Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Những pho tượng cổ 2 thế kỷ


Nhà chùa bố trí lại tượng xưa, cổ vật xưaẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Long An cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong vùng, do họ Trần khai lập tại ngã ba Rạch Tràm, thuộc ấp Bình Sơn, xã Bình Phú, H.Cai Lậy (Tiền Giang). Chùa bị hư hại và được tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn còn giữ được vài pho tượng cổ có niên đại từ thế kỷ 19.

Sắc tứ long an tự
Theo gia phả họ Trần, khoảng đầu thế kỷ 19, gánh họ Trần ở xứ Rạch Tràm có một người tên Trần Văn Đôn xuất gia tu hành trong ngôi chùa tại Gia Định. Tương truyền trong khuôn viên ngôi chùa có một vườn tre. Một hôm có người đàn bà đến bẻ trộm măng, ông Đôn bắt được, lấy cây măng gõ lên đầu, người đàn bà lăn ra chết, vì vậy ông mang tội ngộ sát. Nhờ quan Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương xin giúp nên khỏi tù tội nhưng ông phải rời Gia Định về quê ẩn dật.
Khi khăn gói trở về quê, ông Đôn mang theo 9 pho tượng bằng đồng rồi lập một cái am nhỏ tại ngã ba sông Rạch Tràm để sớm chiều kinh kệ. Sau khi ông mất, người trong họ cử con cháu cai quản, dùng ruộng đất tài sản của ông để lại làm hương hỏa và lấy huê lợi tích lũy nhiều năm xây dựng nên ngôi chùa hiệu là Long An tự. Đến cuối thế kỷ thứ 19, Long An tự do người cháu là ông Trần Văn Sóc, pháp danh Trường Độ trụ trì.
Khoảng năm 1900, sư Võ Ngộ Thông, vốn là cháu ngoại sư Trường Độ được cử làm thủ tọa chùa Long An. Được một thời gian, vì mắc bệnh lao nên sư Võ Ngộ Thông giao chùa cho người khác quản lý, rồi tự mình chèo thuyền đi khắp Nam kỳ lục tỉnh tìm thầy chữa trị. Đến Rạch Giá, ông tìm được một danh y trị dứt căn bệnh và được người bác ruột của mình đang tu tại đây là Yết Ma Thanh Đường truyền cho “bùa năm ông” cùng một số phương thuật.
Trong dân gian truyền tụng rằng Võ Ngộ Thông là người rất giỏi y dược, thông hiểu các phương thuật bói dịch, phong thủy, các loại bùa chú, đặc biệt là bùa “Lỗ ban”. Lúc bấy giờ vợ ông Hương cả làng Phước Khánh (Bến Tre) bị bệnh nặng. Có người mách bảo, ông Hương cả bèn đến khấn rước hòa thượng đến nhà trị giúp vợ mình. Chẳng bao lâu bà Cả lành bệnh, ông Hương cả tin tưởng trời Phật phù hộ nên đã xuất tiền trùng tu chùa Long An, khánh thành vào năm Mậu Ngọ (1918).
Nhằm tạo điều kiện cho khách hành hương đến chùa thuận lợi, hòa thượng Thông đã vận động xin đất rồi thuê mướn nhân công đắp một con đường dài khoảng 3 cây số từ lộ Đông Dương (quốc lộ 1 hiện nay) vào chùa, nên người địa phương gọi là lộ Hòa Thượng. Hiện nay con đường này vẫn còn sử dụng.
Đầu năm 1924, tình cờ đọc báo, hòa thượng Thông biết tin giữa tháng 8 năm ấy ở kinh đô Huế sẽ tổ chức lễ Tứ tuần Đại Khánh tiết của vua Khải Định, bèn gọi cháu là Võ Công Phi trụ trì chùa Long Nhơn (Vĩnh Long) đến vấn kế. Họ thống nhất lên Sài Gòn mua vé tàu thủy ra Huế. Khi đến kinh đô, hai thầy trò được mời vào cung An Định xem mạch bốc thuốc, tụng kinh cầu an cho Tôn cung Thái hậu (mẹ vua). Vua Khải Định hay tin liền cho vời ông vào yết kiến hỏi thăm tình hình ở Nam kỳ rồi ban thưởng. Báo Trung Lập số ra ngày 21.11.1924 đưa tin, phần thưởng đó là một cái tam hạng kim tiền có chạm long vân khắc bốn chữ “Khải Định bửu giám” cùng thùy anh huyền bội (dây đeo) và một cấp bằng “sắc tứ”, ghi lời khen ngợi của vua.
Sau mấy tháng ở kinh đô, thầy trò hòa thượng trở về chùa, thiết lập đại lễ khánh hạ và đổi hiệu là “Hoàng Ân Sắc tứ Long An tự”. Chùa Long An có danh hiệu Sắc tứ kể từ đó. Năm 1935, hòa thượng Võ Ngộ Thông mất sau một cơn bạo bịnh.
Bảo tồn di vật xưa
Theo tài liệu Sắc tứ Long An cổ tự Ngộ Thông hòa thượng sự tích ghi chép, vào khoảng năm 1912, hòa thượng Võ Ngộ Thông thuê nhóm thợ ở Gò Công lên đắp các bộ tượng Phật, Bồ tát, La hán, Thập điện, Năm ông kỵ thú… bằng hồ vữa. Số tượng này được đắp thủ công chưa sử dụng khuôn đúc nên còn mang đậm phong cách tượng dân gian. Sau năm 1975, do một thời gian dài chùa không ai bảo quản nên bị mất khá nhiều di vật. Nhiều tượng đồng bị kẻ gian lấy cắp. May mắn là số tượng được tạo tác hồi đầu thế kỷ 20 vẫn còn nguyên vẹn, nay có thể gọi là di sản quý.
Đại đức Thích Phước Nhân, sư trụ trì, cho biết trong bộ tượng đồng được ông Trần Văn Đôn đem từ Gia Định về khai sơn chùa, hiện chỉ còn một tượng nhưng phải cất giấu kỹ, không dám đem lên bệ thờ. Ngoài ra chùa còn lưu giữ pho tượng Trung tôn bằng đất nung có niên đại thế kỷ 19, do thầy Trường Độ, sư trụ trì đầu tiên tạo tác. Đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho lịch sử phát triển ngôi chùa nói riêng và mỹ thuật dân gian địa phương nói chung.
Sư Phước Nhân còn bỏ công sưu tập được một số hiện vật như ấn, đẩu, sách vở tài liệu phương thuật của hòa thượng Ngộ Thông. Riêng hiện vật của vua Khải Định tặng, ông cho biết đã tìm ra manh mối người lưu giữ và sẽ liên hệ xin nhận lại, đưa về chùa.
Hoàng Phương – Ngọc Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét