Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Tiềm năng du lịch từ vùng gốm sứ Đông Nam bộ


“Gốm sứ và du lịch” ngày nay đang là một sự kết hợp hoàn hảo thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống.
Tiềm năng du lịch từ vùng gốm sứ Đông Nam bộ
Chậu hoa Ảnh: SGTT
Với quan niệm mới: du lịch là ngành “công nghệ di sản”, các tỉnh miền Đông Nam bộ đã phát triển nhiều loại hình du lịch hướng đến việc tuyên truyền, khai thác những di sản văn hoá của địa phương. Có thể nói các làng nghề truyền thống, những cơ sở sản xuất gốm sứ dân dụng và mỹ nghệ là những điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, những người có nhu cầu tìm hiểu về gốm sứ Việt Nam.
Lịch sử và đặc trưng gốm cổ Đông Nam bộ chính là di sản văn hoá phi vật thể, bên cạnh di sản vật thể là những sưu tập cổ vật gốm Sài Gòn, Lái Thiêu, Biên Hoà… đang được nhiều bảo tàng và nhiều người sưu tầm, lưu giữ. Quá trình khai phá vùng đất Nam bộ từ thế kỷ 17 cho đến nay cũng là quá trình hình thành và phát triển một loại gốm mới ở miền Đông Nam bộ. Vùng phân bố của gốm này hiện thuộc địa bàn của TP.HCM và hai tỉnh lân cận Đồng Nai và Bình Dương. Một số nhà nghiên cứu gọi chung loại gốm sản xuất ở đây từ đầu thế kỷ 20 trở về trước là gốm Sài Gòn, gồm có sản phẩm của “xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, gốm Biên Hoà và gốm Lái Thiêu.
Xóm lò gốm Sài Gòn xưa
Trên bản đồ Phủ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi địa danh “Xóm Lò gốm” – một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa, ngày nay thuộc địa phận các quận 11, quận 6, quận 8. Trên địa bàn này còn có kênh, rạch mang tên Lò Gốm và những tên liên quan đến nghề làm gốm như (đường) Lò Siêu, (đường) Xóm Đất… Tên Lò Gốm này thấy trên sách Gia Định thành thông chí (1820). “Từ năm 1772 con kênh Ruột Ngựa được đào để nối liền từ Sa Giang ra phía bắc đến Lò Gốm”. Dấu tích còn lại là di tích lò gốm cổ Hưng Lợi (phường 16, quận 8) và khu lò gốm Cây Mai (quận 11).
Khu lò Hưng Lợi: sản xuất từ khoảng giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Sản phẩm giai đoạn sớm chủ yếu là đồ sành gia dụng như lu, hũ, chậu,… Giai đoạn hai, sản phẩm có in tên lò “Hưng Lợi diêu” gồm các loại đồ “bỏ bạch” (bên ngoài không tráng men) và loại bên trong có tráng men như nồi siêu. Các loại đồ gốm có men màu như: hộp, chậu, hũ… các kiểu có men nhiều màu và trang trí hoa văn… Giai đoạn muộn sản xuất các loại bát, dĩa, ấm, ly uống trà… với men trắng vẽ men lam; những sản phẩm này rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của cư dân Sài Gòn và cư dân Nam bộ xưa.
Tiềm năng du lịch từ vùng gốm sứ Đông Nam bộ
Bình rượu Ảnh: SGTT
Dấu tích khu lò gốm Cây Mai nằm ở sau chùa Cây Mai. Loại sản phẩm độc đáo và đặc trưng của gốm Cây Mai sản xuất vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là gốm men màu. Đây là loại gốm cao cấp có men màu khá phong phú như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng gồm nhiều kiểu loại phục vụ cho sinh hoạt như tô, chén, dĩa, muỗng… Và các dòng gốm trang trí như đôn, chậu kiểng; gốm thờ phụng tôn giáo như lư hương, bát nhang,… hiện còn lưu giữ ở nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian và tư gia.
Có thể nhận diện gốm cổ Sài Gòn qua loại hình tiếu tượng, tượng tròn, các vật thờ trong các đình miếu, hội quán ở Nam Bộ và các sản phẩm dân dụng. Có thể nói gốm Sài Gòn đặc biệt phát triển vào nửa sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, sản phẩm gốm được sử dụng không những ở Nam Bộ mà còn được ưa chuộng ở khắp mọi miền đất nước.
Gốm Biên Hoà
Từ cuối thế kỷ 19 nhiều lò gốm Cây Mai lần lượt chuyển về vùng Biên Hoà, Lái Thiêu. Một số nghệ nhân lão luyện đã có mặt ở trường Mỹ nghệ Biên Hoà, thành lập vào năm 1903. Nửa đầu thế kỷ 20 gốm Biên Hoà trở nên nổi tiếng. Gốm Biên Hoà thiên về trang trí hoa văn dày đặc bao quanh sản phẩm bằng phương pháp vẽ nét chìm hoặc lấy nét chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men không có sự phân biệt giữa men và màu ve. Sản phẩm gốm Biên Hoà khá đa dạng từ đồ gia dụng đến trang trí. Loại choé men đen hoặc men nâu, hoa văn khắc chìm sản xuất ở Biên Hoà còn cung cấp cho các dân tộc Tây Nguyên để đựng rượu cần.
Gốm Lái Thiêu
Ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19, gốm sứ Lái Thiêu có các trường phái Quảng Đông, Triều Châu và Phúc Kiến. Quảng Đông sử dụng men nhiều màu chuyên sản xuất các tượng trang trí; Triều Châu sử dụng men xanh trắng chuyên đồ gốm gia dụng; Phúc Kiến sử dụng men màu đen, men da lươn, chuyên sản xuất choé, lu... Trong đó gốm men nhiều màu Lái Thiêu được sản xuất hàng loạt, hiện nay còn được lưu giữ khá nhiều trong dân gian, trong các bảo tàng cũng như trong các sưu tập tư nhân. Gốm men nhiều màu Lái Thiêu với nguồn nguyên liệu địa phương kết hợp với kỹ thuật truyền thống của người Hoa và cả người Việt đã tạo nên một dòng gốm rất bình dị, dân dã. Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu phong phú, đa dạng nhưng cũng trau chuốt, sinh động. Nội dung đồ án hoa lá là chính, bên cạnh đó tranh vẽ cát tường với hình ảnh con gà trống (Công kê) đã làm cho gốm men nhiều màu Lái Thiêu trở nên quen thuộc trong tâm thức của người dân Nam bộ từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đến ngày nay.
(Theo TS Nguyễn Thị Hậu // SGTT Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét