Nhóm trống đồng cổ nhất
PGS-TS Lại Văn Tới, người gắn bó với nghiên cứu Cổ Loa hàng chục năm nay, nhớ rõ trống đồng Cổ Loa đã được tìm thấy như thế nào. “Trống được tìm thấy ở Mả Tre, xóm Chợ, xã Cổ Loa, H.Đông Anh, Hà Nội. Có một gò đất cao, khi người ta hạ đất xuống để làm ruộng thì trống hiện ra. Trong trống còn có hơn 200 hiện vật văn hóa Đông Sơn nữa. Xung quanh không có tầng văn hóa, vì trống đồng thường là vật quý người ta chôn giấu của”, ông Tới cho biết. Lúc đó là năm 1982.
Chiếc trống khi đó nằm ngửa, chứa trong lòng nó cả bộ sưu tập lưỡi cày đồng gồm 30 chiếc. Bộ sưu tập này có 3 kiểu chính là lưỡi cày hình tim, hình bầu dục và gần hình tròn. Những chiếc lưỡi cày màu xanh rỉ đồng có niên đại từ thời Đông Sơn...
Các nghiên cứu khảo cổ cho biết trống rất đẹp. Chính giữa mặt trống là hình sao nổi 14 cánh, trang trí họa tiết lông công xen giữa các cánh. Vành thứ 6 chia thành hai nửa giống nhau. Có họa hình người hóa trang, mái nhà cong hình thuyền có chim đậu, có hình nhà sàn đối xứng nhau qua tâm trống, trong mỗi nhà sàn có 3 người. Mỗi ngôi nhà sàn có dàn trống nằm sát bên phải. Cũng có nhà cầu mùa nằm đối xứng trên mặt trống...
GS Hà Văn Tấn đánh giá đây là một chiếc trống đồng có thể xếp vào nhóm trống xuất hiện sớm nhất hiện nay.
Hàng chữ khó đọc
Trống Cổ Loa có một hàng chữ được đúc nổi. Theo TS Nguyễn Việt, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, những dòng minh văn này là điều các học giả rất quan tâm. Năm 1982, hội thảo khoa học lớn đã được tổ chức để đánh giá và tôn vinh hiện vật này cũng như giá trị của tòa thành Cổ Loa lịch sử. Mặc dù vậy, phải tới 10 năm sau mới có những kiến giải đầu tiên về hàng chữ này, mở đầu là giải thích của học giả Nguyễn Duy Hinh.
“Tựu trung lại các ý kiến đều thống nhất ở nhận định rằng minh văn ghi chép về trọng lượng và sức chứa của trống”, ông Việt cho biết. Cũng theo ông Việt, GS Diệp Đình Hoa, PGS-TS Trịnh Sinh và ông khi ấy cho rằng chữ chính giữa trống là Tây Vu. Dòng chữ có nghĩa là chiếc trống thứ 48 của tộc Tây Vu.
Ông Việt giải thích, Tây Vu là tên bộ tộc lớn sau trở thành tên một huyện lớn dưới thời Tây Hán. Tây Vu cũng là cách ghi biến âm của nhóm tộc người mà tương truyền Thục Phán làm thủ lĩnh. Tộc này đã liên kết với Lạc Việt - Văn Lang của các vua Hùng thành nhà nước Âu Lạc cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên. Việc phát hiện trống Tây Vu trong thành Cổ Loa của An Dương Vương Thục Phán chứa đầy vũ khí và đồ đồng Đông Sơn cũng rất logic.
Tuy nhiên, ông Việt cho biết, năm 2011, có một cách đọc khác về dòng minh văn do nhà nghiên cứu người Nhật tên Ba Hyu đưa ra. Ông này đã đọc dòng minh văn thành “Chiếc trống đồng thứ 48 của Việt tộc, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”. 281 cân hồi đó tương đương 72 kg ngày nay là trọng lượng thực của trống.
Sức sống văn hóa Đông Sơn
Song cho dù ý nghĩa của dòng chữ đó như thế nào, điều không thay đổi là việc tất cả những đồ đồng đó là một tổ hợp thuộc văn hóa Đông Sơn. “Không nghi ngờ gì nữa. Đây là dịp tốt để chúng ta tìm hiểu về sức sống của văn hóa Đông Sơn”, GS Tấn đánh giá. Theo ông Tấn, luyện kim bao giờ cũng có ý nghĩa động lực và cách mạng trong các văn minh. Việc phát hiện ra nhóm đồ đồng Cổ Loa cùng các phế phẩm đã chứng minh rằng đồ đồng được đúc tại chỗ. Hàng vạn mũi tên Cổ Loa tìm được trước đây cũng nói lên điều đó. Thực ra những người thợ đúc Đông Sơn ở Cổ Loa chỉ tiếp tục phát triển nghề đúc đồng đã có từ sớm ở khu vực này. Ở di chỉ Đình Tràng Cổ Loa, khảo cổ học đã tìm được một mảnh khuôn đúc bằng sa thạch thuộc giai đoạn Gò Mun. Như vậy, Cổ Loa từ rất sớm đã là một trung tâm đúc đồng.
PGS-TS Lại Văn Tới cho biết: “Trong quốc gia cổ đầu tiên là Văn Lang Âu Lạc thì đã tìm thấy trống Hy Cương của Văn Lang là trống đồng to, đẹp. Với quốc gia Âu Lạc thì đã tìm được trống Cổ Loa. Trống liên quan đến vương quyền, thần quyền và những thủ lĩnh giàu có, những người có uy tín trong cộng đồng. Họ có thể vừa là thủ lĩnh quân sự vừa là thủ lĩnh luyện kim”.
PGS-TS Trịnh Sinh đánh giá, bên cạnh chức năng chính là âm nhạc, biểu tượng quyền uy, đến giai đoạn đầu Công nguyên, một số trống mà Cổ Loa là ví dụ đã mang thêm chức năng phụ là đồ đựng, mặc dù là đồ đựng quý giá. Thực tế, trống đồng ngay thời điểm trước Công nguyên đã mang nhiều chức năng khác ban đầu như tài liệu khảo cổ học cho thấy: đựng ốc tiền (mộ Thạch Trại Sơn, Vân Nam), làm áo quan (mộ Tây Lâm, Quảng Tây), cưa ra làm án ba chân...
Cũng theo ông Sinh, mặc dù niên đại chôn trống Cổ Loa muộn, ít ra sau khi nhà Hán xâm lược nước ta, nhưng đồ đồng chôn theo tuyệt đại đa số là đồ đồng Đông Sơn. “Điều đó chứng tỏ sức sống Đông Sơn ở thời điểm này vẫn còn mãnh liệt. Người Việt cổ không bị nhà Hán đồng hóa nhanh như nhiều người tưởng”, ông Sinh phân tích.
Trinh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét