Vùng đất Cao Bằng có quá nhiều những món ngon đặc sản khiến du khách khó có thể quên. Khi đi du lịch Cao Bằng, du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những món đặc sản của vùng cao giàu giá trị dinh dưỡng.
Bánh coóng phù (bánh trôi)
Coóng phù được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.
Nằm khâu
Nằm khâu một món đặc sản Cao Bằng là món ăn trong cỗ cưới của người Tày ở Cao Bằng. Món được nấu từ thịt ba chỉ và khoai, đem lại hương vị khó quên. Nằm khâu là món ăn chủ yếu có trong các cỗ cưới, rất gần gũi với người dân các huyện của tỉnh Cao Bằng.
Món ăn phải luôn để nóng mới ngon. Không ít người lần đầu được thường thức, nhìn thấy miếng ăn to đã sợ ngấy, nhưng khi ăn rồi chỉ muốn được ăn thêm.
Bánh khảo
Bánh khảo có lẽ là một thứ lương khô của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Bánh khảo thường được làm vào dịp tết. Có thể để lâu không mốc, thiu, nên với phong tục đón tết trong những ngày xuân dài, thì khi nào nào trong nhà còn bánh khảo, thì chừng đó vẫn còn là tết.
Làm bánh khảo đòi hỏi phải thật khéo léo. Khi làm bánh khảo, ai có dụng cụ đều có thể “làm được”, nhưng muốn “ăn ngon” phải thật là kiệt tác. Người làm bánh khảo khéo léo cũng chính là nghệ nhân.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định, cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm, bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Xôi trám
Có hai loại trám: trắng và đen. Trám trắng thường dùng làm những thứ kẹo, mứt, đậu sị, ô mai, dùng để chữa ho và có tác dụng giải rượu. Trám đen dùng làm món kho, sốt đậu phụ, cá, có vị đậm đà.
Nhưng muốn làm xôi trám thì chỉ có trám đen. Xôi trám làm đơn giản nhưng ăn rất tốt cho sức khỏe, thơm, bùi và béo ngậy. Nếu chưa có điều kiện làm xôi, hái về ngâm nước ấm, bóc lấy phần thịt rồi sấy sau đó đựng vào lọ để bảo quản.
Lên Cao Bằng ăn bánh cuốn canh
Bánh cuốn canh theo kiểu trứng chần để trong bát nước dùng. Ảnh: P.V
Cao Bằng có nhiều món ăn hấp dẫn người từ vùng khác đến. Đó là phở chua, phở vịt, phở thịt quay, bánh gai, kẹo lạc và phổ biến nhất, mà ai lên Cao Bằng cũng nhận được lời dặn: “Nhớ thử bánh cuốn Cao Bằng nhé”.
Tùy khẩu vị mỗi người. Nhưng thử để biết. Biết rồi sẽ nhớ.
Sáng sớm, ở một con phố nhỏ của Cao Bằng, hàng bánh cuốn đã mở để đón khách. Nếu đi một nhóm thì phải chấp nhận ai có trước ăn trước, chứ không chờ để ăn tập thể được. Như quy trình đã được định sẵn, bà chủ quán mở vung nồi hấp, đổ vào đấy một muôi bột, san đều, đậy vung. Trong lúc chờ bánh chín, bà quay ra bóc lớp lá chuối của chiếc giò to bằng hai ngón tay, cho vào bát, rắc chút rau gia vị lên trên; quay sang chần 1 quả trứng, cho thêm vào bát. Xong đâu đấy, múc muôi nước xương hầm trong vắt chan gần đầy bát. Lúc này bánh đã chín.
Cái vòng tròn bột ấy được bà chủ cầm chiếc đũa, sẻ làm đôi, vớt ra đĩa, cho nhân thịt vào, cuộn tròn, chuyển cho khách. Vừa làm bà vừa dặn khách: “Ai có ăn luôn, ăn luôn cho nóng. Các bác ngồi quanh đây hết đi, cho nhanh bánh, chỉ một chốc nữa thôi là đông lắm đấy”. Khách hỏi: “Ở đây quán bánh cuốn nhà chị đã ngon nhất chưa?” Bà chủ trả lời: “Không biết đâu, mà chắc không ngon nhất đâu, gọi là ăn được thôi”.
Bánh cuốn Cao Bằng còn một cách thưởng thức nữa. Đó là chần trứng luôn trong bánh. Khi cho bột vào nồi hấp, chờ bột chín, cho một lòng đỏ trứng vào bánh, chờ một lát cho trứng chín thì cuộn bánh lại. Lớp bột của bánh sẽ bao quanh, bọc lấy trứng. Nhưng theo cách này thì phải biết cách ăn, nếu không, trứng sẽ vỡ bung trong bát nước dùng. Thịt băm sẽ được cho thẳng vào bát canh.
Thật ra, bánh cuốn canh không phải là món ăn riêng của Cao Bằng, mà các tỉnh lân cận cũng phổ biến (và hiện Hà Nội cũng có nhiều hàng). Nhưng dường như phải ăn món này ở đúng đất Cao Bằng thì mới thấy hết sự thú vị. Giống như, ở các tỉnh miền núi cũng có phở vịt, phở thịt quay, nhưng đi nhiều, thì thấy trên đường từ trung tâm Cao Bằng đi thác Bản Giốc có một hàng phở thịt quay cực ngon, nhất là khi gọi bát thập cẩm gồm cả thịt vịt lẫn thịt (lợn) quay. Nghe có vẻ lổn nhổn nhưng khi kết hợp các thứ đó vào bát phở lại làm cho người ta thỏa mãn về ẩm thực.
Ai đã ăn một lần thì sẽ nhớ bánh cuốn canh Cao Bằng bởi cái vị ngọt của nước xương, vị thơm của giò, một chút vị của gạo ngâm để làm bánh cuốn, vị rất riêng của trứng chần quyện vào nhau. Thêm vài lá măng ngâm ớt vào bát nước dùng sẽ làm dậy lên tất cả các vị trên, tạo cảm giác không thể quên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét