Những câu chuyện đầy bí ẩn xoay quanh ngôi đền cũng như lễ hội vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Trước và sau khi kết thúc lễ hội đều có mưa lớn, kiệu bay, đoàn người khiêng kiệu phải chạy theo, thậm chí là đu bám nhưng vẫn không hề ngã. Đó là những hiện tượng tâm linh mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp nào thỏa mãn về ngôi đền Tân La và Lễ hội đền Tân La tại thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên.
Ngôi đền linh thiêng…
Theo lời kể của ông Thịnh - Ban di tích đền Tân La, đền Tân La thờ Bát Nàn tướng quân, tên thật là Vũ Thị Thục, một vị tướng xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.Vũ Thị Thục là một người con gái nổi tiếng xinh đẹp, võ nghệ giỏi. Do không cưới được bà, Thái thú Giao chỉ lúc đó là Tô Định đã giết hại cha mẹ bà và cho quân lùng bắt Thục Nương. Bà đã chạy thoát ra phía sông Hồng, xuôi thuyền đến vùng Tân La thuộc đạo Sơn Nam (nay là Tân La, xã Bảo Khê, Hưng Yên). Tại đây, bà đã chiêu binh mãi mã, huấn luyện quân thủy, bộ, tích trữ lương thảo.
Mùa xuân năm 40 của thế kỷ XX, Hai Bà Trưng chuẩn bị khởi nghĩa ở Mê Linh đã cho sứ giả đem hịch đến vời Thục Nương đưa quân bảo hộ gia nhập đội quân khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo. Bà được phong là Bát Nàn Đại tướng quân Trinh Thục Công chúa. Khi Hai Bà Trưng tự vẫn trong cuộc chiến với quân Mã Viện, Vũ Thị Thục rút quân về vùng Tân La chiến đấu. Bát Nàn tướng quân mất ngày 16/3 năm Quý Mão (năm 43). Để ghi nhớ công lao của bà, nhân dân vùng Tân La đã lập đền thờ, tuy nhiên ban đầu quy mô còn khá nhỏ.
Đền Tân La, TP Hưng Yên
Dân gian kể rằng, trong một đêm ngủ tại đền, ông Lãnh Thành (?) nghe thấy tiếng hổ gầm. Ông cho rằng ngài linh thiêng hiển linh ở đây nên đã xin nhân dân xây dựng đền Tân La lớn như hiện tại. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp bao lần có ý định phá đền nhưng đều không thành. Không biết vì lí do gì nhưng chỉ cần lính Pháp bước chân vào cửa đền là như người bị thôi miên, mất hồn. Ông Thịnh kể: “Lính nó cứ đờ cả ra nên dân quân mình mới bắn được”. Nhân dân ở đây tin rằng Bát Nàn tướng quân đã hiển linh nên năm lần bảy lượt, thực dân Pháp vẫn không thể thực hiện được dã tâm của mình.
Và những điều lạ lùng ở lễ hội
Ngày hội chính của Lễ hội đền Tân La là 5,16 và 17 tháng ba âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay để phục vụ lượng khách thập phương đến cúng bái thì di tích đã được mở cửa từ đầu tháng. Điều kì lạ là những ngày đầu tháng, trước khi diễn ra hội chính bao giờ trời cũng mưa rất lớn. Mưa thường kéo dài gần một tuần lễ, sau đó trời lại nắng ráo thuận lợi. Người dân địa phương nơi đây gọi là mưa dội cửa đền.
Các cụ trong làng lí giải, tháng ba là mùa lễ chính nên trước khi hội chính diễn ra, trời làm mưa để thanh sạch, gột rửa những bụi bẩn và chuẩn bị cho những ngày lễ linh thiêng. Sau khi lễ hội kết thúc cũng có một trận mưa lớn gọi là mưa đóng cửa đền. Ông Thịnh khẳng định chắc chắn rằng từ lúc ông nhận thức được thì chưa năm nào hội đền Tân La không có hai trận mưa như vậy. Mưa bao giờ cũng trùng vào thời điểm mở đầu và kết thúc của lễ hội.
Những chuyện huyền bí vào những ngày lễ hội ở đền cũng chỉ có những cụ cao tuổi mới nắm rõ. Trước đây, đêm đêm các cụ trông đền thường thấy một đôi rắn mào đu vắt ở các thanh xà, gần phía bài vị nhưng rất lành, không bao giờ cắn người. Nhân dân nơi đây vẫn gọi là thánh hiển linh. Vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, nhân dân rước bát nhang từ đền Tân La, qua đình Ba Nóc trình ông Thành Hoàng làng và xuống dưới chùa Hoàng Bà. Đến ngày 17, tiếp tục rước lại bát nhang từ chùa Hoàng Bà về đền.
Người khiêng kiệu phải là nam chưa vợ và gái chưa chồng. Người dân cho rằng họ phải là những người đồng trinh, như vậy mới đủ “sạch sẽ” để rước bát nhang về chùa. Nếu ai vi phạm điều này, khi hô lễ bắt đầu sẽ bị ngã hoặc ngất. Người dân ở đây cho rằng họ bị thánh vật, thánh quở.
Một hiện tượng khó giải diễn ra trong lễ hội là kiệu bay, kiệu quay. Thông thường khi rước kiệu từ cửa đền ra kiệu sẽ quay một vòng. Trên đường đi vào những chỗ ngã ba, ngã tư thì kiệu sẽ quay. Và mặc dù phía trên kiệu có bài vị, có am đựng nước nhưng không bao giờ bị rơi. Ông Dạnh, một người cao tuổi trong làng khẳng định: “Ngài đã ngự rồi thì kiệu có bay đến mấy cũng không đổ”.
Huyền tích về sự ra đời của đền Tân La gắn với bà Đào Thục Nương là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, những câu chuyện đầy bí ẩn xoay quanh ngôi đền cũng như lễ hội vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Theo PLVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét