Nằm ở phía Đông Nam huyện Núi Thành (Quảng Nam), trong những năm gần đây đảo Tam Hải trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái được nhiều người yêu thích. Biển xanh, cát trắng với rặng dừa dài miên man, tất cả còn gần như hoang sơ khiến Tam Hải trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng.
Khi đến với Tam Hải, du khách có thể khám phá nhiều điểm du lịch độc đáo. Một trong số đó chính là thắng cảnh Bàn Than – một trong những bãi đá được đánh giá là ngoạn mục nhất khu vực duyên hải miền Trung. Dưới tác động của nắng, gió và sóng biển, bãi đá Bàn Than có chiều dài khoảng 1km với muôn hình vạn trạng các hình thù của đá. Với độ cao hơn 40m, mỏm Bàn Than dựa vào vách núi tạo ra một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Loại đá ở đây không phải là đá núi lửa mà theo các nhà khoa học đây là đá gốc có niên đại đến 400 triệu năm.
Từ Bàn Than nhìn ra khơi, đó chính là những đảo nhỏ mang tên đảo Hòn Mang, Hòn Dứa. Nơi đây có những bãi cát mịn và giữ được gần như vẻ đẹp hoang sơ của nó. Cũng tại đây, du khách có thể quan sát các rặng san hô tuyệt đẹp. Ngoài ghềnh Bàn Than, Cửa Lỡ cũng là một địa điểm du lịch ấn tượng khi đến với Tam Hải. Đây là di tích còn sót lại sau những cuộc tập chiến của vua Hồng Đức.
Ngày nay, du khách thường có hai con đường chính để di chuyển đến Tam Hải. Một là đi thuyền máy từ xã Tam Tiến hoặc là qua phà ở cửa sông Kỳ Hà. Trên đảo, có khá nhiều dịch vụ homestay phục vụ du khách.
Tại đảo, có 2 cái giếng kỳ lạ ở bãi Bấc và bãi Nồm. Chiếu theo sử cũ, giếng cổ này khoảng 600 năm tuổi, nước trong veo và nước thanh ngọt tới lạ kỳ. Giếng có độ sâu khoảng 10m, rộng 2m, hai bên thành giếng được ốp bằng đá ong, tỉa vuông vức. Đặc biệt, dù hút bớt nước đi chăng nữa thì lượng nước trong giếng cũng có khả năng “hồi” lại mực nước như cũ. Theo các cụ cao niên, sở dĩ như vậy vì giếng có mạch nước ngầm chảy từ núi Bàn Than, chảy qua từng tầng hầm đất đá cung cấp nước quanh năm. Thế nên, dù những năm hạn hán lớn, nước ở giếng chỉ chảy ra chậm hơn chứ chưa bao giờ khô cạn nước.
Tại xã đảo Tam Hải có một nghĩa trang ở thôn Thuận An không dành cho người, mà là dành cho cá voi với hơn 500 mộ. Đó là những con cá voi chết dạt vào bờ biển được người dân xã đảo Tam Hải lập mộ thờ hàng trăm năm. Theo tập tục ở đây, ai thấy cá ông dạt vào đầu tiên sẽ trở thành “trưởng nam” đứng ra lo hậu sự, chít khăn, thậm chí kiêng cữ một số điều như thờ cha mẹ. Đối với người dân ở đây, “thấy ông vào làng như vàng vào tủ”, đó là dấu hiệu may mắn hứa hẹn mang đến điềm lành cho dân làng.
Và có lẽ ấn tượng nhất khi đến với Tam Hải là sự bình yên của hòn đảo này. Ở đây, hầu như các tệ nạn xã hội không có, người dân sống chan hòa và hiếu khách. Sáng sáng, du khách có thể theo thuyền của ngư dân ra biển đánh bắt cá, tận hưởng sự yên bình của nắng gió và sự bao la bất tận của biển xanh. Trưa vào bờ, nướng hải sản và cùng uống ly nước dừa xiêm không đâu ngọt bằng.
Tới Tam Hải, du khách đừng quên thưởng thức những món ngon nơi đây. Cũng như nhiều đảo khác ở nước ta, đặc sản nổi tiếng nhất của Tam Hải chính là hải sản. Đừng ngạc nhiên, nếu bạn khi dạo trên các bờ biển gặp các đoàn tàu đánh cá trở về sau ngày làm việc, những chú cá to hàng mấy chục cân nhưng có mức giá khá hợp lý. Mua một ít rồi tạt vào nhà một người dân bất kỳ, bạn sẽ được thưởng thức những món tươi ngon của biển. Du khách cũng đừng quên nhum biển với nhiều món ngon như cháo nhum, chả nhum, nhum chưng trứng… nhé! Đây là một trong những thực phẩm biển rất được ưa chuộng, được ví von như “thần dược tiến vua”.
Tại đây, muốn mua về làm quà, bạn đừng quên món mắm nhum. Theo sự chia sẻ của người dân địa phương, muốn làm mắm nhum ngon phải lựa những con nhum to, béo được lọc lấy thịt, rắc một chút muối hạt lên trên, đựng trong một chiếc chum sành đậy chặt, đem vùi trong gio bếp hoặc để ngoài nắng ráo từ 10 tới 15 ngày sẽ được thành phẩm. Thông thường, mắm nhum được người dân địa phương sản xuất chỉ đủ dùng trong gia đình, vậy nên nếu muốn mua làm quà bạn nên đặt trước.
Anh Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét