Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Khám phá những điều thú vị về biển Phan Thiết

Bình yên giờ đã trở lại với tỉnh Bình Thuận. Nếu ai đến nơi này sẽ khám phá ra những điều thú vị về biển Phan Thiết, dòng sông Cà Ty, con người Bình Thuận và đặc biệt là khí hậu mát lành hơn nhiều thành phố biển khác. 


14-27-08_1_cu_bc_qu_song
Sông Cà Ty chảy xuyên qua thành phố
Biển ở đây len vào trong phố. Vỉa hè là chỗ ngồi của những lão ngư đan lưới và lắng nghe âm thanh của phố thị.  

Dân chài trước Tỉnh ủy

Đầu tháng 7, thành phố biển Phan Thiết như đang chớm giữa mùa hạ và mùa thu. Du khách đến Phan Thiết để đầu trần và lang thang bên bờ sông Cà Ty. Từ trung tâm thành phố ra tới cửa biển chỉ 1-2 km.
Sông Cà Ty chảy xuyên qua giữa thành phố. Dòng nước trong xanh đã mang thêm cảm giác mát mẻ và phố thị thanh bình. Nắng vàng vọt trên phố, nhưng so với thành phố biển Đà Nẵng cùng một thời điểm thì nơi đây luôn thấp hơn vài độ C (Phan Thiết 26 độ C, Đà Nẵng 31-32 độ C).
Chị Thu, một người dân từng đi đây đi đó, có dịp so sánh nên chia sẻ rằng: “Khí hậu ở Phan Thiết rất ôn hòa, mát hơn ở ngoài Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng) từ 5 đến 6 độ, nên sống ở đây rất sướng, dù còn nghèo”.
Đối với các địa phương, trụ sở cơ quan Tỉnh ủy thường đặt giữa phố, gần các tuyến đường mua bán và giao thương sầm uất, nơi xe cộ và những người sang trọng qua lại hàng ngày. Nhưng ở Phan Thiết thì điều ngược lại. Trụ sở Tỉnh ủy nằm trước sông Cà Ty, là nơi rất gần với người dân lao động. Từ sáng sớm, nhiều ngư dân đã xuất hiện trên vỉa hè, ngay trước cổng cơ quan Tỉnh ủy. Đó là những người chuyên làm nghề lưới đăng, chiều thả lưới, sáng kéo vào bờ. Người nhà của ngư dân tập trung đến để gom cá mang ra chợ, trưa đến thì giặt lưới.
14-27-08_3_tu_thu_mu
Tàu hậu cần thu mua cá của Bình Thuận
Người Phan Thiết thường hoài niệm về biển Phan Thiết một thời vô cùng hấp dẫn vì đây là vùng biển cạn, ra cách bờ vài hải lý là thuyền đầy ắp cá. Lão ngư Lê Quang Anh cho biết, do thiên nhiên ưu đãi quá, cứ chiều đi biển, sáng chở cá vô, vì vậy trình độ đi biển xa của ngư dân Phan Thiết bây giờ đã thua ở ngoài Quảng. Nhiều người không quen với cách làm biển cả tháng mới vô bờ. Vì vậy tàu thuyền ở đây từng lớn nhất cả nước, nhưng hơn chục năm nay cá gần bờ cạn kiệt dần, nên tàu thuyền đã thua sút và chắc không theo kịp ngoài Quảng nữa.
Giờ đã ngoài 70 tuổi, ông Anh và những ngư dân đã rời nghề biển quay về kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông Cà Ty trước cổng Tỉnh ủy.
“Nếu trúng thì mỗi đêm kiếm được ba chăm (300 ngàn), ít thì hai chăm, còn bình bình thì chăm rưỡi, đủ tiền mỗi chiều làm vài chai bia”, ông Anh cười khà khà khi tâm tình câu chuyện về mưu sinh trên dòng sông đã gắn với cả cuộc đời mình.  

Giọng sông nước miền Tây

Nếu vào trang tìm kiếm google.com và gõ cụm từ “tiếng địa phương Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi” thì sẽ cho ra nhiều kết quả về những khẩu ngữ “chừ, ni, mô, tê, răng, rứa…”. Nhưng Phan Thiết thì không có những khẩu ngữ đặc quẹo địa phương. Tiếng nói của người Phan Thiết pha trộn âm giọng của người Nam Bộ, chữ trăm biến thành chữ chăm; chữ r biến thành chữ d. Có lẽ, cái cách nói chuyện hơi hài hước, cộng với nụ cười và âm giọng giống người miền Tây, khiến mọi người có cảm giác đang đối diện với cư dân vùng sông nước Cửu Long. Vì giọng nói của người Phan Thiết nên trên mạng có nhiều câu hỏi và tranh luận: “Bình Thuận thuộc miền Trung hay miền Nam?”.
Trang thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận thống kê, địa phương hiện có 302.092 hộ, số hộ nghèo là 11.085 hộ, hộ cận nghèo 14.445 hộ. Dù còn nghèo, nhưng nơi đây vẫn “giàu” nụ cười. Tôi từng đến khu vực cảng Thuận An ở Thừa Thiên Huế và thăm hỏi vài ngư dân sau chuyến biển rằng làm ăn được không thì bị thắc mắc: “Nếu không làm được thì đi biển làm cái chi vậy”. Ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thì có vẻ rất thịnh tình và kể chi tiết nghề biển ra sao, sóng gió như thế nào. Còn ngư dân Phan Thiết thì luôn kể chuyện kèm theo nụ cười dễ thương đến lạ: “Nay làm, mai lủm, nhưng biết đâu mốt thì lại trúng mánh đôi chăm”.
thnh-pho-phn-thiet-tinh-bt-14143749536
Tháp nước, biểu tượng của Bình Thuận
Tôi thắc mắc chuyện con sông chảy qua thành phố mà sao vẫn đặt cái tên nghe Cà Ty, nghe hao hao giống cái tên ở trên vùng cao. Vài người dân địa phương cười và lý giải theo cách tiếu lâm. Lý do được nhắc đến nhiều nhất kèm theo nụ cười là: “Hồi trước người ta nói con sông này có nhiều cái kỳ lạ. Ví dụ như là cứ trận mưa đầu nguồn là cá tôm lăn quay ra say đòng đòng, có lúc chết. Vậy là người ta tự hỏi rằng, sao kỳ vậy ta? Vậy là chữ kỳ ta được biến đổi thành Cà Ty cho tới bây giờ”.
Nhịp sống ở Phan Thiết không quá hối hả. Những buổi sáng tinh mơ, xe buýt xuôi ngược, đưa người buôn bán ra huyện Bắc Bình, vào La Gi, xuống Phan Rí Cửa ra vùng trồng thanh long ở Tánh Linh, Hàm Tân. Từng đoàn tàu từ ngoài biển trở về bến bán cá tấp nập trong ánh nắng mai. Nửa buổi, đoàn xe du lịch chở du khách từ Sài Gòn về Phan Thiết. Trước khi ra địa danh Mũi Né thì xe đưa mọi người ghé thăm Nhà bảo tàng Hồ Chí Minh, vào trường Dục Thanh là nơi Bác đã dừng chân và dạy học 6 tháng vào năm 1910.
khch-vo-thm-qun-truong-duc-thnh-nm-o-bo-bc-song-c-ty143739639
Khách vào tham quan trường Dục Thanh
Những người bán hàng chào đón du khách bằng giọng nói nhẹ nhàng: “Chào nghen, hẹn có dịp trở lại và nhớ chơi tẹt ga nghen!”.  

Thành phố bình yên

Biểu tượng của thành phố Phan Thiết là tháp nước nằm giữa vườn hoa. Đây là công trình được khởi công xây dựng vào năm 1937, do Hoàng thân Xuphanuvong thiết kế (sau này là Chủ tịch nước CHDCND Lào). Hàng đêm, tháp nước rực sáng ánh đèn soi chiếu lá cờ tung bay trong gió, từ đây nhìn qua bờ bắc sông Cà Ty không có bảng quảng cáo rực rỡ như sông Hàn ở Đà Nẵng. Thành phố còn nghèo nên chỉ nghe âm thanh xào xạc của gió biển. Sông đầy ắp nước ban ngày, vơi nước ban đêm, nên gió biển phảng phất mùi của bùn đất.
Năm 2017, tỉnh Bình Thuận thu ngân sách 9.549 tỷ đồng, vượt dự toán trên 1.000 tỷ. Bình Thuận sắp vào top 10 ngàn tỷ. Nhưng nhiều người nhận xét, so với 2 người hàng xóm là Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu thì Bình Thuận vẫn chậm thay đổi. Nhưng bù lại, thiên nhiên đã ban cho thành phố khí hậu trong lành. Đây cũng là nơi có món ăn đường phố rất hấp dẫn như món vịt, heo phá lấu, bánh cuốn 5 món, bánh mì thịt trứng, các loại ốc biển, bánh quai vạc, bún bò Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà, gỏi cá suốt, chả lụi Hàm Tân…
14-27-08_2_m_thuc
Du khách đang thưởng thức ẩm thực đường phố Phan Thiết
Gõ tên sông Cà Ty trên google map để nhìn toàn cảnh - đoạn sông chảy qua thành phố, ra biển, uốn khúc 10 đoạn và rất giống một con rồng. Thế đất, khí hậu trong lành, con người hiền hòa là “tài nguyên” để nơi này kỳ vọng sẽ cất cánh.
Hoàng thân Xuphanuvông, tốt nghiệp trường Quốc gia cầu đường Ecole National des Ponts et Chauseés ở Pháp, nên khi về An Nam đã được chính quyền Pháp bổ nhiệm làm việc tại Sở Công chánh An Nam Trung kỳ, đóng tại Nha Trang. Ông đã để lại dấu ấn ở các công trình: cầu trên quốc lộ 14, cầu trên đường số 19 vượt qua sông Xêrêpốc, thủy điện Đa Nhim, Đập nước Bái Thượng - Thanh Hóa, Đập nước Đô Lương - Nghệ An, tháp nước Phan Thiết.
LÊ VĂN CHƯƠNG(Kiến thức gia đình số 29)

Chơi hết điểm đẹp, ăn đủ món ngon ở Phan Thiết

Thành phố biển của Bình Thuận hút khách nhờ bãi biển đẹp, đồi cát mênh mông và hải sản tươi ngon.

Cách TP HCM 183 km về hướng Đông Bắc, thành phố Phan Thiết là điểm du lịch thuộc tỉnh Bình Thuận. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với những bờ cát trắng trải dài tít tắp, bãi biển nước trong nép mình dưới rặng dừa cong vút.
Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, vùng đất này còn thu hút khách du lịch thập phương nhờ nét văn hóa đa dạng của cộng đồng người Chăm, người Hoa, người Kinh... Du khách có thể tới đây quanh năm, nhưng thời điểm lý tưởng nhất vẫn là mùa hè, khi cái nóng oi bức ở các khu đô thị sẽ được xoa dịu bởi biển trời nơi đây.

Di chuyển

  • Từ Sài Gòn đi Phan Thiết
Du khách có thể lựa chọn xe buýt hoặc tàu hỏa để đến Phan Thiết. Các hãng xe đi Phan Thiết thường khởi hành lúc 5h, xuất phát tại bến xe miền Đông hoặc đường Đề Thám (quận 1). Giá vé dao động từ 90.000 đồng đến 130.000 đồng, thời gian di chuyến mất 6 tiếng.
Tàu hỏa thường khởi hành từ Sài Gòn lúc 6h50 hoặc 17h30, từ Phan Thiết tàu chạy lúc 6h10 hoặc 13h10. Bạn có thể mua vé trực tiếp tại ga Sài Gòn. Giá vé từ 160.000 đồng trở lên, thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng.
  • Tại Phan Thiết
Các chuyến xe buýt thường trả khách tại bến xe Phan Thiết. Tại đây sẽ có xe trung chuyển đến các khách sạn, resort của bạn. Một số nhà xe có thêm dịch vụ đưa và đón khách ngay các resort ở Mũi Né.
Chọn đi tàu hỏa, bạn nên xuống ở ga Phan Thiết thay vì Mường Mán (ga này cách xa trung tâm hơn). Trên tàu cũng có bán vé xe buýt đón từ ga đến các điểm lưu trú với giá 30.000 đồng một khách.
Để đi lại thuận tiện giữa các điểm tham quan, bạn nên thuê xe máy với giá khoảng 220.000 đồng một ngày ( tự trả tiền xăng). Để thuê xe, bạn có thể liên hệ các nhà nghỉ, khách sạn, resort hoặc một số điểm cho thuê tại trung tâm thành phố.

Chỗ ở

Dịch vụ lưu trú ở Phan Thiết phát triển mạnh trong những năm gần đây. Nhiều resort sang trọng có bãi biển riêng phục vụ nhu cầu du khách, chủ yếu nằm ở Mũi Né.
Ngoài ra, khách sạn, nhà nghỉ hay homestay cũng là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tiết kiệm chi phí. Chất lượng dịch vụ của dịch vụ lưu trú hạng trung này cũng tăng đáng kể.
Bạn có thể tìm đến đường Nguyễn Đình Chiểu ở phường Hàm Tiến là nơi tập trung nhiều các điểm lưu trú với đa dạng giá phòng. Hoặc bạn cũng có thể tìm đến các con đường ở trung tâm Mũi Né.

Ăn uống

Nhắc đến ẩm thực Phan Thiết, du khách sẽ phải xuýt xoa trước nhiều món đặc sản hấp dẫn, đa phần là hải sản. Dưới đây là một số gợi ý:
- Bánh canh chả cá: Món ăn không mấy khác biệt so với ở nơi khác. Nước lèo được nấu từ những con cá tươi ngon, ninh nhừ nên có vị ngọt, thơm. Tùy quán mà đầu bếp sẽ chiên hoặc hấp chả cá để ăn kèm với bánh mềm, trắng và dẻo.
- Bánh căn: Điểm nhấn khiến hương vị bánh căn ở vùng đất này khác với nhiều nơi là bánh được nướng chín trong lò gốm của người Chăm. Có nhiều nhân khác nhau như tôm, mực, trứng. Món ăn có cách chế biến khá đơn giản, thích hợp cho bữa sáng.
- Gỏi cá: Món ăn dễ dàng tìm thấy trong các nhà hàng hải sản ven biển. Người nơi đây thường dùng cá suốt, cá mai hoặc cá đục để làm gỏi. Vị chua, cay, giòn, tươi của món ăn kết hợp hài hòa với cá biển.
- Dông cát: Loài vật này thường được nướng để làm đồ nhắm khi uống bia. Nhiều nơi cũng chế biến thành gỏi.
6-2153-1532436423.jpg
Slide
Ngoài các món phổ biến trên, bạn có thể tìm ăn bánh tráng nướng mắm ruốc, lẩu thả, gỏi ốc giác, răng mực nướng, chả lụi Hàm Tân, bánh hỏi lòng heo, bánh quai vạc, bánh rế, cá lồi xối mỡ, cá bò hòm...
Khách cũng có thể dạo quanh các khu chợ để chọn mua loại hải sản tươi ngon mang về trực tiếp nấu nướng, tổ chức tiệc ngoài trời. Bạn vừa có thêm trải nghiệm khám phá cuộc sống người địa phương tại các khu chợ, vừa tiết kiệm chi phí lẫn chủ động hơn cho thực đơn của mình.

Điểm tham quan

"Bản đồ du lịch" của Phan Thiết chia thành 4 khu vực chính: trung tâm thành phố, Mũi Né, Mũi Kê Gà và Hòn Rơm. Xuất phát từ một trong bốn địa điểm này, bạn có thể chọn khám phá các địa danh nổi tiếng khác tại Phan Thiết.
Trung tâm thành phố Phan Thiết nằm trên tuyến quốc lộ 1A, nổi bật với những khu vui chơi, ẩm thực sầm uất ở hai bên bờ sông Cà Ty. Vào buổi chiều, khu vực này trở nên nhộn nhịp nhờ không khí mát mẻ, khách có thể tản bộ và thưởng thức ẩm thực.
Mũi Né hay còn được biết tới là “Làng Tây” của Phan Thiết. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch nước ngoài. Đã đến đây, bạn sẽ không thể bỏ qua làn nước biển xanh trong hoặc trải nghiệm đón tia nắng sớm mai len lỏi qua những rặng dừa chao nghiêng dưới nắng.
Ngoài biển xanh, những đồi cát mênh mông trải dài như bất tận là điểm đến không du khách nào bỏ qua khi đã có dịp đến Mũi Né. Người ta ước tính được cát có hơn 18 màu sắc thay đổi theo ngày và giờ tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo. Người ưa vận động có thể chơi trượt ván cát hoặc phi xe tốc độ trên đồi cát.
Cách Mũi Né không xa đó là Hòn Rơm. Bãi tắm dài hơn 17 km có nước xanh trong vắt, không có đá ngầm là điểm nhấn của khu này. Trải nghiệm hút khách tại Hòn Rơm là ngắm khoảnh khắc mặt trời mọc và lặn trên những bãi cát phẳng lặng.
Còn với Mũi Kê Gà, nơi này cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và bình dị, cùng đời sống của người dân địa phương. Tại đây, du khách cũng có thể tắm biển, phơi nắng và tham gia các hoạt động đốt lửa trại, tiệc ngoài trời…
Chụp hình check-in cùng ngọn hải đăng hơn 100 tuổi hay vượt qua 184 bậc thang để lên đỉnh ngọn hải đăng, thu vào tầm mắt không gian bao la sẽ là trải nghiệm bạn không nên bỏ qua.

Dưới đây là một số điểm dừng chân nổi bật:

  • Công viên Tượng Cát nằm ngay trung tâm thành phố do các nghệ nhân nước ngoài sáng tác. 
  • Núi Tà Cú là nơi thích hợp với người ưa mạo hiểm khi phải vượt qua hơn 1.000 bậc thang.
  • Trường Dục Thanh là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước Bình Thuận lập ra vào năm 1907. Hiện trường còn giữ nhiều kỷ vật nguyên vẹn để phục vụ du khách. Nơi này cũng từng là ngôi trường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân và dạy học trước khi vào Sài Gòn.
  • Tháp Po Sah Ina là một cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn với nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
  • Bãi biển Đồi Dương ít ồn ào nằm cạnh trung tâm thành phố Phan Thiết.
  • Bãi Rạng là bãi tắm đẹp nhất của thành phố Phan Thiết nổi tiếng với những rặng dừa dày đặc.
  • Bàu Trắng khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp hồ nước lấp lánh ánh bạc dưới ánh mặt trời rực rỡ, những cánh sen hồng thấp thoáng, lấp ló sau những chiếc lá xanh tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
  • Hòn Ghềnh là nơi bạn sẽ nhìn thấy một bên là Mũi Né trải dài, một bên là Hòn Rơm xanh mát. Tại đây, bạn có thể lặn ngắm san hô.
  • Suối Tiên có cảnh quan một bên là những dãy núi cát trắng đỏ xen lẫn vào nhau, bên còn lại là những bụi cây lá um tùm, hàng dừa râm mát.
  • Bãi đá ông Địa trải dài trên biển với những hòn đá lớn nhỏ, nhiều hình thù khác nhau.
  • Đảo Phú Quý là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận, đảo có khung cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp nhưng du lịch chưa mấy phát triển. 
  • Cù Lao Câu là một đảo vắng thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Nơi này hiện lên như một chiến hạm lớn, xung quanh bao bọc bởi hàng vạn khối đá với nhiều màu sắc và hình thù.
  • Cổ Thạch nổi tiếng với “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”.
  • Gành Son cách Cổ Thạch khoảng 5 km, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Buổi sáng sớm hoặc xế chiều là lúc biển lặng, từ trên gành, du khách có thể quan sát toàn cảnh sinh hoạt của làng chài.
  • Chùa Hang được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX, có tên là Cổ Thạch Tự. Chùa nằm trong hang động trên một ngọn đồi cao trên 64 m, thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Lưu ý

- Chuẩn bị áo khoác, ô (dù) khi tham quan đồi cát; trang phục gọn nhẹ khi tham gia các hoạt động ngoài trời; trang phục kín đáo nếu đến các công trình tôn giáo.
- Nếu ra đảo cần chú ý:
  • Tàu biển chạy theo lịch cố định trong từng tháng nên du khách nên đặt trước vì vé hết rất nhanh. Bạn có thể theo dõi thêm lịch tàu chạy tại trang thông tin của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, ở phần thông báo.
  • Một ngày chỉ có 1-2 chuyến xuất phát mỗi chiều, nếu trễ giờ tàu chạy bạn sẽ phải đợi chuyến tiếp theo vào ngày hôm sau.
  • Vì đường biển khó đi, nhân viên tàu sẽ phát sẵn túi nylon phòng say sóng trước khi khởi hành. Người có tiền sử hay bị say tàu xe hãy uống thuốc và chuẩn bị nhiều túi nylon, người khỏe mạnh cũng có thể say nếu biển động.
- Mùa hè và ngày lễ du khách đổ về Mũi Né rất đông, du khách nên đặt trước phòng hoặc tránh du lịch vào thời gian cao điểm.
Ảnh: Vũ Patrick, Hồng Hà, Tính Phú Quý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét