(Dân Việt) - Thời điểm mà đồng bào người Kinh ở miền xuôi bảo nhau: "Thế là lại sắp tết rồi!" thì giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, người La Hủ đã đồ xôi, mổ lợn, mổ bò, mổ dê, mổ gà... để ăn tết thiêng của cộng đồng mình.
Ngày tết của đồng bào dân tộc La Hủ được tổ chức từ những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch. Bao giờ tết ở các bản cũng được khởi đầu bằng lễ cúng rừng và lễ cúng bản. Lễ cúng rừng là cúng tất cả các vị chư thần từ thần suối, thần sông, thần cỏ cây, hoa lá, chim muông đến thần đại ngàn, thần núi...
Sơn nữ La Hủ rực rỡ váy áo ngày tết.
|
Trong quan niệm cổ sơ của người La Hủ, bất cứ ở chỗ nào cũng có thần linh trú ngụ. Người ta có thể chạm với thần rừng ngay khi rời bậu cửa nhà mình. Người La Hủ không bao giờ phá rừng bởi họ cho rằng rừng là thần bảo mệnh của cả tộc người. Trong lễ cúng rừng trước ngày tết chính, đại diện các gia đình trong bản phải mang đến phiến đá lớn, bằng phẳng trước cửa rừng một con vật bất kỳ do gia đình nuôi được trong năm để dâng lên thánh thần.
Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, vật hiến tế đã kiểm kê xong, già bản hạ lệnh cho phép giết thịt ngay tại cửa rừng. Thủ cấp con bê lớn được giữ nguyên cả lông đặt giữa phiến đá, những con vật hiến tế khác được bày xung quanh, tất cả đều hướng vào trong rừng với một thái độ nghiêm trang, kính cẩn lạ lùng. Sau thủ tục cúng vái, người ta chia ra từng bếp luộc, nấu chín rồi trải lá chuối, lá vả ra ngay bìa rừng mà ăn, mà uống rượu.
Cả bản La Hủ quây quần ăn thịt, uống rượu túy lúy đến tận lúc no say người ta mới bắt đầu nói lên những lời nguyện cầu, lời hứa giữ và bảo vệ rừng. Lời những người đàn ông rắn rỏi cất lên kèm theo những tiếng reo hò của dân bản. Họ thề rằng sẽ không phá rừng, không tiếp tay cho người xấu đốn gỗ nghiến, gỗ lim trên núi đá, không ham tiền bạc để phá hoại thiên nhiên, cướp màu xanh của rừng...
"Người La Hủ ai cũng thành tâm trong tết thề giữ rừng mỗi năm mới có một lần nên những điều bà con cầu thường linh ứng. Những lời thề nghe nguyên sơ thế nhưng kỳ thực rất có tính thời sự đấy..." - người già trong các bản đều nói như vậy. Tiếp sau lễ cúng rừng là lễ cúng bản. Bà con đã chuẩn bị dựng sẵn một chiếc cổng ở đầu bản theo hình thức cổng chào và trồng một cây bồ kết tua tủa gai nhọn ngay bên lối đi để ngăn không cho quỷ, ma xâm nhập bản.
Những tua rua xanh - đỏ, những nan phên bùa chú hình thù kỳ quái được trang trí dọc cổng để hù dọa tà ma. Lễ cúng bản ngày xưa kéo rầm rĩ, hát ầu ơ đưa đẩy suốt 9 ngày, còn bây giờ thực hiện đời sống văn hóa mới nên thu gọn lại trong 1 hoặc 2 ngày. Trong những ngày diễn ra lễ, cấm mọi người ra khỏi bản.
Sau lễ cúng bản, các gia đình sẽ được về nhà mình để làm tết tại gia với những món ăn truyền thống. Thường thì trong đêm giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia một nghi lễ đặc biệt quan trọng. Đó là lễ tưởng nhớ tổ tiên, dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Nhiều dòng họ còn nhắc tới mười mấy đời trong đêm giao thừa này. Và nhất nhất, con cháu phải nhớ ghi như tạc những lời truyền dạy mà tổ tiên để lại...
Minh Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét