(iHay) Ruốc khô! Nghe cái tên đã thấy không có “độ” mướt nào. Ngay khi con ruốc còn tươi cũng chỉ có mẩu thịt cỏn con. Mùa ruốc rộ, dân làng chài đem phơi, mẩu thịt ấy mau chóng bốc hơi theo nắng. Vậy mà mấy tháng sau, khi nhà cúng giỗ hoặc có khách, gia chủ mở nắp hũ sành ra, ruốc khô thơm ngào ngạt.
Còn bún mì? Vẫn là những sợi bún khô quẻo khô queo được làm từ bột củ mì, bó thành từng lọn nhỏ. Người chưa “trải”, thấy lọn bún mì chả có gì để vấn để vương.
Vậy mà khi “đi” với nhau, là nói bún mì “se duyên” với ruốc khô ấy, hai thứ này làm nên món trộn tuy dân dã mà “đánh ngã” cả những món cá thịt trong mâm.
Cũng cần nói thêm, bún mì không chỉ “đi” với ruốc khô mà còn “gá nghĩa” với hàu, với cà xanh, với xà lách. Món nào cũng ngon, cũng có hương vị riêng khó lẫn, cũng có chỗ đứng trong làng ẩm thực nhà quê. Nhưng với mình, hễ thấy bún mì là nghĩ ngay đến ruốc khô. Có lẽ những con ruốc khô nhẹ hều ấy gắn với kỷ niệm hồi nhỏ của mình: Trên đường đi tắm, mình và lũ bạn hay mon men đến gần những nong ruốc, một đứa giả vờ làm tuột quả bóng, ba bốn đứa cúi xuống tranh nhau nhặt rồi… hốt luôn mỗi đứa một nắm ruốc rõ to. Nhâm nhi những con ruốc ngọt thơm mùi nắng, thấy con đường bỏng rát những cát là cát chợt có chút dịu êm.
Nhà có khách văn nghệ từ thành phố Quảng Ngãi vô chơi. Vợ nói để em đi chợ. Biết tính bạn, mình nói không cần đâu em, cứ bún mì, ruốc khô mà “trị”, không sao đâu. Vợ cự nự: “Người ta đi xe con, sang như trời mình lại đi dọn món nhà quê”. Nói thế thôi chứ vợ cũng miễn cưỡng cất cái làn đi chợ rồi lui cui làm bếp.
Bún mì cắt ngắn, ngâm với nước ấm. Ruốc rang lên. Cái giống ruốc đến là lạ. Bỏ vào chảo rang, đảo đũa vài nhịp là từng con ruốc dậy mùi thơm lừng, thơm như thể rút ruột mà thơm. Trút ruốc ra tô để nguội thì bún cũng vừa mềm. Trộn đều hai thứ vào nhau cùng với nước mắm ớt tỏi chanh đường. Điểm thêm vài chút rau húng, rau thơm. Vậy là “bức tranh thôn dã” - đĩa bún mì trộn ruốc khô - đã lên mâm lên bát. Thấy lạ, mấy chàng “tiểu tư sản phố” lúc đầu ăn dè chừng. Lát sau, anh nào cũng bật ra tiếng khen “lạ lắm và ngon lắm” khiến vợ chồng mình vô cùng hỉ hả. Vợ lật đật xuống bếp làm tiếp “tập hai”. Mình mấy lần chiết rượu từ thẩu ra chai mà thấy sướng vô cùng. Rõ là cái sự ngon cũng có “lộ trình” của nó. Một là các chàng ghé nhà mình đúng ngọ, bụng đang đói cồn cào. Hai là cơm gà cá gỏi cầu kỳ mấy bạn đã từng. Giờ chỉ cần món gì dân dã, lạ miệng là “đánh gục” những cái lưỡi quen cao lương mỹ vị này thôi.
Thì đúng vậy chứ còn gì. Bún mì càng nhai càng thấy ngọt. Đan xen với vị ngọt của bún là cái “điệu” dai dai, giòn giòn, thơm lừng của ruốc rang. Rau thơm rau húng tuy chỉ thơm thầm nhưng cũng góp phần làm “bộ đôi” bún mì – ruốc khô thêm ngon thêm ngọt. Đã lưng lửng bụng, và cũng đã âm ấm rượu, các “thị dân” thi nhau thể hiện sự “vi tế” của mình trong ẩm thực. Đứa thì nói tao phát hiện ra điều đặc biệt là khi ăn kèm với bánh tráng mì (cũng được làm từ củ mì) thì bún mì mới dâng hết độ ngọt thơm. Có lẽ vì hai anh này là “đồng hương” nên hễ gặp nhau là đồng điệu chăng? Đứa thì nói con ruốc dai dai, giòn giòn là do còn ủ nắng những ngày phơi phóng. Có đứa làm thơ nữa mới… hãi chứ. Thơ như vầy: “Bún mì “đi” với ruốc khô / Tụi tao mỗi tháng kéo vô một lần”. Gia chủ chịu nổi hông?
Trần Cao Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét