Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Chuyện kể ở "làng một đêm" trên đất Quảng Bình

Biệt danh “làng một đêm” của Cự Nẫm xuất phát trong chiến tranh chống Mỹ. Ngày ấy, bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận

Hai lần được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang trong chống Pháp và chống Mỹ, được nhắc đến trong ca khúc Quảng Bình quê ta ơi… nay làng Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) lại một lần nữa ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới.
Người “Tây” về làng học làm nông
Chúng tôi về Cự Nẫm trong tiết trời cuối xuân, đầu hạ. Vùng đất bán sơn địa này bao trùm một màu xanh ngút mắt, đường làng, ngõ xóm ngăn nắp, sạch đẹp đến không ngờ. Mặc cho phong trào “bê tông hóa” đang phá vỡ không gian làng, thì Cự Nẫm vẫn vẹn nguyên hồn cốt của một làng thuần nông vùng Bắc Trung bộ.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Thanh Hùng không giấu được tự hào khi nói về quê hương mình: Trong kháng chiến chống Pháp, Cự Nẫm là một pháo đài bất khả xâm phạm, là hình mẫu của cả nước về chiến thuật “rào làng chiến đấu”. Còn suốt cả giai đoạn chống Mỹ, Cự Nẫm là cửa ngõ, là điểm dừng chân của hàng chục nghìn lượt bộ đội vào Nam ra Bắc.
“Biệt danh “làng một đêm” của Cự Nẫm xuất phát trong chiến tranh chống Mỹ. Ngày ấy, bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận. Các thương bệnh binh ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi và lấy nhu yếu phẩm. Có những đêm bộ đội quá đông, dân làng nằm đất nhường giường cho bộ đội” - ông Hùng nhớ lại.
Gặp một nhóm khách Tây đang đi dạo trong làng, ông Hùng buông mấy câu tiếng Anh chào hỏi, cười nói với họ thân thiện. Hình như chưa tự tin lắm về trình độ tiếng Anh của mình, ông Hùng phân bua: “Làm cán bộ xã thì cũng chưa cần tiếng Anh lắm, nhưng giờ suốt ngày tiếp xúc với khách Tây nên cũng học được một ít. Ở Cự Nẫm giờ, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng lận lưng chút ít tiếng Anh để “phòng thân” chú ạ”.
Chuyện kể ở làng một đêm trên đất Quảng Bình - Ảnh 1.
Khách du lịch học làm nông ở Cự Nẫm.
Chỉ tay về phía cách đồng trước mặt, nơi có nhiều người đang làm công việc đồng áng, ông Hùng nói, ở đó phân nửa là khách du lịch nước ngoài đang tham gia làm nông cùng người dân Cự Nẫm.
“Mô hình du lịch homestay, Farmstay đang nở rộ ở Cự Nẫm và các vùng lân cận. Bây giờ Cự Nẫm không còn là làng “một đêm” như những năm chiến tranh mà thành làng “nhiều đêm”, bởi ít có địa chỉ du lịch nào trên đất Quảng Bình lại lưu giữ du khách dài ngày như ở đây” - ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Công, mặt lấm tấm mồ hôi từ dưới khoảnh ruộng bước lên, bỏ lại mấy ông Tây đang hì hục làm đất, hồ hởi khoe: “Thiệt mệt với mấy ông Tây này, cho học cày, bừa xong vẫn không chịu về, lại đòi lên luống để tự tay gieo hạt. Đói bụng lắm rồi nhưng phải chiều mấy ông. Nghĩ cũng vui, đám ruộng ni tiền thu hoạch từ hoa màu không mấy đồng, nhưng  tiền thu từ “dạy nghề” thì lại khá”.
Ông Công cho biết, khách Tây rất thích trải nghiệm công việc đồng áng thủ công. Họ tham gia hầu hết các công đoạn từ cày, bừa, làm đất, gieo trồng đến thu hoạch mùa màng... Và cứ mỗi lần được tham gia là họ lại trả tiền cho những người nông dân hướng dẫn họ làm việc. Thậm chí, không ít du khách sau khi tham gia gieo trồng, đến ngày thu hoạch, họ quay lại để chứng kiến thành quả của mình làm ra. Người nông dân Cự Nẫm đang thu bộn tiền từ việc dạy nghề làm nông cho du khách.
Rể Tây về quê vợ dạy làm du lịch
Ông Hùng cho biết, người đặt nền móng đầu tiên để Cự Nẫm từ làng thuần nông thành làng du lịch là một chàng rể Tây - anh Benjamin Joseph Mitchell, người Australia.
Benjamin vốn là một kỹ sư xây dựng, sang làm việc ở Cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) cho một công ty của Canada. Còn chị Lê Thị Bích là người Cự Nẫm, làm hướng dẫn viên du lịch ở TP Đà Nẵng. Hai người tình cờ gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Sau vài lần về thăm quê vợ, mê cảnh sắc nơi đây, năm 2008, Benjamin quyết định nghỉ việc ở Cảng Chân Mây, với mức lương 28.000 USD/tháng để về Cự Nẫm làm du lịch. Anh mua đất, xây dựng một cơ sở lưu trú mang tên Phong Nha Farmstay.
Là người từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, Benjamin chọn cho mình sản phẩm du lịch khám phá và trải nghiệm, hướng vào du khách quốc tế. Tất cả những cảnh đẹp của Cự Nẫm và vùng lân cận, đặc biệt là Phong Nha - Kẻ Bàng được Benjamin đưa lên trang Web của mình, giới thiệu khắp năm châu, bốn biển.
Chuyện kể ở làng một đêm trên đất Quảng Bình - Ảnh 2.
Phong Nha Farmstay của vợ chồng anh Benjamin và chị Bích, nơi đặt nền móng cho mô hình du lịch cộng đồng ở Cự Nẫm.
“Khi bọn em về đầu tư kinh doanh du lịch, ai cũng hoài nghi, ngay cả chính quyền cũng không tin sẽ có ngày thành công. Mọi người cứ thắc mắc, sao không lên vùng Phong Nha - Kẻ Bàng mà đầu tư, lại về vùng đất heo hút, ngay cả khái niệm du lịch cũng không mấy ai biết này?” - chị Bích vợ Benjamin tâm sự.
Để ý tưởng của mình thành hiện thực, Benjamin đi khắp vùng khảo sát. Ban đầu anh chọn một vài gia đình và vài quán ăn hướng dẫn lôi kéo họ tham gia vào chuỗi kinh doanh của mình. Cứ thế, từ vài người đến vài chục ngươi, rồi hàng trăm người trên khắp thế giới lần lượt kéo nhau về Cự Nẫm. Ngoài việc thăm thú, khám phá cảnh đẹp trong vùng, đa số du khách rất thích trải nghiệm công việc của nhà nông. Người thì cày bừa làm đất, người tham gia gieo hạt, thu hoạch... họ hồ hởi hứng thú và trả tiền cho tất cả các công đoạn của nhà nông...
Anh Trần Văn Quý và chị Nguyễn Thị Nhất vốn là những “lâm tặc” khi trước đây cuộc sống của gia đình họ phụ thuộc vào những chuyến vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Từ năm 2010, anh Quý chính thức đoạn tuyệt với nghề đi rừng, hai vợ chồng anh quyết định mở cơ sở du lịch ngay tại nhà dưới sự hướng dẫn của Benjamin.
Cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý, chị Nhất lúc đầu cũng chỉ đơn thuần là một quán ăn phục vụ những món dân dã mà gia đình tự làm hoặc mua từ hàng xóm như: gà nướng, lạc rang, rau sạch… và những chai bia ướp lạnh.
Đơn giản có vậy nhưng du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới lại tìm đến đây ngày một đông. “Với khách nước ngoài, thái độ phục vụ là điều quan trọng nhất, phải luôn vui vẻ, hoà đồng, thân thiện. Giá cả thì cứ tính bình dân thôi. Sau khi họ trở về, những cảm nhận tích cực của họ viết trên blog, facebook sẽ lôi kéo nhiều người tìm đến”- chị Nhất chia sẻ bí quyết kinh doanh của gia đình mình.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, mới đây nhất, Alison - một khách du lịch người Anh tìm đến quán của anh Quý, khi trở về đã chia sẻ cảm xúc của mình trên nhật báo The Guardian (Người bảo vệ). Cô miêu tả về món ăn của vợ chồng Quý bằng cụm từ “thích đến chết với món ăn tuyệt vời này” hay "gà nướng bên cạnh ly bia lạnh là tuyệt nhất trần đời".
Ông Hùng cho hay, mô hình du lịch cộng đồng đã làm thay đổi bộ mặt của Cự Nẫm. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, ai cũng tự giác dọn dẹp vệ sinh vườn tược, đường làng ngõ xóm để mời gọi du khách ghé nhà. Đặc biệt thu nhập từ “dạy nghề” làm nông của người dân Cự Nẫm cao gấp nhiều lần những sản phẩm nông nghiệp làm ra. Ngoài ra các dịch vụ đi kèm cũng thu hút nhiều lao động, giúp người dân thu bộn tiền như: Mở quán ăn, quán giải khát, hay cho thuê xe đạp, xe máy...
Ông Hùng tâm sự: Không ngờ những ca từ trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sỹ Hoàng Vân cách đây gần 50 năm như một lời sấm truyền đối với Cự Nẫm. Ông Hùng cứ nắc nỏm, không ai nghĩ mảnh đất bị bom đạn cày xới đến cỏ cũng không kịp mọc, nay lại là một địa chỉ du lịch trên khắp thế giới. Cao hứng, ông Hùng ngâm nga với chất giọng đầy tự hào: "Có ai về Rào Nan, xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm. Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn mầu".

Theo HOÀNG NAM (Báo Tiền Phong)

Khát vọng xanh nơi tuyến lửa

Dưới mưa bom, cỏ cây dọc đường 20 Quyết Thắng ở tuyến lửa Quảng Bình tưởng không bao giờ còn cơ hội phục sinh. Song, tôi đã phải tin vùng đất này sinh ra chỉ để neo đậu một cõi bình yên

Đang giữa mùa "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa" nên ngay khi từ TP HCM đáp máy bay xuống sân bay Đồng Hới, nhiều anh em trong nhóm phóng viên báo chí đã lả người dưới nắng nóng ràn rạt như thiêu như đốt của miền cát trắng Quảng Bình - nơi một thời là tuyến lửa bởi mưa bom.
Khúc nhạc đồng quê yên ả
Cảm giác khủng khiếp ấy đã tan biến khi xe đưa chúng tôi lọt vào Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuyến độc đạo dẫn vào vương quốc xanh và huyền hoặc mà chúng tôi đang đi chính là đường 20 Quyết Thắng từng gắn với những khẩu hiệu: "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Địch phá, ta sửa, ta đi"...
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa - Ảnh 1.
Làng quê bình yên dọc đường 20 Quyết Thắng
Ít ai biết trong chiến lược vận tải phục vụ đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn 8.000 chiến sĩ và cán bộ thuộc Binh đoàn 559 cùng Công trường 20 của Bộ Giao thông Vận tải thời ấy đã phải bỏ ra gần 600.000 ngày công để đào đắp gần 100.000 m3 đất đá, bắc cầu…, tạo nên 125 km đường huyền thoại nối từ thôn Phong Nha của xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Khammouane - Lào rồi thông với đường 9 (Quảng Trị). Con đường này khi sinh ra đã đắm chìm trong bom đạn.
Trên con đường này, mưa bom từ B52 của Mỹ có ngày dội xuống 51 trận, có tuần phải hứng đến 50.000 quả bom. Chỉ riêng trong 6 ngày, từ 25-9 đến 1-10-1968, 29 bộ đội và thanh niên xung phong đã hy sinh sau khi kéo được 30 phuy xăng đến địa điểm tập kết.
Dưới mưa bom, cỏ cây tưởng chừng không bao giờ phục sinh. Nhưng tôi đã có một chiều đi trên chính con đường từng thấm đẫm mồ hôi và máu ấy. Đường trải nhựa cấp phối, xe lướt êm ru qua những làng mạc bình yên, uốn lượn như câu thơ đảo nhịp giữa trùng trùng núi đá. Sông Chày thành vệt xanh mềm mại, uốn theo con đường như tung như hứng từng quãng trong một trường đoạn của khúc nhạc chiều lãng mạn Serenata. Rồi trên mặt sông đôi đoạn vương chút khói sương lãng đãng ấy, tựa như tiếng chuông nhà thờ đang âm âm vọng từ vách núi xa kia sẽ đọng lại trong mặt nước xanh ngắt để tấu lên khúc nhạc đồng quê yên ả. Rồi con đường và dòng sông thoát ra khỏi làng mạc thôn dã để bày ra trước mắt tôi miên man màu xanh hoang hoải của những ruộng bắp cuối vụ, màu xanh vừa đậm của ruộng đậu phụng nghiêng nghiêng níu kéo những bãi bồi, rồi mởn xanh những đồi bạch đàn sâu vào tận chân núi đá. Nếu không sống với hoài niệm, hẳn tôi phải tin vùng đất này sinh ra chỉ để neo đậu một cõi bình yên.
Điểm chúng tôi dừng chân là thôn Chày Lập, thuộc xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch - nơi có khu nghỉ dưỡng Chày Lập Farmstay của Nguyễn Châu Á. Gia đình Á và cả trụ sở của doanh nghiệp mang tên Oxalis Adventure Tours mà Á là chủ nằm ngay mép sông Son, ở đoạn rất gần với cửa động Phong Nha. Chày Lập Farmstay thì nằm cạnh sông Chày, chính là một nhánh chính của thượng nguồn sông Son.
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa - Ảnh 2.
Bên bờ sông Son
Á sinh ra và lớn lên ngay chính vùng đất vương quốc của hang động này. Nhỏ hơn tôi nhiều tuổi nhưng Á lăn lộn ở TP HCM nhiều hơn. Sau khi khổ luyện với đủ thứ công việc khác nhau, Á đã tính chuyện trụ luôn ở công việc của một hướng dẫn viên du lịch rồi sau đó là kiểm toán viên cao cấp tại 2 tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài. Thế nhưng, rốt cuộc Á lại quày quả khăn gói về quê theo một thứ khao khát mãnh liệt vương chút lãng mạn là quyết góp gì đó vào việc bảo vệ thế giới ảo diệu của những hang động. Với sự hợp tác của 2 chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anhquốc, Howard và Deb, Á lập ra doanh nghiệp mang tên Oxalis Adventure Tours. Oxalis nghĩa tiếng Việt là chua me đất - tên của một loại rau chua mọc hoang có sức sống rất mãnh liệt ở vùng đất cằn cỗi của miền Trung.
Cả Howard và Deb đều là những người dẫn đầu trong tất cả 15 cuộc thám hiểm và nghiên cứu các hang động mà Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh quốc từng thực hiện tại Việt Nam. Vì chung khát vọng và đam mê, cả 2 ông thành người đỡ đầu cho Á trong việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho hướng dẫn viên và đội ngũ porter, đồng thời là cố vấn an toàn cho tất cả các tour du lịch hang động, có luôn cả những tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp thế giới vào các hang động như Sơn Đoòng hay Tú Làn, hang Én, hang Va...
Không có dịp ngồi với Á ở Chày Lập Farmstay vì anh đang bận công tác ở TP HCM nhưng vì thế mà tôi có dịp may hạnh ngộ với Mỹ và Thìn.
Phải nghĩ khác hơn trước
Mỹ là em trai Á, cũng lăn lộn khắp Nam chí Bắc với đủ thứ nghề rồi quay về cộng tác với anh trong vai trò của một người điều hành. Phan Văn Thìn cũng là người con của chính vùng đất này, từng đam mê nghề hướng dẫn viên du lịch, rồi về đây quản lý Chày Lập Farmstay.
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa - Ảnh 3.
Giai điệu nắng ban mai trong không gian xanh của Chày Lập Farmstay
Cả Thìn và Mỹ đều ở thế hệ 8X, quá trẻ để khiến tôi phải hào hứng khi nhìn vào những việc họ đang làm. Nhất là việc vì sao với một khu nghỉ dưỡng cao cấp như thế nhưng đội ngũ lao động gần như là chính nông dân của Chày Lập này, rồi giá cả dịch vụ nghỉ dưỡng không hề rẻ mà đặt được một suất nghỉ ở đây là không dễ. Tôi càng bất ngờ hơn nữa khi biết trong lúc gần như các các điểm nghỉ dưỡng suốt dọc miền Trung đang đua nhau lôi kéo khách Tây thì Chày Lập Farmstay lại thong dong với 70%-80% là du khách nội địa, thậm chí là khách từ chính các khu vực lân cận. 
Điểm nhấn mới
Chày Lập Farmstay là một trong những điểm nhấn mới của Oxalis Adventure Tours. Từ đây, theo hướng Quốc lộ 20 Quyết Thắng một chặng ngắn nữa là tới thế giới rất riêng của những hang tối, động Thiên đường, rồi Khu Di tích Đường 20 Quyết Thắng - nơi có di tích hang Tám cô huyền thoại. Thêm 30 km nữa sẽ đến điểm dừng chân khi du khách muốn thượng sơn chiêm ngưỡng Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới mà loài người khám phá được cho đến nay. Oxalis Adventure Tours, với đủ kinh nghiệm và phương tiện lẫn con người, đang là doanh nghiệp duy nhất được trao sứ mệnh tổ chức thám hiểm hang động này.

Dựa vào nội lực

Những mảnh ruộng của vùng tuyến lửa năm nào giờ đang chuyển dần thành một dạng của sản phẩm du lịch. Chính nông dân đã trực tiếp làm du lịch để giảm nghèo

Hôm gặp chúng tôi ở thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), ông Phan Văn Gòn - Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch - nói trong giai đoạn 2015-2020, huyện phải quyết thu ngân sách ở mức 230 tỉ đồng để có thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm.
Thay đổi cách nghĩ
Bố Trạch là một trong những trọng điểm ác liệt bậc nhất của tuyến lửa Quảng Bình thời chiến tranh và bây giờ thì năm nào cũng phải chịu vài ba trận lụt bão nên để có thu nhập bình quân 48 triệu đồng/người/năm, tôi nghĩ là quá khó.
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa: Dựa vào nội lực - Ảnh 1.
Đường lên đèo Mụ Giạ, nơi có cửa khẩu Cha Lo ở biên giới Việt Lào
Nhưng cách phân tích của ông Gòn rất thuyết phục. Đại để, ông nói như chuyện làm du lịch thì bây giờ phải nghĩ khác, không ngồi đợi các nhà đầu tưnữa mà phải dựa trước hết vào nội lực, vào sự cần cù chịu khó của chính nông dân huyện nhà. Chẳng hạn cả vùng các xã dọc theo đường 20 Quyết Thắng ấy nếu nói về nông nghiệp thì quanh đi quẩn lại vẫn chỉ bắp, mì, đậu phộng khó mà khá được. Vùng đồi mênh mông hàng trăm hecta đấy rốt cuộc vẫn chỉ phủ xanh bằng bạch đàn, cao su. Bởi thế, huyện đã bằng mọi cách để tạo ra một tiền đề rất quan trọng, ấy là việc đưa những ruộng vườn ấy tham gia vào du lịch, rồi chính nông dân vùng này phải trực tiếp làm du lịch.
Đêm ở Chày Lập Farmstay, chính các "thủ lĩnh trẻ" ở đây đã chứng minh điều ông Gòn nói không phải giáo điều. Ngay cái thôn Chày Lập vốn heo hút thế, nghèo khó thế mà bây giờ dân chúng đã thay đổi hẳn về cả cách nghĩ lẫn cách làm. Vườn, nhà, ruộng rẫy vẫn cho sản phẩm như xưa nhưng được gắn kết vào du lịch để du khách đến muốn homestay có homestay, muốn trải nghiệm có trải nghiệm.
Công việc đào tạo, huấn luyện cho dân các xã dọc đường 20 Quyết Thắng làm du lịch bây giờ không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp mà là sự cộng hưởng từ chính quyền nhiều cấp và trở thành một chiến lược có sự đầu tư hẳn hoi. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Chày Lập cũng ra đời trong chiến lược ấy với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa: Dựa vào nội lực - Ảnh 2.
Một điểm nhấn sang trọng trong không gian xanh của Chày Lập Farmstay
Chỉ riêng Chày Lập Farmstay, chuyên gia Steven Schipani của ADB từng ghi nhận: "Với thu nhập ít nhất 166 USD/tháng/người và sử dụng khoảng 60% thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương, Chày Lập Farmstay đã chi trả khoảng 800.000 USD tiền lương hằng năm cho người lao động và 18.000 USD cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương".
Dân nghèo nơi đây từng chỉ biết mỗi năm làm một vụ ruộng rồi vào rừng kiếm sống thì nay chính họ đang bằng mọi giá để trồng và giữ thảm rừng xanh ít nhất là 82% như quyết tâm của huyện. Vườn, rừng không xanh thì du khách không lưu trú. Mà ngay trong cái khu Chày Lập Farmstay rất sang trọng kia, du khách chỉ cần nhón chân đã thừa cơ hội để trải nghiệm với việc chăm sóc vườn cà, vườn ớt, hái sim mua hay thả hồn trong đêm để thưởng thức khúc nhạc giao hòa thôn dã đồng vọng bởi ếch nhái, giun dế hứng khởi hoan ca.
Lấp dần dấu tích bom đạn
Từ Chày Lập quay ngược về chừng gần chục cây số là sân bay Khe Gát - sân bay dã chiến duy nhất trên đỉnh Trường Sơn, là một huyền thoại của Không quân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa: Dựa vào nội lực - Ảnh 3.
Đầu nguồn Thác Bụp - một thắng cảnh trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ sân bay Khe Cát lên cửa khẩu Cha Lo
Lịch sử hàng không quân sự còn ghi rõ lúc bấy giờ, thi công đến đâu phải ngụy trang kín đến đó. Khi bình minh ló dạng, tất cả con người lẫn phương tiện đều phải rút hết vào hang núi. Ngày 19-4-1972, 2 chiếc MIG-17 từ sân bay này đã cất cánh và 4 quả bom đã được thả xuống chính xác khiến Hạm đội 7 của Mỹ trong nhiều tháng sau đó đã không dám vào gần bờ biển Quảng Bình. Đó cũng là lần đầu tiên không quân Việt Nam sử dụng máy bay tiêm kích đánh tàu khu trục hạm của Mỹ trên biển Đông.
Giờ thì trước mặt chúng tôi, dưới tán rừng trồng đang lấp dần dấu tích thời bom đạn ấy chính là diện tích mà ông Bí thư Huyện ủy Bố Trạch say mê với kế hoạch phát triển dược liệu. Nhiều thứ cây dược liệu sẽ được đưa vào kế hoạch khuyến nông để vừa tăng độ che phủ cho rừng vừa phục vụ du lịch vừa để dân có thêm thu nhập. Nhưng bây giờ, cả vùng này đang như một vườn hoa ngũ sắc với màu tím biền biệt của hoa sim, màu tím tha thiết của hoa mua xen lẫn những chùm muồng non xanh. Giữa vườn hoa ấy là sắc trắng tinh khôi của lá cây bướm bạc, trái chín đen sậm của vằng… đều là những dược liệu đặc trưng của miền đất sỏi đá.
Từ sân bay Khe Gát ngược tiếp 19 km theo đường Hồ Chí Minh là đến đèo Đá Đẽo - trọng điểm đánh phá ác liệt bậc nhất của không quân Mỹ trong những năm 1965-1972 để nhằm cắt đường vận chuyển từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đây chính là nơi có trận địa pháo mà trước lúc hy sinh, thiếu úy pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân từng có câu nói ấn tượng: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn".
Hôm hàn huyên với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa là ông Bùi Anh Tuấn khoe huyện này đã có 1 tỉ đồng thu ngân sách từ du lịch. Một tỉ đồng với nơi khác có khi chỉ là doanh thu của một nhà hàng nhưng với huyện chỉ có tổng thu ngân sách trên dưới 24 tỉ đồng/năm như Minh Hóa này thì lại rất ý nghĩa.
Khát vọng xanh nơi tuyến lửa: Dựa vào nội lực - Ảnh 4.
Một làng quê bình yên dọc đường 20 Quyết Thắng
Ông Tuấn nói huyện này cũng như Bố Trạch đang quyết liệt với việc trồng rừng và giữ rừng để mãi còn những động Tú Làn, thác Mơ, đèo Mụ Giạ, núi Giăng Màn... mà thiên nhiên ban tặng. Du khách sau việc thám hiểm hang động, nếu đến các bản làng của 16 dân tộc đang định cư ở đây thì còn được nghe những điệu Hôi Lên đằm thắm, thưởng thức những đặc sản như cơm pồi và ốc đực... Nếu may mắn đúng dịp rằm tháng 3 thì còn được đắm chìm trong lễ hội văn hóa các dân tộc đặc sắc đến độ dân gian lưu truyền câu ca: "Thà rằng đau ốm mà nằm. Chớ ai lại bỏ hội rằm tháng ba".
Màu xanh của rừng chồi tái sinh đang biến trận địa pháo năm nào thành một giai điệu xanh với chập chùng đỉnh cao vững chân trên lớp thảm xanh của dương xỉ, lau lách. Thảm xanh ấy kéo dài miên man dọc đường Hồ Chí Minh rồi Quốc lộ 12A, trải dài hết cả 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa.
Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét