện mạo của một "Hòn ngọc Viễn Đông".
|
Dãy nhà một trệt một lầu đối diện trước chợ Bến Thành thời thuộc Pháp do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng, cho thuê (dãy nhà này mới bị giải tỏa). Bên trái là Quảng trường Quách Thị Trang hiện nay, bên phải là công viên 23-9. Ngôi nhà cao nhất sau là tòa nhà Chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Sinh ra ở Bình Dương, nhưng từ năm 1965, tôi đã theo cha mẹ lên Sài Gòn, ngụ ở một con hẻm nhỏ nằm cạnh chợ Cầu Muối (nay thuộc phường Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM).
Sau 1975, tôi làm ở UBND phường 18 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) mấy năm.
Hàng loạt nhà trung tâm Sài Gòn xưa có tên "Nhà Chú Hỏa"
Ngay từ lúc mới lên Sài Gòn, ba tôi đã dắt tôi đi vòng vòng xung quanh nhà, chỉ những căn nhà Chú Hỏa. Đó là những căn nhà trên các con đường quanh nơi gia đình tôi ở đều là nhà của Chú Hỏa do thế hệ cháu chắt ông đang kế thừa.
Có những căn nhà trệt, hầu hết mái lợp ngói, chiều ngang khoảng 4m, chiều dài khoảng 25m, kiểu dáng giống nhau, nằm ở mặt tiền các con đường: Cô Giang, Cô Bắc, Đề Thám, Nguyễn Thái Học, Bến Chương Dương (nay là đường Võ Văn Kiệt), Trần Hưng Đạo...
Có những căn mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Bến Chương Dương một trệt, một lầu.
Không phải chỉ xây nhà mặt tiền mà nhà Chú Hỏa còn được xây dựng trong các con hẻm lớn nằm chen chúc trên các con đường chung quanh nơi tôi cư ngụ. Chẳng hạn như hẻm 16 đường Cô Giang, hẻm 135 đường Trần Hưng Đạo…
|
Những ngôi nhà một trệt hai lầu xưa thuộc sở hữu Công ty Hui Bon Hoa ở góc Lê Công Kiều - Phó Đức Chính hiện vẫn sinh hoạt khá bình thường - Ảnh chụp sáng 3-2 - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Cổng hẻm 158 Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM) dẫn vô "khu nhà Chú Hỏa" - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
Dãy nhà bên phải trong hẻm 158 Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM) xưa do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
|
... dãy nhà bên trái của hẻm này cũng vậy - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Ông nói về Chú Hỏa và con cháu đã tạo dựng nên số nhà cửa "khủng" gần 30.000 căn khắp Sài Gòn, Chợ Lớn.
Lớn lên một chút, khi đi trên các con đường ở khu vực trung tâm Sài Gòn thuở ấy, như các con đường: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), Lê Thánh Tôn, Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng)…, ba cũng chỉ cho tôi thấy hầu hết những căn nhà mặt tiền và cả những căn nhà trong hẻm trên các con đường này cũng là nhà Chú Hỏa.
Kiểu dáng các căn nhà khá giống nhau, hoặc là nhà trệt, hoặc là nhà một trệt, một lầu, ngói đỏ, liền kề nhau.
|
Dãy nhà trên đường Cô Giang, hai bên đình Nhơn Hòa (Q.1, TP.HCM) xưa đều do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng (trừ đình Nhơn Hòa), nay đã thay đổi hoàn toàn kiến trúc ban đầu - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Lớn thêm nữa, tôi nhận ra khá nhiều căn nhà Chú Hỏa nằm ở mặt tiền hai con đường Nguyễn Huệ và Tự Do (tức Đồng Khởi ngày nay) đều đã được những thương gia người Ấn Độ thuê để kinh doanh vải vóc hàng hiệu nhập khẩu từ Mumbai (Ấn Độ).
Ba má tôi và anh em tôi trước năm 1975 đều đến các cửa hàng này để mua vải may quần áo mới mỗi dịp Tết đến, Xuân về bởi vì tin cậy vào cung cách buôn bán khá chân thật và tình cảm của những thương gia Ấn Độ…
Riêng những căn nhà Chú Hỏa nằm gần chợ Bến Thành, trên hai con đường Lê Thánh Tôn và Gia Long (tức Lý Tự Trọng), từ sau năm 1954, đã được những thương gia gốc người miền Bắc mua lại của Công ty Hui Bon Hoa để tiệc khuếch trương kinh doanh và dịch vụ…
Không thể phủ nhận những ngôi nhà Chú Hỏa đã góp một phần không nhỏ vào việc tạo dựng nên một Sài Gòn xưa mà khi nhắc tới nhiều người Sài Gòn vẫn tự hào, thậm chí tiếc nuối cho một diện mạo tạo nên “Hòn ngọc Viễn Đông”…
Khó ai có thể thống kê hết số nhà xưa do Chú Hỏa và con cháu xây dựng giữa Sài Gòn
Khi làm ở phường 18 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), tôi được dịp ra vào khu “Nhà Chú Hỏa” ở số 97 đường Phó Đức Chính nhiều lần, cũng như nghe nói nhiều hơn về biệt tài kinh doanh nhà đất của Chú Hỏa…
|
Brochure quảng cáo về Công ty địa ốc Hui Bon Hoa thời thuộc Pháp - Ảnh tư liệu |
Nhiều bà con tôi biết đều khẳng định về số lượng "khủng" của những ngôi nhà Chú Hỏa và con cháu xây dựng cho thuê ở Sài gòn trước 1975.
Tuy nhiên, mãi cho đến tận nay, tôi vẫn còn băn khoăn về số lượng gần 30.000 căn nhà thuộc chủ quyền của Chú Hỏa. Liệu có thật không?
Những ngày cuối năm Ất Mùi, tôi đi qua những con đường, khu vực xung quanh Nhà Chú Hỏa (97 Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM); ngắm nhìn những ngôi nhà do Công ty Hui Bon Hoa đã xây dựng.
Đi qua, chạy lại, nhẩm tính số lượng những căn nhà vốn là nhà Chú Hỏa nằm ở mặt tiền của 8 con đường (Phó Đức Chính, Ký Con, Calmette, Yersin, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Lê Công Kiều, Nguyễn Công Trứ), tôi đã đếm và ước lượng đến gần 1200 căn nhà mặt tiền xưa kia vốn thuộc sở hữu của Công ty Hui Bon Hoa - chỉ trên 2,600 km của các con đường xung quanh “Nhà Chú Hỏa”.
Rồn những con hẻm ngang dọc, dài ngắn khác nhau được bố trí trên tất cả con đường nói trên. Những con hẻm ngắn, nhỏ như hẻm số 25 đường Nguyễn Thái Bình, có hơn 20 căn nhà trệt nằm chen nhau hai bên trái phải của hẻm.
Còn hẻm 158 đường Nguyễn Công Trứ cũng có hơn 20 căn nhà, nhưng lại là 20 căn nhà xây dựng theo kiểu nhà phố một trệt, một lầu.
Nhiều con hẻm khác lớn hơn, dài hơn, nối thông từ đường Lê Thị Hồng Gấm qua đường Nguyễn Thái Bình thì số lượng căn nhà nhiều hơn, khoảng 40, 50 căn được bố trí hai bên trái phải của hẻm. Nhiều hẻm có cổng vào bên dưới, còn bên trên là một căn nhà.
Rồi nhà ở hai con đường lớn chạy ở hai mặt của phường Nguyễn Thái Bình là Võ Văn Kiệt và Hàm Nghi...
Tất cả chỉ ở một phường ở quận 1.
Nhà Chú Hỏa được xây dựng lên khắp khu trung tâm Sài Gòn, tức quận 1, và có cả ở quận 3, như bạn đọc có nickname là “nguyen” đã cho biết: ”Nhà mình ở khu Bàn Cờ vẫn còn tờ giấy thuế đất đóng cho công ty Hui Bon Hoa”, khi bình luận dưới bài viết Sự thật về Chú Hỏa và 30.000 ngôi nhà ở Sài Gòn.
|
Giấy báo tiền nước của một ngôi nhà ờ quận 6, TP.HCM vẫn ghi khách hàng là Hui Bon Hoa - Ảnh tư liệu |
Những người cố cựu ở đường Phan Văn Khỏe (Q.6, TP.HCM) nói có dãy phố trên đường này (P.2, Q.6, TP.HCM) do Chú Hỏa và con cháu Chú Hỏa xây dựng.
Hiện nay, hầu hết nhiều nhà Chú Hỏa đã được hóa giá thành tài sản của cá nhân hay công ty cho nên giấy tờ cũ không còn.
Thêm nữa, khi đã trở thành nhà riêng thì nhiều căn nhà Chú Hỏa đã được chỉnh trang hay xây dựng lại mới hoàn toàn, không lưu lại dấu vết xưa nào.
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét