Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Khó tin chuyện đem 'thần thánh' ra bêu nắng

Có lẽ chẳng đâu trên đất Việt lại có một lễ hội đem cả bài long đình bát biểu, bài vị của thần linh ra để “bêu nắng” giữa sân với mục đích giúp cho ngài gần dân, thấu hiểu nỗi khổ hạn hán thiên hạ mà ban mưa xuống như ở đền Mõ…
Ông Phạm Thà, Ban quản lý di tích đã non nửa đời người gắn bó với đền Mõ (xã Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng chẳng hiểu từ bao giờ lại có cái lệ độc đáo đến thế: “Xưa mỗi dịp trời đất đại hạn, ngày 12/2 âm lịch dân xã Ngũ Phúc lại khiêng long đình bát biểu và bài vị của thần thánh từ trong đền Mõ ra trường đảo (nơi lập đàn cầu mưa) phơi nắng để ngài thấu hiểu nỗi khổ hạn hán của trăm dân, rồi tổ chức thi vật cho đám trẻ mục đồng với mục đích cầu đảo. 

Chỉ ngày một, ngày hai cùng lắm ngày thứ ba là trời mưa, không mưa lớn thì mưa nhỏ. Nhiều năm gần đây, khi tập duyệt đội vật trước cửa đền vào ban ngày thì ban đêm đã đổ mưa dù trước đó không hề có dấu hiệu, điềm báo nào. Sau này, Ban tổ chức rút kinh nghiệm chuyển buổi tập duyệt vật về các thôn, không tập ở trước cửa đền nữa để tránh mưa”.

Bị mang ra “phơi nắng” cầu mưa ấy chính là vị phúc thần có tên Quỳnh Trân, rất có công với dân vùng Ngũ Phúc. Bản “Trần Triều A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân thượng đẳng thần ngọc phả lục” được sao lại vào năm Khải Định thứ 9 có ghi đại ý rằng triều Trần, năm 1283 có công chúa Quỳnh Trân sắc như bình bạc, mặt tựa gương báu, thân thể mang vẻ hoa nở, sáng trăng, dung nghi giống như xuân sơn, thu thủy. 

Chán cảnh lá ngọc, cành vàng, nàng ưa ngao du thiên hạ tìm chỗ xuất gia thờ phật. Một buổi từ phủ Thiên Trường (Nam Định) về đến Nghi Dương phủ Kinh Môn nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng thấy mảnh đất hình con nhạn đang bay, núi non, sông nước mênh mông, phong cảnh thanh u cực lạc bèn dừng lại cho lập am, dùng tiếng mõ để tu hành đắc đạo.

Công chúa lập ra điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến làm ăn. Nô bộc ngày càng đông, việc cai quản khó biết đầy đủ. Để điều hành công việc hằng ngày trong cộng đồng nàng đã nghĩ ra cách dùng mõ. Nếu trong ngày hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc.

Nô bộc vâng lệnh, cứ theo hiệu lệnh mõ mà làm. Dân Nghi Dương càng ngày càng đầy đủ, trở thành một làng lớn giàu có. Từ đấy, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ được truyền ngôn. Công chúa cho đắp một gò đất bên chùa để xem thời tiết. 
Khó tin chuyện đem 'thần thánh' ra bêu nắng
Đền và chùa Mõ; Long đình và bát biểu sẽ bị đem ra phơi nắng trong lễ cầu đảo 
Dựng một nhà tại cánh đồng Mõ để làm kho chứa giống má, nông cụ, lại đào một giếng nước mạch rất trong cho người uống giữa buổi nóng nực. Một hôm có đám mục đồng khát quá vào xin nước trong chùa, công chúa bảo chúng bày trò thi vật. 

Bọn trẻ vâng lời vờn tay đấu vật, công chúa cả mừng ban phép trời mưa. Vạn vật thấm nhuần, người người thỏa cơn khát. Mục đồng nhảy múa hát ca, lậy tạ ra về đều xưng tụng công chúa là thiên thánh giáng trần. Từ đó làng đặt ra hội cầu đảo với vô số trò tổ tôm điếm, chọi gà, đánh đu, cờ người và không thể thiếu nghi thức vật trẻ con, diễn lại tích xưa mục đồng xin nước công chúa.

Sách Tam tổ Trúc Lâm ghi ngày mồng 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) Trần Nhân Tông về đến núi Ngọa Vân (Đông Triều) gần Yên Tử, dặn dò thị giả là Pháp Loa mọi việc rồi hóa. Công chúa (Quỳnh Trân - chị của vua) cũng tịch ngày hôm ấy. Từ khi ngài hóa thường linh ứng giúp nước, che chở muôn dân, trừ tai qua nạn khỏi cho nên trải qua các triều đại, vua chúa đều có sắc, cáo, mùa xuân, mùa thu sai quan đến đền tế.

Đền Mõ đến nay vẫn còn giữ 11 bản sắc phong qua các đời mà muộn nhất là bản Khải Định 1924. Chính sử, dã sử đan kết vào nhau, bàng bạc như sương khói quanh huyền tích đền Mõ. 

Chỉ có điều tục xưa phơi nắng thánh thần ngày cầu đảo vẫn còn, hội vật xưa và nay năm nào hầu như cũng mưa như trút ngay hôm trường đảo và thêm một điều kỳ lạ là cây gạo do được chính tay công chúa trồng năm 1284 vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Cây gạo bền mãi ước vọng thóc gạo dồi dào, muôn dân no đủ như thủa Quỳnh Trân sinh thời. Gần vạn mùa trăng trôi, qua bao giông tố bão bùng, nhất là hai trận đại cuồng phong năm 1967, năm 1972 hàng trăm cây đại thụ trong làng, ngoài xã bị đốn gục nhưng cây gạo cổ vẫn sừng sững kiên gan, vẫn bốn mùa chim hót. 

Gỗ gạo có tiếng là giòn mà sức sống của cây này bền bỉ đến mức khó tin. Hai thân cây cao và thấp tượng trưng cho mẫu tử, chiều cao thân mẹ hơn 30 m, đường kính gốc trên 2 m, còn thân con chỉ có đường kính 49 cm.

Người già bảo tôi rằng, đã bao đời rồi, thân cây con vẫn không thay đổi, vẫn nép dưới thân cây mẹ như tìm sự chở che. Họ còn bảo, cây gạo như cũng có hồn, chẳng để đám hoa lá vô thường, tầm gửi leo bám. 

Những ai hiếm hoi đường sinh nở đến sờ vào gốc gạo hay bóc một tí vỏ về làm phép, chẳng sớm thì chày cũng được toại nguyện một đứa con. Cuối xuân cây thắp những tràng hoa đỏ rực như tấm áo cà sa khổng lồ vắt ngang lưng trời, đầu hạ vẽ lên không gian một mảng màu xanh non biếc. Xa cả dặm còn trông thấy rõ. 

Điều kỳ lạ là cái cây phát lộc, phát tán khắp phía, riêng về phía đền chớm mái là cành tự mục gãy xuống sân, không bao giờ phạm vào một viên ngói. Những cành gạo gãy được cụ từ trông đền cất vào một góc riêng, nâng niu như những chứng nhân của lịch sử. 
Khó tin chuyện đem 'thần thánh' ra bêu nắng
Ban thờ Quỳnh Trân công chúa 
Những năm chiến tranh, đền Mõ là nơi các đơn vị ra đa, tên lửa đóng quân. Bóng cây đại thụ rợp nắng một góc trời đã che chắn cho hàng trăm bộ đội trú ẩn mà không dính một mảnh bom, quả đạn.

Năm 2011, Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận cây gạo đền Mõ là Cây Di sản Việt Nam (xếp thứ 65 trong 70 cây được tổ chức này vinh danh và là cây gạo duy nhất trong danh sách). Năm 2012, cây này lại được Trung tâm Xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam với tuổi đời 729 năm.

Đại thụ mộc miên trở thành mốc dấu cho những người con xa làng tìm về, thành “nhân vật” gây niềm cảm hứng bất tận cho thi ca, nhất là bài “Lời cây gạo đền Mõ” của Nguyễn Thông. 

Lời thơ lấp ló một ý thiền, đau đáu một niềm riêng triết lý: “Bao triều đại đã chìm vào quá khứ/ Những đền đài thành quách đã nên rêu/ Cả những bậc quân vương từng ngạo nghễ/ Chẳng để lại gì hơn một nấm cỏ tiêu điều/ Ta sống với nhân dân giữa xanh tươi đồng ruộng/ Bảy, tám trăm năm như chớp mắt, sá gì/ Hoa vẫn nở tháng ba từ dạo ấy/ Thuở Quỳnh Trân công chúa rủ ta đi/ Gốc có vững mới mong dân thờ cúng/ Nén hương thơm, thơm ngát cả bốn mùa/ Trăm trận bão có khi cành tan tác/ Càng thương cụ từ già thao thức suốt đêm khuya”

Theo Dương Đình Tường (NNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét