Không biết tự bao giờ, loài sò lạ nhìn giống con chang chang ấy được người dân quê tôi gọi là “cánh buồm”. Mưa về, “cánh buồm” nhiều vô số, bọn trẻ chúng tôi hẹn nhau lội xuống sông bắt loại nhuyễn thể này về cho mẹ chế biến thành nhiều món ăn ngon.
“Cánh buồm” dù dân dã nhưng thịt ngọt lành
Thoạt nghe, không nhiều người biết tên gọi “cánh buồm” của loại sò này. Mới nhìn, cứ ngỡ đó là con chang chang nhưng khi nhìn kỹ trên thân của nó có một yếm giương cao lên giống như cột buồm. Người miền Tây có thói quen dựa vào đặc điểm mà gọi tên sự vật, thành thử loại sò ấy được mặc định gọi là “cánh buồm”. Loại sò này có tập quán sống ở những dòng sông lớn, nước sâu, vào mùa mưa “cánh buồm” vào mé sông. Đó cũng là lúc bọn “con nít” chúng tôi trổ tài đánh bắt.
“Cánh buồm” là tên gọi dân gian chỉ một loại sò
Thường vào lúc hừng đông nước sát, dân quê tôi hẹn hò nhau dùng vợt để “thu hoạch” loại sò này. Tôi thì chuẩn bị sẵn cho mình cái rổ để cào, cái thau để đựng khi bắt được “cánh buồm”. Vào mùa, loại sò có cái tên lạ này nhiều vô số, người nào giỏi thì cào được cả xuồng, bọn trẻ như chúng tôi cũng kiếm được cả thau về cho mẹ làm các món ăn.
Nấu đến khi nào “cánh buồm” mở miệng là chín
Do đặc điểm sống vùi mình trong đất nên “cánh buồm” dính rất nhiều đất cát. Trước khi chế biến, cần ngâm trong thau nước vài giờ rồi mới chế biến thành món ăn. Đối với loại sò này, nhanh nhất là mang đi nướng hoặc luộc sả. Món ăn này thú vị trong những ngày mưa, sau khi bắt “cánh buồm” lên người còn lạnh, dân quê ngồi quây quần bên nhau nhấm nháp ly rượu đế rồi thưởng thức “thành quả” bắt được cho ấm lòng. Mẹ tôi dùng loại sò này để xào với giá đỗ hay các loại rau vườn trong những bữa cơm nghèo khó của chúng tôi.
Thêm bát canh “cánh buồm” để bữa ăn thêm phong phú
Cũng giống như chang chang, thịt “cánh buồm” ngọt lành mang đậm chất sông ngòi kênh rạch quê hương nên ăn vào thì “ghiền” lắm. Đã qua bao nhiêu năm, tôi vẫn nhớ những buổi sáng tinh mơ cùng chúng bạn lội trước con sông quê trước nhà để bắt “cánh buồm”. Nhớ lắm cái vị ngon ngọt của loại sò này khi được mẹ tôi chế biến. Đặc biệt, nước “cánh buồm” rất ngọt, thêm ít loại rau vườn sẽ có nồi canh tập tàng mát dịu rất dễ đưa cơm. Thịt “cánh buồm” vừa ngọt vừa giàu dinh dưỡng, ai ai cũng có thể dùng và đều chung một lời nhận xét là rất ngon và vô cùng hấp dẫn.
“Cánh buồm” thường xuất hiện vào mùa mưa
Có những buổi sáng vì “say mồi”, cùng chúng bạn bắt “cánh buồm” đến khi nước lớn hơn nửa sông, tôi bị cảm lạnh. Thế là sau cái nồi xông hơi “thần thánh” của mẹ, tôi được mẹ “trị bệnh” bằng bát canh “cánh buồm”, húp xoàn xoạt cho mồ hôi ra ướt áo, chứng cảm lạnh cũng tan biến tự lúc nào. Do giá trị kinh tế thấp, thân phận “cánh buồm” thuộc dạng bọt bèo bởi một phần nó không được nhiều người dùng biết đến. Đối với những người đã từng có tuổi thơ ở vùng sông nước, chắc chắn sẽ nhớ mãi mùi vị ngọt lành của con “cánh buồm” quê dung dị.
Giống với các loại sò tự nhiên, “cánh buồm” vào mùa tầm nửa tháng rồi vơi dần do dân quê đánh bắt. Thông thường, dân quê chỉ bắt về để cải thiện hoặc làm phong phú bữa ăn bởi khi mang ra chợ người ta ít khi ngó ngàng đến loại sò này. Do sống ở đáy sông nên “cánh buồm” không ngại dơ bẩn hay nguồn nước có nhiều hóa chất. Những ngày này, dân quê tôi cũng tất bật đánh bắt “cánh buồm” để đổi vị trong những bữa ăn. Và cứ mùa mưa đến, tôi lại nhớ những ngày “cánh buồm” giương to đón đợi bọn trẻ chúng tôi bắt về cho mẹ làm món.
Hoàng Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét