Kiến trúc cổ
Cù lao Giêng nằm giữa sông Tiền (Chợ Mới, An Giang) từ lâu được biết đến là “cù lao xanh”, một vùng đất đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của vùng sông nước Nam bộ. Ðiểm nhấn của Cù lao Giêng là quần thể kiến trúc trên trăm năm tuổi, gồm nhà thờ Cù Lao Giêng, Thánh đường Phan-xi-co và Chúa Quan Phòng.
Nhà thờ Cù Lao Giêng có tuổi thọ trên 140 năm (năm 1875), thánh đường đầu tiên xứ Nam Kỳ, trước nhà thờ Ðức Bà ở TPHCM. Nhà thờ có diện tích 7ha, được thiết kế theo mô típ Romane, phần lớn vật liệu được đem từ nước Pháp qua. Ngôi thánh đường với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược, tạo thành một kiến trúc bề thế. Ðiểm nhấn chính là thánh đường uy nghi, dài 55m, rộng 18 m, tòa tháp cao trên 30m, không gian bên trong đối xứng, hài hòa… tạo thành khối kiến trúc hoành tráng, tôn nghiêm.
Cách nhà thờ Cù Lao Giêng chưa đầy 300m là Tu viện Phan-xi-co, xây dựng năm 1872 là nơi đào tạo giám mục trước đây. Tu viện có vòm mái nhọn, cột và cuộn bay chịu lực, các cửa lớn có diện tích bằng nhau, cửa sổ lớn có thể mở được, tạo nét thanh thoát và không gian ngập tràn ánh sáng cho nhà thờ.
Bên trong tu viện có tượng chúa Phan-xi-co, bàn thờ lễ, dãy bàn ghế cho tín đồ hành lễ có sức chứa khoảng 300 người. Phía sau nhà thờ là khu nhà tĩnh tâm, được xây tách biệt dành cho mọi người không phân biệt tôn giáo đến ở để tìm sự thanh thản, yên tĩnh, tận hưởng không khí trong lành.
Cạnh tu viện Phan-xi-co là tu viện Chúa Quan Phòng xây dựng năm 1872 để đào tạo nữ tu và nuôi dưỡng trẻ em. Chị Nguyễn Thị Thanh Ngân, nhân viên Tổ quản lý du lịch 3 xã Cù Lao Giêng cho biết, cả 3 hợp thành quần thể kiến trúc cổ thiên chúa giáo “có một không hai” ở vùng Tây Nam bộ. “Ðó cũng là nét đặc trưng để thu hút khách du lịch của Cù Lao Giêng”, chị Ngân nói. Năm 2017 số lượng khách nội địa đến tham quan là trên 52.000 lượt, còn khách quốc tế đến du lịch Cù lao Giêng là 1.769 khách, tăng gần gấp đôi so 2016, chủ yếu đến từ Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Canada, New Zealand… Theo lời chị Ngân, để thu hút thêm khách du lịch, địa phương đã tập huấn cho gần 200 hộ nhà vườn về kiến thức và kỹ năng công tác du lịch để đa dạng các loại hình phục vụ du khách đến Cù lao Giêng.
Làng nghề truyền thống
Rời Cù lao Giêng đi ngược về hướng thượng nguồn khoảng vài chục cây số là đến làng nghề nắn lò đất nổi tiếng gần trăm năm tuổi ở Cù lao Phú Tân (An Giang) nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.
Bí thư xã Ðoàn Phú Thọ Lê Kim Sơn giới thiệu, đến Cù lao Phú Tân hỏi xóm lò người dân biết ngay bởi không chỉ nổi tiếng xứ cù lao này mà cả tỉnh và nhiều nơi khác trong vùng đều biết đến.
Nghề làm lò đất ở xứ cù lao hình thành cả trăm năm nay. Tại cơ sở của bà Trần Thị Cúc có vài ba người đang cặm cụi bên trong. Vợ chồng bà đang loay hoay người nắn đất, người mang lò ra sân phơi. Bà Cúc kể, cơ sở này do ông nội bà xây dựng cách đây mấy chục năm, ông là một trong những người đầu tiên gầy dựng phong trào lò đất ở xứ cù lao này. Thời điểm hưng thịnh nhất là từ năm 1990 - 2000 cơ sở sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho khách hàng. Trung bình mỗi tháng gia đình ông làm ra hàng nghìn cái lò, làm cả ngày đêm. “Mỗi ghe đất mua vài chục ngàn, làm xong thành phẩm bán ra lời gấp 2 - 3 lần thấy ham nên mới bám nghề, thậm chí, nhiều hôm tôi mê làm quên ăn cơm luôn”, bà Cúc chia sẻ.
Tuy nhiên khoảng dăm năm nay do người dân chuyển sang sang sử dụng bếp gas nên bếp lò giảm sút đáng kể. Nhiều gia đình bỏ nghề hoặc cố gượng duy trì để giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại.
Cạnh nhà bà Cúc, bà Nguyễn Thị Quý cũng loay hoay nắn lò đất. Bà Cúc cho biết, giờ đầu ra không nhiều, trong khi chi phí sản xuất tăng gấp đôi so với trước. “Nghề này như đứa con tinh thần, ăn sâu vào máu, giờ bỏ đi thì tiếc quá, có lỗi với ông bà nên cực mấy đi nữa vẫn bám”, bà Quý nói. Nhớ ngày đầu khởi nghiệp, bà kể, cha bà phải chở từng xuồng đất đem về làm lò rất gian khổ. Lúc đó chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm chưa được đẹp, dần dần học hỏi đến độ tinh xảo rồi sau đó truyền lại cho con cháu.
Bà Nguyễn Thị Ơi năm nay 73 tuổi là một trong những người thợ kỳ cựu ở xứ cù lao này. Do sức khỏe yếu nên bà nghỉ 8 năm nay để lại cho con cháu làm. Bà cho biết, làm nghề từ năm 15 tuổi, từ thời bà ngoại truyền lại rồi bà truyền cho con, cháu. Vì thế, từ đời này nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. “Muốn hoàn thành một tác phẩm đòi hỏi người thợ có kinh nghiệm và đôi tay khéo léo”, bà Ơi chia sẻ.
Năm 2017 số lượng khách nội địa đến tham quan là trên 52.000 lượt, còn khách quốc tế đến du lịch Cù lao Giêng là 1.769 khách, tăng gần gấp đôi so 2016, chủ yếu đến từ Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Canada, New Zealand…