Thành phố Đà Nẵng lâu nay được cả nước biết đến với thương hiệu “thành phố đáng sống”, hay thành phố của những bãi biển dài xanh mướt. Ít ai biết trong lòng thành phố này có một làng Cơ Tu hiền hòa và êm đềm…
Linh hồn của núi rừng
Trong cái gió se se lạnh của buổi sáng sớm những ngày giáp tết, tôi chạy xe ngược từ trung tâm TP.Đà Nẵng mất hơn một giờ đồng hồ để lên tới thôn Tà Làng, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Ở đây bây giờ đường sá đã khang trang lên nhiều, hai bên bạt ngàn rừng keo lai xanh mít mù. Hai thôn này nằm tiếp giáp với xã Ba của huyện Đông Giang (Quảng Nam).
Rất ít nhà gươl còn nguyên bản truyền thống của người Cơ Tu.
Theo số liệu của huyện Hòa Vang: Đồng bào Cơ Tu ở đây có 200 hộ với gần 600 nhân khẩu. Người Cơ Tu ở Đà Nẵng là người Cơ Tu vùng thấp. Họ sống tập trung ở 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Trong kháng chiến chống My, họ sống ẩn tại những khu rừng rậm thuộc huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang (Quảng Nam). Từ khi chiến tranh kết thúc, họ bắt đầu trở về định cư ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) và thôn Tà Làng, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Theo ông Hồ Công - nguyên Chủ tịch huyện Hiên (Quảng Nam) thì người Cơ Tu ở Hòa Phú, Hòa Bắc cũng như người Cơ Tu ở các xã vùng thấp của huyện Hiên như xã Ba, xã Tư đều có cùng gốc gác. Các già làng truyền lại rằng, tổ tiên của họ trước đây ở khu vực Nam Ô - Liên Chiểu (Đà Nẵng), do chiến tranh họ chạy lên các khu rừng ở Quảng Nam để sinh sống. Điều này chứng tỏ tổ tiên người Cơ Tu vùng thấp ngày xa xưa đã sống ở khu vực Đà Nẵng bây giờ.
Gặp già làng của thôn Tà Làng, tôi được giới thiệu tên ông là Trương Lăng Nhơi. Thấy lạ vì đồng bào Cơ Tu thường mang họ A lăng, Briu… Già làng Nhơi cho biết bây giờ chuyển về sống chung với người Kinh nên tên họ cũng thay đổi. Tất cả trẻ em trong thôn đều mang họ mới, không có ai mang theo họ của ông bà nữa. Đồng bào lấy họ của người Kinh để tiện cho con cháu của mình sau này đi học, dễ xin việc làm. Tuy nhiên theo già làng Nhơi, tổ chức xã hội của đồng bào Cơ Tu ở đây cũng không khác gì những người anh em ở vùng cao thuộc dãy Trường Sơn.
Già làng vẫn là thủ lĩnh tinh thần, nhà gươl là trái tim của cả làng - nơi thường diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cộng đồng. Mối quan hệ gia đình và cộng đồng được đánh dấu một cách rõ ràng qua các tập tục, nghi lễ và cả những sinh hoạt hằng ngày. Nhà gươl vẫn là nơi để hội đồng già làng họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng, là nơi để tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng.
Người Cơ Tu lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Làng thường được lập theo hình vòng tròn hoặc hình bầu dục, từng ngôi nhà cận kề nhau, mái nhà có hình mu rùa, ở giữa có một ngôi nhà gươl - người Cơ Tu gọi gươl là ngôi nhà chung.
Nhà gươl của thôn Tà Lang nằm giữa làng, mới được xây dựng cách đây 2 năm với hơn 1.000 ngày công của toàn thể dân làng cộng với sự hỗ trợ của TP. Đà Nẵng. Ở đây các thanh niên trong làng, hay các cụ già vẫn thường xuyên đến ngủ. Tuy nhiên theo già làng Nhơi, phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến nhà gươl vì nhà gươl là chốn linh thiêng, là nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ.
Nguy cơ “hòa tan” văn hóa
Năm 2012, UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã tổ chức lễ hội văn hóa - thể thao Cơ Tu tại thôn Tà Lang. Tất cả những nét đặc sắc nhất về văn hóa của đồng bào Cơ Tu đã được phô bày ở lễ hội này. Trong 3 ngày, bà con không lên rẫy, trẻ con ở làng cũng tạm nghỉ học để cùng bố mẹ dự hội làng. Họ vui hội từ sáng tinh mơ và có thể kéo dài đến tận đêm khuya, mang đến lễ hội những nét đặc sắc về văn hóa như biểu diễn cồng chiêng và múa tung tung da dá, hát lý, bắn nỏ, kéo co…
Nằm sát thôn Giàn Bí là thôn Tà Lang cũng đã đánh mất bản sắc của người Cơ Tu. Đồng bào bản làng này nay đã bỏ trang phục truyền thống của mình thay vào đó là những bộ quần áo được mang lên từ dưới xuôi. Sự du nhập văn hóa này đã diễn ra hơn chục năm nay. Anh Trần Văn Vân (30 tuổi) cho biết: “Đồng bào mình không mặc váy khố truyền thống vì không có tiền”. Được biết, giá một bộ quần áo truyền thống của đồng bào Cơ Tu lên tới 500.000 đồng. Đó là những bộ quần áo bình thường, nếu là tốt thì giá có thể cao hơn rất nhiều. Người dân giải thích thêm việc mặc quần áo “Tây” là tiện lợi cho công việc khi đi làm vì bền, giá cả phải chăng...
Và cứ đến tháng 4 hàng năm, đồng bào Cơ Tu nơi đây lại tổ chức lễ hội luân phiên giữa 3 thôn: Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc. Khi đó các già làng uy tín nhất như già Nhơi lại lấy sáo rahêm, kèn par ngong (A sàng) ra biểu diễn cho con cháu nghe.
Các già còn giới thiệu mục đích, ý nghĩa và cách sử dụng từng loại nhạc cụ… “Tuy nhiên bây giờ lớp trẻ ít đứa biết sử dụng nhạc cụ của cha ông. Các loại nhạc nước ngoài đã ngấm vào đầu chúng (thanh niên) hết rồi” - già Nhơi than thở.
Các luật, tập tục cổ xưa của đồng bào Cơ Tu vẫn được các già làng phổ biến cho con cháu như cấm không cho ai đốt phá rừng đầu nguồn. Nếu ai phá rừng đầu nguồn phải chịu một khoản chi phí cho làng cúng, ít nhất phải có một con heo to, một con dê và gộc rượu.
Ngoài ra, nếu phá cây ch'păr (cây dùng để bắt chim), bọng ong mật (ư'măl), phá đoạn sông ngăn để bắt cá (viêr), hộc nước chủ thường nuôi cá (clong)... thì trong gia đình tự đề ra những hình thức phạt như: Đền bù theo kiểu vật trả vật, phá cái gì trả lại cái đó; nếu không có thì trả bằng dụng cụ sản xuất hoặc sản vật: Rựa, rìu, gạo nếp... Tuy nhiên bây giờ ít ai làm theo các luật này nữa rồi. Đã có nhiều thanh niên Cơ Tu thông thạo rừng dẫn người Kinh vào rừng sâu để đốn cây kiếm tiền. Thấy mà buồn lắm, già Nhơi nói.
Ngồi nói chuyện cả buổi, đến bữa cơm trưa, anh con trai của già Nhơi săn được con sóc hơn 1kg nướng lên thơm nức mũi. Mấy nhà đồng bào bên cạnh thấy nhà báo đến cũng xuống suối đá bắt cá niêng, ếch núi, hái rau rừng về làm món ăn chuẩn bị đón tiếp tự bao giờ. Vừa nâng ly rượu vừa nghe già Nhơi kể câu chuyện về sự hòa nhập văn hóa của đồng bào nơi đây mà cười ra nước mắt: “Có hôm, thanh niên Cơ Tu trong làng đi xe máy chở 3 không đội mũ bảo hiểm.
Ra tới đường bê tông bị “cán bộ” (công an) bắt. “Cán bộ” hỏi không biết luật hay sao mà lại đi xe máy chở 3. Mấy anh thanh niên này trả lời: Nhà ai cũng nghèo không có tiền, 3 nhà chung tiền mua một cái xe. Theo luật người Kinh, 2 người đi xe, thế 1 người đi bộ à?”. Kể tới đây giọng già Nhơi bỗng chùng xuống.
Anh Phan Văn Điểu (trú thôn Tà Làng, Hòa Bắc) nói: Với sự hỗ trợ của thành phố, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu ở đây đã có nhiều thay đổi, xe máy, TV… và những ngôi nhà xây dần thay thế những ngôi nhà sàn, mái lá truyền thống. Tuy nhiên theo anh Điểu thì đã có sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa truyền thống ngày càng thể hiện rõ nét nơi đây. Chính như nhà gươl, “ngôi nhà chung” của đồng bào cũng không còn nguyên bản. Hầu hết được bê tông hóa.
Những già làng lớn tuổi đều cố gắng bảo tồn được văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Đó là những gì còn lại của một tộc người với một bề dày văn hóa đầy đặn trên nhiều phương diện. Nếu sau này lớp già làng lớn tuổi mất đi thì kho tàng văn hóa vốn ít ỏi của đồng bào Cơ Tu nơi đây có nguy cơ bị thất truyền. Hơn nữa, văn hóa Cơ Tu truyền thống bám rễ vào núi rừng. Nếu bảo tồn tốt sẽ giảm thiểu phần lớn nạn phá rừng làm cơ quan chức năng đau đầu lâu nay- anh Điểu cho biết.
Chia tay ra về, già làng Nhơi gửi lời thăm hỏi, chúc tết người Kinh và không quên mời nhà báo tết này lên ăn bữa cơm lúa ba trăng, một loại lúa chỉ có đồng bào Cơ Tu mới trồng. Loại lúa chỉ còn số ít đồng bào nơi đây gieo hạt…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét