Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

"Giò" – món ngon Việt Nam vào mùa xuân


Ngày nay, "Giò" gần như trở thành món gắn liền với bữa thường ngày và dù có thêm nhiều món ăn ngon và hấp dẫn khác được bày trên khay thì "Giò" vẫn không thể thiếu được.
Theo như văn hóa của Việt Nam khay thức ăn vào dịp Tết cổ truyền gồm các món ăn truyền thống như bánh chưng , thịt gà, chả giò ..., và " giò" là một trong những món ngon được nêu tên. Ngày nay, "Giò" gần như trở thành món  gắn liền với bữa thường ngày và dù có thêm nhiều món ăn ngon và hấp dẫn khác được bày trên khay thì "Giò" vẫn  không thể thiếu được.

Giò xào

Giò xào

Trong các loại "Giò", giò xào dễ chuẩn bị nhất nên mỗi dịp Tết đến xuân về mọi người hay làm món này. Nguyên liệu chính từ các bộ phận của lợn như: tai, lưỡi, mũi, má  và "mộc nhĩ”. Các nguyên  liệu này phải được chế biến kĩ, chần qua nước nóng đun sôi, thái miếng nhỏ, ướp với gia vị, hạt tiêu rồi mới xào lên.

Sau khi gói xong giò cần cho vào tủ lạnh bảo quản để ngấm nguyên liệu với nhau. Miếng giò  ngon phải được gói  cẩn thận, nguyên liệu ướp không quá khô và các món ăn sẽ toát lên mùi vị hương thơm của  gia vị.


Giò bò

Giò bò

Cũng được chế biến tương tự như giò xào, giò bò được thêm nhiều chất béo hơn nên khi ướp nguyên liệu tránh để khô. Khi xắt nhỏ miếng giò có chút màu hồng nhạt giống với màu thịt bò. Đặc biệt, vị cay và hương thơm của hạt tiêu là đặc trưng điển hình của giò bò.


Giò lụa

Giò lụa

Thịt lợn được chọn để làm phải là phần thịt nạc, ngon và tươi, phần thịt ngon. Ngày nay, thịt được xay bằng máy giúp cho quá trình chế biến nhanh hơn và tiết kiệm nhân lực.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chế biến giò bằng máy và làm theo cách truyền thống đó là phương pháp chế biến truyền thống  giữ nguyên được hương vị thơm ngon  bởi khi đó con người phải mất nhiều công sức hơn và chăm lo tới chất lượng sản phẩm hơn.

Nước mắm dung với giò lụa cũng phải pha chế hương vị  thơm ngon. Khi xắt  ra thấy miếng giò có màu trắng ngà và trên bề mặt có một số lỗ nhỏ thì chắc chắn miếng giò này rất ngon.

Giò bì

Thịt  lợn và bì lợn là đặc sản nổi tiếng của Phố Xuôi (tỉnh Hưng Yên). Món giò bì được làm từ thịt lợn và bì  lợn thái nhỏ, sau đó gói thành những chiếc giò bé bằng ngón tay. Những miếng thịt phải trắng, sạch sau đó được đun sôi, cắt lát nhỏ và trộn lẫn với phần thịt chưa nấu chin,sự kết hợp giữa thịt lợn và bì dán tạo nên món ăn tuyệt hảo.  Miếng giò bì được dán giòn sần sật.

Đến với Việt Nam , một khi đã nếm thử các loại "Giò" thì chắc chắn bạn không thể quên được  vị ngon và hương thơm của chúng.

Chuyện lạ ở xứ nuôi gà khổng lồ


(VTC News) - Bịch, bịch… những bước chân nặng nề, lịch bịch nện thồm thộp trên nền đất ngỡ như con trẻ chạy nhẩy lò cò hay đánh bi đánh đáo khiến tôi giật mình ngoảnh lại. 

Lũ gà trống con nào con nấy to cỡ dăm cân rưỡi đến trên sáu cân, mào đỏ cục, thân mình trùng trục những thịt là thịt đang lật đật chạy về đón những hạt ngô, thóc vừa tãi ra từ tay ông chủ… Có lẽ chúng là những con gà khổng lồ của xứ Việt này.

Khắp đất Việt Nam có lẽ gà Hồ xứng đáng với danh hiệu đệ nhất đô vật bởi trọng lượng đáng kinh ngạc của chúng. Giống gà này do dân làng Hồ (Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) nuôi gắn liền với tục lệ thi gà luộc vào ngày mồng bốn tháng giêng, trong lễ “khao trầu”. 

Lệ làng, dân Lạc Thổ được chia ra các giáp. Trong mỗi giáp sẽ họp bàn, quyết định chấm xem bao nhiêu người được nuôi gà trống thờ khao trầu. Người được chọn phải rất mát tay chăn nuôi, tính tình cẩn thận đến tỉ mỉ và quan trọng là đạo đức thuộc hàng sáng không một tì vết. 

Chuyện lạ ở xứ nuôi gà khổng lồ
Gà khổng lồ ở Đông Hồ. 

Thế nên ai được làng giáp “chấm” để nuôi gà lễ đều coi đó là một vinh dự cực lớn. Lễ khao trầu diễn ra tưng bừng, sáng mồng bốn người người nô nức vòng trong, vòng ngoài đen đặc xem cảnh những cụ ông phơ phơ râu bạc, cân gà đã luộc chín xem gà giáp nào nặng nhất để mà lĩnh thưởng. Phần thưởng nhỏ thôi nhưng ý nghĩa tinh thần của nó cực lớn khiến cho giáp nào giáp nấy đều háo hức, bộn rộn cả năm trời chăm sóc đàn gà cưng của mình theo những phương cách bí mật nhất. 

Tương truyền có những con gà Hồ khi còn sống nặng tới 7-8 kg, tức bằng hai con ngỗng lớn. Không chỉ nổi tiếng là giống vật to, đẹp một cách thanh nhã đã đi vào dòng tranh Đông Hồ mà gà Hồ thịt còn rất thơm, ngon, đậm, thường dùng làm quà biếu cho những nơi ân tình. 

Ông Nguyễn Đăng Chung - Hội trưởng Hội gà Hồ kể chuyện ngày xưa, các cụ nuôi gà Hồ bằng bí kíp cơm nóng nghiền cùng cám xay, nặn cỡ ngón tay rồi nhồi cho gà như các bà phe phẩy vẫn nhồi ngan, nhồi vịt ăn bánh đúc trước khi đến cổng chợ vậy. Loại hỗn hợp nóng sốt và giàu dinh dưỡng trên sẽ giúp cho gà tiêu hóa rất nhanh, cái mề chẳng mất mấy thời gian co bóp đồng hóa thức ăn, khiến cho trọng lượng gà chẳng mấy chốc hóa khổng lồ đến ngoại cỡ trong họ hàng nhà hai chân. 

Chuyện lạ ở xứ nuôi gà khổng lồ
 

Giờ đây, chẳng biết do giống gà đã thoái hóa hay không còn ai nhồi kiểu này nên con gà kỷ lục mà ông Nguyễn Đăng Chung nuôi được cũng chỉ cỡ 6,5kg. Để vỗ đạt đến trọng lượng lý tưởng ấy, ông phải mất cỡ 2-3 năm nuôi theo dạng thả vườn và nhất là chỉ cho ăn thóc, ngô chứ tuyệt nhiên không dùng cám công nghiệp thì thịt mới thơm, ngon, giòn sật đúng chất gà Hồ. 

Ông Chung kể” “Gà Hồ do có trọng lượng khác thường nên cách chế biến cũng cầu kỳ. Chúng được làm lông, mổ moi và giàng (tạo dáng bằng các thanh tre buộc lại) theo thế quỳ, bay, phục… luộc trong nồi trăm lít dễ đến hơn nửa giờ mới sôi. Khi nồi luộc sôi được một chốc phải tắt bếp ngâm đến khi gà tự chín để khỏi bị nứt da, xấu dáng, thịt giữ nguyên vị ngọt đậm đà. Con gà lúc ấy đem bày lên bàn thờ gia tiên nom bệ vệ, uy nghi như một con đại bàng đang xòe cánh. 

Ngoài món luộc, gà Hồ còn chế biến được rất nhiều món mà đặc sắc nhất phải kể đến món nem… da gà vô tiền khoáng hậu. Gà Hồ vốn có lớp da rất dày tựa bì lợn, một con gà cỡ trên 5kg lột cũng phải được 1kg da. Da ấy được đem luộc chín, thái con chì nhỏ rồi bóp với thính làm bằng đỗ tương rang, muối, gia vị, lá chanh… làm thành món nem ăn sậm sựt, thơm ngon, rất khoái khẩu và vô cùng tốn rượu. Thịt gà Hồ xào lăn, nấu đông hay đem nấu xáo đều ngon có tiếng. Ngay cả đến bộ xương cùng cổ cánh đem hầm đỗ đen, ngải cứu ăn cũng đặc vị Đông Hồ”. 

Chuyện lạ ở xứ nuôi gà khổng lồ
Gà Đông Hồ lớn hơn hẳn so với giống gà bình thường. 

Trong sân nhà ông Nguyễn Thế Trà - một người cả đời đắm đuối bên những con vật hai chân ngoại cỡ quê mình, tôi mê mải nhìn những con gà khổng lồ, đi đứng lộc ngộc, thỉnh thoảng lại cất cao chiếc cần cổ vĩ đại gáy giọng ồ ồ vang vọng từ đầu làng, cuối xóm. Tiếng gáy có thể làm co rúm những con gà mái hoa mơ đang tuổi ghẹ trống ở nhà hàng xóm. 

Ông Trà bảo, giống gà này 3,8-4kg còn chưa mọc đủ lông, chưa biết ghẹ mái, thịt chưa ngọt nên luộc hãy còn nát. Cứ phải đến cỡ 4,5-5kg mới đúng chất gà Hồ. Nói rồi ông vào chuồng bắt cho tôi xem con gà trống giống nặng trên 5,5kg. Đang bị nhốt chồn chân, mỏi cẳng, lại thấy người lạ đến gần lãnh địa nên nó cứ bươi bả trong tay ông lão chực chạy khiến ông mấy phen suýt ngã nhào phải gọi cả con trai xắn tay áo lại phụ giúp. 

Kỷ lục về gà của ông Trà từng nuôi là con đã cắt tiết, làm lông, mổ moi sạch sẽ lòng mề cân móc hàm lên cũng được 5kg tương đương khi cân hơi cỡ gần 7kg. 

Hiện nay, do thị trường của những người sành điệu, lắm tiền, nhiều của rất chuộng chất lượng gà Hồ nên ngay cả chính dân trong vùng cũng ít khi được thưởng thức đặc sản quê mình mà toàn bóp mồm, nhịn miệng để bán cho giới nhà giàu ở Hà Nội. 

Một con gà Hồ bóc trứng giá cỡ 50-60.000đ, một kg gà thịt khoảng năm rưỡi, hai năm tuổi giá từ 200-250.000đ/kg nên một con gà cũng xêm xêm 1,2-1,5 triệu đồng. Ấy vậy mà muốn ăn được thưởng thức một miếng thịt gà Hồ phải đặt từ lúc giêng, hai bởi không có nhiều, có sẵn mà bán. Mỗi con gà, đã có cả “chồng gạch” đặt sẵn từ khi chúng còn chưa nhổ giò, bốc dáng. 

Do thời gian nuôi lâu, cần không gian rộng để cho chúng vẫy vùng cứng gân, chắc thịt nên nuôi một lứa gà Hồ người ta nuôi được tới 3-4 lứa gà thường. Hiệu quả kinh tế thấp, chậm lớn, chỉ có ai máu mê lắm, hoài cổ lắm mới nuôi gà Hồ. Vậy nên, có câu thơ: “Mến yêu Lạc Thổ thì về/ Làng em làm mã có nghề chăn nuôi/ Đất vui nhiều lợi thảnh thơi/ Gà chăn, chim thả, chờ thời mỗi niên”…

Giờ gà Hồ được liệt vào hàng quý hiếm đến mức Viện Chăn nuôi quốc gia phải cử cả chuyên gia bảo tồn về đánh số từng con gà quý để đưa vào dự án bảo tồn duy trì quỹ gen. Buồn thay, tình thế cho con gà gắn liền với dòng tranh dân gian một thời cực thịnh vẫn không sáng sủa lên là mấy. 

Hội gà Hồ năm nào đông vui vài chục người giờ bỏ cuộc chơi gần hết, chỉ còn rơi rớt mươi người quyết giữ nghề tổ. Mỗi hộ có chừng hai, ba chục con giống, dịp Tết cung ứng kịch trần khoảng 100-150 con ra thị trường nên ai không quen, không biết mối không thể có cơ hội tự khoản đãi hay được khoản đãi giống gà biếu cực kỳ quý này. 

Bớt cao cấp hơn gà Hồ là gà Đông Cảo (Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên). Giống gà này cũng nổi tiếng là to nhưng dáng thô hơn hẳn gà Hồ với đặc điểm cực kỳ dễ nhận dạng là chân chúng thấp hơn, vảy xù xì, góc cạnh, riêng cái cẳng chân đã to cỡ bắp tay người lớn. Tuy dáng xấu nhưng thịt gà Đông Cảo cũng thơm ngon, săn chắc không kém gà Hồ là mấy. Thịt gà Đông Cảo vang danh thiên hạ với hai món tủ là xào lăn với ớt và món thịt nấu đông với những miếng da dày mà giòn, sậm sựt chẳng kém bóng bì. 

Chuyện lạ ở xứ nuôi gà khổng lồ
Những chú gà Đông Hồ được những người sành ăn đặt từ khi còn nhỏ xíu. 

Một câu chuyện mà dân ở đây vẫn râm ran truyền tụng đầy tự hào về kích thước con gà của mình rằng vào thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt nhất, làng xóm đào hầm chữ A trú ẩn hết lượt, mọi hoạt động rút vào bí mật. Bỗng một sáng, có ông khách lạ công tác qua đêm ở Đông Cảo chợt nghe thấy tiếng những bước chân rầm rập như duyệt binh. 

“Quái lạ, sao đội dân quân xã nhà tập tành gì mà sớm thế?”. Ông tự hỏi và cố dụi đôi mắt cò cử, kèm nhèm đầy dử, ngóng ra hướng có tiếng động với một lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Thốt nhiên, chỉ thấy một bầy gà Đông Cảo nhà nào quên cài then chuồng, lộc ngộc đang “hành quân” trên con ngõ nhỏ. Chuyện trở thành huyền thoại cho cả làng từ bấy… 

Những con gà như thế nhắc nhớ đến lời của Tả tướng quân Lê Văn Duyệt nói rằng gà có năm cái đức: Văn, Vũ, Dũng, Nghĩa, Tín. Cũng gần thật vậy, nhìn những con gà trống Đông Cảo sải bước trong các khu vườn hay lối xóm một cách bệ vệ , uy nghi đầy hào khí quan võ lại có nét kính lễ của quan văn, nét thư thái của bậc đồ nho tín nghĩa. 

Cùng là giống gà có kích thước ngoại hạng nhưng Đông Cảo khác gà Hồ ở chỗ chúng bớt “quý tộc” hơn, chịu cái tính của con nhà khó, mắn đẻ và có thể nuôi bỗ bã, tốc độ xuất chuồng cũng rút ngắn chỉ bằng phân nửa thậm chí phần ba gà Hồ. Nghề nuôi gà cổ truyền do đó trở nên rất thịnh. 

Ở Đông Tảo luôn có chừng dăm, bảy chục hộ nuôi với quy mô từ ba chục đến cả vài trăm gà trong chuồng, sẵn sàng tung ra một lượng gà đến cả tấn. 

Ông Tạ Đình Hiệu - một hộ nuôi gà gia truyền nghiệm rằng gà mái to quá, đẻ không nhiều, vào ổ dễ vỡ trứng, nuôi con không khéo, gà trống to quá đạp mái cũng yếu nên dân làng có xu hướng chọn tạo gà ngày một… nhỏ hơn. Đời ông của ông Hiệu cỡ gà 7kg không lạ, đời bố ông cỡ gà 6kg rất phổ biến còn bây giờ gà chỉ đạt trung bình loại 5kg.

Anh Đào Đức Thuận - một hộ chuyên nuôi gà thịt dạng thả rông vừa xuất chuồng 100 con cho biết một năm gia đình mình cung ứng cỡ 500 gà thịt ra thị trường. Anh Thuận kể: “Gà nuôi khoảng 6 tháng là đạt cỡ 3,5 kg/con dù chỉ cho ăn toàn ngô, thóc. Mùa cưới hễ có bao nhiêu bị vét hết bấy nhiêu với giá 80.000đ/kg, còn ngày lễ tết mua biếu cỡ 90-100.000đ/kg. Tính ra mỗi con cũng lãi được dăm chục ngàn. Tết này tôi chỉ còn 50-60 con bán thôi”. 

Khác với cách nuôi truyền thống của anh Thuận, nhà anh Nguyễn Trọng Hoan lại nuôi gà Đông Cảo theo phương pháp bán công nghiệp: quây chuồng, cho ăn cám công nghiệp giai đoạn nhỏ rồi sau đó cho ăn ngô, thóc. Mỗi năm nhà anh Hoan xuất bán Tết cỡ 1 tấn gà thịt. Năm ngoái gà được giá, nông sản rẻ nên anh lãi được 30.000đ/kg, năm nay theo trù bị anh chỉ còn lãi cỡ 17.000đ/kg, vị chi một cái Tết anh cũng bỏ túi được ba bốn chục triệu nhờ giống gà độc đáo quê mình.

Hầu như tất cả số gà Đông Cảo được lái đến cất tại chuồng rồi bán ra chợ huyện, chợ tỉnh hay bán cho những người làm quà biếu ở mạn Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

Xứ Đoài

Ăn thử món lạ của đồng bào Sán Dìu


Xahoi - Tại Quảng Ninh, đồng bào dân tộc Sán Dìu hiện đang sinh sống ở một số nơi thuộc các huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hoành Bồ...

Bánh bạc đầu thơm ngon, lạ miệng - Ảnh Halongcoal.com.vn
Bánh bạc đầu thơm ngon, lạ miệng - Ảnh Halongcoal.com.vn
Chúng tôi may mắn được nếm những món ăn độc đáo, hấp dẫn của người Sán Dìu trong những ngày đầu năm mới 2013.
Bánh bạc đầu vừa nặn vừa ăn
Người bán bánh bạc đầu trên 50 tuổi, ngồi ở cổng chợ Hạ Long I không phải là người Sán Dìu. Mọi công thức bánh bà có được nhờ một người Sán Dìu từng bán lâu năm món bánh này trong thành phố truyền lại. Bà cho biết do bánh được phủ ngoài một lớp bột trắng, nên gọi là “bạc đầu” cho dễ nhớ.
Bánh được làm từ bột nếp được xay mịn, nhào dẻo rồi luộc cho đến khi từng khối bột nổi lên trong nồi nước sôi. Nhân bánh gồm có lạc (đậu phộng), vừng (mè) rang thơm, giã nhỏ, trộn đều cùng đường cát trắng.
Ngắt từng miếng bột nhỏ, nặn cho dẹt, nhồi nhân vào giữa, xoa một lớp bột đã được rang chín bên ngoài, thế là có thể ăn ngon lành.
Bà bán hàng luôn tay vừa nặn bánh bạc đầu, vừa gói bánh vào túi cho những người khách mua mang về. Món bánh bạc đầu ăn ngọt man mát, không béo ngậy do chỉ được làm từ bột nếp luộc chín nên người già cũng thích mà trẻ em cũng mê.
Bánh bạc đầu làm đơn giản, ngày tôi 5 tuổi, trong những ngày nhàn rỗi, bà nội tôi cũng hay làm bánh chiêu đãi các cháu. Một ngày năm mới gió thổi vun vút, ngồi quanh bếp lò mà cắn một miếng bánh bạc đầu, thơm mùi đường cát, lạc vừng, thấy được gần gia đình là hạnh phúc lớn lao nhất.
Bánh tày nồng ệp dẻo thơm vị gừng
Tết Dương lịch này tôi may mắn được ăn bánh tày nồng ệp, món ăn truyền thống của người Sán Dìu.
Bánh tày nồng ệp dẻo thơm với cái tên lạ lẫm - Ảnh: Thúy Hằng
Từ nhiều năm nay, những ngày rằm, mồng 1 hay lễ tết, bác tôi thường có thói quen làm bánh này để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Bác nói món bánh có tên vừa dài, vừa lạ được người Sán Dìu làm trong những ngày truyền thống, thờ cúng. Món bánh hình tròn, tượng trưng cho trời, cho con cháu những bài học giá trị của hạt gạo với đời sống của con người.
Để làm bánh tày nồng ệp thì cầu kỳ lắm, bột nếp 7 phần, bột tẻ 3 phần, nước cốt củ gừng, lạc rang giòn tách đôi, đường phên nấu cho chảy, tất cả ngần ấy nguyên liệu được trộn đều với nhau. Cái khéo của người làm bánh là sao cho nước đường phên hòa với bột đến đủ độ dẻo quánh, không khô quá mà cũng không vón cục.
Bột được đổ vào khuôn, dưới lót một lần lá chuối, rồi cho lên xửng hấp. Đến khi lấy chiếc đũa, xiên thử vào khuôn bột mà đầu đũa không bị bột dính nữa thì bánh đã chín. Treo bánh lên cao cho ráo nước, ít nhất ngày hôm sau mới ăn thì bánh rất thơm ngon.
Một chiều đông rét đậm đà, xúm xít quanh gian bếp xem bác tôi đổ bánh tày nồng ệp, háo hức giây phút được cắn thử một miếng bánh cay cay, thơm lừng mùi gừng, tôi đã thấy năm mới sớm về đến cửa...
Bà nội tôi nói đồng bào Sán Dìu ngày nay di cư về thành phố Hạ Long rất đông. Họ ăn mặc như người Kinh, buôn bán hàng hóa, hải sản nhanh nhẹn không kém gì những người bản địa. Đây cũng chính là tộc người ăn Tết Đông Chí (ngày 21.12) hàng năm rất to với món bánh bạc đầu, bánh tày nồng ệp và tục lệ mỗi nhà trồng một giàn bầu, giàn bí (mong con cháu đông đúc như bầu, bí).
Chúng tôi chưa có dịp được trò chuyện cùng một người Sán Dìu chính gốc, nhưng được nếm thử những chiếc bánh của họ trong ngày đầu năm mới, cũng đủ thấy bao nhiêu ý nghĩa họ gửi gắm, ẩn sâu trong món ăn truyền thống!
Theo: iHay

Hàm Rồng - Điểm du lịch hấp dẫn ở Sa Pa


Xahoi - Núi Hàm Rồng nằm phía sau nhà thờ đá Sa Pa đang trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn nhất Vùng Du lịch Sa Pa.

Hàm Rồng là địa danh thu hút du khách ở Sa Pa
Hàm Rồng là địa danh thu hút du khách ở Sa Pa
Từ chân nhà thờ Sa Pa lên đến “sân mây” núi Hàm Rồng có độ cao 1.800 mét so với mực nước biển, chỉ dài hơn một cây số nhưng du khách phải leo bộ gần một giờ đồng hồ mới đến nơi, đây là điểm ngắm cảnh đẹp nhất Sa Pa.
Dọc đường lên Hàm Rồng, du khách sẽ có cơ hội khám phá nhiều cảnh đẹp và loài hoa lạ của miền đất ôn đới Sa Pa. Đặc biệt là vườn hoa phong lan gồm nhiều loài lan quý hiếm của núi rừng Hoàng Liên và vùng núi phía Bắc Việt Nam được di thực về ươm trồng nơi đây.
Vườn hoa mang tên Châu Âu nằm giữa khu vực chính của khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng cũng có khá nhiều loài hoa đẹp và độc đáo của xứ lạnh được di thực từ nước ngoài về trồng thành công ở nơi đây như hoacẩm tú cầu, hoa thạch anh tím, hoa anh đào Nhật Bản... Tới thăm Hàm Rồng vào mùa xuân du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn phong cảnh vườn đào phai cổ thụ 30 – 40 tuổi với những cây đào rêu phong nở hoa rực hồng.
Khu Du lịch sinh thái núi Hàm Rồng có 3 điểm có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Sa Pa được các nghệ sỹ nhiếp ảnh và nhiều du khách chọn là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp khi tới thăm “Thành phố trong sương”. Đó là các điểm: Vườn lan 1, ở đây ngắm toàn cảnh nhà thờ cổ Sa Pa lâu nay được coi là biểu tượng hình ảnh du lịch SaPa chuẩn bị tròn 100 tuổi ẩn mình bên những rặng sa mu đại thụ đẹp như tranh thủy mạc; điểm ngắm cảnh thứ 2, Trạm viễn thông Sa Pa cao gần 2000 mét so với mực nước biển, từ đây du khách có thể ngắm đỉnh núi Phan Si Păng cao 3.143 mét được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”; điểm ngắm cảnh thứ 3 là sân mây núi Hàm Rồng, tại đây vào ngày đẹp trời du khách có cơ hội ngắm nhìn trọn vẹn toàn cảnh “Thành phố trong sương” thơ mộng.
Được biết, đã có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải thưởng quốc gia và quốc tế của các nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh, Hoàng Thế Nhiệm, Minh Lộc, Nguyễn Thọ, Minh Được, Vũ Anh Tuấn, Lê Nguyễn.... được chụp từ khu du lịch sinh thái Hàm Rồng (Sa Pa).
Một số địa danh không thể không nói đến khi lên thăm Hàm Rồng đó là các khu núi đá tự nhiên hình thành cách ngày nay hàng triệu năm được ví như “Tiểu Thạch Lâm” (Trung Quốc), “Tiểu Hạ Long” (Việt Nam).
Khu Du lịch sinh thái Hàm Rồng hiện nay do Công ty Cổ phần du lịch Cao su Hàm Rồng - Sa Pa quản lý; công ty này còn tổ chức chức Lễ hội trên mây Sa Pa vào dịp lễ 30/4 và 1/5 hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước tới thăm quan.
Nếu có dịp lên thăm Sa Pa, mời bạn dành thời gian lên thăm Khu Du lịch sinh thái Hàm Rồng để trực tiếp cảm nhận vẻ đẹp độc đáo và sự hấp dẫn ở đây mà bài viết này chưa miêu tả hết được.

Theo: Báo Lào Cai

Ngon lạ với cá nhồng Phú Quốc


Cá nhồng hầu như sinh sống phổ biến ở các vùng biển của nước ta. Đây là loài có thân dài hình trụ tròn, hai phần đầu và đuôi thót hẹp lại, vảy mịn, dọc theo lưng có những chấm đen, con nhỏ độ 1kg, con lớn cỡ 8-9kg. Cá nhồng nhiều nạc, thịt ngọt đậm. Nhưng không phải cá nhồng sinh sống ở biển nào của nước ta cũng thơm ngon như ở Phú Quốc, nhờ có điều kiện môi trường biển phù hợp với loài này.
Gỏi cá nhồng ăn với bánh tráng cuốn rau sống.
Gỏi cá nhồng ăn với bánh tráng cuốn rau sống.

Cá nhồng có thể kho chung với thịt đùi hay thịt ba chỉ, kho dưa cải, chiên giòn, chiên mắm ớt chanh. Đặc biệt, đến với Phú Quốc, chúng ta không thể bỏ qua món chả và gỏi cá nhồng đặc trưng nơi này.
Để làm món chả, người ta thường chọn những con cá nhồng còn nhỏ, xay nhuyễn, trộn với tiêu sọ, hành băm nhỏ, sau đó mang đi hấp hay chiên. Khi ăn, miếng chả dai dai, bùi béo và khi nhai, những hạt tiêu sọ vỡ ra có vị cay nồng rất hấp dẫn. Chả cá nhồng Phú Quốc cuốn bánh tráng, chấm với nước mắm chua ngọt hay làm bún chả cá thì ngon không nơi nào bằng.
Gỏi cá nhồng là món ăn khoái khẩu của không ít người khi muốn khám phá mùi vị tự nhiên, tươi sống. Để làm món này đòi hỏi người chế biến phải công phu, tinh tế từ khâu lựa chọn cá cho đến nêm, ướp gia vị. Cá chọn làm gỏi phải thật tươi, lọc lấy phi lê, cắt mỏng, rải hành phi và củ hành tây cắt khoanh lên.
Để món này ăn ngon, không thể thiếu nước chấm được pha chế một cách kỳ công. Nước chấm là một hỗn hợp gồm tỏi, ớt, đậu phộng rang giã nhỏ pha với chanh, nước mắm nhĩ và nêm chút đường cho dịu lại. Sau đó vắt chanh vào cá cho chín tái đi rồi cuốn cá với bánh tráng, rau sống. Khi ăn gỏi cá nhai thấy dai, ngọt, nhâm nhi vài ly sẽ ngon miệng hơn.

Theo: Xaluan

(iHay) Cá nhồng mà mang xay nhuyễn, thêm gia vị vào rồi làm món chả thì không còn gì ngon bằng.



Một bữa tôi ra chợ thì nghe mấy người phụ nữ kháo nhau về một món ăn hấp dẫn chế biến từ cá nhồng. Lâu nay, người mua cá nhồng về chỉ có hai cách: con cá lớn, mổ bụng, cho rau hành vào trong rồi nổi lửa nướng; con cá nhỏ, thì chặt khúc 3 - 4cm, cho vào nồi kho mặn.
 Cá nhồng xay nhuyễnCá nhồng xay nhuyễn
Vì vậy, khi nghe giới thiệu về món chả cá nhồng, tôi cũng tò mò mua và thử tài chế biến.
 Các loại gia vị cho vào cáCác loại gia vị cho vào cá
Chọn cá nhồng còn nhỏ, dài 20 - 25cm, to bằng ngón chân cái người lớn, làm sạch bụng, chặt bỏ đầu, đuôi, rửa sạch, rồi cho vào máy xay nhuyễn. Khi xay, nhớ thêm vài miếng thịt ba chỉ để tăng thêm độ béo cho món cá. Tại các chợ, có sẵn máy xay, và nếu khách có yêu cầu bỏ gia vị vào xay chung với cá cũng được đáp ứng ngay.
 Dùng tay dập thành từng miếng để chuẩn bị chiênDùng tay dập thành từng miếng để chuẩn bị chiên
Tuy nhiên, để có được món chả cá nhồng đặc biệt theo ý riêng của mình, thì ta nên tự tay nêm nếm, gia giảm các loại gia vị từ muối, mắm, đường, dầu, tiêu, ớt, hành, tỏi, nén, sả... Đêm các loại gia vị này rửa sạch, giã nhuyễn rồi trộn chung với cá nhồng đã xay.
 Món chả cá nhồng hấp dẫn sau khi chiênMón chả cá nhồng hấp dẫn sau khi chiên
Chả cá nhồng có thể sử dụng để nấu canh chua với khế, chuối chát, măng... Song ngon và hấp dẫn nhất là chiên giòn chấm với mắm ớt. Khi ăn chả cá nhồng có vị thơm nồng khá đặc biệt. Món này cũng cực kỳ khoái khẩu đối với những người thích tụ tập lai rai chiều tối mùa thu đông.
 Món chả cá nhồng thơm nồng, cay cay chấm với mắm
5
Món chả cá nhồng thơm nồng, cay cay chấm với mắm
Bài, ảnhNguyễn Hữu

Về Bến Tre thăm Cồn Phụng

Giống như một ốc đảo xanh nổi trên sông Tiền, Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng nằm trên một cù lao thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang là một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái đối với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi.

Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh. Cồn Phụng lúc đầu chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha.

Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mĩ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là "long", cồn Thới Sơn là "lân", cồn Quy (nằm phía sông Ba Lai) là "quy", và Cồn Phụng (còn gọi là cù lao Đạo Dừa) là "phụng".  Tên Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật vào hồi đầu thế kỉ XX. Khi công trình này đang xây dựng, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim Phụng, nên đặt tên là Cồn Phụng. Ngoài ra, sở dĩ nó còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa là do ông Nguyễn Thành Nam khi đến đây xây chùa Nam Quốc Phật, đã thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hoà bình, sống bằng hoa trái.


Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng là một điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế
mỗi khi có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Thuyền du lịch đưa du khách nước ngoài đến thăm Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh)


Một nếp nhà xưa ở Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh)

Khoảng sân của khu di tích Đạo Dừa với 9 cây cột chạm rồng. (Ảnh: Lê Minh)

Cây cầu khỉ đặc trưng của miền Tây Nam bộ. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Du khách nước ngoài khám phá vẻ thanh bình của những khu vườn trên Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh)

Giải trí với trò câu cá sấu. (Ảnh: Lê Minh)

Khách nước ngoài với những món đồ thủ công mĩ nghệ làm từ cây dừa. (Ảnh: Lê Minh)

Một góc Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh)

Một điểm mà du khách không thể bỏ qua là tham quan khu di tích Đạo Dừa trên diện tích khoảng 1.500m². Hiện di tích này được bảo tồn nguyên kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa - Nguyễn Thành Nam (1909-1990) với khu sân có 9 con rồng; tháp Hòa Bình (cửu trùng đài), nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Tòa tháp có kiến trúc huyền bí bằng những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén và một đỉnh lớn cao chót vót. Trong nhà trưng bày của ông Đạo Dừa còn ghi lại những bức ảnh của ông lúc sinh thời, đến khi ông qua đời...

Nhìn từ xa, ốc đảo Cồn Phụng nhô cao giữa con sông Tiền hiền hòa, điều này mang lại một cảm giác thú vị cho du khách những lúc ngồi trên ghe xuồng thưởng ngoạn cảnh sông nước của miền Tây. Cồn Phụng còn cuốn hút du khách bởi những nét sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây gắn liền với các nghề thủ công được chế tác từ dừa. Du khách có thể đi thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa...

Cồn Phụng như một làng quê miền Tây thu nhỏ của Đồng bằng sông Cửu Long. Du khách có thể khám phá và trải nghiệm nhiều nét độc đáo về văn hoá, tập tục trong đời sống dân dã của người dân xứ dừa Bến Tre. Đất đai ở đây phù sa màu mỡ, cây trái xum xuê. Nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống chủ yếu bằng nghề nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn và một số loài hoa khác. Ngồi trên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức một đặc sản văn hóa nổi tiếng của người miền Tây, đó là đờn ca tài tử.

Đến với Cồn Phụng, sau bữa cơm trưa với những món ăn dân dã mang đậm phong vị ẩm thực vùng sông nước Nam bộ, du khách sẽ được ngả lưng trên những chiếc võng êm ái nhẹ đưa dưới bóng mát của những khu vườn nhãn.

Hiện nay, khu du lịch sinh thái Cồn Phụng đang được đầu tư nâng cấp hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vườn thú hoang dã, làng nghề truyền thống, trùng tu quần thể kiến trúc Đạo Dừa… để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút du khách. Nhờ đó, mỗi năm, Cồn Phụng thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân

Thưởng ngoạn cảnh đẹp đầm Ô Loan (Phú Yên)

Vùng đất Phú Yên vốn nổi tiếng bình yên với núi sông hiền hòa, những cánh đồng xanh màu mỡ, là vựa lúa Nam Trung Bộ. Từ hàng trăm năm nay, Phú Yên còn gắn liền với một danh thắng cấp quốc gia, đó là đầm Ô Loan, đầm nước lợ nằm ở phía Nam thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An.
Nằm ngay dưới chân đèo Quán Cau trên quốc lộ 1A, cách thành phố Tuy Hòa 22km về phía Bắc, đầm Ô Loan hiện ra mênh mông như để thu hết tầm mắt khách đi đường tuyến Bắc -Nam. Đó là bức tranh toàn cảnh đầm, với mặt hồ rộng, từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió, những ruộng mía xanh ngắt trên những dải đồi thấp thoai thoải. Tiếp đó là những bãi cát vàng óng và rừng phi lao chạy dọc theo bờ nước, đây cũng là nơi trú ẩn của các loài chim như: le le, bồ nông, cò, vịt… Sự đa dạng chủng loại này đã tạo ra một quần thể động vật phong phú ở đầm Ô Loan.
Nếu nhìn về hướng núi Từ Bi sẽ thấy một doi đất chảy ra đầm Ô Loan như một con chim hạc vừa giang đôi cánh rộng vừa cúi đầu xuống mặt hồ uống nước. Núi Từ Bi là nhánh nhỏ của đèo Quán Cau, phía dưới có con suối cùng tên chảy ngoằn ngoèo qua các khe núi rồi chảy ra đầm trông rất lạ mắt. Còn trên bản đồ, đầm Ô Loan lại giống như con thiên nga đang thong thả bay.
Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền có diện tích 17,5km2và độ sâu trung bình 1,2 - 1,4m, mùa mưa có thể sâu tới 3m. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Còn nước mặn sẽ chảy vào mỗi khi thủy triều lên vì đầm có một lạch nhỏ thông với biển. Nhờ điều kiện thuận lợi, con nước liên tục lưu thông, cả nước mặn và nước ngọt nên sản vật ở đầm Ô Loan vô cùng phong phú. Đầu tiên phải kể đến là món đặc sản sò huyết cơm dày thịt, ngọt và thơm. Dưới thời phong kiến, các vua quan thường tới đây thưởng thức món này và ngày nay nó vẫn là món ăn được du khách yêu thích. Rồi món hàu với nhiều cách chế biến khác nhau như: nấu cháo, nấu canh, xào, song có lẽ ngon và hấp dẫn nhất vẫn là món hàu tái và món hàu trộn đậu phộng, cà chua. Tản Đà (1889 - 1939), nhà thơ nổi tiếng sành ăn từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ đã phải khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”. Ngoài ra, đầm Ô Loan còn có món đặc sản là cua huỳnh đế với cái mai màu đỏ hoặc vàng đậm cùng nhiều món đặc sản khác như: tôm rắn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp, cá mú… Đặc biệt, du khách đến đây còn được tận hưởng cái thú thả bè ra giữa đầm trong đêm khuya tĩnh mịch chỉ có tiếng sóng nước, ếch kêu mà thưởng thức những món ngon của đầm Ô Loan. Trong hành trang của du khách mang sẵn gia vị, thức uống và bếp lò nên sò huyết, điệp, sứa, tôm… bắt lên còn tươi rói sẽ được nướng ngay và thuởng thức… Hương thơm khó tả của món nướng bốc lên xen lẫn mùi vị của hương đêm trong đầm nước lợ - thực là một cái thú hiếm có ở trên đời.
Đầm Ô Loan xưa còn là địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng, nơi đây còn có Lễ hội Cầu ngư (hay Lễ cúng cá Ông) của ngư dân quanh đầm thu hút hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống Phú Yên. Sau lễ chính cúng cá Ông cầu mưa thuận gió hòa, mong cuộc sống ấm no sẽ là hát tuồng và các thể loại dân ca truyền thống. Tiếp đó là các cuộc thi tài thể thao, với các nội dung: Đua thuyền chài, đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, bơi lội với nhiều nội dung...
Tham quan đầm Ô Loan mỗi khi bình minh lên hay hoàng hôn xuống, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp kỳ vĩ của đầm trong sắc màu kỳ diệu của mặt trời, rồi ví von như những cánh chim đang vươn cao hay tà áo lụa khổng lồ mềm mại cứ từ từ bay lên cùng trời đất. Và đó cũng là thi hứng để biết bao vần thơ tuyệt bút của nhiều thi sĩ tài hoa được chắp cánh khi đến với danh thắng độc đáo này của vùng đất Phú Yên./.

Theo: Dulichvn

Ô Loan không phải là Loan

Đầm nước xanh lam, hiền hoà dưới chân đèo Quán Cau, luôn gợi tò mò, háo hức cho bao khách sành ăn trong, ngoài nước.
Dam_O_Loan_1
Chính đầm nước lợ Ô Loan – vựa hải sản hào phóng trời ban – góp phần tạo nên sự thống khoái, giàu có, độc đáo lẫn niềm tự hào về sản vật Phú Yên và cả đất Việt. Nói Ô Loan không phải là chim Loan theo điệu Công Tôn Long lại rõ nghĩa hơn “ngựa trắng không phải là ngựa”.
Con sò nhỏ, cái ngon lớn
Nướng sò huyết ngay tại đầm mới tận hưởng hết cái tươi ngon của đặc sản số một cả nước này.
Nướng sò huyết ngay tại đầm mới tận hưởng hết cái tươi ngon của đặc sản số một cả nước này.
“Chưa ăn sò huyết, chưa biết Phú Yên”, là câu nói hãnh diện của dân thích nói “âu cơ” thay vì ô kê. Ruột sò giòn ngọt, hậu beo béo và thơm. Thân sò nhỉnh hơn trái tắc, vỏ màu xám nhạt, đóng rong rêu. Chúng ở chiếu trên sò đại Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Cà Mau. Có lẽ, do giống sò ấy hưởng nhiều phiêu sinh nước xà hai, trong đầm rộng 1.570ha, ba mặt giáp núi, một phía thông ra Biển Đông, sâu trung bình: 1,2 – 1,4m mùa nắng, mùa mưa, theo Địa chí Phú Yên, trang 46, NXB Chính Trị Quốc Gia. Nhờ vậy, đầm lớn thứ hai cả nước này (sau phá Tam Giang) có thể nuôi sống hàng vạn người ở bãi Ngang, thuộc năm xã: An Hiệp, An Cư, An Hoà, An Hải, An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Mùa gió nồm lay động cỏ lau ven đầm chính là lúc con sò mập nhất, khoảng cuối tháng 2 – đầu tháng 3 (*). Lúc này, rong tảo sinh sôi nhiều. Mực nước đầm chỉ bằng 1/3 mùa lũ, nên mò bắt dễ ợt. Cố đợi đêm trăng đầy, khách nhàn du thuê một chiếc thuyền nan – sẵn người chèo – cùng bếp than đước, chai rượu đế Tuy An, dập dềnh. Gắp vài con sò, thả lên bếp than hồng. Chưa đầy một phút, có con đã thè lưỡi như thèm… rượu đến không chịu nổi! Đừng để nó thất vọng!
Tiệp hứng, chị Hằng chăm chút hoá vàng lăn tăn, lung linh cả mặt đầm. Văng vẳng tiếng chim ăn đêm và thật gần làn hơi sương lành lạnh. Nhưng thực khách vẫn không cảm thấy cô đơn. Nhờ thức ngon khéo chiều bạn hiền, nên cuộc đàm luận càng cao hứng. Rượu vơi không hay. Có người đổ oan: chắc bà trăng uống… trộm! Ước chi, có trùm tái Trần Minh, bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng Duyên Hải ở huyện Cần Giờ, TP.HCM xắn tay nâng độ giòn, ngọt tinh nguyên cho một sản vật trời ban!
Thật ra, ở đây có một lệ nhỏ đủ sức cản trở mạnh bạo những du khách nữ thích khám phá. Ông Ngô Phú, 57 tuổi, ba đời sống nghề đầm ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ánh mắt cương quyết nói: “Xuồng làm ăn kiêng đàn bà lạ bước xuống. Cho thêm bạc triệu tôi cũng không chở!” Còn thuyền làm du lịch chuyên nghiệp ở hai đầu Ô Loan đâu có. Cũng vậy nếu có đi thăm Gành Đá Dĩa, bạn phải duy ý chí ngắm đi ngắm lại chục lần, rồi về lại Ô Loan kiếm cái ăn. “Nếu đói, đành hớp nước dừa xiêm, chứ không thấy bán thứ gì ăn cho ra hồn cả”, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Kim Tuấn, dân An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nói.
Mỗi năm đầm vẫn rộng lượng tặng khoảng 20 tấn sò có một không hai, toả đi khắp nơi như một lời “tự tình” sâu lắng. Đặc biệt, những bậc cao niên ở đây cho hay, năm nào mưa bão nhiều thì trúng mùa: sò huyết, cá mú, tôm đất, sứa… do nước nguồn rửa sạch lớp bùn già dưới đáy đầm. Sò Ô Loan giúp những người dân lam lũ như ông Ngô Phú xây nhà ngói, sắm xe máy…
Không chỉ có sò, hương vị thịt các loại cua (cua biển, cua huỳnh đế) và cá mú trong đầm đều chiếu trên.
Cua, cá mú không ô danh Ô Loan
Cua không làm ô danh Ô Loan.
Cua không làm ô danh Ô Loan.
Ông Ngô Phú nhíu mày nhớ lại: mùa mưa, đám ghẹ, sò, hàu trong đầm lần lượt lụi tàn. Riêng tụi cua, cá vẫn chịu được, nhưng thịt chúng không thơm ngọt nữa. Hết mưa, khi nước đầm mặn mà thêm da thịt chúng lại hấp dẫn. Con cua xanh yếm vuông (cái so) lớn khác thường, nặng gần nửa ký so cua Nam bộ cùng dạng, độ tuổi không quá 360g/con. Gạch cua béo bùi nhưng không ngậy, lại thơm riêng. Chấm với chén muối lá é trắng giằm ớt chim xanh, mới đã họng làm sao!
Tương tự, muỗng cháo cá mú đỏ càng mát bụng. Thịt cá ngọt như giọng rao hàng ở Sài Gòn xưa, săn chắc. Da cá beo béo, thanh tao, “tắm” dĩa nước mắm nhỉ cơm than dưới hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hoà, huyện Tuy An) thật xứng cặp. Độ ngọt và mùi thơm ấy có ấn định riêng. Khác hoàn toàn với da thịt đồng loại ở Nha Trang hay ngoài Ba Hòn Đầm, Biển Tây. Và nó cứ ngọ nguậy mãi trong tâm trí người mê rong ruổi. Chính thổ nhưỡng đã vun vén nên lượng phiêu sinh đặc thù, tạo vị riêng cho nhiều sản vật Ô Loan, kể cả những con rất nhẹ ký.
Tôm đất, cá mai “đầm tịch” Ô Loan
Tôm đất những vùng nước lợ, mặn ba miền đều có. Song, cái màu đỏ son và độ chắc ngọt đậm đà của con tôm mới lạ!
Tôm đất những vùng nước lợ, mặn ba miền đều có. Song, cái màu đỏ son và độ chắc ngọt đậm đà của con tôm mới lạ!
Ở một quán nhà sàn trên đầm, phía dưới An Hải, chúng tôi thật bất ngờ với mớ tôm đất nhào lộn tanh tách. Tôm này những vùng nước lợ, mặn ba miền đều có. Song, cái màu đỏ son và độ chắc ngọt đậm đà của con tôm mới lạ! Ánh nắng chói chang của đất Phú chợt dịu mát, khi gặp những cơn gió đầm tung tăng cùng nồi canh chua tôm bốc khói bưng ra! Ngộ ở chỗ, có cả gừng tươi xắt chỉ và nhúm rau răm trong nồi. Có thể, người nấu chu đáo giúp thực khách phòng ngừa chứng cảm nắng, khó tiêu. Riêng “đô” chua, so với tô canh miền Nam, canh hôm ấy chỉ mới chớm chua. Vị chua nhẹ nhàng, kín đáo đến xiêu lòng!
Đồng thời, dĩa gỏi cá mai trắng tươi cũng là tấm mề đay của bản xứ. Đặc biệt, xương cá mềm dẻo nhai ăn luôn. Thân cá múp míp, thịt dịu ngọt. Ăn kiểu mộc là, gắp một con nhỏ tựa cá cơm chấm vào chén mù tạt pha nước tương, rồi bốc hột đậu phộng rang, bứt vài đọt tía tô, húng lủi, miếng cơm dừa… nhai nhẩn nha.
Chính thổ nhưỡng đã vun vén nên lượng phiêu sinh đặc thù, tạo vị riêng cho nhiều sản vật ô loan, kể cả những con rất nhẹ ký.
Thỉnh thoảng bẻ miếng bánh tráng Hoà Đa nghe cái rốp, thêm vui tai. Đưa cay êm thấm! Mùa cá mai từ đầu tháng giêng đến cuối tháng 6 âm lịch, rộ vào khoảng tháng 4. Cuối mùa xương cá cứng hơn, thịt cũng lạt hẳn. Cá mai biển luôn ốm hơn cá đầm. Cũng có nạn, người ta giăng bắt cá mai biển thả vào vào rộng trong đầm, nuôi công nghiệp để bán được giá hơn. Dạng này, chỉ gạt dân tay mơ. Vì cá bủn và lạt hơn.
Những cái lưỡi tinh tế còn phát hiện ra mùi vị con sò phía Ô Loan đầu An Hải mặn, ít tiết, thịt dai và tanh hơn. Một thổ địa ở đây còn bật mí, vào mùa nghịch, đặc sản hai mảnh vừa kể không đủ cung ứng, nên không ít hàng quán độn sò Sông Cầu. Mặc dù cùng tỉnh, nhưng phẩm vị sò hai nơi như khoảng cách giàu nghèo trong xứ.
Thêm nữa, nhiều người còn công nhận con hàu Ô Loan không thể sánh bằng hàu Gành Đá Dĩa, huyện Sông Cầu. Vậy mà, nhiều tác giả vẫn hê nó lên mây. Bệ đỡ cho những chủ kiến này là mấy vần thơ cũ của Tản Đà (Phú Câu cước cá, Ô Loan biển hàu). Hay bụi thời gian đã làm cho giống hải sản có lợi cho phái mạnh trở lòng đổi dạ?
Hẹn một đêm trăng, chúng tôi sẽ í ới rủ nhau về đây tắm nguyệt – vào mùa sò dậy!
(*) Hàm lượng kẽm, sắt trong 100g ruột sò huyết lần lượt là: 13,4mg, 1,9mg, theo sách Thành phần dinh dưỡng 400 thức ăn thông dụng, trang 278 và 289, của trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, NXB Y Học.
BÀI: NGHI LÂM – ẢNH: NGUYỄN KIM TUẤN
Chú thích ảnh đầu:  Gành Đá Dĩa chỉ để ngắm rồi về.

Vẻ đẹp quyến rủ đình Chu Quyến (Hà Nội)


Thuộc địa phận xã Chu Minh, huyện Ba Vì, đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ, được xây dựng từ thế kỉ XVII, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì và Thủ đô Hà Nội hơn nghìn năm tuổi.
Lâu nay, đình Chu Quyến được mệnh danh là ngôi đình lớn nhất xứ Đoài, thuộc làng Chu Quyến, một ngôi làng hiền hòa nằm ven đê sông Hồng. Đình Chu Quyến thờ Nhã Lang, con cả của Lý Phật Tử (thế kỉ VI) và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang. Đình nhìn về hướng Tây Bắc, phía trước có hồ nước rộng. Đình có nhiều đặc trưng của một ngôi đình truyền thống Việt Nam như mặt bằng hình chữ nhật, cấu trúc bộ khung bằng gỗ, sàn gỗ nhiều cấp... Đồng thời, đình thuộc công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc. 
Về kiến trúc, đình Chu Quyến được thiết kế gồm một tòa đại đình hai gian, ba chái trông sừng sững và bề thế, không có công trình phụ trợ, bổ sung nào. Mái đình xoà rộng lan xuống thấp tạo vẻ bề thế, vững chãi, các đầu đao vút cong lên làm toàn bộ ngôi đình nhẹ nhàng, thanh thoát. Mái lợp ngói ta, bờ nóc gắn hai hàng gạch, tường rộng và dày. Trong đình có sân gỗ, chia làm 3 lớp để phân ngôi thứ vào những ngày việc làng thuở trước. Xung quanh đình có tường gạch che gầm sân, có trổ các ô hình chữ nhật ở hàng lan can gỗ. Gian giữa có gian thờ, có cửa võng chạm trổ công phu hình hoa lá, rồng phượng…
Các bộ phận bằng gỗ trong đình Chu Quyến là những tác phẩm chạm khắc tinh tế với nhiều đề tài phong phú, phản ánh hiện thực cuộc sống mang giá trị nghệ thuật và nghiên cứu. Trên các xà, ván nong, cửa võng đều có chạm trổ hoa văn rồng, phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn chầu ngọc, rồng và người, rồng và hổ, hình chim phượng và đàn con quấn quýt bên nhau. Chủ đề sinh hoạt đời sống thế kỉ XVI - XVII sống động, từ cảnh người dắt voi, uống rượu đến cảnh gảy đàn, hát múa, chọi gà... Đình Chu Quyến hiện còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng (1533 - 1788), Tây Sơn (1778 - 1802), Nguyễn (1802 - 1945) phong thần cho Nhã Lang Vương. Đình Chu Quyến không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa - xã hội của cộng đồng làng xã.
Do xây dựng hàng trăm năm nay, mối mọt làm hư hỏng nặng nên đình Chu Quyến cách đây không lâu đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo, theo “Dự án thực nghiệm tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến”. Nội dung bảo tồn rất tỉ mỉ, trong đó xác định chính xác những tác nhân gây hại để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng tới di tích. Kết hợp sử dụng vật liệu, công nghệ truyền thống với vật liệu, kĩ thuật, công nghệ mới để tăng độ bền vững, sự ổn định lâu dài của di tích, trên cơ sở bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc cùng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, cải thiện môi trường, phục hồi, tôn tạo khung cảnh tổng thể công trình, tương ứng với đặc điểm của di tích.
Công trình sau khi hoàn thành đã được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, ghi nhận thành công trong công tác trùng tu, tôn tạo, trên cơ sở sử dụng kĩ thuật tiên tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện được nét đẹp cổ xưa của ngôi đình hơn 400 năm tuổi./.

Theo: VNP

Quần thể lèn Hai Vai, Nghệ An


Trên Quốc lộ 1A từ ngã ba Thị trấn Diễn Châu ngược về phía Tây theo Quốc lộ 7A 8km, bạn sẽ đặt chân lên khu vực lèn Hai Vai – một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lèn Hai Vai là một khối đá tự nhiên khổng lồ có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Lèn gồm nhiều đỉnh, trong đó có đỉnh chính, ngọn lớn có tên là lèn Hai Vai (Lưỡng Kiên Sơn, hay lèn Dặm) và ngọn nhỏ (Hổ Lĩnh Sơn) nổi hẳn lên giữa cánh đồng mênh mông thuộc địa phận 3 xã: Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng.
Theo sử sách thì lèn Hai Vai được tạo nên sau cuộc chấn động trong lòng đất cách đây hơn 50 triệu năm. Qua bao biến thiên, lèn có diện mạo ổn định như ngày nay. Từ năm 1964 các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở lèn xương người hóa thạch, một số công cụ bằng đá và 7 bình gốm. Phát hiện này chứng tỏ lèn Hai Vai từng là địa bàn có người nguyên thủy sinh sống.
Trước đây lèn có rừng cây rậm rạp với nhiều chim muông, thú rừng. Mùa xuân khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, muôn hoa khoe sắc. Trong cuốn du lịch Đông Dương của một tác giả người Pháp đã xếp lèn Hai Vai là danh thắng đẹp của miền Trung đất Việt. Điều hấp dẫn đó là thấp thoáng dưới tán cây là các hang động có cấu trúc độc đáo với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ. Trong các hang động không khí mát lạnh. Trước kia các nho sỹ vẫn vào đây nghỉ mát, ôn luyện văn chương.
Hướng về phía Đông Nam có hang Thắt Cổ. Hang nằm ở độ cao 30m so với mặt đất. Trong hang có nhiều tảng đá với hình thù kỳ dị. Đặc biệt có khối thanh nhũ  mang hình người tựa lưng vào vách đá, phía trên cổ có vân đá nổi lên, vì vậy hang có tên là hang thắt cổ. Ở độ cao 15m so với mặt đất có hang Đa. Dưới đáy hang có một mạch nước mát không bao giờ cạn. Ngoài ra còn có nhiều hang nữa như hang Khản, hang cô Tú, đặc biệt là hang Gươm sâu thăm thẳm.
Đứng ở mỗi góc độ người ta nhìn lèn bằng các hình dáng khác nhau.Trong tâm tưởng người Diễn Châu người ta coi lèn Hai Vai như biểu tượng có nhiều thần bí. Vùng Lý Trai, Đông Tháp nhìn lèn như tấm bảng đá – vùng này thường có người đỗ đạt cao. Vùng Diễn Đồng, Diễn Thái lắm thóc nên lại thấy lèn Hai Vai có dáng người khổng lồ gánh thóc. Vùng Nho Lâm lắm thợ rèn lại nhìn lèn Hai Vai như một cái đe, vùng Diễn Thịnh, Diễn Trung lắm người cắt thuốc bắc lại thấy lèn giống cái dao cầu. Phía Đông vùng Diễn Hoa phụ nữ thanh lịch lại thấy núi như một cô gái để tóc xõa, vai tròn...

Không chỉ thế núi, dáng sông là nét văn hóa một vùng quê. Lèn Hai Vai là địa danh có nhiều lợi thế. Trước đây ngư dân đi biển còn thiếu phương tiện họ xem lèn như ngọn hải đăng. Mỗi lần xa bờ gặp thời tiết xấu, ngư dân Diễn Châu dùng lèn Hai Vai định hướng để đem thuyền vào bờ.

Tốt gió buồm chạy cánh tiên
Chạy khỏi vùng Vạn thấy lèn Hai Vai
Trên lĩnh vực quân sự, lèn Hai Vai là chiến trường ác liệt của những cuộc giao tranh của hai tập đoàn phong kiến Lê – Mạc, thời Nguyễn, lèn Hai Vai là căn cứ địa khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn. Thời kỳ 1930-1931; 1936-1939 lèn Hai Vai là nơi in ấn tài liệu của Đảng, là nơi tập hợp hợp quần chúng mít tinh biểu tình. Thời kỳ 1939-1945 nơi đây trở thành nơi luyện tập quân sự, dự trữ vũ khí để khởi nghĩa giành chính quyền. Trong những năm cả nước có chiến tranh, lèn Hai Vai dùng làm nơi trú ẩn, nơi cất giấu vũ khí, lương thực, là nơi vọng gác máy bay Mỹ từ ngoài biển... Và hôm nay lèn Hai Vai lại có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất và người Diễn Châu. Người dân trong vùng vẫn xem lèn Hai Vai như một bức tường vững chãi che chắn bão gió triều cường để mọi người yên tâm làm ăn sinh sống.
Hiện nay, quần thể lèn Hai Vai đang được huyện Diễn Châu quan tâm bảo vệ, tôn tạo. Có thể nói với cấu trúc độc đáo đa dạng, cảnh quan nhiều màu sắc, vừa có vẻ đẹp mềm mại, nguyên sơ, thanh thoát, quần thể lèn Hai Vai đã thu hút nhiều du khách đến tham quan. Tại núi Hổ Lĩnh Sơn, ngôi chùa Cổ Am thiêng liêng, cổ kính đã được xây dựng lại nằm trên lưng chừng núi. Cảnh sắc thanh tĩnh, hoang sơ của núi rừng nguyên sinh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của những du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, được đắm mình trong hương hoa, không khí mát lành. Bên cạnh là một tổng thể thiên nhiên kỳ thú thì điều hấp dẫn hơn nữa là lèn Hai Vai gắn với sông Bùng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, là địa danh du lich nổi tiếng mà bất kỳ ai khi đặt chân đến Diễn Châu không thể không biết đến.
Núi sông và tình người đã tạo nên nét duyên dáng, thanh cao cho đất và người Diễn Châu. Mãi mãi  lèn Hai Vai, sông Bùng là niềm tự hào và nơi gửi gắm niềm tin, ước mơ, gửi gắm tình yêu quê với những nỗi buồn vui thăm thẳm của người Diễn Châu. Lèn Hai Vai là biểu tượng về cốt cách, văn hóa, về đạo lý làm người và hầu như đã trở thành máu thịt trong cơ thể, trong tâm thức của người dân Diễn Châu để rồi có đi đâu, về đâu, người Diễn Châu vẫn nhớ về lèn Hai Vai – nơi ấy dáng quê mình với nghĩa tình cao, dài như sông, như núi./.

Theo: Dulichvn

Lạ lẫm cá tro nấu nghệ


Docbao.com.vn
Chỉ mới nghe tên gọi của cá cũng đã thấy lạ lẫm. Nếu được thưởng thức món cá này một lần, chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi.

Đây là loại cá thường sinh sống trên dòng sông Bung, thuộc huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam). Dòng sông này bắt nguồn từ những đỉnh núi cao chót vót của dãy Trường Sơn hùng vĩ chảy qua địa phận H.Đông Giang.

Những người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu cho biết trước đây bà con đã từng bắt được những chú cá nặng 30 - 40kg. Nhiều người lớn tuổi ở Đông Giang cho biết, có thể ban đầu bà con đồng bào gọi đó là cá to, nhưng người Kinh lại "bập bẹ" thành... cá tro.

Gọi riết chết tên cá tro cho đến bây giờ.

Cá tro rất... to

Sau này, dòng sông Bung bị chặn nhiều đoạn để làm thủy điện, nên cá tro không còn, họa hoằn lắm bà con mới bắt được vài chú cá tro nhỏ, tầm 4- 5kg. Thoạt nhìn cá tro rất giống cá chép, cá dưng, nhưng mình dài hơn, da vàng, thịt thơm, béo ngậy. Chính vì vậy, gặp khách quý thì bà con mới để dành đãi đằng mà thôi.

Và cá tro nấu với nghệ tươi giã nhuyễn là món ngon nhất mà bà con vùng cao Đông Giang thường nấu. Đó như là đặc sản của địa phương. Khi ăn, cho cá vào nồi để lửa liu riu, gắp thịt cá rồi cuộn với lá cải chấm mắm ngon không thể diễn tả.

Thực hiện: / Nguồn: iHay.vn




Mang bưởi đi “ấp” gà tre

Docbao.com.vn
Gió sông La Ngà hôm ấy đưa đẩy một mùi thơm rất lạ. Một chút nồng cay lẫn ngọt dịu của thịt gà tre hòa quyện cùng hương bưởi và hơi nước sông Đồng Nai làm lòng người ngất ngây.

"Cha đẻ" của mùi thơm này là chú Năm Huệ ở làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Vốn là nhà vườn thích mày mò thử nghiệm, nên chú Năm đã phát hiện ra tinh dầu tự nhiên từ vỏ bưởi có khả năng khử tanh, giúp thăng hoa hương vị nhiều món thịt, cá chứa lượng đạm cao.

Vỏ bưởi "ấp ủ" gà tre

Thế nên thay vì dùng nồi đất hay nồi đồng, chú lấy vỏ trái bưởi đường lá cam, đặc sản nổi tiếng của Biên Hòa, làm “nồi” cùng vài lá bưởi non xắt nhuyễn rắc lên trên trước khi mang "cả bọn" hấp cách thủy. Đơn giản vậy mà thịt gà thơm ngon khó cưỡng!

Nể phục và đồng cảm, anh chủ quán Hải Hòn Chồng ở Q.3 TP.HCM chế ra món vỏ bưởi “đùm bọc” đôi bồ câu mới “ra ràng”. Thơm ngon gật gù!

Hương thơm của gà và "chiếc nồi" hòa quyện đến ngất ngây - Ảnh: Tạ Tri

Bạn cũng có thể thử nghiệm món ngon tương tự với bồ câu, lươn đồng, gà ác... Tuy nhiên, nếu bồ câu và lươn mang thui sơ sẽ ngon hơn.

Thực hiện: / Nguồn: iHay.vn