(iHay) Hồi nhỏ, lũ trẻ làng mình đứa nào cũng thuộc câu đồng dao: “Ăn chay mà không niệm Phật / Hễ nghe chay chín lật đật ra gò”.
Phải nói ngay, câu hát ấy không có gì gọi là ngỗ ngược hay bất kính cả. Là bởi, “ăn chay” là ăn trái chay chứ không phải ăn chay kiểu nhà chùa. Còn gò là dải đất cao và rộng, um tùm cây cối và đầy chim chóc phía sau làng. Nơi đây có những cây chay mọc hoang, cứ đến mùa, trái chín vàng trông rất đẹp.
Cây chay thuộc loại thân gỗ, vỏ cây nhẵn, màu xám. Cây mọc thẳng vươn cao, lá no diệp lục nên xanh dày. Cây lâu năm có thể cao hơn 10m, chi cành tỏa rộng, xum xuê. Ăn trái và cho bóng mát là hai cái lợi của loại cây này. Vâng! Trái chay thì khỏi chê rồi. Còn bóng mát hả? Mùa hè, cây có thể che nắng cho mấy chục đứa trẻ chơi quanh gốc.
Nghĩ hồi đó tụi mình gan thật! Người lớn “đúc kết” cấm có sai: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Mới lớp hai, lớp ba, cỡ tám chín tuổi đầu, hễ nghe trèo cây hái trái là không từ chối. Có một điều lạ là: Trái chay mẹ mua ngoài chợ, dù là mập mạp, chín vàng nhưng mình vẫn thấy… kém ngon so với trái chay mình tự hái. Cái cảm giác sờ vào trái chay khi nó còn trên cành sao mà bồi hồi đến vậy. Mình và lũ bạn hái trái chay cẩn thận cho vào túi căng phồng. Khi leo xuống, phải luồn người qua cành lá ken dày nên chẳng đứa nào còn nguyên “thành quả”. Chỉ dăm baỷ trái là lành lặn. Số còn lại, trái thì bầm, trái thì giập, thậm chí có trái xẹp lép, thịt chay dính đầy túi áo túi quần. Mình mẩy đứa nào cũng “ướp” toàn hương chay.
Cả bọn túm tụm ngồi dưới gốc chay. Từng gói muối ớt được mở ra. Từng miếng chay mềm mại được tụi mình ăn một cách dè xẻn, nhỏ nhẻ, nhẹ nhàng, cứ như ăn mà sợ hết, ăn như thể đây là mùa chay cuối cùng. Trái giập ăn trước, trái bầm ăn sau. Tụi mình không đứa nào bàn tán về cái ngon của trái chay, chỉ làm thinh mà cảm nhận, nói như người lớn là “ngậm mà nghe”.
Xa trái chay cả năm trời, giờ gặp lại, vừa đưa lên môi nước miếng đã tứa ra. Mùi vị đặc trưng của trái chay là chua và ngọt nhưng khác với vị chua của chanh, của khế…, cũng khác với cái ngọt của bưởi của cam. Cái chua của chay hấp dẫn ở chỗ là chua lửng chua lơ, cái chua “nhử” cái lưỡi đi cho hết độ dài của vị. Còn cái ngọt của chay là ngọt thanh tao nhưng phơn phớt, một cái ngọt không… rõ ràng, lúc thì ngọt phảng phất, lúc thì ngọt mong manh. Không như cam chua ngọt quyện hòa. Chay nhà ta có lúc ngọt trước chua sau và ngược lại. Để kết hợp hai vị này, không anh nào qua nổi anh muối ớt. Có chút mằn mặn, cay cay xúc tác, chay trở nên lôi cuốn vô cùng.
Tháng tám nắng rám trái bưởi nhưng ngồi dưới vòm lá mát rượi của cây chay, lũ nhóc thấy dường như mùa hè trốn biệt. Ăn chay bên cái… máy điều hòa nhiệt độ ấy, lại được nghe chim hót véo von, nghe tiếng suối róc rách xa xa thì ai mà không mê. Thế nên trưa nào bọn mình cũng lận lưng gói muối ớt, vừa đi vừa hát: “Ăn chay mà không niệm Phật…”.
Lũ trẻ ngày xưa giờ thành người lớn hết rồi. Một số ở lại quê, còn lại là tứ tán mưu sinh ở phố. Bấm đốt ngón tay, biết tháng bảy, tháng tám là họ nhớ ngay đến mùa chay chín. Điện về quê thế nào cũng có câu: “Chay năm nay ra sao? Gởi cho một ít nghen”. Nhiều người cẩn thận xếp từng trái chay vô thùng xốp gởi tặng bà con. Có người tỉ mẩn xắt từng lát chay chín, phơi thật khô rồi gởi lên phố cho con nấu canh chua. Có lẽ vì vậy mà mùa chay năm nay được giá. Cứ mỗi cảu chay (ảnh) bán được khoảng 70 đến 80 nghìn đồng. Mình nghĩ, ngoài nỗi nhớ quê, có lẽ người xa quê ăn trái chay là một cách để “trở về”.
Trần Cao Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét