Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời

TTO - Năm 1940, chính quyền của Pháp ở Sài Gòn đặt tên cho con đường giới hạn bởi đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) và đường 11è RIC (nay là đường Trần Phú) là đường Pétrus Ký.
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn năm 1950 - Ảnh tư liệu
Còn con đường nối tiếp theo đường Pétrus Ký, từ đường 11è RIC đến đường Pavie (nay là đường 3 Tháng 2) được đặt tên là đường Boulevard de Ceinture. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đã gộp 2 đoạn đường này thành một con đường và lấy tên là đường Pétrus Ký. 
Chính quyền Pháp đặt tên đường là Pétrus Ký nhằm tôn vinh một người Việt Nam đã được cả loài người tôn vinh là nhà bác học và cũng bởi con đường này khá gần với nhà cũ, mộ phần của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng như ngôi trường trung học nổi tiếng mang tên ông - lúc đó nằm trong khuôn viên khá rộng lớn, bao quanh bởi các con đường mà nay gọi là Trần Bình Trọng, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (Q. 5).
Ngày 14-8-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đổi tên đường Pétrus Ký thành đường Lê Hồng Phong và nối dài tới đường Hoàng Dư Khương thuộc quận 10 như ngày nay.
Đường Pétrus Ký ngày xưa chỉ dài khoảng 1,3km, nhưng đường Lê Hồng Phong ngày nay có chiều dài hơn 2km, chiều rộng toàn mặt đường khoảng 30m, gồm 4 làn đường, chia cho mỗi chiều di chuyển có 2 làn đường.
Đường này giao nhau với các đường nay là: Trần Hưng Đạo, Phan Văn Trị, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Hùng Vương, Vĩnh Viễn, ngã bảy Chợ Lớn, Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2), Cao Thắng.
Đường Pétrus Ký xưa nối đường Hoàng Dư Khương (quận 10) với đường Trần Hưng Đạo (Q.5), chạy xuyên qua địa bàn của các quận 3, 5, 10 của Sài Gòn (nay là TP.HCM).
Những dấu ấn lịch sử trên đường Pétrus Ký
Đường Pétrus Ký chạy qua một khu vực mang dấu ấn lịch sử khá lâu đời của vùng đất Sài Gòn. Đó chính là giao điểm của các con đường: Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Hui Bon Hoa (nay là Lý Thái Tổ), Ngô Gia Tự, Điện Biên Phủ trở thành ngã bảy Lý Thái Tổ. 
Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, khu vực ngã bảy Lý Thái Tổ chính là khu vực mang tên Đồng Mả Ngụy từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) - nơi chôn những người thma gia cuộc nổi dây của Lê Văn Khôi, con nuôi tổng trấn Lê Văn Duyệt.
Gần hơn, vào năm 1926, Hội Đức Trí Thể Dục đã được thành lập bởi các ông Nguyễn Khắc Nương, Lưu Văn Lang (được đặt tên một con đường nằm bên hông chợ Bến Thành ngày nay) và một số trí thức miền Nam Việt Nam thời bấy giờ đã phát động rộng khắp phong trào rèn luyện thể dục thể thao nhằm mục tiêu “dân cường, nước mạnh”.
Thập niên 1930, Hội Đức Trí Thể Dục đã tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện và hội họp của nhiều trí thức, sinh viên học sinh ở Nam kỳ về triết học biện chứng cũng như về thơ mới - thơ cũ thu hút nhiều thính giả.
Đặc biệt vào năm 1963, phong trào Phật giáo chống lại sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đã diễn ra khắp Sài Gòn. Viện Hóa Đạo và Việt Nam Quốc Tự (hiện đang xây dựng mới) nằm ngay ngã tư đường Pétrus Ký - Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2) vốn là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng là một địa điểm nổi tiếng trong những năm tháng đấu tranh đẫm máu của Phật giáo Sài Gòn.
Bến xe vang bóng một thời Pétrus Ký
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn năm 1955 - Ảnh tư liệu
Chỉ sau khoảng 10 năm mang tên là đường Pétrus Ký thì con đường đã mang thêm một chức năng mới. Những năm cuối thập kỷ 1940 và những năm đầu thập kỷ 1950, lần lượt các bến xe khách Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, miền Đông và miền Tây nằm rải rác ở nhiều nơi tại Sài Gòn (như ở đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Cư Trinh ở Q. 1…) đều được chuyển về đường Pétrus Ký.
Tên gọi Bến xe Pétrus Ký ra đời từ đó.
Dọc theo sát lề phía tây của đường Pétrus Ký, từ ngã sáu Lý Thái Tổ đến ngã tư Pétrus Ký - Nguyễn Trãi đã trở thành nơi đậu của hàng trăm chiếc xe khách.
Mỗi tuyến xe khách đều có một màu sơn cho xe khác nhau để hành khách dễ tìm xe, đã tạo cho phần lớn chiều dài của đường Pétrus Ký lộng lẫy màu sắc: nào là màu xanh của xe khách Dĩ An, Biên Hòa,màu đỏ của xe khách Đà Nẵng, màu vàng viền đỏ của xe khách Bình Dương…
Bến xe Pétrus Ký hoạt động 24/24g. Không khí nhộn nhịp diễn ra khắp chiều dài bến xe ngày cũng như đêm.
Biết bao thế hệ con người từ các tỉnh lên Sài Gòn lần đầu tiên đều đã chân ướt chân ráo trên bến xe Pétrus Ký này, với cặp mắt ngơ ngác khi nhìn thấy đất Sài Gòn bao la, lạ lẫm mà lâu nay họ tưởng tượng.
Dịch vụ ở bến xe Pétrus Ký
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn năm 1960 - Ảnh tư liệu
Với tần suất hàng trăm lượt xe khách vô bến và xuất bến mỗi ngày, bến xe Pétrus Ký đã nhanh chóng hình thành các loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người thường xuyên có mặt ở bến xe, từ chủ xe, tài xế, lơ xe cho đến hành khách, phu khuân vác…
Hàng quán ăn uống mọc lên suốt chiều dài của bến xe Pétrus Ký, từ bình dân đến cao cấp. Nhà trọ, khách sạn mini cũng xuất hiện để phục vụ cho khách lỡ đường.
Dĩ nhiên không thể thiếu các mảnh đời thân thương: những mẹ gánh hàng rong, những chị bán trà đá, những em bán báo dạo… với những tiếng rao lảnh lót thỉnh thoảng lại vang lên giữa không gian ồn ào tiếng động cơ xe và khói bụi…
Bên cạnh những cảnh sống cơ cực bám theo sinh cảnh của bến xe Pétrus Ký còn có mấy mảnh đời đen tối. Suốt trong một thời gian dài, bến xe Petrus Ký cũng từng nổi tiếng với những dân đứng bến, những tay anh chị sống ngang tàng với nghề bảo kê, giựt dọc, đâm thuê chém mướn…
Cũng không thể không kể đến một số chị em từng sống chen chúc xóm Bình Khang - Cây Điệp hay còn gọi là khu nhà máy giày Bata (nay là Công ty cổ phần Giày Sài Gòn, thuộc khu phố 1, phường 2, quận 10), trong những căn nhà nhỏ hẹp ở khu vực dân lao động nằm cạnh hãng giày Bata nằm ngay trong khu vực bến xe Pétrus Ký, với một nghề nghiệp khá cổ xưa nhưng chưa được công nhận là một nghề: mại dâm.
Trở thành đường Lê Hồng Phong
Sau năm 1975, đường Pétrus Ký được đổi thành đường Lê Hồng Phong. Từ đó, bến xe Pétrus Ký trở thành bến xe Lê Hồng Phong. 
Ngày 11-12-1976, bến xe Lê Hồng Phong được đặt tên mới là xa cảng miền Đông Trung bộ. Năm 1981, bến xe chuyển đến phường 26, quận Bình Thạnh, rồi từ năm 1985, chuyển đến bến xe Miền Đông ngày nay.
Bao nhiêu sự ồn ào, phức tạp của khu vực vốn từng là bến xe cũng đã tan biến theo…
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Một đoạn đường Lê Hồng Phong hiện nay. Ảnh chụp sáng 11-1 - Ảnh: HỜ TƯỜNG
Con đường mang tên nhà bác học Pétrus Ký dạo nào, nay đã quen thuộc với người dân thành phố suốt hơn 40 năm qua với tên gọi đường Lê Hồng Phong.
... Và TP.HCM hiện cũng có đường Trương Vĩnh Ký
TP.HCM hiện có một con đường mang tên Trương Vĩnh Ký, hiện đang nằm trên địa bàn phường Tân Thành, quận Tân Phú (thuộc tỉnh Gia Định xưa), dài khoảng 1km, từ ngã ba Trương Vĩnh Ký - Lũy Bán Bích đến giáp đường Gò Dầu.
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Đường Trương Vĩnh Ký giáp với đường Lũy Bán Bích ở quận Tân Phú. ảnh chụp sáng 11- - Ảnh: Hồ Tường
HỒ TƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét