Theo nhận xét của anh Ngô Tường Lợi, chủ một vuông tôm (đầm) ở xã Viễn An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau thì loài cá này rất “hay” vì trườn trên nước được, bò nhanh trên mặt đất được, lặn được và thậm chí là cả leo cây. Loài cá này có thể sống cả trên cạn, dưới nước nhờ hệ thống hô hấp bằng cả phổi và mang. Cá thòi lòi cũng tỏ ra kì quái so với các loài cá khác bên cạnh môi trường sống khi có hai con mắt to mọc trên đỉnh đầu, lại lồi hẳn ra. Dù mang nhiều vẻ lạ lùng nhưng các món ăn chế biến từ thòi lòi thì lại cực ngon, nhất là món nướng muối ớt, một món ăn rất gần gũi trong bữa cơm của người dân miền Tây sông nước.
Tôi rất háo hức muốn được tận mắt trải nghiệm một phần cuộc sống của người dân nơi đây nên Phong, cháu anh Lợi được phân công đưa tôi đi bắt cá thòi lòi. Để bắt loài cá này có nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là dùng một dụng cụ có tên "xà di" làm từ lá dừa nước, có phần giống như cái đơm, cái vó làm bằng tre của người miền Bắc.
Phong dẫn tôi đi dọc ven đầm lầy để tìm những hố cá thòi lòi. Từ xa tôi đã nhìn thấy những con cá thòi lòi đang trườn trên mặt bùn, nhưng thấy người đến gần đã vội vàng biến mất trong nháy mắt.
Cá thòi lòi đào hang và ẩn nấp bên trong. Nhìn vào hang người đi bắt có thể biết được trong hang có cá không, nếu có cá thì cá to không. Nếu nước trong miệng hang đục và có nhiều vết ‘chân’ của cá xung quanh miệng hang thì trong hang có cá vừa chui vào. Thường hang to thì sẽ có cá to và ngược lại.
Cắm chiếc xà di sâu xuống miệng hang là cách để bắt cá thòi lòi. Do thiết kế của dụng cụ này nên con cá có thể dễ dàng phi vào trong xà di nhưng không chui ngược ra được. Người miền Tây còn có những cách khác để bắt cá thòi lòi như câu hoặc chờ đêm đến đi soi đèn, cá gặp ánh đèn sẽ đứng yên để người bắt chụp, đập như khi đi bắt ngoé...
Cứ đặt nhiều xà di như vậy quanh ven đầm rồi cỡ một tiếng sau người đi bắt sẽ quay lại để ‘thăm’. Nếu để lâu quá cá sẽ ngạt mà chết, thịt ăn mất ngon. Khoảng thời gian đi ‘thăm’ ấy là những giây phút tôi cảm thấy hồi hộp thực sự mỗi khi Phong nhấc xà di lên, giũ giũ xem có cá bên trong không.
Và rồi tôi cũng được tận mắt nhìn thấy con cá kì lạ này lần đầu tiên trong sự vui mừng vì chuyến đi đã thu được thành quả. Những con cá thòi lòi rơi ‘bịch, bịch’ xuống thật đã tai sau mỗi lần trút ngược cái xà di vào chiếc xô mang theo.
Bắt cá đã xong nhưng khi cầm cá thòi lòi để đem đi chế biến cũng phải biết cách. Anh Lợi cho hay, cá thòi lòi có hàm răng rất sắc nhọn nên khi cầm phải túm chặt vào đầu cá để tránh chúng cắn hoặc chạy thoát.
Cách chế biến phổ biến nhất và ngon nhất là làm món thòi lòi nướng muối ớt. Cá thòi lòi đem lên rửa sạch bùn, ướp với muối ớt, mì chính, bột ớt khô, sa tế tôm cùng một chút dầu hào rồi đem lên nướng.
Bắc cá lên bếp than hoa rồi trở đều tay, đến khi lớp da bên ngoài của con cá xém lại báo hiệu cho thực khách đã đến lúc thưởng thức món ăn dân dã này. Thịt cá thòi lòi rất nạc, chắc lại không hề có vị tanh. Dưới ngọn lửa hồng rực, mùi muối ớt ngấm vào từng thớ thịt của con cá thật đậm đà. Miếng thịt đượm vị cay, vị thơm lại trắng bóc hiện lên sau lớp da cháy xém bên ngoài không khỏi khiến tôi thèm thuồng đang lúc đói bụng sau trải nghiệm đi bắt cá thòi lòi khi nãy. Ngồi trong chòi gác tôm mùa mưa, không khí có hơi se se man mát bên ngoài mà xuýt xoa vị cá thòi lòi nướng muối ớt, không quên nhâm nhi vài xị rượu đế cay nồng theo một cách khác, lại nhẩn nha vài câu chuyện cùng chủ nhà để cảm nhận hương sắc ẩm thực của đất trời miền Tây... đã là quá đủ để tạo nên một ấn tượng sâu sắc trong lòng người khách phương xa như tôi.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét