Tuy cùng là một vị thần, song ở mỗi nơi vị thần ấy lại có “chức năng” khác nhau.
Cự Linh là tên xưa của vùng đất thôn Ngọc Trì, Long Biên, Hà Nội. Người dân trong thôn Ngọc Trì này không ai không biết chuyện vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trên đường đem quân chinh phạt phương nam có dừng chân tại Cự Linh. Trong đêm vua Lê nghỉ tại Cự Linh, thánh Trấn Vũ đã hiển linh báo mộng sẽ phù trợ nhà vua. Sau này, khi chiến thắng, vua quay về đây, cho lập đền và tạc tượng thờ ngài, gọi là Hiển linh Trấn Vũ quán.
14 năm đúc tượng thần
Theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, bức tượng Trấn Vũ thoạt đầu là tượng gỗ. Sau đó, tượng gỗ bị hư hại và nhân dân trong vùng đóng góp tiền để đúc lại tượng bằng đồng vào năm 1747. Tuy nhiên, đến năm 1788, tượng được đúc lại một lần nữa cho xứng hơn với hình tượng Trấn Vũ, khiến tượng càng to cao lên và ngày càng uy nghiêm hơn. Việc đúc tượng này kéo dài 14 năm, tới năm 1802 thì hoàn thành. Hình dáng tượng cũng được giữ nguyên từ đó cho tới ngày nay. Tượng đồng này được đúc nguyên khối. Trên tay tượng cầm kiếm chống lên mai rùa, thân kiếm có rắn quấn quanh. Tương truyền, Quy và Xà là hai vị đại tướng và hóa thân của thần Trấn Vũ. Theo truyền thuyết, Trấn Vũ cũng là vị thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Trên bia “Trấn Vũ điện bi ký” dựng năm 1820 cũng ghi lại: “Năm Đinh Sửu Cảnh Hưng 1757, đúc tượng đồng. Mỗi lần chiêm ngưỡng tượng thần lại muốn to lớn hơn nên tiết đông chí năm Mậu Thân 1788 đúc lại tượng… đến tháng tám năm Nhâm Tuất 1802 thì hoàn thành”.
Thần trừ yêu ma, thần trị thủy quái
Các nhà nghiên cứu từng nhiều lần so sánh hai bức tượng Trấn Vũ ở Quán Thánh và Cự Linh và nhận thấy có một số điểm tương đồng. Chẳng hạn, cả hai đều được đúc trong thế ngồi uy nghiêm trên một bệ gạch cao. Cả hai đều có đầu để trần, mặt tròn, mắt mở to nhìn thẳng, có ria mép. Tay trái tượng đều để trước ngực, đang bắt quyết. Tay phải úp xuống đốc kiếm. Cả hai cũng gần như có cùng số đo dài rộng, độ cao gần 4 m và nặng khoảng 4 tấn. Chúng cũng đều là tượng đồng nguyên khối.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đạt Thức, Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cho rằng tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh có râu cằm, đường biên áo, ở nhiều chỗ uốn lượn và vênh ra ngoài nhiều, nếp áo, không đồng điệu với các tượng Việt cổ niên đại vào thế kỷ 17. Đặc biệt, hoa văn trên áo tượng gần gũi với phong cách phương bắc, một hình thức mà thời Nguyễn chịu nhiều ảnh hưởng. “Nhìn tổng thể, pho tượng này có nhiều nét tương đồng với tượng Trấn Vũ ở đền Cự Linh, P.Thạch Bàn, Q.Long Biên, Hà Nội”, ông Thức đánh giá.
Tuy nhiên, vẫn có những sự khác biệt giữa hai bức tượng. Theo PGS-TS Trần Lâm Biền, chức năng thờ vị thần Trấn Vũ ở hai nơi là khác nhau. Chẳng hạn, ở đền Quán Thánh, vị thần này mang chức năng trấn yêu ma, quỷ quái ở kinh thành, canh giữ toàn bộ phương bắc. Trong tứ trấn của Hà Nội, đền Quán Thánh trấn giữ phương bắc. Còn pho tượng ở Cự Linh lại có chức năng trị thủy, diệt thủy quái là chính. Suốt dọc các khu vực gần đê sông Hồng đều có đền thờ Trấn Vũ với mục đích trị thủy hoặc tiêu thủy như vậy.
Theo ông Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thì: “Nếu so sánh phong cách tượng thì tượng Cự Linh dân gian hơn. Niên đại muộn hơn so với Quán Thánh. Tượng Quán Thánh có từ thời Lê Trung Hưng, còn tượng Cự Linh thì có từ thời Nguyễn. Chúng khác nhau về phong cách tạo tượng. Yếu tố trị thủy của tượng Trấn Vũ ở Cự Linh đậm hơn nhiều”.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Trang Thanh Hiền, dựa trên các hoa văn trang trí trên áo, bức tượng Cự Linh mang phong cách Nguyễn khá rõ ràng. “Xung quanh khu vực đó còn có một hệ thống tượng Trấn Vũ khác. Hệ thống này đều là biểu trưng cho đạo giáo, cho việc chữa bệnh, việc trị thủy và trấn giữ phương bắc. Về thần thái, chúng uy linh không khác nhau nhiều, nhưng các chi tiết có thể khác nhau. Hệ thống tượng này phát triển mạnh ở miền Bắc, vào đến miền Trung và Nam thì không thấy rõ. Ở Hà Tây cũ cũng có nhiều chùa và đạo quán có tượng thờ Trấn Vũ, chẳng hạn chùa Mui, Dương Viên quán. Mặc dù vậy, các tượng đó đều là tượng đất và kích thước nhỏ hơn tượng Cự Linh, Quán Thánh rất nhiều”, TS Hiền nói.
Trinh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét