Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Về Thất sơn, chơi núi "Bà Đội Om"


 

 

 

 

Động Thiên Thai trên núi Bà Đội Om.
(TBKTSG Online) - Núi “Bà Đội Om” thuộc ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi huyện Tịnh Biên (An Giang), cao chừng 251 mét. Có hai con đường lên núi. Đường ở phía tây chạy ven tỉnh lộ 948, khúc gần núi Cấm, khá dễ đi nhưng hơi xa, từ mí lộ lên đến đỉnh khoảng 4 cây số. Đường ở sườn đông qua khỏi chùa Làng Trái chừng 2 cây số, là đường tắt nhưng lại hơi khó đi.
Chúng tôi chọn đường phía đông. Sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi được hai em học sinh người Khmer là Chau Phi và Chau Thai dẫn đường lên núi, con đường nầy nằm gần trường tiểu học Tân Lợi. Đường lên đỉnh Bà Đội Om khá hiểm trở, nhưng Chau Phi và Chau Thai bước đi thoăn thoắt, thoải mái như dạo chơi xuyên qua những cánh rừng thanh ca cổ thụ xen lẫn cây rừng như mét, trâm, bời lời xanh ngút. Dọc đường, chúng tôi gặp vài nương rẫy trồng su su, bầu bí, rau đậu... Thấp thoáng có một vài ngôi chòi nhỏ nằm khuất giữa màu xanh ngút ngàn hoang sơ, yên tĩnh.
Đi quanh co một đỗi xuyên qua triền núi với vô số những tảng đá “thiên hình vạn trạng” nằm rải rác, ngổn ngang, chúng tôi gặp hai
Giữa hai "Ông Đá Bay".
"Ông Đá Bay”. Đó là hai tảng đá khổng lồ trông hơi giống đầu người. Tương truyền, vào thuở mới tạo sơn, hai ông ở trên đỉnh chen lấn nhau nên bị rơi xuống lưng chừng núi, nhưng trớ trêu sao: hai ông lại vẫn nằm cạnh nhau đến ngày nay và như sẵn sàng xô lấn nhau nên dân gian đặt cho cái tên là “Hai Ông Đá Bay”.
Dọc đường lên đỉnh Bà Đội Om có rất nhiều hang động sâu hun hút, như ở khu vực điện “Vạn Bang Ngũ Thần” có đến hàng mươi hang. Ở đây, ngày xưa là nơi trú ngụ của mấy “vị” cọp rằn, beo gấm, rắn hổ mây, xà niên… Đến nay vẫn chưa ai dám đi sâu vào trong, bởi ở đấy thỉnh thoảng bốc lên những mùi tanh kỳ lạ. Có vài người gan dạ đi vô được một quãng ngắn rồi biến sắc, “thất kinh hồn vía” thối lui lại khi ngửi phải mùi “ám khí” rờn rợn ấy.
Tiếp tục hành trình, Chau Phi và Chau Thai dẫn chúng tôi vượt qua “Dốc Trời”. Đây là quãng đường gai góc nhất! Dù không cao to lắm nhưng chúng tôi cũng phải khom mình “bò” lên từng bậc đá như những nấc thang dựng nghiêng cỡ chừng 80 độ, nghĩa là gần như dựng đứng. Rất may, đoạn đường hiểm hóc nầy khá ngắn, chỉ độ non 20 mét; sau đó bắt đầu thoai thoải trở lại. Chúng tôi vượt qua vài khe suối nhỏ, nước trong vắt, chảy róc rách len qua những mảng đá. Sim, mua, bằng lăng trổ hoa tím ngát rải rác ven đường với vài chú bướm xập xòe bay lượn. Phong cảnh đường rừng trông rất nên thơ, lãng mạn.
Ngôi chùa bỏ hoang trên núi.
Qua một mảng rừng lau phất phơ bông trắng, chúng tôi đến một ngôi chùa hoang, nơi đây vắng vẻ và u tịch. Chau Phi dẫn tôi đến miếu thờ “Bà Đội Om” gần đấy. Một tảng đá to, giống như đầu một người phụ nữ Khmer đội cái “om”. Om là vật dụng bằng sành giống như cái chum, lu nhỏ để đựng nước hoặc gạo, nếp mà người vùng nông thôn Nam bộ thường hay sử dụng. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có một người đàn bà đội om đựng gạo lên núi ngóng trông chồng đi xa lâu về. Đến một ngày kia, người phụ nữ ấy mỏi mòn chết đi và hóa thành đá “đội om” cho đến bây giờ!
Qua khỏi đá Bà Đội Om, lách, vượt lên vài mươi tảng đá, chúng tôi đến một khoảng sân nhỏ mát mẻ. Một hang động có người ở nhưng thường xuyên khóa cửa. Đó là động Thiên Thai - cửa động trông giống như một Yoni bằng  đá khổng lồ. “Ông Tư ở đó”, Chau Phi nói với tôi. Không gặp ông Tư, hai em bé Khmer dẫn chúng tôi viếng nhiều cảnh quan khác ở trên núi như đá Rắn Ngậm Ngọc, Hang Bồng Lai, Miếu Bà Đội, chùa Linh Sơn (chùa hoang).
Chau Phi, Chau Thai và chị Sa Ry trước cửa hang Chằn trên núi Bà Đội Om.
Mỗi năm, hầu như vào các dịp rằm lớn cũng như những ngày cuối tuần, có nhiều đoàn khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng đến hành hương viếng núi Bà Đội Om. Ở phía tây của núi, người ta thường ghé các am, điện như điện Thần Kim Quy, điện Đạt Ma Tổ Sư, điện Cửu Nương, điện Ngọc Đế, điện Cửu Huyền…
Chị Sa Ry, nhà ở dưới chân núi Bà Đội Om, kể: Hồi đó, vùng núi này hoang sơ, hiểm trở lắm. Cỏ cây thâm u, sầm uất, lên núi phải đi vài người và mang gậy theo huơ đập hai bên lối đi để xua đuổi rắn rít. Nghe nói hồi xưa trên núi có “ông cọp” và rắn hổ mây. Lên đây cất nhà, tôi chưa từng gặp cọp beo bao giờ, nhưng cha tôi thì đã từng gặp "họ". Đó là chuyện của mấy chục năm về trước. Bây giờ trên núi chỉ thấy có rất nhiều khỉ và sóc. Đôi khi người ta gặp rắn hổ sơn và trăn mặt võng…”.
Vùng Thất Sơn trong đó có núi Bà Đội Om, với nhiều truyền thuyết, huyền thoại dân gian kỳ bí qua những chuyện kể về Phật, Tiên, các đạo sĩ, những câu chuyện đường rừng về  hùm, beo, sấu, tượng, rắn hổ mây... Những giai thoại ấy đã trở thành quá khứ, ngày nay núi Bà Đội Om là địa chỉ du lịch sinh thái, mạo hiểm hấp dẫn, mới mẻ đối với du khách thích tìm hiểu, khám phá.
Cháo bò Tri Tôn.
Có dịp về Thất Sơn, du khách nên ăn thử món cháo bò cho biết. Riêng chúng tôi đã biết món này khá lâu, mỗi lần đến đây đều tìm ăn chơi. Cháo bò ở đây nấu lỏng vừa ăn. Thịt bò xắt mỏng trụng chín tái cùng với lòng bò đã xử lý mềm. "Lá sách" trắng, “khăn bàn” màu sữa đục vừa giòn vừa dai, miếng phèo nhân nhẩn cùng cọng tủy bò béo múp với miếng phổi mềm mềm thêm vài lát gan, tim thơm ngon, chấm cùng nước mắm ngon, hoà với  vị chua của nước trái trúc - giống như  chanh, có vỏ sần sùi, đây là loại trái làm chua của người dân vùng Bảy Núi. Vị cay nồng của ớt hiểm xanh cùng với hớp cháo có ít gừng băm bốc khói sẽ làm cho người ăn toát mồ hôi sảng khoái.
Có một món ẩm thực hoang dã mới xuất hiện ở đây được các tay sành điệu ưa chuộng là “bò cạp”. Bò cạp to cỡ con dế mèn, mình dẹp, màu đen bóng, càng to hơn thân, đuôi vanh vảnh, trông lạ mắt. Ở Tịnh Biên, Tri Tôn có một số quán nhậu bán món bò cạp chiên bơ trông khá hấp dẫn. Có người cho biết, ăn món này trị được chứng đau khớp, nhức mỏi, đau lưng. Thực hư thế nào không biết, chỉ ghi lại cho bạn đọc nghe chơi.
Bài và ảnh: Đặng Hoàng Thám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét