Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Nét văn hóa đặc sắc của người Khmer


Đối với người Khmer, Lễ hạ thủy ghe ngo là một điều đặc biệt. Mỗi năm, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần để tham gia lễ hội Ok Om Bok, sau đó được đưa lên bờ và bảo quản như cũ. Nó đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, vừa mang tính truyền thống vừa mang yếu tố tâm linh.
Một dịp rất tình cờ, chúng tôi từ Tp.HCM xuống thăm người bạn Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Đối với dân làm báo, được biết đây biết đó, tham gia vào các lễ hội để hiểu rõ về văn hóa và con người của nhiều vùng đất là điều rất thú vị. Người bạn Khmer hỏi chúng tôi: “Các cậu xem đua ghe ngo rồi đúng không? Thế đã biết Lễ hạ thủy ghe ngo chưa?”. Tất cả chúng tôi lắc đầu kèm với chút tò mò hiện trên khuôn mặt mỗi người.

Lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào giữa tháng 10 âm lịch. Trước khi ghe ngo được đưa đi tranh tài ở ngày hội, các bổn sóc và chùa Khmer thường tổ chức lễ cúng đầu ghe (đồng bào Khmer gọi là Pithi Sene Kbal Tuok) để hạ thủy ghe ngo. Ghe ngo được người Khmer xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của sức mạnh phum sóc, luôn được bảo quản rất cẩn thận và được đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong phum sóc. Vì vậy, Lễ hạ thủy ghe ngo có vai trò đặc biệt, thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào yếu tố tâm linh, tin vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của ghe ngo trong những cuộc đua.

Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Chuẩn bị làm Lễ hạ thủy ghe ngo tại chùa Bâng Sa (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer Đầu heo, gà luộc và trái cây là những thứ bắt buộc phải có khi làm lễ cúng hạ thủy ghe ngo.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Trước giờ hạ thủy, các tay bơi tập hợp hai bên lườn ghe để tiến hành nghi lễ hạ thủy truyền thống.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Hát gọi thần bảo vệ ghe ngo, một nghi thức bắt buộc trong lễ hạ thủy.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Trong quá trình làm lễ, cả thầy cúng và chỉ huy đội ghe phải liên tục thắp nhang và trà nước trên bệ thờ và đầu ghe.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Đám rước ghe ngo trước khi chạm nước.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Đông đảo cư dân của phum sóc đến tham dự Lễ hạ thủy ghe ngo tại chùa Sro Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).

Thời điểm và ngày giờ hạ thủy ghe ngo được mỗi bổn sóc quy định riêng, hợp với phong thủy, vật thờ của phum sóc ấy. Tại chùa Sro Lôn (thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), Lễ hạ thủy ghe ngo được bắt đầu vào sáng sớm. Lễ vật chính của buổi lễ là Slath thor làm bằng quả dừa (Slath thor Đôn) hoặc thân cây chuối (Slathor Chek) để cắm nhang và nến. Trước khi buổi lễ được tiến hành, tại vị trí của các tay chèo, thầy cúng sẽ đặt Slath thor dọc theo hai bên ghe. Ở đầu ghe, giữa ghe và mũi ghe đều có chỗ đặt mâm bánh, trái cây, đầu heo hoặc gà vịt tùy theo từng chùa. Vị sư cả của chùa hoặc thành viên ban quản trị đứng ra làm chủ lễ, khấn nguyện vị thần bảo hộ ghe ngo đi theo giúp sức để ghe giành chiến thắng trong các cuộc thi. Lực lượng tham gia thi đấu đứng vòng quanh ghe. Sau đó, vị sư cả sẽ cầm một bình nước có áp mùi thơm của sáp hoa, đi một vòng trên ghe để vẩy nước lành cho các tay bơi, cầu sự bình an và tăng thêm sức mạnh.

Sau nghi thức vẩy nước của vị sư cả cho các tay chèo là phần lễ cúng đầu ghe của thầy cúng. Trước khi tiến hành lễ cúng đầu ghe ngo, thầy cúng sẽ bắt đầu bằng màn thỉnh nhạc và dạo nhạc cúng ghe ngo. Mỗi dàn nhạc lễ ghe ngo gồm từ 5-7 người; dàn nhạc cúng gồm các nhạc cụ Khưm, Cha pây Đon veng, sáo, trống dặm, đàn cò, đàn nhị, cồng... Phải tiến hành dạo nhạc cúng 3 đến 5 lần như thế mới bắt đầu màn hát cúng. Hát cũng sẽ theo trình tự các bước như Sene Kru (cúng Bề trên), Chom riêng berk both Tuk Ngua (Hát mở đầu) và Run Tua (hát theo dàn). Dựa theo vật thờ của từng phum sóc, khi hát xướng, thầy cúng sẽ hát theo biểu tượng ấy. Mỗi buổi Lễ hạ thủy ghe ngo thường kéo dài từ một đến hai tiếng đồng hồ. Khi mọi nghi lễ đã xong, những vận động viên thi đấu sẽ hợp sức đẩy ghe xuống nước để đưa đến nơi thi đấu.


Chiếc ghe ngo của mỗi phum sóc có một biểu tượng sức mạnh riêng. Việc chọn biểu tượng ghe ngo liên quan đến quan niệm truyền thống của từng phum sóc và từng chùa. Biểu tượng ghe chính là đại diện cho quyền uy của chiếc ghe, thể hiện cho sức mạnh của ghe đua. Vì thế, hai bên thân, mũi và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe. Mỗi phum sóc có những biểu tượng khác nhau như Neak (Rồng), Khla (Hổ), Đom Rây (Voi), Reach Cha Sây (Sư Tử), Nàng Tiên Cá… Mỗi ghe ngo sẽ có những vị thần bảo hộ như Srey Khmav, Konseng Sorya, Kontong Khiev, Chontiev Ok, Chon Tiev Tay…

Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer Đưa ghe đi tranh tài sau khi Lễ hạ thủy ở chùa Bâng Sa (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) kết thúc.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Trước khi bước vào tranh tài trong ngày hội đua ghe ngo, các tay chèo thường nhận được sự khích lệ từ những bậc cao tăng.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Sôi nổi và quyết liệt là những yếu tố tạo nên tính hấp dẫn từ các cuộc đua ghe ngo của người Khmer.
Net van hoa dac sac cua nguoi Khmer
Đua ghe ngo trong Lễ hội Ok Om Bok tại tỉnh Sóc Trăng.

Lễ hạ thủy ghe ngo đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của người Khme. Các cư dân của phum sóc tề tựu đông đảo bên chiếc ghe ngo với lòng thành kính, vừa góp phần cổ vũ tinh thần cho các tay chèo phum sóc, vừa cầu mong sự bình an, sức mạnh từ vị thần bảo hộ cho bản thân họ thông qua buổi lễ. Ngày nay, lễ hội Ok Om Bok ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành ngày hội chung của các dân tộc Kinh-Khmer-Hoa-Chăm, mối quan hệ cộng đồng càng được thắt chặt và bền vững./.
Viet Bao.vn (Theo VNP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét