Những cửa lùa, song sắt, khung cửa hình vòm, bộ trà cáu bẩn, tấm hình trắng đen phóng to treo tường như nói lên lịch sử con hẻm đã ngót nghét trăm năm
Hồi nhỏ, sống ở miền Bắc, bà nội tôi luôn thủ sẵn trong người chai dầu nhãn hiệu "Vạn ứng Nhị thiên dầu" bao gói thô sơ, bất kể cảm sốt, nóng lạnh, ho, đau bụng, tiêu chảy, say xe, say nắng, "tứ thời cảm mạo" đều mang ra xoa, coi như "trị bá bệnh". Chai dầu nhỏ đi vào ký ức thời thơ ấu của tôi.
Toát lên nét cổ kính
Hẻm ở Chợ Lớn bây giờ đều mang quy cách chung là đánh số theo mặt tiền đường phố nhưng người Chợ Lớn chỉ nhớ tên hẻm mình ở, có khi chẳng rõ là nhà số mấy. Chẳng hạn, Hào Sỹ Phường mang số 206 đường Trần Hưng Đạo B, cổng chào do Chú Hỏa đề tự đã biến mất từ khi nào không hay, thay bằng chằng chịt biển quảng cáo.
Bảng hiệu những hẻm khác cũng đều được thay bằng chỉ dẫn các khu dân cư, khu phố văn hóa... Nơi còn giữ được bảng tên ban đầu e chỉ còn 2 hẻm Tô Châu và Thái Hồ.
Cầu Nhị Thiên Đường được xem là làm bằng xi-măng cốt thép đầu tiên ở Đông Dương
Từ trung tâm TP theo đường Trần Hưng Đạo B về Chợ Lớn, đến giao lộ với đường Nguyễn Văn Đừng có 2 hẻm gần nhau là Tô Châu (số 37) và Thái Hồ (số 55; đều thuộc phường 6, quận 5), là 2 hẻm Chợ Lớn xưa được lưu lại hoàn chỉnh nhất.
Lối vào 2 hẻm này đều có chữ "Thái Hô Hạng" và "Tô Châu Lý" đúc bằng xi-măng, toát lên những nét cổ kính đã rêu phong theo dòng chảy thời gian. Ngoài cổng 2 hẻm vẫn là "lầu không đáy" (tầng trệt và hồi lang là lối đi công cộng). Những cửa lùa, song sắt, khung cửa hình vòm, bộ trà cáu bẩn, tấm hình trắng đen phóng to treo tường… như nói lên lịch sử con hẻm đã ngót nghét trăm năm.
Tương truyền, ông Tô Châu là chủ của toàn bộ nhà hẻm này. Nghe kể lại vậy chứ ở đây giờ không ai biết mặt mũi ông ra sao. Gia đình ông đã rời đi từ trước năm 1975, nghe đâu về Đài Loan, để lại cả 2 dãy phố người ta đang thuê và cả cái tên Tô Châu trên bảng hiệu đầu hẻm. Toàn bộ nhà trong hẻm đều xây theo một kiểu ống, ngang 4 m, dài 20 m, cửa sắt kéo, cửa sổ lá sách bên trong có chấn song. Đó là lý do bộ phim truyền hình "Đất khách" quay vào những năm 90 của thế kỷ trước đã chọn nơi đây làm ngoại cảnh. Đã hơn 20 năm trôi qua, tôi thấy căn nhà số 51C của bà Quan Tô Nữ được chọn làm nơi ở của Lệ Mai (Thanh Thúy đóng), từ ngoại quan đến nội thất vẫn cổ kính như xưa.
Món nợ âm ỉ
Cuộc sống tuy ổn định nhưng người cố cựu trong hẻm đôi khi nhắc nhớ một món nợ âm ỉ. Họ bảo nhau: "Ông chủ đã đi từ đời tám hoánh. Bây giờ muốn trả tiền thuê nhà cũng chẳng biết trả cho ai. Thôi thì cứ ở vậy!". Họ thầm biết ơn ông, nhắc lại như một huyền thoại ngày càng lùi xa trong ký ức.
Theo nữ nhà báo Đào Nhiên (Báo Sài Gòn Giải Phóng bản tiếng Hoa) - một người am hiểu về Chợ Lớn xưa - kể lại thì hoàn toàn khác. Hai hẻm trên gồm 99 căn hộ, thuộc quyền sở hữu của ông chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường Vi Thiếu Bá. Xưởng dầu đặt ở góc đường Đồng Khánh và Nguyễn Văn Đừng, dãy nhà từ số 31-57, bao gồm cả 2 hẻm Tô Châu và Thái Hồ, đều là tài sản của ông Vi Thiếu Bá, hình thành khu phố Xóm Dầu lẫy lừng một thời. Nhà báo này còn nhớ hồi nhỏ từng đi chơi ở "Công viên Nhị Thiên Đường" ngay sau 2 hẻm này.
Tôi tin Đào Nhiên vì câu chuyện bà kể "có mắt có mũi" hẳn hoi. Tôi cũng đã lân la tìm hiểu qua những bậc cao niên kỳ lão và sưu tầm được những tư liệu khá thú vị.
Ông Vi Kính Trang là người huyện Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ trước, hành nghề bói toán, đồng thời tinh thông nghề y. Ông sáng lập dòng thuốc "Hiệu ông Phật" có mặt tại Việt Nam vào những năm 1900, lấy vợ người Việt, sinh ra con trai là Vi Thiếu Bá. Cho nên, ông Vi Thiếu Bá là người Hoa bản địa đời thứ 2 có 50% dòng máu Việt.
Ông Bá tốt nghiệp trường kinh doanh và trường trung cấp y khoa của Pháp; thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt, Trung. Nhà thuốc được thành lập sau khi ông du học trở về Việt Nam. Ông này quan niệm "ân dĩ thực vi thiên (lời trong Đạo đức Kinh của Lão Tử), "dĩ dược vi đệ nhị thiên" (dân coi miếng ăn như trời, coi thuốc là trời thứ 2), nên đã lấy tên Nhị Thiên Đường, vẫn kế thừa nhãn ông Phật của cha.
"Nhị Thiên Đường Chế Dược Xưởng" có khoảng 350 công nhân, đặt ở khu đất số 31-57 Đồng Khánh. Do thời đó xưởng còn sản xuất bằng phương pháp bán thủ công nên mặt bằng nhầy nhụa, đó chính là nguồn gốc tên xóm Dầu của khu vực kể trên.
"Nhị Thiên Đường dược hãng" là trung tâm mua bán, đặt tại số 47 phố Quảng Đông (nay là đường Triệu Quang Phục, quận 5). Ba chữ "Nhị Thiên Đường" gắn ở tầng trên đã bị chủ sau đục nhưng nay vẫn còn dấu vết. Các sản phẩm dầu gió, cao nóng được giới quý tộc cũng như bình dân tin dùng. Việc phân phối sản phẩm được mở rộng từ Việt Nam sang các TP lớn ở Campuchia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Phi châu, Philippines và Trung Quốc... Năm 1930, hãng phát triển cơ sở sản xuất tại Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc) giống như mô hình ở Chợ Lớn. Ông Bá cũng đặt đại lý ở 76 phố Hàng Buồm - Hà Nội và số 18 Gia Hội - Huế. Các sản phẩm của hãng vào lúc thịnh hành gồm: Vạn ứng Nhị thiên dầu ve vuông, phát lãnh hoàn, sâm nhung bổ thận hoàn, phụ khoa kim phụng hoàn, sâm nhung vệ sinh hoàn.
Ông Bá từng được vua Bảo Đại và Vương quốc Campuchia trao thưởng Huân chương vàng. Năm 1932, ông được người Pháp trao "Long Bảo Tinh" về những cống hiến. Doanh nhân gốc Hoa ở hải ngoại được vinh danh như thế là hiếm có. Năm 1944, ông Vi mất ở Hồng Kông, hưởng dương 50 tuổi, để lại 2 vợ cùng 10 con trai, 14 con gái (cũng có nguồn cho rằng ông có 4 vợ, 12 con trai, 16 con gái); các con của ông như Cơ Trạch, Cơ Ân nối nghiệp cha. Năm 1946, Bệnh viện Trung Chánh được thành lập (nay là Bệnh viện 7A, quận 5), các con ông quyên tặng một tòa lầu, lấy tên "Thiếu Bá lâu" để kỷ niệm ông, nay đã dỡ bỏ.
Các con ông Cơ Trạch, Cơ Ân cũng nối nghiệp cha. Đến năm 1954, các cơ sở được hợp nhất thành Công ty TNHH Nhị Thiên Đường và duy trì thương hiệu đến sau này.
Vang danh một thời
Cầu mang tên "Nhị Thiên Đường" ở quận 8, bắc qua kênh Đôi (kênh Tàu Hủ), không những vinh danh người đã xây dựng giúp giao thông phía Tây Nam TP thêm thông suốt mà còn luôn khiến tôi hoài niệm về một thương hiệu dầu gió vang danh một thời của Đông Nam Á.
Đầu thế kỷ trước, vùng quận 8 bây giờ còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Bên kia kênh Tàu Hủ là trại vịt, lò ấp vịt và nơi tập kết gà vịt từ miền Tây lên. Công nhân của Nhị Thiên Đường có nhiều người ở gần vùng trại vịt, ngăn sông cách trở. Thấy vậy, ông Vi Thiếu Bá liền bỏ tiền xây dựng cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường.
Những năm đầu sau 1975, cầu Nhị Thiên Đường vẫn còn đẹp lắm, có đường cong thướt tha khoác cho mình chiếc áo màu xanh lá cây mềm mại với những hàng trụ đèn được thiết kế thật thanh thoát, mỹ thuật, khiến tôi liên tưởng đến một cây cầu bắc ngang dòng sông Seine ở thủ đô Paris nước Pháp. Ông Bá đã thuê nhà thầu là Công ty Xây dựng Levallois Perret (Pháp) thiết kế, thi công, hoàn thành cầu này vào năm 1925.
Trên 2 tấm biển đúc bằng gang gắn ở 2 trụ đầu cầu có ghi rõ năm khánh thành và công ty xây dựng. Nhà văn Sơn Nam hồi còn sống kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy người ta chỉ làm cầu sắt, đây là cầu đầu tiên bằng xi-măng cốt thép. Toàn bộ vật liệu thép, xi-măng được đưa từ Pháp sang, chỉ có nhân công là người bản địa. Họ làm kỹ đến mức suốt gần trăm năm, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, mưa nắng gió bão, cây cầu vẫn sừng sững khoe vẻ đẹp một cách kiêu hãnh.
Sau năm 1975, do kinh tế khó khăn, cầu không được chăm sóc, tu bổ bảo dưỡng nên xuống cấp rất nhanh. Những lan can gỉ sét chẳng ai sơn phết lại nên mục dần. Đèn chiếu sáng bị tháo trộm chỉ còn trơ trụ. Màu xanh nguyên thủy mát mắt của cầu biến thành màu bạc phếch. Trụ đèn từng một thời kiêu hãnh nay đứng buồn trầm mặc. Ban đêm tối om. Cầu cứ mỗi ngày một xuống cấp như một chứng tích về thời khó khăn, thiếu thốn sau giải phóng.
Nhị Thiên Đường tuy đã chấm dứt hoạt động sản xuất tại Việt Nam nhưng một cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường vẫn còn đó, hàng trăm căn nhà khu vực 31-37 Trần Hưng Đạo B được ông Bá cho người nghèo thuê với giá thấp sẽ mãi mãi lưu danh ông!
Giữ lại chút xưa
Bây giờ thì kênh Tàu Hủ đã có cầu mới, 2 cầu song song theo 2 chiều lưu thông nhưng vẫn cùng mang cái tên thân thương ấy. Cầu mới thứ nhất được thông xe giữa năm 2005, cầu mới thứ hai hoàn thành việc nối hai bờ vào cuối tháng 10-2017, chỉ có một số chi tiết nhỏ như lan can, trụ cột đèn cũ được bảo tồn, hẳn là giữ lại một chút Sài Gòn xưa cho người thích hoài cổ như tôi.
Bài và ảnh: Lữ Khách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét