Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Gian lận trong thi cử ngày xưa



Xóa bỏ 'Sinh đồ ba quan'

Ngày nay vẫn còn tồn tại thành ngữ 'Sinh đồ ba quan' - nhằm chỉ các cống sĩ chữ nghĩa ù ù cạc cạc, văn dốt vũ dát, từ tệ nạn gian dối trong thi cử mà ra.
Quang cảnh trường thi 
năm 1895 /// Ảnh: Tranh trích trong tập Technique du peuple Annamite của Henri Oger - 1909
Quang cảnh trường thi năm 1895
ẢNH: TRANH TRÍCH TRONG TẬP TECHNIQUE DU PEUPLE ANNAMITE CỦA HENRI OGER - 1909

Khoa cử VN từ đời nhà Đinh, nhà Lê trở về trước rất khó khảo cứu, ngay cả trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) cũng chỉ viết: “Khoa cử bấy giờ còn thiếu, triều đình dùng người không câu nệ, không theo phép tắc cụ thể nào, sự cân nhắc còn rộng rãi, mà thực ra nội quy thi cử cũng chưa được tường. Điều này cũng dễ hiểu vì bắt đầu xây dựng, sự thể cũng phải như vậy”. Phải đợi đến năm 1010 với sự ra đời của triều Lý, từ quốc hiệu Đại Cồ Việt đổi thành Đại Việt, chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, việc khoa cử chọn nhân tài mới bắt đầu được chú ý đến. Dù vậy, khoa cử chưa định lệ rõ ràng.
Trải qua các triều đại, khoa cử ngày càng hoàn thiện, chỉn chu hơn, nhưng phải đến đời vua Lê Thái Tông (1433 - 1442) mới quy định 3 năm mở một khoa, phải thi qua 4 trường khác nhau (hoặc gọi là 4 kỳ). Nhà bác học Phan Huy Chú cho biết: “Phép ấy truyền thành quy mãi mãi”; và “về sau phép thi càng trở thành nghiêm ngặt”.
Một trong những sự kiện quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến nền nếp của khoa cử, là việc vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ban hành bộ luật Hồng Đức - gồm 6 quyển, 722 điều. Đến nay, đây vẫn được xem là bộ luật hoàn chỉnh nhất thời phong kiến ở nước ta - trong đó, có quy định rõ ràng, rành mạch về vấn đề liên quan đến giáo dục. Phan Huy Chú có nhận xét xác đáng: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp”.
Có đức hạnh mới được đi thi
Để không bỏ sót nhân tài, khi có chiếu chỉ của nhà vua, các làng xã lập bản thống kê những người có học để nộp lên cho huyện, dù người đó chưa đến 18 tuổi. Huyện rà soát danh sách rồi nộp lên cho cơ quan phụ trách giáo dục là hai ty Thừa, Hiến. Số thí sinh dự thi Hương quá đông nên bước đầu có cách loại bớt như thi sát hạch là môn ám tả - thí sinh nghe đọc rồi viết lại đúng mặt chữ hoặc phải viết một đoạn trong Tứ thư hoặc Ngũ kinh mà họ đã nhớ thuộc lòng. Ai làm được thì mới được tiếp tục thi. Cũng giống như sau này thi Hội, các thí sinh phải lần lượt thi 4 kỳ, đậu kỳ trước mới được thi kỳ sau.
Thế nhưng không phải ai có học cũng được đi thi, chẳng hạn, vua Lê Thánh Tông quy định cụ thể: Các quan địa phương phải đảm bảo thí sinh là người có đức hạnh thì mới được khai báo vào sổ ứng thí. Những kẻ bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa; những nhà làm nghề hát xướng cùng là nghịch đảng ngụy quan và người có tiếng xấu thì bản thân và con cháu dẫu có học vấn cũng không được vào thi…
Khi đi thi, thí sinh làm văn phải hồn hậu, đầy đủ, nếu ý nghĩa nông nổi và bài viết giống nhau thì bị đánh hỏng. Thí sinh đem theo tài liệu; “cóp pi” bài người khác; không viết được chữ nào hoặc làm bài mà xóa nhiều quá thì bị đuổi khỏi trường thi. Kẻ nào bạo gan thi thay người khác bị trị tội, suốt đời không được đi thi.
“Tiền thông kinh”
Theo năm tháng, dù quy định nghiêm ngặt, nhưng rồi do nhiều lý do, việc tuyển lựa “đầu vào” cũng xảy ra những việc gian dối. Cụ thể, Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Năm 1750, cho mọi người nộp tiền vào thi Hương. Trước đây, khi mới trung hưng, mỗi người đi thi nộp 5 tiền gọi là “tiền thông kinh”, để chi tiền ăn cho hiệu quan ở huyện. Từ thời Thái Bảo thi hành phép điệu, phí tổn về tiền thi đều lấy ở tiền công, “tiền thông kinh” này cũng nộp nhưng để chi phí vào việc làm trường và sắm đồ dùng cho quan trường”.
Trong thời điểm này, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra như Hoàng Công Chất, Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương… Chiến tranh liên miên, kho ngân quỹ của nhà nước ngày càng kiệt quệ. “Đến bấy giờ, Thự phủ Đỗ Thế Giai cho rằng dụng binh tiêu phí nhiều, tiền tài nhà nước thiếu thốn, cho mỗi người nộp tiền
3 quan, không phải khảo hạch, đều được vào thi, cũng gọi là “tiền thông kinh”. Vì thế, người làm ruộng, người đi buôn cho chí người hàng thịt, người bán vặt cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, thay nhau làm bậy, không còn biết phép thi là gì”.
Sự việc tồi tệ này diễn ra vào lúc Minh Vương Trịnh Doanh đem quân đi đánh dẹp Nguyễn Doanh Phương. Lúc thắng trở về, nghe xôn xao trong dư luận sự việc nhố nhăng này, ông giận quá bắt các cống sĩ phải thi lại hết. Kết quả là hơn phân nửa rớt như sung rụng. Các quan viên đề điệu, giám thí, giám khảo đều bị giáng và bãi chức. Từ đó, trong dân gian mới có câu mỉa mai “Sinh đồ ba quan” là vậy. Sau này, dưới đời vua Quang Trung, thay mặt nhà vua viết chiếu về việc lập nhà học, danh sĩ lỗi lạc Ngô Thì Nhậm cũng chống lại việc nộp tiền để được đi thi Hương và ấn định: “Sinh đồ ba quan nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu dịch”.
Việc chấn chỉnh trong khoa cử, thời nào cũng có. Chẳng hạn, năm 1664, vua Lê Huyền Tông cũng đã từng cho thi khảo hạch lại các sinh đồ. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn cho biết: “Lúc ấy, số người dự thi bị đánh hỏng đến quá nửa”.

Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ

'Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tinh vi thì không lấy được thực tài', câu nói của vua Lê Hiến Tông (trị vì 1498 - 1504) vào năm 1499, xét ra thời nào cũng đúng.
Lớp học ngày xưa
 /// Ảnh: Tranh trích trong tập Technique Du Peuple Annamite Của Henri Oger – 1909
Lớp học ngày xưa
ẢNH: TRANH TRÍCH TRONG TẬP TECHNIQUE DU PEUPLE ANNAMITE CỦA HENRI OGER – 1909



Từ một “bạch diện thư sinh” muốn lều chõng nên danh phận, thì trước hết phải qua kỳ thi khảo hạch. Đời Lê quy định nếu lấy bừa, không đúng thực chất thì quan chức phủ doãn và hai ty Thừa, Hiến lo về giáo dục phải chịu phạt. “Một tên thì phạt 3 quan tiền quý, 10 tên trở lên thì phạt tội nặng”, Lịch triều hiến chương loại chí cho biết. Sau khi sàng lọc, nhằm loại bỏ những ai không đủ khả năng, các thí sinh còn lại được lều chõng thi Hương.
Hình phạt nặng cho người gian lận thi cử
Trước ngày thi, các giám quan còn phải khám xét trong khu vực thi của thí sinh cắm lều, có chôn giấu sách vở gì không... Theo lệ thời Lê, nếu ai đem những bản sao chép văn chương, sách vở hoặc đi thi hộ người khác thì bị bắt đem xét hỏi - những kẻ phạm tội kể trên phải sung quân ở bản phủ 3 năm và suốt đời không được đi thi. Những giám quan mà không minh chính, không làm tròn phận sự thì bị giáng chức. Lệ này, đến thời nhà Nguyễn vẫn không thay đổi, dù hình phạt có khác.
Gian lận trong thi cử ngày xưa: Tuồn đề thi cho thí sinh, đi thi hộ - ảnh 1
Hội đồng giám khảo gồm các quan chủ khảo tề tựu tại trường thi cuối thế kỷ 19
ẢNH: T.L
Khoa thi năm 1717, Nguyễn Quý Thành - giám khảo trường thi Hương Phụng Thiên đã tuồn đề thi ra ngoài, bị bãi chức. Còn thêm tệ hại gian dối nữa là do cách ra đề thi. Theo Phan Huy Chú, suốt thời gian dài, hết khoa thi này đến khoa thi nọ: “Quan trường ra đề dùng tứ thư, sử, tứ lục, độ hơn 10 bài; phú độ 5, 3 bài, đầu đề đặt sẵn không có gì thay đổi, gọi là “sử thư”. Bọn học giả phần nhiều làm bài sẵn đem bán. Học trò đi thi, trước hết hỏi mua lấy những bài học ấy học thuộc lòng, hoặc giấu đem vào trường, cứ thế mà viết. Quan chấm trường cứ theo văn mà lấy đỗ, trùng kiến cũng mặc, cho nên việc mang sách vào trường hay mượn người làm thay dẫu có ngăn cấm, mà người đỗ vẫn không có thực tài”.
Thi không nghiêm sẽ tổ chức thi lại

Dù có kết quả thi nhưng nếu dư luận xì xào, biếm nhẽ cười cợt do thi cử không nghiêm, lập tức triều đình cho tổ chức thi lại. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi: “Năm 1726, Nguyễn Công Đài, Bạo quận công, có tờ khải là khoa này lấy đỗ phần nhiều nhũng lạm nên triều đình bắt thi lại ở bến sông bằng một bài văn sách, đánh hỏng 17 người kém quá, lúc ấy con trai thượng thư Lê Anh Tuấn và con thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm đều không hợp cách. Năm 1747, vì dị nghị sĩ tử sôi nổi nên triều đình hạ lệnh thi lại, đánh hỏng hơn 10 người… Vì khảo hạch không tinh tường nên đề điệu, giám thí ở trường thi và các xứ bị giáng chức hoặc bị phạt”.
Trước lúc thí sinh vào trường thi, thời nhà Lê, có lệ xã trưởng phải đích thân nhận mặt có đúng người hay kẻ khác thay thế, thi hộ. Năm 1645, Hồ Sĩ Dương thi Hương đỗ đầu. Nhưng năm 1648, ông lại đi thi hộ người khác. Sự việc phát giác, ông bị sung quân ngũ mấy năm, đánh tuột cả học vị Hương cống đang có, vì thế ba năm sau, ông lại phải thi Hương lần nữa; hoặc có thí sinh bị cấm thi trong nhiều năm…
Kỳ thi Hương năm 1858, trong đám học trò con nhà quyền quý mà dốt nát có kẻ đã mướn Tôn Thọ Tường thi hộ. Không rõ Tôn nhận lời vì nghèo túng, hay chơi ngông. Nhưng rồi sự việc bị bại lộ, Tôn bị bắt giải về kinh để đợi ngày nhà vua xét tội. Trên đường đi ra Huế, Tôn làm bài thơ than thở, có câu: “Vì nhà túng rối nên quyền biến/Phép nước răn he há dám khinh”. Vua Tự Đức thương tình tha tội.
Trường hợp của Phan Bội Châu lại khác. Mới 16 tuổi, cụ đã đỗ đầu xứ trong kỳ thi hạch tuyển thí sinh ở trường thi Nghệ An. Với học lực này, ai cũng tin cụ sẽ dễ dàng đỗ đầu khoa thi Hương năm 1897. Oái oăm thay, trước lúc vào thi có người bạn lén bỏ vào tráp của cụ mấy quyển sách để tiện tra cứu khi làm bài. Cụ hoàn toàn không biết chuyện này. Do đó, khi vào thi, người lính gác đã soát lều chõng và tráp của cụ, cụ bực mình nói xẵng: “Ta đã đậu đầu xứ ở tỉnh Nghệ, đời nào lại thèm mang sách vào”. Người lính vẫn cứ làm theo quy định chung. Nào ngờ trong tráp của cụ đã có kẻ lén bỏ sách vào thật! Cụ điếng người. Trước sự chứng kiến đông người, cụ đã bị hội đồng thi kết tội “Hoài hiệp văn tự” (mang theo sách vở) với án “Chung thân bất đắc ứng thí” (trọn đời không được đi thi).
Trước nỗi oan này, không những sĩ tử mà ngay cả thầy Nguyễn Thức Tự - người dạy Phan Bội Châu - cũng tặc lưỡi than: “Kỳ oan nan bạch” (Oan khúc lạ lùng, khó mà biện bạch cho được). Để biện minh cho sự trong sạch của mình, cụ lặn lội vào kinh đô Huế để tìm cơ hội giải oan. Do cảm phục tài năng của cụ, nên Tế tửu Quốc tử giám là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh và một số quan lại đã vận động triều Nguyễn xóa án này. Khoa thi năm 1900, cụ Phan Bội Châu ra ứng thí đã đỗ Giải nguyên.

 Tráo bài, sửa bài lúc chấm thi

Dù quy định nghiêm cẩn, rạch ròi đâu ra đó nhưng vẫn xảy ra sự gian lận lúc chấm thi.
Thí sinh bị phạt đeo gông trước trường thi /// Ảnh: Tranh trích trong tập  Technique du peuple Annamite của Henri Oger - 1909
Thí sinh bị phạt đeo gông trước trường thi
ẢNH: TRANH TRÍCH TRONG TẬP TECHNIQUE DU PEUPLE ANNAMITE CỦA HENRI OGER - 1909
Quy định nghiêm cẩn lúc thi
Vừa dựng xong lều, chưa kịp nghỉ ngơi đã nghe vang vọng tiếng trống “ra đầu bài”, các thí sinh (TS) nhanh chân ra ghi đề và trở lại lều của mình để làm bài. Phải làm bài bằng quyển thi nhận từ tay người lại phòng trước khi vào trường thi, trong đó có đóng dấu “giáp phùng” - để TS không thể tráo những tờ khác vào và phải viết đè lên chỗ đóng dấu. Nếu TS viết sai, muốn xé bỏ một tờ trong đó thì phải lấy giấy đóng thành quyển thi khác và xin quan trường đóng dấu lại. Dù phải viết đè lên dấu “giáp phùng”, nhưng tuyệt đối cấm “đồ, di, câu, cải” tức là tẩy xóa, sửa chữa... nếu không sẽ bị tội “thiệp tích” vì bị nghi ngờ có ý đồ đánh dấu thông đồng với quan chấm thi.
Trong thời gian làm bài, khi có tiếng trống báo hiệu, TS phải cầm bài thi chạy nhanh ra nhà Thập đạo để “lấy dấu nhật trung”. Đây là chứng cứ bài làm tại trường thi chứ không phải viết sẵn ở ngoài đưa vào; và TS không được viết đè lên dấu này. Lúc trời về chiều thì có tiếng trống “thu quyển” - tức nộp quyển thi. Bấy giờ, trước khi đem nộp, TS phải cộng các chỗ mà mình đã “đồ, di, câu, cải” và viết dưới chữ “cộng quyển nội” - để phòng quan trường gian lận chữa thêm vào. TS nộp bài xong, hòm đựng bài thi được niêm phong và khiêng vào nhà Thập đạo, khóa bằng sắt, canh phòng cẩn mật.
Phạt nặng người chấm thi tráo, sửa bài
Dù quy định nghiêm cẩn, rạch ròi đâu ra đó nhưng vẫn xảy ra sự gian lận lúc chấm thi. Sử còn chép lại vụ lùm xùm, ầm ĩ liên quan đến con trai Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Trong khoa thi Hội năm 1778, giám sinh Đinh Thời Trung đã đổi quyển văn cho Lê Quý Kiệt. Sự việc bị phát giác, Thời Trung bị đày đi xa (có sách nói là đi Yên Quảng, Quảng Ninh ngày nay); Quý Kiệt bị đuổi về làm thứ dân. Bấy giờ, dân gian có câu châm biếm, mỉa mai (dịch nghĩa): “Thời Trung bị phát phối làm chấn động văn phong vùng Yên Quảng/Quý Kiệt về làm dân tăng thêm suất đinh cho đất Duyên Hà”.
Bi thảm hơn là trường hợp Hội nguyên Ngô Sách Tuân bị tội giảo, tức phải thắt cổ chết. Năm 1696, ông can tội vì xin chấm bài cho một thí sinh thi Hương. Còn Nguyễn Trật sau khi đỗ thi Hội vào năm 1623, lúc vào thi Đình, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trật ngầm mượn người làm bài, việc phát giác, vương không bằng lòng, cho nên khoa ấy không treo bảng”.
Lén lút đem tài liệu vào trường thi cũng từng xảy ra. Năm 1826, Đặng Tế Mỹ bị phát giác, nhân việc này, bộ Lễ xin tăng mức phạt cao hơn nữa. Tế Mỹ là người đầu tiên bị hình phạt đóng gông trong 1 tháng, sau đó bị đánh bằng trượng rồi mới được tha. Ngoài ra, Mỹ cũng bị tước bằng cử nhân. Chi tiết này cho thấy, nhà Nguyễn rất nghiêm minh xử lý gian lận trong thi cử.
Ngay cả TS, nếu thông đồng với quan trường để đổi quyển thi cũng bị phạt nặng. Khoa thi Hương năm 1834, hai ông Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Thái Để sau khi lo lót được quan trường “bật đèn xanh” cho thay quyển thi cũ đã bị đánh hỏng. Sự việc vỡ lở, cả hai bị tước học vị cử nhân. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi mở ân khoa, thế nhưng họ vẫn không được thi. Mãi gần mười năm sau, họ mới được thi lại và đỗ đến tiến sĩ, thám hoa.
Trường quy thời xưa rất nghiệt ngã, hà khắc với những quy định như “trọng húy” (không được dùng bất cứ chữ gì có dính dáng đến tên nhà vua), “khinh húy” (tên những bà vua, mẹ vua, hay tiên tổ lâu đời của nhà vua)... Đã từng lều chõng nên danh sĩ Cao Bá Quát rất thấm thía điều này, và bản thân ông cũng ngầm phản đối trường quy. Khi công tác ở Bộ Lễ, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Nhận thấy nhiều bài thi khá nhưng lại phạm quy vì các lỗi lặt vặt, sơ suất nhỏ, không muốn người có tài bị đánh rớt, ông bàn với người bạn là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Chẳng may thiện ý này bị phát giác, Cao Bá Quát bị tống vào ngục. Vua Thiệu Trị giảm tội ông từ trảm quyết xuống giảo giam hậu. Trong thời gian bị tù ngục, Cao Bá Quát bị nhục hình, tra tấn dữ dội. Ông đã viết nhiều bài thơ thống thiết kể lại tháng ngày tàn khốc này như Thiên vịnh cái gông dài, Bài ca cái roi song… Sau gần ba năm bị giam cầm, Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị chuyển vào Đà Nẵng, cho đi “dương trình hiệu lực” - tức lúc phái đoàn triều đình công cán nước ngoài, phạm nhân được đi theo phục dịch để lấy công chuộc tội.
Khi khảo cứu về Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở VN thời phong kiến (NXB Giáo Dục, 1998), nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cường kết luận: “Cuộc đấu tranh chống thi gian là cuộc đấu tranh trường kỳ không lúc nào được lơi lỏng, nếu còn tổ chức thi còn thi gian, phải chống lại để đảm bảo công bằng thi cử, chọn được đúng người giỏi, dùng đúng người vào đúng việc” (tr.325).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét