Đối với người Việt, ngoài bữa ăn hằng ngày là cơm, hầu hết những món ăn chơi, ăn vặt khác đều xoay quanh nguyên liệu chính là bột gạo.
Từ Bắc tới Nam, mỗi vùng miền có những món khác nhau nhưng với nguyên liệu chính vẫn là gạo ngâm rồi xay thành bột. Nếu miền Bắc có bánh cuốn, bánh giò…; miền Trung có bánh xèo, bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm… thì miền Nam có nhiều món đặc trưng như bột chiên, bánh khọt…
Quen thuộc như bánh cuốn Bắc
Bánh cuốn là món quen thuộc được liệt vào danh sách 10 món ngon nhất định bạn phải thưởng thức khi đến Hà Nội.
Nguyên liệu làm bánh cuốn được lựa chọn từ loại gạo ngâm rất kỹ, không quá dẻo hoặc quá cứng để bột mịn mà không nát. Gạo ngâm trong nước lạnh ít nhất 3 tiếng hoặc qua đêm rồi xay nhuyễn, hòa với lượng nước vừa đủ. Tráng bánh trên một cái nồi căng màn vải trắng, dưới là nước sôi 100 độ.
Khi bánh chín, người ta dùng đũa tre xuyên ngang để nhấc lớp bánh mỏng tang ấy lên, đặt lên mâm có thoa chút dầu hành phi cho bóng bẩy và mềm mượt. Bánh ngon là phải cực kỳ mỏng và giữ nguyên mùi thơm tự nhiên của gạo. Món bánh hấp dẫn hơn khi được rải lớp hành phi vàng giòn ăn kèm với nước mắm pha giấm, vài lát ớt đỏ tươi.
Đến Hà Nội, nơi bạn không thể bỏ qua là Bánh cuốn bà Hoành (Tô Hiến Thành, Q.Hai Bà Trưng). Từ một gánh nhỏ, trải qua 70 năm cha truyền con nối, đây là hàng bánh cuốn hiếm hoi giữ được hương vị xưa. Bánh không quá dày, lại thơm tự nhiên. Chả ăn kèm không ngán, có vị giòn thơm rất riêng.
Tuy nhiên, với chị Bích Đào, một du khách vẫn thường xuyên công tác ở Hà Nội thì lại “kết” bánh cuốn Thanh Vân (Hàng Gà, Q.Hoàn Kiếm) hơn. Quán có thâm niên hàng chục năm, khách đông nườm nượp; khi đến buổi chiều lúc nào cũng phải đợi 5 - 10 phút mới có bàn. Ngoài món bánh truyền thống, bánh cuốn nhân thịt hoặc ruốc tôm ở Thanh Vân rất ngon. Đừng quên gọi thêm đĩa chả quế vàng rộm. Giá khoảng 30.000 đồng/đĩa.
Khoái khẩu như bánh khoái miền Trung
Món đặc trưng của xứ Huế, đổ trong cái khuôn nhỏ, giòn rụm bởi được làm bằng bột ngâm từ gạo xay nhuyễn hòa cùng tôm - thịt; ăn cùng nước lèo rất đặc trưng.
Món này ngon nhất phải kể đến quán Lạc Thiện ở cửa Thượng Tứ, TP Huế - “Bánh khoái Đông Ba, cơm gà Gia Hội”.
Bánh khoái Huế cũng tương tự bánh xèo ở các vùng khác nhưng có đôi chút khác biệt. Chẳng hạn bánh xèo miền Nam thường to bằng cả cái đĩa bàn, tráng bột mỏng, giòn còn bánh khoái chỉ nhỏ bằng cái đĩa con, bột dày hơn, giòn rụm. Cũng là gạo ngâm trong nước đem xay, pha thêm tí bột nghệ. Bắc chảo dầu nóng trên bếp, cho vào con tôm, lát thịt ba chỉ, thêm miếng chả quết rồi tráng vào một lớp bột.
Đậy vung lại, bánh chín thì bỏ vào một ít giá, hành lá, rưới trứng vịt đánh đều lên viền bánh. Màu vàng tươi của bột nghệ, màu cam sẫm của trứng; màu đỏ của tôm, trắng của giá, hồng của chả, xanh của hành tạo nên ngũ sắc bắt mắt. Món ăn bốc khói nghi ngút. Chấm miếng bánh giòn rụm với lát vả, lát khế, cọng xà lách, vài lá rau thơm vào chén nước lèo ngòn ngọt, mằn mặn gồm gan bằm nguyễn với tương đậu và mè, chao ôi là thấm thía.
Bà Hoàng Thị Thương, một nghệ nhân ẩm thực Huế chia sẻ: “Bánh khoái là món thể hiện triết lý ẩm thực của người Huế. Là sự kết hợp giữa đa sắc: vàng, hồng, trắng, xanh với đa vị: chua cay mặn ngọt như những cung bậc thăng trầm cảm xúc cuộc đời”.
Mộc mạc bột chiên Sài thành
Là món ăn vặt khá nổi tiếng ở Sài Gòn, bạn có thể bắt gặp xe bột chiên ở khắp các ngõ ngách, từ trong một xóm bình dân hay ra mặt tiền các quận “sang chảnh”.
Nhắc đến món này, hẳn ai cũng thuộc lòng vài địa chỉ quen ở khu Hải Thượng Lãn Ông, Q.5 hay nhiều quán có thâm niên hàng chục năm trên đường Võ Văn Tần, Q.3. Bột chiên cũng làm từ nguyên liệu chính là bột gạo ngâm xay nhuyễn; đun nóng thành hỗn hợp sền sệt rồi đổ vào khuôn hấp chín. Bột để nguội, cắt từng miếng như quân cờ rồi chiên vàng.
Món bột chiên ngon phải là thứ chiên vàng giòn đều với lớp ngoài giòn rụm nhưng bên trong lại mềm mịn. Khi đủ độ giòn, người ta sẽ đập trứng gà và hành lá xắt nhuyễn lên trên.
Ăn kèm cùng đu đủ bào sợi và nước chấm pha chế từ mắm, đường, giấm đen và nước tương có vị ngòn ngọt, mằn mặn tôn thêm cái béo ngậy, bùi bùi của bột gạo chiên; thêm ít ớt tương, không khó lý giải tại sao quanh các xe bột chiên lúc nào cũng đông khách nườm nượp. Giá chỉ 18.000 đồng - 25.000 đồng/ phần.
An Khuê
Ảnh: Khả Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét