Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

“Hình xưa bóng cũ” ở Tuy Hòa


PNO - Đi qua nhiều lần, nhưng tôi chưa dừng chân ở Phú Yên lần nào. Hè năm nay, tôi có duyên ghé chơi Tuy Hòa (Phú Yên). Khác với những thị tứ du lịch ồn ào, người lạ đến rồi đi vội vã, Tuy Hòa tạo cảm giác thân quen, yên bình.
     
    Tuy Hòa 2012 – Cầu mới Hùng Vương, cầu thứ ba qua sông Đà Rằng
    Ra khỏi TP. Tuy Hòa về phía Nam, rồi rẽ vào huyện Phú Hòa, theo con đường đất đỏ xưa, nay đã được phủ bê tông, uốn lượn giữa cánh đồng Hòa Trị xanh màu lúa non trù phú, tôi tìm đến ngôi đền thờ “Thần” Lương Văn Chánh. Ông được coi là người đầu tiên đưa 4.000 lưu dân đàng ngoài vào khai phá đất mới, lập phủ Phú Yên, mở cõi về phía Nam từ bốn thế kỷ trước. Trong đền hiện còn giữ đầy đủ bản chính nhiều sắc phong của vua, chúa nhà Nguyễn, phong các tước hiệu cao vọng cho ông. Từ 1996, đền Lương Văn Chánh được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
    Xe của chúng tôi dừng ngoài cổng tam quan mới xây nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011). Cổng tam quan xưa xếp đá tảng vẫn còn, đơn giản và gọn ghẽ, nhỏ nhưng đẹp hơn cổng mới.
    Cổng tam quan xưa
    Gốc bồ đề trong sân đền
    Đền xưa rất nhỏ đã đổ nát hết, chỉ còn lại ba khuôn cửa được gốc bồ đề cổ thụ ôm gọn rất lạ mắt. Ông từ giữ đền khá trẻ, áo dài khăn đóng, xưng là cháu đích tôn nhiều đời của cụ Chánh họ Lương. Anh dẫn chúng tôi vào đền mới hoành tráng, ban thờ gian giữa có một chữ “Thần” viết Nôm, rồi anh thắp hương, đánh hồi trống, hồi chiêng cho khách chiêm bái. Trải bốn thế kỷ, vẫn nguyên vẹn lòng dân kính cẩn biết ơn người mở cõi.

    Tuy Hòa (Phú Yên) có một thắng cảnh được ghi trong các sách hướng dẫn du lịch: Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An. Nhưng, đến đây tôi được biết, có một xóm đạo nhỏ ven đường từ Gành Đá Đĩa trở ra quốc lộ. Đó không chỉ là họ đạo xưa nhất (từ thế kỷ XVII ) ở xứ Đàng Trong, mà còn nổi danh nhờ có nhà thờ nguyên bản hơn trăm năm cực đẹp: Nhà Thờ Mằng Lăng.


    Nội thất nhà thờ Mằng Lăng
    Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng khoảng năm 1892, cùng thời kỳ với Nhà thờ Lớn Hà Nội hay Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tuy ở nơi chốn hẻo lánh, nhưng kiến trúc và trang trí nhà thờ nơi đây lộng lẫy không kém gì các công trình tiếng tăm cùng thời. Mặt trước nhà thờ Mằng Lăng được trang trí các hàng cột, gờ uốn vòng cung, hoa văn tỉ mỉ…toát lên vẻ đẹp hoa mỹ, cầu kỳ. Xen giữa những cột tròn kiểu châu Âu là những cột vuông đình chùa thuần Việt. Thật bất ngờ khi bắt gặp hoa văn các chân cột thuần Việt có đắp nổi trái xoài, trái măng cụt, đặc sản đất phương Nam.


    Mặt trước nhà thờ Mằng Lăng
    Trái cây đắp nổi chân cột
    Đáng quý hơn, nhà thờ Mằng Lăng còn lưu giữ cuốn giáo lý "Phép giảng tám ngày", là cuốn sách cổ đầu tiên in bằng tiếng Việt (tại Italia 1651) của Alexandre de Rhodes tức Cha Đắc Lộ. 


    Hộp kính lưu giữ cuốn sách của Cha Đắc Lộ tại nhà thờ Mằng Lăng
    Đến Tuy Hòa, nơi có nhiều thắng cảnh biển, núi, là vựa lúa của Phú Yên hôm nay, chiêm ngưỡng những vết tích của hình xưa bóng cũ từ mấy thế kỷ trước, như thấy năm tháng trôi thật nhanh trên lịch sử một miền đất…
    ANH VIỆT

    Một dịp ghé thăm Tuy Hòa

    Có dịp, đại gia đình chúng tôi tề tựu, sum vầy và rất tình cờ, chúng tôi quyết định làm một chuyến ngao du sơn thủy Tuy Hòa, Phú Yên.
    Trong chuyến lữ hành ngắn ấy, chúng tôi tranh thủ tham quan nhiều nơi được xem là tiêu biểu của Tuy Hòa.
    Vượt qua đèo Cổ Mã (Vạn Ninh) và đèo Cả từ Khánh Hòa ra, đoàn có dịp tận mắt ngắm nhìn nét đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên ngay trên đoạn đường đi. Lữ khách phóng tầm mắt qua khung cửa sổ xe nhỏ hẹp, ngắm nhìn đại dương bao la, xanh ngát ôm lấy chân đèo, thấp thoáng phía đằng xa là bãi cát trắng mịn màng phơi mình bên dòng nước xanh trong... Càng lên cao trên đỉnh đèo, khung cảnh càng rộng mở, bao quát hơn. Nước non, mây trời hữu tình, thơ mộng.
    Cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên bên chân đèo trôi nhanh khi đoàn dần tiếp cận hình ảnh tiêu biểu đầu tiên của Đông Hòa: núi Đá Bia sừng sững gắn liền với câu thơ nổi tiếng của người thầy, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Huyền Ân trong "Chuyến đi dài": "Đá Bia còn nguyên nét triện người xưa...".
    Nhập mô tả cho ảnh
    Ảnh minh họa.
    "Nét triện" ấy vẫn luôn mãi trường tồn theo năm tháng, gắn liền lịch sử hơn 500 năm nay. "Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Champa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này".
    Đá Bia, còn được biết với cái tên mỹ miều khác "Thạch Bi Sơn", mà trong năm 2008 vừa qua, thắng cảnh độc nhất vô nhị này được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.
    Vượt qua ngọn núi Đá Bia cao ngất (706m) với nhiều giai thoại, truyền thuyết đó, chúng tôi thẳng tiến về Tuy An, tham quan gành Đá Đĩa - một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất" của Phú Yên. Các lớp đá đen loang lổ, hình trụ xếp chồng lên nhau, có trụ xiên xiên vẹo vẹo... tạo nên nét đẹp rất riêng và thú vị của gành Đá Đĩa.
    Ứng khẩu đọc ngay khi ngắm cảnh đẹp này, Dì Tư đã cho chúng tôi một trận cười không ngớt. Có lẽ những âm thanh của sóng vỗ đầu gành, tiếng giầy của lữ khách cuốc trên đá, tiếng lách cách liên miên của các "phó nháy" đua nhau ghi lại hình ảnh đẹp của thiên nhiên kỳ vỹ đó đã lưu hết trong bài thơ tứ tuyệt của chị với giọng điệu hóm hỉnh, dí dỏm đã cho đoàn tham quan của chúng tôi một trận cười giòn tan, đã đời mà giờ nhớ lại... vẫn còn thấy vui làm sao. Bài thơ ứng khẩu đọc ngay, sau đó nó được bình và gắn với cái tên mỹ miều "Âm vang trong thi từ của Dì Tư", được ghi lại như sau:
    Đá đĩa một chiều ta ghé thăm
    Xa xa tiếng sóng vỗ "rầm rầm"
    Cuốc lên tiếng đá nghe "độp độp"
    Phó nháy năng tay bấm "bằm bằm"...
    Bài thơ chỉnh chu về luật và vần lắm nên anh/chị em trong đoàn mới thấy cái tài "ứng khẩu" hài hước độc đáo đó mà lấy làm vui vô cùng.
    Rời gành Đá Đĩa, cùng huyện Tuy An, thuận đường chúng tôi ghé đến chân đèo Quán Cau quanh co để tận mắt chứng kiến cái độc đáo, ngắm nét "thản nhiên", yên bình của mặt nước đầm Ô Loan mà ca dao ngàn đời còn ghi:
    "Lẻ loi như cụm Núi Sầm
    Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan"
    Nhập mô tả cho ảnh
    Ảnh minh họa.
    Rời đèo Quán Cau, chúng tôi thẳng tiến về Tuy Hòa, ghé thăm Núi Nhạn (còn gọi là núi Bảo Tháp) nằm bên hữu ngạn sông Đà Rằng xanh biếc. Lên viếng tháp Chăm cổ trên đỉnh núi, phóng hết tầm mắt, ta có thể thấy bao quát một vùng non nước Phú Yên, nhìn về cửa biển của Tuy Hòa với ánh đèn xanh, vàng, đỏ... về đêm càng làm cho thành thêm lung linh, huyền ảo.
    Thời gian ngắn ngủi nên chúng tôi đành chia tay Tuy Hòa vào sáng hôm sau mà cảnh đẹp non nước nơi nầy cứ thấp thoáng xa dần... Tuy nhiên, hình ảnh kỳ thú của gành Đá Đĩa đó đã được vội chép lại thành những câu thơ nhỏ ngay trong đêm (thể theo câu đầu của "Âm vang trong thi từ của Dì Tư") như một kỷ niệm vui với Tuy Hòa.
    GÀNH ĐÁ ĐĨA
    Đá đĩa một chiều ta ghé thăm
    Du dương tiếng sóng gọi thì thầm
    Bao la non nước hữu tình đó
    Chở cả lời thơ lữ khách thăm
    Đá Đĩa một chiều ta đến đây
    Non xanh nước biếc sóng vơi đầy
    Đá chồng lớp lớp tròn như đĩa
    Tạo hóa ban chi cảnh trí này?!!!
    Đá Đĩa một lần ta ghé qua
    Một lần lưu kỷ niệm đậm đà
    Đá Bia, Núi Nhạn, Ô Loan cảnh...
    Nét đẹp Tuy Hòa, thấp thoáng xa...
    Mỗi cảnh non sông, mỗi cảnh tình
    "Một vùng non nước quỳnh-giao" xinh
    Càng yêu nét đẹp hồn quê Việt
    Càng thấy bao la mỗi bình minh.
    (NĐK - Phương Phương, dịp Thanh Minh - Giáp Ngọ,
    Một ngày rong chơi Tuy Hòa, Phú Yên cùng đại gia đình) 
    Bài viết xin được gửi tặng thầy T. H. Ân (tác giả bài thơ: "Chuyến đi dài" in trên Quốc văn Toàn thư lớp Nhất), các anh/chị em trong đoàn tham quan hôm ấy (5/4/2014), cũng dành tặng cho tất cả những anh/chị em, bà con quê Phú Yên mến thương.Độc giả Đăng Khoa

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét