Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Lễ hội làng Kẻ Noi 985 năm tuổi trên đất Hà thành


Người dân các thôn dâng lễ lên đức Thánh Hoàng. (Ảnh: Tâm Trang/Vietnam+)
Cứ 5 năm một lần vào dịp đầu tháng 2 Âm lịch, người dân làng Kẻ Noi, nay là xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, lại tưng bừng chuẩn bị cho ngày lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ đến Hoàng tử hiệu Đông Chinh Vương đã có công xây dựng - bảo vệ dân làng.

Lễ hội 985 năm tuổi

Kẻ Noi là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, nằm sát phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa kia, trải qua nhiều biến thiên với thời gian, dấu xưa vết cũ đã dần mai một nhưng vẫn giữ lại được một lễ hội truyền thống 985 năm tuổi – Lễ hội đình Hoàng.

Được cho là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên đất Hà Thành, hội làng Kẻ Noi bắt đầu được tổ chức từ năm Mậu Thìn 1028, tức năm thứ 19 triều vua Lý Thái Tổ. Cũng vào năm này, làng Kẻ Noi chính thức được đổi tên thành làng Cổ Nhuế và xin được tôn Hoàng tử hiệu Đông Chinh Vương làm thánh hoàng để thờ phụng.

Theo ông Chu Văn Cát, một bậc cao niên trong làng-Phó tiểu ban quản lý di tích lịch sử đình Hoàng, chuyện xưa kể rằng, tháng Tám năm Đinh Mão, niên hiệu Thuận Thiên thứ 18 (1027) thời vua Lý Thái Tổ, Hoàng Vương phụng chiếu vua cha đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Đến tháng Hai năm sau (Mậu Thìn 1028), Hoàng Vương thắng trận trở về, dân làng đứng hai bên đường nghênh đón thành kính.

Sau đó, dân làng Cổ Nhuế được vua xuống chiếu ban cho 1.600 mẫu ruộng và được miễn tô thuế. Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng vương và nàng công chúa thứ tư con vua Lý, tên là Tả Minh Hiến, đã bỏ tiền xây dựng đình Hoàng. Năm 1988, đình cũ bị dời đi để làm con đường Phạm Văn Đồng hiện nay, đình ngày ấy lớn gấp 3-4 lần so với đình bây giờ.

Chiếu theo sử sách, năm nay là năm chính hội và kỷ niệm 985 năm thành lập làng Cổ Nhuế. Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động được tổ chức linh đình như rước kiệu, hát dân ca, quan họ, chọi gà, đánh cờ tướng, thi nấu chè kho, thi thợ may giỏi… trong suốt 3 ngày đêm từ 8-10/2 Âm lịch (19-21/3 Dương lịch).

Rước kiệu Thánh vân du

Hội đình Hoàng được người dân Cổ Nhuế tổ chức hội chính 5 năm một lần với quy mô lớn trên toàn xã, gồm 12 thôn.

Nghi lễ năm nay gồm: Rước kiệu Thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn… Dẫn đầu đoàn rước là đội múa sư tử, múa bồng, trong tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Trên kiệu có cỗ ngai chạm khắc vàng son lộng lẫy tượng trưng cho hình ảnh thánh hoàng cùng mâm lễ vật và đèn nến hương hoa ngũ quả.

Tâm điểm của lễ hội là rước kiệu Thánh vân du. Hành trình của đám rước đi từ đầu làng đến cuối làng, bắt đầu tại đình Hoàng tới chùa Trung Hưng, qua chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, chùa Anh Linh, đi đến đâu dâng lễ đến đấy, sau đó rước Thánh hồi cung.

Dân làng và khách thập phương nô nức kéo nhau theo đám rước, tiếng nói tiếng cười hoà cùng tiếng trống tiếng nhạc.

Ông Chu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, riêng đoàn rước đã lên đến gần 1.000 người chưa kể sự tham gia của những người dân và du khách. Hai bên đường, người dân còn bày lễ vật đèn nhang tiếp nghênh và bái vọng.

Nhân dân trong xã, người dân các nơi lân cận đổ về lễ bái, làm công đức cầu cho một năm sức khỏe dồi dào, công việc thuận buồm xuôi gió đồng thời tích cực tham gia các hoạt động được tổ chức trong lễ hội như: văn nghệ quần chúng, chơi cờ bỏi, cờ tướng, chọi gà…

“Tham gia lễ hội là một nét đẹp văn hóa, tưởng nhớ công ơn của thánh hoàng làng đã có công gây dựng nên xã Cổ Nhuế ngày nay. Lễ hội góp phần giáo dục lớp trẻ lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống ông cha để lại,” bà Vũ Thị Thán, người dân thôn Hoàng 6, tự hào.

Một số hình ảnh tại lễ hội:



Đại diện các thôn dâng lễ vào đình. (Ảnh: Tâm Trang/Vietnam+)


Kiệu lễ long trọng tượng trưng cho đức Thánh. (Ảnh: Tâm Trang/Vietnam+)


Các hoạt động văn nghệ tại lễ hội. (Ảnh: Tâm Trang/Vietnam+)./.

Tâm Trang (Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét