TTO - Đại Việt sử ký toàn thư hẳn là cuốn sách sử yêu thích của rất nhiều người Việt Nam. Ở trong đó có chứa đựng biết bao điều thú vị mà có thể bạn chưa từng nghĩ đến.
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy lịch sử dường như không phải là môn học yêu thích của lớp trẻ. Thiết nghĩ thực trạng ấy là nỗi buồn của cả xã hội chúng ta.
Bài viết này thay cho lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ: "Hãy học lịch sử bằng nhiều cách khác nhau, miễn điều đó mang đến cho bạn hứng thú".
Vật thể bay không xác định trong sử liệu
Vì sao đưa anh tới là bộ phim truyền hình Hàn Quốc gây bão tại Châu Á đầu năm 2014. Bộ phim kể về tình yêu của GS. Do Min Joon - một người ngoài hành tinh đến ở lại trái đất từ năm 1609.
UFO là chữ viết tắt của Unidentified Flying Object trong tiếng Anh (tức là "vật thể bay không xác định") chỉ đến vật thể hoặc hiện tượng thị giác bay trên trời mà không thể xác định được đó là gì, thường thì UFO sẽ khiến người ta liên tưởng ngay đến người ngoài hành tinh.
Ngay ở đoạn mở đầu của bộ phim Vì sao đưa anh tới đã có phần giới thiệu: "Ghi chép ngày 25 tháng 9 tại Triều đại Joseon thực lục, năm Quang Hải thứ nhất, cuốn 20" kèm theo đó là hình ảnh trang sử liệu được trích dẫn.
Triều đại Joseon thực lục (hay còn dịch là Triều Tiên vương triều thực lục) là tuyển tập những ghi chép hàng năm của triều đại Joseon từ năm 1413 đến năm 1865.
Căn cứ theo thực lục, đoạn ghi chép ấy được dịch nghĩa như sau: "ghi chép vào ngày 25 âm lịch năm 1609, quan Tư Giám Li Sin Yu của Đài Khâm Giám Gangwon trong bản tấu nói rằng, có vật thể hình dáng giống như chiếc đĩa bay đến Gangwon".
Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi, có hay không những ghi chép về "đĩa bay" tương tự như vậy ở trong những cuốn sách lịch sử cổ xưa ở Việt Nam?
Thú vị ở chỗ, nếu tìm tòi trong những ghi chép lịch sử bạn sẽ thấy ngay từ các triều đại cổ xưa người ta đã chú ý quan sát thiên văn, khí tượng. Và tất nhiên không thể thiếu được những ghi chép về các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, mưa đá, sự di chuyển của các vì sao.
Ngay cả hình ảnh kỳ lạ về những vật thể bay cũng được sử quan ghi lại, chỉ có điều khi đó UFO thường được người xưa gọi bằng các cụm từ như: "mặt trời nhỏ", "sao lạ", "sao chổi", "sao tai" hay "đám mây lạ"…
Những hiện tượng "kỳ lạ" trong lịch sử Việt Nam
Như các bạn đã biết, Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là kho sử liệu phong phú giúp ích cho nhiều nghiên cứu khoa học. Đôi khi chỉ cần một vài chi tiết ghi chép trong lịch sử cũng có thể dẫn chúng ta đến sự tưởng tượng phong phú, mang đầy tính hiếu kỳ.
Hãy thử tìm hiểu về một vài "hiện tượng lạ" được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư để xem khả năng tưởng tưởng có giúp bạn viết nên kịch bản Vì sao đưa anh tới phiên bản Việt hay không?
"Năm 1577, tháng 11 (âm lịch), sao chổi hiện trỏ thẳng về phía Đông Nam, tua sáng dài đến 40 trượng, sắc hồng và tía ánh nhau, mọi người kinh ngạc. Tháng 12, ngày mồng 1, sao chổi hết" - đó là một ghi chép nhỏ trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Văn hóa Thông tin, năm 2004).
Ở thời quá khứ xa xưa, người ta cho rằng hiện tượng thiên văn và đời sống xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì thế, sau khi có sao chổi xuất hiện liên tục trong vài chục ngày vào cuối năm 1577, vua Lê Thế Tông (1567 – 1599) đã cho cho đổi niên hiệu thành Quang Hưng năm thứ 1 vào năm 1578.
Tuy nhiên, ngày nay nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể kiểm chứng thông tin và lý giải về "hiện tượng lạ" ấy.
Thực tế, sao chổi được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép vào năm 1577 cũng xuất hiện trong các tài liệu lịch sử, thiên văn học của nhiều nước khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Đức…
Mặc dù thời gian xuất hiện của sao chổi này ở mỗi nước là không đồng nhất nhưng tất cả các ghi chép đều nói lên sự "đặc biệt" của ngôi sao ấy.
Nó được miêu tả là "sáng hơn cả mặt trăng", "có đuôi dài với góc rộng 60 độ" và người ta gọi nó bằng cái tên khoa học C/1577 V1 là một "sao chổi lớn" không định kỳ di chuyển qua gần trái đất. Khi đó, nhà thiên văn học nổi tiếng người Đan Mạch là Tycho Brahe (1546-1601) thực hiện ghi chép và tính toán số liệu về ngôi sao chổi cực đại này.
Một hiện tượng bất thường khác xảy ra vào năm 1595, ở trong Đại Việt sử ký toàn thư có câu: "tháng 6, ngày 22, giờ Thân, hai mặt trời cùng mọc". Trước đó, vào năm 1356 (tức Bính Thân, năm Nguyên Chí Chính thứ 16) đã từng có một ghi chép tương tự khác: "Tháng 3, mùa xuân. Hai mặt trời rập rờn nhau".
Chúng ta biết câu chuyện Hậu Nghệ bắn 9 mặt trời chỉ là truyền thuyết, thực tế không thể có "hai mặt trời" cùng tồn tại trong hệ mặt trời. Nếu có đó chỉ là một hiện tượng quang học xảy ra mà thôi. Hiện tượng hai đến ba mặt trời xuất hiện cùng lúc đã từng có tại Nga hay vùng băng tuyết ở Trung Quốc.
Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho đó là hiện tương quang học hiếm gặp được gọi là "Ảo nhật" (tên tiếng Anh là "Anthelion"). Hiện tượng này xảy ra khi luồng ánh sáng mặt trời đi qua các tinh thể băng, bị lệch đi một góc khoảng 22 độ. Điều kiện thích hợp để xảy ra cảnh tượng này là nhiệt độ thấp hơn -30 độ C, kèm theo sự xuất hiện của tinh thể băng trong không khí.
Lý giải khoa học là vậy, nhưng về địa lý Việt Nam lại là nước nằm trong miền nhiệt đới, có khí hậu nhiệt đới ẩm, lẽ nào vài trăm năm trước chúng ta đã từng có mùa đông khắc nghiệt dưới - 30 độ C?
Vậy thì, hiện tượng "hai mặt trời xuất hiện cùng lúc" thậm chí chúng còn "rập rờn" như vờn nhau nên nghĩ sao cho đúng? Tất nhiên không loại trừ khả năng trong quá trình biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư sử quan của nước ta đã tham khảo từ kho sử liệu của Trung Quốc. Câu trả lời tạm thời bỏ ngỏ… để nhường không gian cho sự liên tưởng của bạn.
Vào năm 1582, cũng ở trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép một hiện tượng hy hữu như sau: "Bấy giờ ở xã Đông Hồi, huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ An có hòn đá trắng to, không biết từ đâu đến, từ trong cửa biển nhảy lên đất phẳng, cách đất 15 trượng rồi dừng lại. Người thổ trước cho là linh dị, làm đền thờ".
Đối chiếu thêm với một ghi chép trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: "Nhâm Ngọ, năm thứ 5 (tức 1582). (Mạc, năm Diên Thành thứ 5 - Minh, năm Vạn Lịch thứ 10). Cửa biển Đông Hồi có hòn đá trắng lớn từ trong nước vọt lên mặt đất cách chỗ nước 15 trượng mới sa xuống. Người bản thổ cho là thiêng liêng kỳ dị, bèn lập đền thờ để thờ hòn đá ấy. (Đông Hồi: Tên thôn thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)".
Hai ghi chép này đều không xác định rõ mốc thời gian và điều khiến nhiều người có thể thắc mắc là hình ảnh một "hòn đá màu trắng" có thể tự bay/nhảy từ dưới biển lên, rồi "cách chỗ nước 15 trượng mới sa xuống" ấy rốt cuộc là gì?
Liệu có một lực đẩy nào kiểu như sóng thần hỗ trợ cho "hòn đá" trở thành biết bay hay không? Thông tin chứng thực không đầy đủ, chúng ta chỉ có thể hoài nghi "hòn đá" ấy có khả năng cũng là một "vật thể bay" mà thôi.
Mười năm sau, năm 1592 tại Việt Nam lại có một hiện tượng lạ khác xuất hiện, được ghi chép miêu tả như sau: "tháng 8, ngày Mậu Tý mồng 1, giờ Nhâm Tuất, có nhiều sao băng, sắc đỏ, dài 5 trượng, sáng như luồng điện, chiếu vào nhà người, rồi sa xuống đất, có tiếng kêu như sấm lớn".
Tiếp theo đó, vào năm 1618 lại có rất nhiều các hiện tượng kỳ lạ trên bầu trời Việt Nam. Ba ghi chép trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư dưới đây ghi lại:
• Năm 1618, (Minh Vạn lịch thứ 46), tháng 4, ngày 24, giờ Dần có sao chổi mọc ở phương Tây Nam, hình như tấm lụa đỏ.
• Năm 1618, tháng 4, ngày 28, giờ Dần, có sao chạy thẳng về phương Tây hình như tấm lụa.
• Năm 1618, tháng 9, bấy giờ có khí trắng hình như cái bùa đứng thẳng, mỗi đêm canh năm thường hiện ra ở phương Đông - Nam, từ hạ tuần tháng ấy đến thượng tuần tháng 10 mới mất.
Từ dữ liệu sử học cho thấy, vào tháng 4-1618 có ít nhất hai lần sao chổi xuất hiện ở nước ta, hình dạng như tấm lụa (đỏ), đây có thể chỉ là một hiện tượng sao chổi bình thường, nhưng kết nối với khoảng thời gian tháng 9-1618, với ghi chép được miêu tả là có "khí trắng hình như cái bùa đứng thẳng" thực sự đã khiến người viết bài này hoài nghi rằng phải chăng vào năm 1618 UFO đã xuất hiện ở Việt Nam.
Căn cứ và đối chiếu thêm với một số bản tấu của các triều thần trong năm 1618, chẳng hạn trích trong bản tấu của Hữu thị lang Lại bộ Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng lên Bình An Vương (tức Chúa Trịnh Tùng (1550 – 1623)) có đoạn:
"Nhà nước ta từ khi khôi phục đến giờ, trời đất chưa ứng, điềm lành chưa đến, mà tai dị thường có luôn. Như năm nay mùa thu trời mưa xuống than đen, đó là tai dị… trời mưa xuống cát vàng, đó là quái lạ…
Hạ tuần tháng 9 qua đến thượng tuần tháng này, sao lạ hiện ra ở phương Đông Nam, ai trông thấy cũng phải sợ hãi". Các triều thần khác dâng tờ tâu: "Năm nay từ hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng này, mỗi đêm đến trống canh năm, sao tai hiện ra ở phương Đông Nam, hình như mây trắng, hình như lụa trắng, hình như cái thoi nhọn, như cái đầu mũi giáo, đầu đuôi nhỏ và nhọn, trông thấy dễ sợ".
Bản tấu của Tả thị lang Lại bộ Phú Xuân Hầu Ngô Trí Hòa, Tả thị lang Hộ bộ là Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ cùng Phạm Trân có đoạn: "năm nay về hạ tuần tháng 9 có sao lạ, đến giờ dần mọc ra ở phương đông dài hơn một trượng".
Qua những bản tấu nói trên, chúng ta thấy rằng miêu tả của người xưa về hình dạng của "vật thể bay" đó rất đa dạng, bao gồm: mây trắng, lụa trắng, cái thoi nhọn, đầu mũi giáo, đầu đuôi nhỏ và nhọn… Chứng tỏ mỗi người nhìn thấy "vật thể bay" ở một thời điểm khác nhau. Nhưng cảm giác chung của họ đều là "sợ hãi".
Ở bài viết này, người viết chỉ dừng lại ở việc trích dẫn những ghi chép mang tính lịch sử về những hiện tượng lạ đã từng xuất hiện trong quá khứ ở nước ta, đối chiếu với kiến thức khoa học hiện đại để đặt ra một giả thuyết, một nghi vấn lý giải về những hiện tượng lạ ấy.
UFO từng xuất hiện ở Việt Nam, hoặc có thể không! Tôi có thể hoài nghi. Bạn cũng có thể hoài nghi.
Việc chứng minh giả thuyết nói trên không quan trọng bằng việc chúng ta cùng nhau xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong xã hội đương đại hay tìm hiểu về lịch sử bằng một tư duy độc lập, sáng tạo, giàu suy luận và phán đoán, chắt lọc thông tin đa chiều trước khi đưa ra nhận định cuối cùng.
Hãy để lịch sử Việt Nam trở thành cuốn sách mà bạn muốn đọc suốt đời!à Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét