Sau mỗi mùa lũ có hàng trăm ngư dân ở An Giang qua Campuchia khai thác cá với sản lượng hàng nghìn tấn. Nhờ vậy mà dân nghèo ở địa phương cũng có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập.
Thường khi nước lũ rút đi, các loài cá lại ngược dòng về thượng nguồn. Vì thế hết mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, ngư dân lại mang ngư cụ sang Campuchia “cắm trại” khai thác các loại cá trắng (cá linh, cá trèn, cá mè vinh...) và cá đen (cá lóc, cá bông, cá trê, sặc bổi…). Tuy giá thuê khu vực đánh bắt cá (gọi là lô) khá cao, nhưng chỉ cần trúng một mẻ cá trắng đầu vụ khoảng 200-300 tấn thì coi như ngư dân có thể thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Văn Tùng (Tùng Lô), một ngư dân ở xã Khánh An, cho biết những năm gần đây, tuy sản lượng cá phía Campuchia có giảm nhưng vẫn còn khá dồi dào. Sở dĩ có được như thế là vì ở những nơi làm lô hầu như không có người sinh sống. Có lô nằm dọc theo các nhánh phụ của sông Me Kong nhưng cũng có lô nằm lọt thỏm giữa đồng hoang quanh năm ngập nước. Tất cả lô đều là nơi lý tưởng để cá trú ngụ và sinh sản.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là do chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngay cả việc cá gì được phép đánh bắt tháng nào cũng có quy định rất rõ. Nếu họ phát hiện ngư dân dùng lưới có mắt dày hoặc dùng xung điện để bắt cá theo kiểu tận diệt thì coi như “toi mạng”. Người bị bắt phải bán trâu bò, ruộng rẫy mới có thể đủ tiền nộp phạt, nếu không thì bị giam chẳng biết đến bao giờ mới được thả.
Cũng theo ông Tùng, cứ 3 năm một lần, Bộ Thủy sản Campuchia tổ chức đấu thầu khai thác cá lô với dân bản xứ thuộc 2 tỉnh Takeo và Kandan. Trong đó, Kandan là địa phương có đến 11 lô với tổng chiều dài trên 100 km. Sau đó, ngư dân Việt sang mua lại từ những người này với giá đội lên gấp 10 lần, tương đương 2,4-4 tỷ đồng/lô. Nếu ai ít vốn có thể mua lại phần đồng (phần nhỏ trong lô, diện tích trung bình 20-30 ha) của chủ lô nhưng cũng không dưới 200 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục và giao lô cho các chủ đã trúng thầu, Bộ Thủy sản cùng với chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ cá cho qua mùa sinh sản rồi mới được phép đánh bắt.
Thời gian khai thác được tính từ đầu tháng 10 (âm lịch) năm trước đến tháng 6 năm sau. Vào thời điểm này, các chủ lô, chủ phần đồng cùng với hàng chục nhân công dùng vó gạt để bắt những đợt cá đầu tiên trong năm. Mỗi lô có thể bắt được từ 70 đến 300 tấn cá trắng các loại, nhiều nhất là cá linh già. Sau đợt này, ngư dân sẽ dồn các loại cá đen vào lưới num dưới lòng sông. Num lớn nhất rộng khoảng 100.000 m2 và có thể trữ lại khoảng 300 tấn cá lóc, cá bông…
Đưa cá linh đã được cắt đầu vào máy đánh vảy dưới sông Bình Di. Ảnh: Người lao động. |
Tuy năm nay lũ nhỏ nhưng bù lại cá đen nhiều hơn. Nếu đi xuồng máy qua bên đó vào thời điểm này sẽ thường xuyên bắt gặp cảnh những con cá lóc, cá leo bị giật mình lao thẳng lên mặt nước. "Năm vừa rồi do thu hoạch vội nên tôi chỉ bắt được 140 tấn cá lóc, nhưng vẫn bảo đảm có lời. Cá vừa bắt xong là có thương lái đến mua tận lô và sau đó thanh toán tiền tận nhà nên khỏi phải lo gì cả. Đã vậy mà mình còn có thể bán lại lô sau khi đã đánh bắt cho chủ sau tiếp tục khai thác với giá không dưới 200 triệu đồng. Cá còn nhiều lắm nên bắt hoài mà không hết”, ông Tùng cho biết thêm.
Ông Tùng cho hay sang bên kia biên giới thuê lô đánh bắt thủy sản cũng lắm nhiêu khê. Từ Khánh An đến lô cá khoảng 20 km nhưng phải qua 15 trạm kiểm soát, mỗi nơi phải nộp 20.000 đồng/người/lượt. Còn nếu không muốn bị ăn cắp cá thì mỗi mùa vụ chủ lô phải nộp cho công an xã vài trăm USD. Bởi trước đó nhiều trường hợp hàng trăm tấn cá của ngư dân “không cánh mà bay” chỉ trong một đêm.
Vào những ngày này, dọc bờ sông Bình Di (một nhánh sông Hậu) thuộc xã Khánh An, huyện An Phú, lúc nào cũng sôi động với cảnh hàng trăm dân nghèo ở địa phương và các vùng lân cận tấp nập cắt đầu cá linh cho chủ vựa. Bà Lý Thị Ngọc Sinh, một Việt kiều đang cư ngụ tại xã Becchay, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandan (Campuchia) cho biết, gần 10 năm qua, cứ đến mùa, bà cùng với hơn chục người trong xóm trở về quê cũ ở Khánh An để nhận làm công việc cắt đầu cá linh cho các chủ vựa. Ngày nào cá về nhiều, mỗi người có thể cắt được 6 rổ (gần 150 kg) với số tiền công 90.000 đồng.
“Làm công việc này đòi hỏi phải nhanh và khéo. Có người thích dùng kéo cắt nhưng tôi thì dùng dao chặt nhanh hơn. Hiện nay, ruộng lúa bên Campuchia đang làm đòng nên dân nghèo như tụi tôi thất nghiệp. Mấy tháng cận Tết, nếu không có ai thuê làm việc gì thì khổ lắm”, bà Sinh bộc bạch.
Còn theo bà La Thị Thủy, một chủ vựa, phần lớn nguồn cá linh được lấy tận Phnom Penh nên phải mất 3 ngày mới về đến nơi. Để bảo đảm nguyên liệu tươi nguyên, cá ướp nước đá thật kỹ rồi đóng thùng trước khi đưa lên xe tải vận chuyển đi xa. Khi xe vừa đến khu vực biên giới, đối diện thị trấn Long Bình (huyện An Phú) sẽ có một đội ghe xuồng từ xã Khánh An qua tiếp nhận và đưa về vựa để gia công ngay.
Cá sau khi được cắt đầu sẽ đưa vào máy đánh vảy làm sạch trước khi giao lại cho các cơ sở chế biến mắm ở Châu Đốc. Phần phế phẩm như đầu và ruột cá được những hộ dân nuôi cá lóc đến mua với giá 2.000 đồng/kg. Cũng theo bà Thủy, ở xã Khánh An có đến 4 chủ vựa lớn nhỏ, mỗi ngày có thể thu mua gần 20 tấn cá linh nguyên liệu để làm mắm.
“Nói tiếng là chủ cho sang chứ mình đâu có vốn liếng gì. Khi nào cân bán cho mấy cơ sở làm mắm xong thì mới thanh toán lại với chủ cá. Trừ hết chi phí, mỗi ký tôi lời không tới 1.000 đồng, nhưng cũng vui vì giúp dân nghèo có tiền ăn Tết”, bà Thủy vui vẻ cho hay.
Theo Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét