Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Về Diễn Châu tìm lại truyền thuyết An Dương Vương


Theo những người già trong vùng kể lại thì núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công sinh sống, thế núi Mộ Dạ đứng xa trông cũng giống hình con công (hoặc con hạc) khổng lồ đang múa, đuôi xòe ra đến làng La Vân, hai cánh dang rộng tới những dãy núi trập trùng, đầu công chính là nơi ngôi đền thờ An Dương Vương tọa lạc. Vì thế người dân quen gọi đền là đền Công, tiếng địa phương là đền Cuông. Đền được kiến trúc theo kiểu chữ “Tam”. Tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong. Cổng giữa có ba lầu, chằng chịt rễ cây si đeo bám khiến cho cảnh trí càng thêm u tịch. Đền gồm ba tòa nhà là thượng, trung và hạ điện, xung quanh có tường bao bọc cùng với nhiều cây cổ thụ um tùm, xanh tốt. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm tám mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc bốn mái, đầu đao cong vút. Thượng điện đặt ban thờ An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý như trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ.
Cổng đền Cuông
Đền Cuông đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, được thiết kế phù hợp với thiên nhiên miền Trung nhiều mưa bão. Các công trình của đền đều đồ sộ, cột lớn, tường dày vững chãi nhưng nhờ các chi tiết, hoa văn được chạm đắp tinh tế nên vẫn toát lên vẻ đẹp thanh thoát. Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí đẹp, hữu tình. Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ. Ở phía Bắc chân núi là cửa biển Tư Hiền gắn với câu chuyện về công chúa Mỵ Châu và truyền thuyết ngọc trai. Năm 208 TCN, Thục đế An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân tấn công bất ngờ nên phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại cửa biển Tư Hiền. Để tưởng nhớ vua Thục, người đã có công cùng nhân dân đánh Tần chống Triệu, người dân Diễn Châu đã lập đền thờ ở đỉnh núi Mộ Dạ và hằng năm tổ chức lễ hội vào mùa xuân (từ ngày 12 đến 15-2 Âm lịch).
Đền Cuông nhìn từ trên xuống
Lễ hội đền Cuông cũng là dịp để du khách phương xa thăm các danh lam thắng cảnh trên địa bàn Diễn Châu, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm như biển Diễn Thành, đập Xuân Dương, chùa Cổ Am, hồ Linh Sơn, hang động và núi Hai Vai soi bóng dưới sông xuống dòng sông Bùng thơ mộng…

Hạ điện
Điện điện
Trung điện
Hưng Nguyên
Về Nghệ An nhớ ghé Đền Cuông
PNCN - Đền Cuông nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 30km về phía Bắc, được xây dựng trên lưng chừng núi Mộ Dạ, là đền thờ An Dương Vương.
    Tài liệu xưa cho rằng, tên Đền Cuông do ngày xưa trên núi Mộ Dạ có nhiều chim công, tiếng địa phương gọi là cuông, từ đó hình thành nên tên Đền Cuông. Truyền thuyết về Đền Cuông thì vô số, nhưng phổ biến nhất có lẽ là câu chuyện về An Dương Vương. Sau khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 TCN). Năm 208 TCN, do mất cảnh giác, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ. 
    Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ngài ở Cửa Hiền. Ở đó còn có ngôi mộ công chúa Mỵ Châu. Chuyện kể rằng, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, có những đốm lửa lập lòe trên sườn núi Mộ Dạ, nhiều người cho đó chính là linh hồn của vua Thục muốn yên ngự trên sườn núi nên đã lập đền thờ và rước linh hồn Ngài về đó thờ phụng.
    Ðền Cuông là một di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên. Kiến trúc đền theo kiểu chữ “Tam”. Thượng điện đặt bàn thờ Thục An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt bàn thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần.
    Đền có ba tòa. Tòa trung điện xây theo kiểu chồng diêm tám mái, còn các tòa khác trong đền đều có kiến trúc bốn mái, đầu đao cong vút. Tòa nào cũng đồ sộ, cột to, thành dày với hoa văn, tứ linh chạm trổ tinh xảo. Trên các cột có nhiều câu đối, thơ đề bằng chữ Hán của các quan lại, danh nho thời trước.
    Đền Cuông nhìn từ phía sau
    Xung quanh Đền Cuông, những ngọn núi, những tảng đá đều mang tên những truyền thuyết, những huyền thoại về Thục An Dương Vương. Tảng đá bàn cờ là nơi Thục An Dương Vương ngồi đánh cờ với Thần Kim Quy. Tảng đá gạo dưới chân núi Mộ Dạ trông như một khối gạo đông lại. Tương truyền từ Cổ Loa vào đến đây, Thục An Dương Vương phát gạo, cho quân sĩ về nhà làm ăn sinh sống. Số gạo còn lại đông thành tảng đá đó. Núi Cờ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Gươm, núi Đầu Cân... mỗi núi mang tên một vật trên mình của Thục An Dương Vương.
    Lễ hội Đền Cuông vào ngày 15/2 hàng năm cũng là một trong những lễ hội nổi tiếng ở nước ta, thu hút người dân khắp nơi về tham gia.
    Đến Đền Cuông, khách không thể bỏ qua một đặc sản chỉ có ở đây, đó là trà lá vung. Dưới chân núi có một gia đình chuyên làm nghề hái lá vung trên núi về phơi khô bán cho khách. Có người cho rằng, lá vung có thể chữa các bệnh như đau dạ dày, cao huyết áp... không biết có đúng không nhưng uống rất ngon.
    Hôm ấy, chúng tôi đến Đền Cuông vào buổi chiều, sau khi tham quan đền chúng tôi ngồi lại quán dưới chân đền để nghe kể về những câu chuyện xưa và thưởng thức chén trà lá vung. Trong buổi chiều mùa hè, vị trà ngon, không khí trong lành, yên ả, Đền Cuông đã để lại trong mỗi người chúng tôi ấn tượng khó quên!
    BÌNH AN

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét