Bản Cu Vai giữa ngát xanh. Ảnh. Từ Thức
Với Cu Vai, đó là ấn tượng về một vùng đất đẹp như mơ trong sự nguyên sơ, bình dị của cảnh vật và sự hồn hậu, mộc mạc của con người.
Yên Bái có thiên nhiên tươi đẹp, những dãy núi hùng vĩ trập trùng, những dải ruộng bậc thang đẹp như tranh. Càng đi về phía núi cao của Yên Bái, du khách càng gom nhặt được nhiều trải nghiệm thú vị.
Bản Cu Vai, một bản sâu của người H’Mông, nằm trên đỉnh núi cao, thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái, cách trung tâm xã khoảng 20km đường đồi núi.
Đường đến Cu Vai khá hiểm trở với những đoạn đường mòn nhỏ gồ ghề, sỏi đá to, nằm ngổn ngang, kèm những con dốc uốn lượn liên tục theo sườn núi.
Xe máy là phương tiện hiện đại duy nhất vào được sâu trong bản. Chúng tôi đi qua những đoạn cua đầy thử thách, rồi khó khăn khi vượt suối. Con suối trơ đá cuội nằm ngang đường vào bản, sau những cơn mưa đầu mùa, nước chảy khá xiết.
Sau chặng đường đầy gian nan, phần thưởng thích đáng là mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản Cu Vai, thấp thoáng những con đường mòn màu đỏ nâu ngoằn ngoèo lưng chừng các sườn đồi, các thửa ruộng bậc thang xếp tầng lớp, con suối chảy dọc theo bản vẽ một màu trắng cho bức tranh thủy mặc.
Bản Cu Vai nho nhỏ, nằm yên bình giữa màu xanh ngát. Tất cả thu vào tầm mắt là khung cảnh đẹp tuyệt, tựa chốn thiên đường.
Cu Vai thiếu điện, thiếu wifi, thiếu sóng điện thoại. Cu Vai tựa một thế giới đầy bí ẩn tách biệt với thế giới bên ngoài theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bản làng quanh năm mây phủ, núi rừng ôm che và cuộc sống sinh hoạt, văn hóa của bà con cũng tách biệt. Bà con H’Mông ở đây còn giữ nguyên nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, chưa bị lai hóa với thế giới hiện đại.
Bà con ở Cu Vai hồn hậu, thân thiện. Họ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về tổ tiên, về vùng đất yêu dấu của họ bằng giọng nói lai lái chưa được rõ tiếng phổ thông. Nhiều người say mê hỏi han, nói chuyện, chúng tôi phải nhờ bác Trưởng bản phiên dịch.
Trên bản, số người nói được tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng câu chuyện cứ kéo dài tới tận nửa đêm bên bếp lửa hồng.
Bản Cu Vai còn khá xa lạ đối với du khách nhưng những người theo "chủ nghĩa xê dịch", yêu sự yên bình của thiên nhiên và thích khám phá đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc sẽ vô cùng yêu mến mảnh đất này, sẽ say mê với cảnh sắc và con người nơi đây.
Nhật ký giữa rừng Yên Bái
Khi cơn nắng hè dưới Hà Nội bắt đầu gay gắt, chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến xuyên rừng núi Yên Bái. Xuất phát từ Hà Nội, trải qua quãng đường 240km, cả nhóm đặt chân tới trung tâm thị trấn của huyện Trạm Tấu.
Ngày một
Nằm cách thị trấn khoảng 5km, bản Tà Xùa hiện lên với cảnh sắc còn nguyên vẻ hoang sơ của núi rừng. Bản nằm ngay dưới chân núi Tà Xùa hùng vỹ với sự ngụ cư của đồng bào Mông.
Người Mông ở bản Tà Xùa chủ yếu sống bằng việc canh tác trên các thửa ruộng bậc thang và nuôi thêm con trâu, con bò. Nhưng mấy năm nay do lượng du khách đến đây để tham quan và leo núi đông nên người Mông có thêm nghề phụ để làm.
Giàng A Chua - một porter 22 tuổi ở đây cho chúng tôi biết “Bản có khoảng gần 30 chàng trai người Mông từ 18-35 tuổi hiện đang làm nghề porter (PV - khuân vác hàng hóa, hành lý) và kiêm dẫn đường cho khách”.
Chúng tôi tập kết đồ đạc ở nhà Giàng A Chua và thuê thêm một porter nữa với giá thuê trọn hành trình là 2,4 triệu/2 người/3 ngày 2 đêm.
Chúng tôi đi qua những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa non xanh ngắt. Bản làng dần dần lùi lại phía sau để giờ đây chỉ còn lại núi rừng hoang vu với tiếng nước suối róc rách và lá rừng vi vu gió thổi.
Sau hơn 4 tiếng leo bộ mệt nhoài, mọi người đến được mỏm đá nhỏ rất đặc biệt mang tên “Mỏm Rùa” ở độ cao hơn 2.100m so với mực nước biển. Khung cảnh mở ra trước mắt mọi người là một không gian bao la với nắng vàng rực rỡ và những áng mây trôi bồng bềnh trên khắp dải núi. Không thể cưỡng lại cảm giác được tự sướng một lần bên mỏm đá nhô ra khỏi quả núi y như hình con rùa.
Nghỉ ngơi, ăn trưa và chụp ảnh xong xuôi mọi người lại cùng nhau tiến lên phía trước. Đoàn người lặng lẽ men theo chân 2 chàng porter để lên từng độ cao mới. Những bóng cây cổ thụ nơi rừng già Trạm Tấu xuất hiện ngày một nhiều.
Khi chiều tà dần ngả bóng xuống bên kia đỉnh núi, chúng tôi tới được khu lán dừng chân thứ nhất. Đây là khu lán nhỏ làm bằng gỗ do người bản địa dựng lên thời gian qua để tránh mưa, tránh gió lúc qua đêm.
Tìm được chỗ trú chân, tôi và 2 chàng trai khác còn sức quyết định theo porter đi lấy nước nấu ăn. Điểm nước khá xa lán, đường đi lại khó khăn nhưng cũng rất thú vị. Chúng tôi tới một khu suối trong vắt dưới tán rừng già. Ở đây mọi người rất thích thú được A Chua dạy cách câu cá và bắt nòng nọc rừng bằng những vật dụng đơn giản.
Nòng nọc ở đây chính là còn ếch rừng nhỏ, bơi ở những chỗ có nguồn nước, đầu to khá giống cá trê. Kiếm được vài con nòng nọc và hái được mớ rau rừng về nấu canh và thưởng thức quả rất thú vị cho một chuyến đi. Lúc chập tối chúng tôi lại thử đi soi ếch, nếu may mắn kiếm được chú ếch rừng về làm món thì tuyệt diệu.
Buổi tối đầu tiên ngủ trong rừng ở độ cao khoảng 2.400m so với mực nước biển, cảm giác trong mỗi người thật đặc biệt. Mọi người đốt lửa để ngồi gần bên nhau tâm sự. Tối hôm đó, chúng tôi đã tình cờ quen một nhóm leo núi khác. Đêm xuống trời đổ mưa kèm với gió rừng khiến nhiệt độ xuống thấp. Mọi người lục sục lấy áo ấm và sử dụng đến những chiếc chăn mỏng. Mùa hè giữa rừng lại lành lạnh thú vị đến như vậy!
Ngày hai
Đêm qua cơn mưa rừng khiến cả nhóm đều sợ cung đường hôm nay sẽ càng trơn trượt vất vả. Nhưng khi bình minh lên mọi âu lo đã tan biến. Nơi đây đất trời như đang xích lại gần nhau với biển mây bồng bềnh ôm ấp các mỏm núi. Khu vực được mệnh danh là “Sống Lưng Khủng Long” hiện ra trước mắt mỗi người.
Vượt qua những vách đá, chúng tôi đặt chân tới “Sống Lưng Khủng Long”. Đi trên đỉnh của “Sống Lưng Khủng Long” là một cảm giác đặc biệt hỗn độn: Vừa sợ hãi, vừa thích thú. Nơi đây không dành cho người yếu tim hoặc kẻ sợ độ cao. Sống lưng dựng đứng với hai bên vực sâu thăm thẳm là một thử thách cả về mặt sức khỏe lẫn tâm lý cho cả nhóm và người lần đầu leo núi Tà Xùa.
Càng hấp dẫn và gay cấn hơn cho chuyến leo núi khi mọi người vô tình bắt gặp màn sương núi giăng xuống. Chỗ xa xa đang nắng chói chang, nhưng ở xung quanh đoàn người là sương mù mờ nhân ảnh. Đi trong sương mù trên “Sống Lưng Khủng Long” cũng khiến chúng tôi có được cảm giác mới lần đầu biết đến trong đời.
Nghỉ trưa một lúc ở lán thứ hai, cả nhóm lại hào hứng đi tiếp. Mọi người dần dần lạc vào một khu rừng thâm u với những tán cây cổ thụ san sát. Đặc biệt nhiều gốc cây, thân cây gỗ đã bị rêu phong hóa với dáng vẻ hiện ra vô cùng lạ mắt, ấn tượng.
Ở độ cao 2.700-2.800m, khu này được người địa phương gọi là “Rừng Rêu”. Quả thật là vậy! những mảng rêu bám vào các thân cây từ ngàn đời nay khiến cho khu rừng như một ma trận kỳ quái.
Băng qua “Rừng Rêu”, chúng tôi tìm đến được đỉnh cao nhất núi Tà Xùa (đỉnh 3). Trước đây, điểm này từng có chóp inox ghi thông số 2.865m (cao thứ 10 trong các đỉnh núi ở Việt Nam). Nhưng sau khi nó trượt khỏi top 10, xuống thứ 14 thì người ta bỏ đi chóp inox. Hiện nay ở đây có một lá cờ đỏ sao vàng cắm trên ngọn cây và tấm biển gỗ nhỏ ghi 2.865m.
Mọi người lang thang, ngắm nghía rồi rục rịch quay lại lán thứ hai trước khi trời tối. Hôm ấy chúng tôi gặp lại một nhóm leo núi với mấy porter ở bản Tà Xùa đã quen biết. Thế là mọi người lại cùng nhau nhóm lửa nấu cơm và thưởng thức các món ăn dân dã giữa núi rừng.
Ngày ba
Ngày thứ ba chúng tôi đi từ sáng sớm, ít dừng lại và cảm giác đỡ mệt hơn. Chính vì thế, chỉ đến 15h, mọi người đã hạ độ cao an toàn từ 2.600m xuống 1.000m về bản Tà Xùa. Mấy đứa nghỉ ngơi, tắm rửa, thay đồ rục rịch rồi về Hà Nội.
Chỉ dẫn
Để chuyến leo núi an toàn
- Phải đi theo đoàn, tổ chức và có porter chuyên nghiệp dẫn đường, khuân vác hành lý.
- Với chuyến leo núi 3 ngày 2 đêm, mỗi người cần mang theo 3-4 lít nước khoáng.
- Dụng cụ cá nhân: Đèn pin, bật lửa, sạc dự phòng, giày leo núi có độ bám tốt, mũ che nắng, áo mưa, thuốc chống vắt, thuốc và đồ sơ cứu, lều và túi ngủ...
- Mang theo kẹo chocolate, C sủi, nước tăng lực để phục hồi sức khỏe.
- Mang theo: Bánh gạo, mì gói, xúc xích để ăn nhẹ.
- Gạo, thịt nướng, gà mua ở bản Tà Xùa nhờ porter chế biến sẵn rồi mang theo.
- Thời điểm leo núi đẹp nhất:
+ Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 dương lịch: Đây là lúc hoa đỗ quyên nở rộ.
+ Từ tháng 12 đến đầu tháng 1 dương lịch năm sau: Đây là thời điểm rừng phong Trạm Tấu ngả vàng đỏ đẹp mắt.
VĂN HẢI - NGUYỄN DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét