Nếu
có dịp về các chợ quê miền Trung, nhất là ở Quảng Ngãi hay Bình Định
vào mùa chuẩn bị thu hoạch mía, bạn sẽ thấy người ta bán từng xâu chim
mía mới làm lông, còn tươi nguyên, thì xin chớ thờ ơ và đừng đắn đo với
túi tiền của mình: Món quà quê ấy rẻ lắm, xứng đáng với chuyến đi dã
ngoại của bạn. Nhưng nếu không thích nấu bếp, xin mời bạn tạt vào quán
nhỏ ven đường. Một túp lều lợp bằng lá mía, bên cạnh một cánh đồng mía
đang ươm mật, khi cơn gió cuối thu dìu dịu thổi tan đi cái nắng gay gắt
của một mùa hè đã qua, bạn có thể tự thưởng thức cho mình một phút thư
giãn trên chiếc chõng tre. Chờ món chim mía rô ti.
Thực
ra món này rất đơn giản, người ta chỉ cần nướng qua những con chim mía
tròn căng, rồi cho chúng vào chảo dầu, không cần ướp bất cứ thứ gia vị
nào. Khi chúng đã vàng ươm trên chảo, tỏa mùi thơm khắp quán, chim được
đặt trên chiếc đĩa sành dân dã, kèm một đĩa muối ớt, rau thơm, thêm chai
rượu trắng. Có cảm giác con chim mía béo ngậy, cắn vào đâu cũng thấy
thơm, thấy ngọt và có chút gì đó phảng phất như cánh đồng mía mùa thu.
“Chim mía” là tên gọi chung cho tất cả những loài chim cư trú trong đám
mía. Ngoài giống chim mía “đích thực” thường nhỏ bé như chim sẻ, ở đồng
mía cũng có nhiều loại chim khác như quốc, giồng giộc, cúm núm, và thi
thoảng có những giống chim lớn hơn cũng làm tổ hoặc ghé qua đây tạm trú.
Người
nông dân lúc mùa nông nhàn rủ nhau đi bắt chim mía về bán. Người ta
dùng lưới giăng và xua chim vào lúc tối trời. Chim bắt được, ngoài số
bán cho các hàng ăn, quán nhậu, người ta còn để dành một ít để phóng
sinh, thả chúng bay về những cánh đồng xanh bất tận, nơi chúng hằng
sống. Ăn món chim mía, người ta không muốn thưởng thức nhiều, sợ mang
tội. Vị ngọt, bùi, béo của con chim nướng hay rô ti dù rất mời gọi nhưng
người thưởng thức lại muốn dừng đúng lúc.
Theo Phụ Nữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét