Chưa có nhiều du khách, tour du lịch nên thiên nhiên và con người Bình Phước vẫn đẹp, nguyên sơ và thú vị. Dưới đây là những điểm bạn nên đến để khám phá thiên nhiên, con người nơi đây.
1. Trảng cỏ Bù Lạch
Là một cụm gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau với diện tích khoảng 500 ha nằm ở thôn 7, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, trảng cỏ Bù Lạch được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp diệu kì cùng với một nền văn hóa đa sắc tộc bao quanh như M'Nông, S'Tiêng, Mạ… tạo nên một khung cảnh đặc sắc và hoang sơ.
Bao quanh khu trảng cỏ là những khu rừng nguyên sinh với những thân cây rộng lên đến 3 người ôm. Bạn có thể men theo những con đường mòn mà người dân tộc M'Nông ở đây hay đi nương rẫy để vào sâu bên trong cánh rừng già, cảm nhận không khí lạnh mát của khu rừng nguyên sinh và hệ động thực vật phong phú. Ngoài ra, nếu để ý kĩ sẽ thấy những nhành lan nhiều màu bám trên những cây cổ thụ to lớn.
Chiều về khu trảng cỏ sẽ nghe những tiếng leng keng lục lạc của những đàn trâu về chuồng. Với cảnh sắc thơ mộng, trảng cỏ Bù Lạch sẽ hứa hẹn những thú vui hoang dã hấp dẫn cho những du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng.
Nếu di chuyển từ TP.HCM, bạn có thể chạy về hướng ngã tư Sở Sao gần khu du lịch Đại Nam rồi rẽ phải đi vào quốc lộ 14. Cứ thẳng tới thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, dọc theo quốc lộ 14 đến thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, đi tiếp 3km nữa rồi rẽ phải vào con đường đèo dốc nhỏ đã được trải nhựa khoảng 12km là đến Trảng cỏ Bù Lạch.
2. Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm ở đoạn cuối của dãy Trường Sơn Nam, thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Phía Tây Bắc có suối Đắc Huýt là ranh giới giữa Việt Nam - Campuchia, tuyến đường vành đai biên giới dài khoảng 72km và tổng diện tích đạt 25.926ha.
Hệ thực vật ở vườn quốc gia rất đa dạng và phong phú, quy tụ nhiều loài trong vùng Ðông Nam Á. Ðặc biệt rừng nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng với ưu thế của những cây họ dầu và nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, giáng hương và các giống cây dùng làm thuốc.
Ðây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã với, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Do đặc trưng của rừng ẩm thường xanh, có rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên vườn quốc gia cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...
Hệ động thực vật phong phú cùng hệ thống hang động Dak Nghen, Đờ Mi, Gióng Min nguyên sinh của vùng đất bazan nâu đỏ nơi đây đã thể hiện cảnh quan sinh thái đặc sắc của Bù Gia Mập. Những dòng suối lấp lánh nắng vàng luôn reo vang cùng với bản hòa tấu của chim muông, hoa lá, những dòng thác Đạt Mai, Sông Bé trên, Sông Bé dưới, Dak Tôn lớn, Dak Tôn nhỏ, Tà Lin quanh năm tung bọt trắng xóa che kín hang động bên trong được tạo thành bởi những khối đá nhiều vân sắc… Tất cả đã tạo nên một điểm du lịch sinh thái lý tưởng đối với những du khách ưa thích thể thao mạo hiểm và thiên nhiên hoang dã.
Lưu ý: Nên liên hệ với ban quản lý để xin phép và nhờ người hướng dẫn.
3. Hồ Suối Giai
Hồ Suối Giai nằm ở địa phận xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cách TP. HCM khoảng 80km về phía Tây Bắc. Trước kia, lòng hồ là một dòng suối lớn (có bề ngang khoảng 8m) và những cánh đồng lúa trải dài giữa một thung lũng. Từ khi xây đập ngăn dòng, hồ có chiều ngang hơn 1,5 km, nằm gọn lỏn giữa hai quả đồi. Những vườn tràm, điều, cao su… nghiêng mình khoe bóng mát giữa mặt hồ trong xanh, đã tạo nên một cảnh sơn thủy hữu tình giữa vùng sơn cước Đồng Phú.
Buổi trưa nắng nóng, dùng cơm, nướng cá ngay bên cạnh hồ và ngả lưng thảnh thơi trên những khối đá ong dưới những tán điều mát lạnh. Mặt nước xanh trong với những cơn gió ru nhẹ mát rượi; những bông hoa súng, mướp hương, rau muống nước điểm tô vàng - tím - trắng trên mặt hồ; những chiếc thuyền đánh bắt cá, tép, cua... vẫn nhẹ nhàng xuôi mái bình yên giữa những cánh cò trắng bay lượn quanh hồ. Cảnh hồ trở nên tuyệt diệu hơn khi ánh hoàng hôn ùa về, tạo nên một hồ Suối Giai đầy xúc cảm, nên thơ.
4. Thác Đứng
Thác Đứng thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Nơi đây được thiên nhiên kiến tạo độc đáo, mang đậm vẻ hoang sơ, và được mệnh danh là một trong những thác đẹp của du lịch Bình Phước. Thác cao chừng 4 - 6m, rộng khoảng 10m, tuôn chảy qua tầng đá với nhiều khối đá hình lục lăng xếp chồng lên nhau, cùng các cột đá lớn hình trụ ghép nối với nhau một cách tự nhiên, lạ mắt...
Thác cao chừng 4- 6m, rộng khoảng 10m và ẩn trong màu xanh của rừng cây. Tuy thấp nhưng dòng chảy của nước không hiền hoà mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xoá. Có lẽ thấm mệt sau khi buông rơi từ trên cao, dòng nước 'đổi tính' hiền hoà uốn lượn quanh hàng trăm hòn đá lớn nhỏ dọc dòng DakQuotte rợp bóng mát.
Không nối tiếp thành hàng, cũng chẳng theo một trật tự nhất định, nhưng những tảng đá trên dòng DakQuotte cũng là chiếc cần đưa du khách qua bờ bên kia, chọn những gốc cây cổ thụ, dựa lưng nghỉ mệt, hàn huyên với bạn bè hay ngắm những cụm phong lan rừng đầy sức sống đong đưa trên những tán cây.
Thông tin thêm:
- Bạn có thể đến Bình Phước bằng xe máy, xe đò hay ôtô riêng. Nếu đi xe riêng, bạn theo quốc lộ 13, chạy qua Bình Dương là đến địa phận tỉnh Bình Phước. Nếu đi xe đò, bạn ra bến xe Miền Đông (TP HCM) mua vé về Bình Phước.
- Để tiết kiệm và khám phá được nhiều, các bạn nên di chuyển bằng xe máy.
- Khách sạn ở đây có giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng một đêm.
- Hai món nhất định phải thử là đọt mây nướng và lá nhíp xào.
- Mang theo quần áo, giày dép gọn nhẹ, dễ di chuyển.
- Mang theo áo ấm, chăn màn, dụng cụ nấu nướng, lều… nếu muốn cắm trại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét