Quế Trà My có lịch sử hàng nghìn năm có chứng nhận địa lý với logo riêng khẳng định sản phẩm có chất lượng và uy tín.
Giữa thế kỷ 17, có một loại quế là được vua nước Nam đem tặng vua Xiêm. Vua Xiêm ưng bụng mới gọi là Cao sơn ngọc quế.
Một truyền thuyết khác kể lại, nàng Huyền Trân lúc trở thành hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari đã thường xuyên mắc bệnh phong thấp, vua Chiêm là Chế Mân vốn rất yêu vợ nên sai quan hầu lên tận rừng Quảng Nam tìm cho được gỗ quế làm guốc cho nàng, từ đó bệnh dần dần dứt hẳn.
Thời nhà Nguyễn, loại quế này hàng năm đều là sản vật tiến vua. Hình ảnh cây quế đã được vua Minh Mạng cho khắc trên Nghị Đỉnh trong bộ Cửu Đỉnh ở Cung đình Huế.
Loại cao sơn ngọc quế ấy chính là quế Trà My. Đến Nóc Ní, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, ngày nay vẫn còn một cây quế lâu đời có tuổi thọ trên 160 năm. Gốc cây to, 2 người đàn ông dang tay mới ôm hết.
Cây Cao Sơn Ngọc Quế trên cửu đỉnh tại Cung đình Huế. Ảnh: Redsvn
|
Vùng quế Trà My tập trung nhiều tại Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam. Quế phân bố ở địa hình cao từ 300-800m, tới nhiều vùng núi cao trên 1.700m. Nơi đây, đèo Hải Vân đã chắn hết gió lạnh tràn xuống từ phía Bắc giúp cây quế sinh trưởng thuận lợi.
Người dân tộc Xơ Đăng ở Nam Trà My đến nay vẫn còn giữ một tục lệ quý gắn với cây quế. Đó là khi con cái đi lấy chồng, lấy vợ, nếu người Kinh để bạc để vàng, thì người dân nơi đây hồi môn cho con vườn quế. Vườn ấy thường được trồng từ khi đứa trẻ còn nhỏ, nhanh nhất 15 năm quế cho thu, đứa trẻ trưởng thành cũng chính là lúc thu hoạch, bán quế lấy tiền. Với người Xơ Đăng, Ca Dong, Mơ Nông… ở Trà My, cây quế ấy là bạc, vàng. Nhờ đó mà giống quế gốc Trà My còn được giữ đến hôm nay.
Qua bao thăng trầm, nhiều hộ dân vẫn không phá bỏ vườn quế. Ông Nguyễn Ngọc Anh, người nhiều đời trồng quế ở xã Trà Don (huyện Nam Trà My) kể lại, thời ông còn trẻ, mỗi cây quế có khi đáng giá một cây vàng nên quý lắm.
Cây quế trên trăm tuổi tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Ảnh: Bizmedia
|
Quế Trà My có tên khoa học là Cinnamomum cassia, đứng đầu 4 loại quế Đông Dương với hàm lượng Aldehyt Cinamic 95% trong tinh quế. Quế khác với quế Thanh Hóa hay Quế Quảng Ngãi nhờ hình dáng lá, thân cây không thẳng, nhiều mấu mắt, vỏ xù xì, vị cay nồng đượm.
Vỏ quế màu đậm hơn, dày hơn, chứa nhiều tinh dầu. Theo điều tra nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, hàm lượng tinh dầu của quế Trà My từ 8,93 - 10,91%, cao hơn hẳn các vùng trồng khác.
Hàng năm, tháng 3, tháng 4 Dương lịch (vụ quế xuân) và cuối tháng 7, đầu tháng 8 (quế thu) là thời điểm bóc vỏ quế. Dụng cụ tách vỏ quế cũng đặc biệt, cứng, sắc mà không quá bén. Ông Ngọc Anh có hẳn một bộ dụng cụ tách vỏ bằng sừng trâu.
Ông kể, từ tháng 12, người dân đã bắt đầu khoanh gốc những cây quế chuẩn bị thu. Mục đích khoanh vỏ là giảm lượng nước vận chuyển từ rễ cây lên, giúp lượng tinh dầu trong vỏ cao hơn. Sau khi thu hoạch, vỏ quế được phơi khô, úp xuống đất để tránh nắng gắt, bảo vệ tinh dầu.
Vỏ quế phơi khô để nhiều năm không mốc, 2,5 kg vỏ tươi thu được một kg khô, bán cho các doanh nghiệp chế biến tinh dầu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm và sản phẩm y học từ quế.
Cây quế đã gắn bó nhiều đời với đồng bào các dân tộc tại Quảng Nam. Ảnh: Bizmedia
|
Suốt thời gian dài, giá quế bấp bênh, cây quế bị lai tạp, du nhập giống quế mới khiến nhiều vùng quế gốc bị chặt hạ. Người trồng tự ý nhân giống trên các triền đồi núi địa hình phức tạp, thu hoạch, vận chuyển gặp khó khăn, cây càng mất giá.
Để tìm lại chỗ đứng cho cây quế, khẳng định thương hiệu, huyện Nam Trà My đã phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam”, thực hiện theo chương trình 68 của Bộ Khoa học & Công nghệ do Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Nam chủ trì. Thực hiện dự án này, huyện đã khảo sát, quy hoạch lại các vùng quế gốc, hỗ trợ giống và động viên bà con trồng.
Kết thúc dự án, tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00029 cho sản phẩm quế Trà My của tỉnh Quảng Nam. Chứng nhận góp phần giúp khách hàng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ, đặc tính, giá trị sản phẩm.
Tháng 11 năm 2015, sản phẩm vỏ quế đã được trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Trà My với logo riêng, khẳng định sản phẩm chất lượng và uy tín, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, giá quế nâng lên, thu nhập nguời trồng tăng, xã trọng điểm vùng quế là Trà Vân, Trà Don giảm mỗi năm 4% - 5% số hộ nghèo.
Năm 2017, tổng diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 4.560ha, trong đó diện tích quế Trà My là 3.760ha. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng cây quế Trà My đạt 7.777ha, trong đó trồng mới 4.017 ha.
Hương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét