Quán tự làm bún mỗi khi có khách yêu cầu món ăn. Trước hết, đầu bếp sẽ cho bột gạo đã nhào sẵn vào chiếc máy làm bún. Bún làm ra đến đâu thì được trụng vào nồi nước sôi đến đó. Nhiều khách ví công đoạn này như một liveshow. Video: Di Vỹ.
Quán bún quậy nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 đã mở được 3 năm. Tuy là đặc sản của Bình Định, bún quậy được nhiều người biết đến bởi là món không thể bỏ qua khi có dịp đến thăm đảo Phú Quốc.
Chủ quán, chị Hoàng Minh, kể lại, chị không thể quên được hương vị món ăn khi lần đầu thử nó cách đây hơn 3 năm tại Phú Quốc. "Vì muốn món ăn được nhiều người biết đến hơn, tôi đã quyết định mở quán", chị Minh nói.
Công thức nấu nướng về cơ bản được giữ theo bản gốc. Tuy vậy, chị Minh đã điều chỉnh cách nêm nếm để phù hợp với khẩu vị của đại đa số người dân ở Sài Gòn.
Chị Minh cho biết thêm, tôm và cá đều nhập tươi mỗi ngày và được người trong gia đình chế biến.
Điểm độc đáo của món ăn này là nước lèo không nêm gia vị và món ăn không kèm rau. Sau khi sắp các nguyên liệu vào tô, đầu bếp sẽ cho thêm một lượng muối ớt vừa đủ rồi chan nước lèo (nước sôi) vào. Tô bún bao gồm chả tôm, chả cá (có thể là chả cá trích) dát mỏng, thêm hành ngò xắt nhỏ và hạt tiêu.
Chả tôm hay cá được đánh mịn, sau khi chín có phần hơi dai, nêm nếm hơi mặn.
Bún được làm tại chỗ nên khi ăn, bạn sẽ có cảm giác món ăn ngon hơn. Sợi bún nhỏ, trắng trong, mềm và mịn.
Tên gọi "bún quậy" bắt nguồn từ việc khách phải tự quậy (quấy) chén nước chấm theo khẩu vị cá nhân. Các nguyên liệu được đặt sẵn bao gồm: muối ớt, đường, hạt nêm, ớt, tắc (quất).
Quán mở cửa theo 2 khung giờ: 11h-14h và 16h-21h. Quán có bãi đỗ xe cho khách bên trong sân nhà. Do nằm sâu trong hẻm nên bạn sẽ khó tìm thấy địa chỉ. Ngoài đường Lê Văn Sỹ, bạn có thể chọn ngõ trên đường Hoàng Sa cũng có thể dẫn đến quán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét