Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?

TTO - Nhiều người qua lại con đường trung tâm TP.HCM là Lê Duẩn, đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) - cổng thành Gia Định xưa đều thấy hai ngôi nhà kiến trúc Pháp sừng sững. Ít ai ngờ đó là tòa thành nhiều tuổi hơn nhà thờ Đức Bà.
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Hai tòa nhà hai bên đường Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng của thành Ông Dèm do Pháp xây dựng cách đây hơn 140 năm trên khu vực cổng thành gia Định xưa - Ảnh: M.C

Tất cả các sử liệu đều ghi: 8-3-1859, 19 ngày sau ngày thành Gia Định thất thủ, theo lệnh tướng De Genouilly, 32 ổ thuốc nổ đã phá tung nhiều đoạn tường thành Gia Định. Dinh thự kho tàng lẫn thóc lúa trong thành đều bị đốt phá. 
Địa chí TP.HCM viết: "Kho thóc thành Gia Định cháy mãi hai năm mà khói còn nghi ngút".
Từ ngày bi thương đó, thành Gia Định không còn gì?
Vẫn còn đến mấy chục năm sau
Tại sao quân Pháp phải phá thành? Rất đơn giản, dù chiếm được thành nhưng quân Pháp không thể ở yên trong ngôi thành nhỏ mà họ đánh chiếm nhanh chóng này khi liên tục bị những đội dân quân "ứng nghĩa" đe dọa đột kích bất kỳ lúc nào; cũng như hàng vạn quân nhà Nguyễn đang từ Huế vô, từ miền Tây lên tái chiếm thành.
Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó, khu vực này vẫn là bãi chiến trường tan hoang và hình dáng ngôi thành Gia Định vẫn còn khá rõ các đoạn tường thành trong các bản đồ thành phố Sài Gòn của Pháp như bản đồ 1867, 1870.
Thậm chí trong bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn 1883, 24 năm sau ngày thành Gia Định thất thủ  (1859), hình dáng ngôi thành ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng đã lác đác có những chấm vuông đen (ký hiệu những tòa nhà lớn của bản đồ) xuất hiện trong thành.
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Bản đồ Sài Gòn 1867 cho thấy thành Gia Định vẫn còn xuất hiện với đầy đủ đường nét chính tường thành cũng như hình dáng các pháo đài bốn góc thành (nhưng có lẽ các pháo đài này bị phá hủy phần tháp canh phía trên). Và không hề có một công trình nào được xây dựng ở đây - Ảnh tư liệu
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
So sánh với hình dáng hình dáng thành Gia Định (góc phải ảnh phía trên) do Trần Văn Học vẽ năm 1815. Nguyễn Đình đầu chú giải - Ảnh tư liệu
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Bản đồ do người Pháp vẽ 1883, hình dáng thành Gia Định vẫn còn (màu hồng trong hình) - Ảnh tư liệu
Những bản đồ sau nữa tuy hình dáng ngôi thành Gia Định vẫn còn nhưng khu vực này đã xuất hiện rõ hình ảnh một tòa thành khác của quân Pháp.
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Những tòa nhà mới đã được xây dựng bên trong khuôn viên thành Gia Định, hình thành một ngôi thành khác (góc phải trên cao của hình vẽ) - Tranh vẽ 3D của của Đại úy hải quân Pháp Favre - Tranh tư liệu
Đây là bức vẽ công phu của Đại úy hải quân Pháp Fauvre dựa trên bản đồ 2D trước đó nhưng ông đã mất rất nhiều thời gian đi khắp thành phố Sài Gòn lúc ấy, đến từng ngôi nhà, dinh thự để vẽ bức vẽ Sài Gòn 3D đầu tiên (và có lẽ duy nhất về Sài Gòn cho đến nay) rất chính xác, với mô tả các tòa nhà, dinh thự lớn của Sài Gòn lúc ấy.
Tất cả các tài liệu đều nói tranh này vẽ năm 1881. Tuy nhiên căn cứ vào hình vẽ, có lẽ tác giả đã vẽ sau năm 1895 vì trong hình vẽ, hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà (làm thêm năm 1895) đã có (liệu bức vẽ 1881 nhưng vẽ bổ sung sau không?).
Quan trọng hơn, ít nhất đến thời điểm đó, tường thành Gia Định vẫn hiện ra lồ lộ và bao phủ các ngôi nhà bên trong do Pháp mới xây dựng.
Thành Ông Dèm giờ vẫn còn đó giữa Sài Gòn
Thật ra, từ nền thành Gia Định xưa, năm 1870 bản thiết kế một ngôi thành mới của hai kiến trúc sư người Pháp là Varaigne và  A. Dupommier đã được vẽ và thi công, 11 năm sau khi các khối kiến trúc lớn của thành Gia Định bị nổ tung. 
Vật liệu xây thành lấy từ gạch, sắt của thành Gia Định vẫn còn ngổn ngang nơi đây
Bản vẽ này cho thấy thành mới chiếm diện tích chỉ bằng gần một nửa thành cũ, chu vi chỉ khoảng 1.400m; hiện nằm khớp trong bốn con đường: Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tuy nhiên, hàng loạt các các cuộc tập kích của người dân Gia Định liên tục diễn ra, thậm chí sát vách thành Gia Định từ dân đất Hộ (Đa Kao) cách đó hơn cây số khiến việc xây thành mới kéo dài đến ba năm, năm 1873 mới xong; đặt tên Martin des Pallières là tên một tướng Pháp, Charles Gabriel Félicité Martin des Pallières (1823 - 1876). 
Thành mới này gồm ba khối kiến trúc chính: hai khối nhà dài một trệt một lầu hai bên cổng và một khối nhà một trệt hai lầu xây cao hẳn trên nền đất (kiểu thành và mẫu nhà với hệ thống lam quả trám phía trước chống nóng này được một số kiến trúc Sài Gòn sau đó, như Bệnh viện Quân đội Pháp gần đó - nay là Bệnh viện Nhi đồng 2 - làm theo).
Tuy nhiên, phía ngoài tòa thành mới này vẫn còn hệ thống lũy đất quanh thành nên trong các bản đồ, hình vẽ trước 1900 hầu như đa số còn vẽ nguyên hình dáng thành Gia Định xưa (từ 1900, hệ thống lũy đất này mới bị san bằng nên các bản đồ sau đó không còn thấy hình dáng  thành Gia Định xưa nữa.
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Cổng thành Ông Dèm lúc mới xây dựng xong trên đường Lê Duẩn hiện nay. Trước cổng thành vẫn còn mênh mông cỏ (ảnh chụp từ góc ngã tư Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng hiện nay) - Ảnh tư liệu 
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Hai tường thành Ông Dèm trên đường Lê Duẩn, hai bên đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay - Ảnh: M.C
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Cổng thành Ông Dèm nhìn thẳng từ ngã tư Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng hiện nay. Từ cổng nhìn vô, chúng ta có thể thấy khu nhà lính Pháp phía sau - Ảnh tư liệu
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Hai tường thành Ông Dèm trên đường Lê Duẩn, hai bên đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay - Ảnh: M.C
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Khu nhà lính Pháp ở ngay sau cổng. Khu nhà này nếu còn nằm gần và nằm gần ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng hiện nay, chưa sang khu vực sân Hoa Lư hiện nay  - Ảnh tư liệu
Thành Martin des Pallières là nơi đóng quân đầu tiên của Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ (Régiment de marche de Cochinchine) thành lập năm 1869 trước đó.
Năm 1890, trước hàng loạt cuộc khởi nghĩa diễn ra khắp nơi của dân Việt, trung đoàn này phát triển thành ba trung đoàn số 8, 10 và 11.
Riêng Trung đoàn 11  (11ème régiment d'infanterie de marine - 11ème RIM) đóng ở thành Martin des Pallières.
Năm 1900, trung đoàn này đổi tên là Trung đoàn bộ binh thuộc địa 11 (11ème régiment d'infanterie coloniale - 11ème RIC). Người dân Sài Gòn lúc đó và đến 1955 vẫn gọi đó là Thành Ông Dèm (phiên âm từ chữ số 11 - onzième).
Bao nhiêu thăng trầm lịch sử tiếp tục diễn ra ở thành Gia Định xưa
Thật trớ trêu khi khu thành người Pháp chiếm được của người Việt 1859, 86 năm sau lại thành nơi quân Nhật giam giữ lính Pháp, người Pháp ở Sài Gòn sau cuộc đảo chính 9-3-1945.
(Xin nói thêm, Trung đoàn bộ binh thuộc địa 11 là đơn vị chủ lực của quân đội Pháp ở Nam Kỳ, đã từng được đặt tên cho một con đường khu trung tâm Sài Gòn thời thuộc Pháp - nay là đường Trần Phú. Đây cũng là lực lượng được quân Anh vô Sài Gòn giải giới quân Nhật đã thả, trang bị vũ khí để cùng quân Anh nổ súng chiếm lại Sài Gòn trong ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945). 
Năm 1954, quân đội Pháp rút, bàn giao thành Ông Dèm cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngay sau đó vài tháng, đây lại là khu vực giao tranh giữa quân đội Sài Gòn lực lượng Bình Xuyên chống chính phủ khi quân Bình Xuyên nổ súng tấn công thành.
1955, khi nắm quyền Tổng thống VNCH, Ngô Đình Diệm đổi tên thành Ông Dèm ra thành Cộng Hòa và trở thành nơi đóng quân của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, rồi nhanh chóng nâng lên thành Liên đoàn, Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống với trang bị vũ khí, khí tài (pháo, xe tăng, xe thiết giáp, súng phòng không) cực mạnh, tương đương một sư đoàn.
Chính lực lượng này ngày 11-11-1960 đã kháng cự quyết liệt quân đảo chính, bảo vệ được Phủ Tổng thống dù trước đó, quân đảo chính đã chiếm Bưu điện SG, Bộ Tổng tham mưu, Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, Tổng nha Cảnh sát và Nha Cảnh sát đô thành, Bộ Tư lệnh Thủ đô...
Trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, dù Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống Phủ bị bắt nhưng quân đảo chính dù tấn công dữ dội vẫn không chiếm được thành. Mãi rạng sáng ngày 2-11-1963, lực lượng này mới buông súng theo lệnh tổng thống Ngô Đình Diệm khi ông bị bắt.
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Thành Cộng Hòa trong tay lực lượng đảo chính sau trong cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 - Ảnh tư liệu
Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn?
Tòa nhà hai bên thành Cộng Hòa đầy vết đạn bắn trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 - Ảnh tư liệu
Đây là thời điểm quyết định số phận thành Ông Dèm - thành Cộng Hòa. 
Sau đảo chính, Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống bị quân đảo chính giải thể.
Một tháng rưỡi sau, 14-12-1963, Hội đồng Quân nhân Cách mạng (VNCH) giao khu thành Cộng Hòa cho Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH để lập khu Đại học với ĐH Văn khoa, ĐH Nông lâm súc, ĐH Dược.
Tòa nhà lính ở phía sau bị phá, thành Cộng Hòa bị cắt làm hai, thông đường Đinh Tiên Hoàng với đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng).
Năm 1966, khu vực nhà ăn cuối thành Cộng Hòa trở thành Đài truyền hình VNCH kênh 9 và Đài truyền hình ARFVN kênh 11 (nay là khu vực Đài truyền hình TP.HCM).
Và thành Ông Dèm - thành Cộng Hòa xưa nay còn lại hai tòa nhà hai bên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), ngay trên trục đường trung tâm TP.HCM Lê Duẩn. Đến nay đã 143 năm (1873-2016).

CHUNG HAI


Số phận 2 thành cổ bảo vệ Sài Gòn xưa


Sau sự biến Lê Văn khôi, Minh Mạng phá thành Bái Quái do vua Gia Long xây, lập Thành Phụng nhưng khả năng bảo vệ kém nên dễ dàng bị người Pháp hạ.

Sài Gòn hơn 200 năm trước từng có hệ thống thành Quy và Phụng kiên cố để phòng thủ với kiến trúc kiểu phương Tây, thể hiện tư duy quân sự hiện đại và tự chủ trong việc thực thi chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cả hai thành đều bị phá bỏ. Đối chiếu với bản đồ ngày nay, hai thành cổ này nằm gọn trong khu vực trung tâm quận 1 và 3, TP HCM.
so-phan-2-thanh-co-bao-ve-sai-gon-xua
Bản đồ Sài Gòn năm 1790 do người Pháp vẽ, ở chính giữa là thành Bát Quái do vua Gia Long cho xây dựng. Ảnh tư liệu
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa, năm 1790 Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn và chọn đất Sài Gòn làm kinh đô, đặt tên là Gia Định kinh và ra lệnh xây thành Phiên An (còn gọi là thành Quy) - do hai sĩ quan công binh người Pháp là Olivier de Puymanel và Le Brun vẽ họa đồ - phải huy động tới 30.000 dân phu, thầy thợ đắp thành.
Thành Phiên An được xây kiên cố theo kiến trúc Vauban (kiến trúcphòng thủ do một kỹ sư người Pháp thiết kế) nhưng mang hình bát quái, theo phong thổ Á Đông. Thành được xây rất kiên cố với 3 lớp bảo vệ: lớp trong cùng là tường xây bằng đá cao 6,3 m, chân tường dày 36,5 m; lớp giữa là hào rộng với bề ngang 76 m, sâu 6,8 m có nhiều cầu bắc qua và lớp ngoài là lũy bằng đất với chu vi gần 4.000 m. 
Trên thành có nhiều tháp canh hình bát giác, bên cạnh có thang dây. Trong tháp có quân canh gác, có việc gì bất ổn thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu. Các quân sĩ trong thành cứ theo hiệu báo đó mà điều binh. Đối chiếu với vị trí hiện nay, Phiên An nằm giữa 4 con đường Đinh Tiên Hoàng (Đông) - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tây) - Lê Thánh Tôn (Nam) - Nguyễn Đình Chiểu (Bắc).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người có rất nhiều công trình nghiên cứu về Sài Gòn, Phiên An là ngôi thành đồ sộ nhất trong lịch sử nhà Nguyễn. Lúc đầu được gọi là "Bát Quái", do có 8 cửa, bên trong thành xẻ 4 đường ngang, 4 đường dọc thành những ô vuông. Thoạt nhìn bản đồ giống như con rùa khổng lồ nên hay gọi là thành Quy.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, dời kinh đô từ Gia Định kinh (Sài Gòn) về Huế. 9 năm sau kinh thành Huế được xây, Gia Định kinh được đổi thành Gia Định thành và trở thành thị sở của quan Tổng trấn Nam Kỳ.
so-phan-2-thanh-co-bao-ve-sai-gon-xua-1
Sơ đồ thành Bát Quái Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải. Ảnh tư liệu
Khi làm Tổng trấn Gia Định thành, năm 1830 Tả quân Lê văn Duyệt đã cho xây thành Bát Quái cao thêm một thước rưỡi và dùng toàn đá ong, càng kiên cố. Vì việc sửa thành, cộng với hiềm khích trước đó, vua Minh Mạng (nối ngôi Gia Long) đã khép Lê Văn Duyệt tội nhị tâm (hai lòng) và cho san bằng mồ mả ông sau khi mất.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự biến Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt nổi loạn, đánh chiếm thành Bát Quái và 6 tỉnh Nam Kỳ (1833-1835). Để đánh bại Khôi, Minh Mạng đã huy động hàng chục nghìn quân thủy, bộ vào Nam, bao vây chặt thành Phiên An. Tuy nhiên, do thành được xây dựng chắc chắn, bên trong lại có đủ khí giới và lương thực nên phải mất 2 năm mới chiếm được.
Sau khi dẹp binh biến Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá bỏ thành Bát Quái. Đến năm 1836 ông ra lệnh xây thành mới là Gia Định (còn gọi là thành Phụng) với khoảng 10.000 binh lính, dân chúng bốn tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long và Định Tường làm việc ròng rã trong hai tháng.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, thành Gia Định có chu vi khoảng 1.960 thước, cao 4,7 m, hào rộng 52 m và sâu hơn 3 m. Thành cũng được xây bằng đá ong Biên Hòa và theo mẫu kiến trúc Vauban nhưng nhỏ, dễ bị bắn phá hơn vì chỉ có 4 pháo đài (thành Bát Quái cũ có 8 pháo đài). 
so-phan-2-thanh-co-bao-ve-sai-gon-xua-2
Màu đỏ là thành Bát quái xây năm 1790, bị vua Minh Mạng phá đi năm 1835. Màu xanh là thành Phụng, xây năm 1836 bị quân Pháp san bằng hơn 20 năm sau đó. Màu đen là các con đường của Sài Gòn sau này với tên đường trong thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Gia Định nằm ở góc Đông Bắc thành cũ, nay là khu vực giữa 4 con đường Nguyễn Du, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày 17/2/1859, quân Pháp tấn công thành Gia Định bằng 32 ổ mìn, hỏa thiêu tan tành thành Phụng, chỉ còn lại những đống gạch vụn. 
Theo thống kê, lửa đã thiêu hủy 2.000 cây súng cổ và gươm, giáo; 85 thùng thuốc súng và rất nhiều bì súng, hỏa pháo, diêm sinh, tiêu thạch, chì...; lúa trữ trong kho nuôi 6.000-8.000 nhân khẩu trong năm (trị giá khoảng 3 triệu france); tiền bản xứ (điếu và kẽm), ước trị giá bằng 130.000 France. 
Do có nhiều lúa gạo, vụ cháy kéo dài đến cả tuần. Dấu tích duy nhất còn lại của thành Phụng ngày nay là bức tranh vẽ ảnh người Pháp tấn công thành và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng về phía gần xưởng Ba Son.
Về dấu tích của thành Bát Quái, theo cố học giả Vương Hồng Sển, năm 1926, khi đào móng xây cao ốc ở góc đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Gia Long (Lý Tự Trọng), người ta phát hiện nhiều đá ong lục lăng nên có thể khẳng định đó là chân cũ vách thành Gia Long xây năm 1790. Một di tích khác cũng của thành Quy được đào thấy năm 1935 tại nhà thương Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2), nay ở góc đường Lý Tự Trọng và Chu Mạnh Trinh.
so-phan-2-thanh-co-bao-ve-sai-gon-xua-3
Tranh vẽ quân Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859. Ảnh tư liệu
Còn theo nhà bác học Trương Vĩnh Ký, trung tâm thành Quy ở nhà thờ Đức Bà hiện nay - khi xưa có dựng cờ lệnh to lớn. Lúc đào nền móng để xây nhà thờ gặp lớp tro, cây, gạch và đá cháy lụn vụn dày 0,3 m - có thể là di tích kho lương của Lê Văn Khôi bị đốt năm 1835. Trong đống tro này, thợ đào đất đã gặp ngổn ngang xác tiền điếu, tiền kẽm bị lửa cháy kẹo quánh lại thành khối, có cả đạn súng to bằng gang sắt, bằng đá khối...
Theo các nhà nghiên cứu, thành Phiên An tồn tại 45 năm và thành Gia Định 23 năm. Hai thành trì có một số mệnh, tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu ấn oai hùng trong lịch sử mở nước và giữ nước của quân dân Nam Kỳ Lục tỉnh. Nếu thành Quy thể hiện tư duy quân sự mang dáng dấp văn minh hiện đại của phương Tây, thì thành Phụng hoàn toàn do người Việt xây - chứng tỏ tính tự chủ trong thực thi chủ quyền quốc gia.
Trung Sơn
(nguồn Vnexpress)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét